Ước vọng mùa xuân của những con người cố công hàn gắn phần đời bị đánh rơi sau song sắt

18:00 10/02/2014

Họ đã phạm phải sai lầm và phải trả giá cho những sai lầm đó bằng những năm tháng buồn sau song sắt. Nỗi mặc cảm nhắc nhở tâm trí mỗi ngày và càng thấm thía hơn, thống thiết hơn trong những ngày Tết cổ truyền xa quê hương, gia đình, bè bạn. Nhưng, đó cũng là lúc, lòng khát khao cháy bỏng về một mùa xuân mới gõ cửa cuộc đời họ bừng nở, náo nức cuộn trào trong từng tế bào sống.

Không khí Tết rộn rã

Tôi ghé thăm Trại giam số 5 (Thanh Hóa) vào những ngày đầu xuân, khi những cánh đào đang khẽ bung nở, những ngọn gió xuân từ miền xa xôi nào đó trở về sưởi ấm đất trời sau mùa đông rét mướt, khi nắng đã ngập ngừng rải vàng khắp miền quê yên tĩnh này. Từ cổng trại, đã cảm nhận được không gian rộn rã, tưng bừng của trại, khi từng tốp phạm nhân đang tổng vệ sinh, dọn dẹp, góp tay vào công tác chuẩn bị đón chào năm mới. Dưới sự giám sát của cán bộ quản giáo, các đội vệ sinh quét dọn, đốt rác khu sân trại, kê bàn ghế hay trang trí hội trường. Và chỉ riêng công việc giản dị ấy thôi đã khiến không khí Trại giam số 5 khác xa so với ngày thường. Đường vào phân trại, bên ngoài xưởng lao động, thậm chí cả trước cửa buồng giam của phạm nhân, chỗ nào cũng ngập tràn sắc hoa.

Ở góc sân, nhóm nữ phạm nhân tham gia tỉa cây, cẩn thận lựa chọn những bông hoa tươi tắn, thơm ngát nhất để trang hoàng hội trường lớn. Thi thoảng, vẳng trong gió, tiếng ca hát yêu đời của nữ phạm nhân nào đó vọng lại. Trước khung cảnh xốn xang của đất trời, lòng người cũng chộn rộn, khoáng đạt và dễ bật lên thành những lời ca, điệu hát yêu đời, yêu người. Tiếng hát lảnh lót cứ thế vang lên, sáng bừng cả khu sân rộng ngập nắng.

Ban Giám thị Trại giam số 5 mong muốn những phạm nhân đang thụ án ở đây có được một cái Tết ấm cúng, đầy đủ, xua tan cảm giác lạnh lẽo, tủi hờn của họ, góp phần quan trọng khích lệ tinh thần, hoàn lương của những con người lầm lạc. Bởi vậy, Ban Giám thị quan tâm, cố gắng tổ chức cho những phạm nhân đón Tết sớm, đúng với phong tục Tết cổ truyền Việt Nam. Ở Trại giam số 5, những sản phẩm “cây nhà lá vườn” sạch sẽ, tinh tươm do chính đôi tay lao động, cải tạo của phạm nhân làm ra sẽ được đội bếp chế biến, trở thành những món ăn truyền thống trong mâm cơm tất niên. Lợn trong chuồng, cá dưới ao, rau trong vườn…- tất cả đều dành cho phạm nhân mở tiệc đón chào năm mới. 

Với những cán bộ làm công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân ở Trại giam số 5, Tết chính là khoảng thời gian bận rộn nhất trong năm của họ. Công tác xét duyệt, đánh giá hoạt động cải tạo của phạm nhân trong năm cũ, tổ chức cho người nhà phạm nhân thăm gặp, đoàn tụ, tổ chức các chương trình hoạt động văn nghệ, thể thao… tất cả được tiến hành trong không khí khẩn trương, cẩn thận.

Quy định thăm người thân của trại giam là không quá 24 giờ nhưng mỗi dịp Tết đến, nhà thăm gặp luôn nhộn nhịp bởi những túi quà, những lời thăm hỏi của các gia đình từ tỉnh xa lên thăm con em. Đối với những người cải tạo tốt, những người có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu thốn tình cảm, bao giờ Ban giám thị cũng có những món quà nhỏ để động viên, chia sẻ. Tết năm nào trại cũng chuẩn bị đủ bánh chưng, hoa quả, bánh kẹo và tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao để phạm nhân vui Tết, đón xuân, để động viên, khuyến khích họ cải tạo tốt, sớm đủ điều kiện trở về với gia đình, với cộng đồng.

Với những phạm nhân ở vùng sâu, vùng xa, thời gian này, nhiều gia đình đã lên thăm con em. Món quà mà người thân thường dành cho phạm nhân trong dịp này là bánh kẹo, bánh chưng, giò lụa, thịt gà… Chính vì thế mà dường như Tết trong trại giam thường đến sớm hơn và nó là nỗi mong mỏi, chờ đợi của cả ngàn người đang cố gắng học tập, cải tạo, lao động để mong ngày được trở về ăn Tết cùng gia đình. Ngoài ra, người nhà vẫn không quên mang theo những nhu yếu phẩm cần thiết cho phạm nhân như gói xà phòng, chai dầu gội, hay những món ăn để được lâu dài như muối vừng, lạc rang… chuẩn bị cho những tháng giêng, hai.

Thường, những buổi gặp gỡ ấy tràn ngập nỗi nhớ nhung và nước mắt, bởi lẽ, Tết là dịp con người ta dễ chạnh lòng, yếu đuối nhất khi không được quây quần bên gia đình. Nhưng, đây cũng là thời khắc phạm nhân thấm thía về những sai lầm, tội lỗi của mình, từ đó lòng khao khát cải tạo, mong mỏi sớm được trở về đoàn tụ bên người thân càng trở nên mãnh liệt.

Khoảng 4h chiều, đội bếp sẽ hoàn thiện phần việc của mình, bữa cơm tất niên bắt đầu. Từng mâm cỗ được bê lên, sắp xếp đẹp mắt. Mỗi mâm đều có bánh chưng xanh, dưa hành, thịt đông, cá kho dưa, canh xương khoai tây, thịnh soạn không kém bữa tiệc nào, chỉ khác là không có chén rượu mừng Xuân. Sau bữa cơm đón chào năm mới, sẽ có những tiết mục văn nghệ do chính các phạm nhân biểu diễn, dàn dựng. Ở đây, phạm nhân sẽ không được thức tới 12h đêm đón giao thừa như ngoài xã hội, bởi thế, ban giám thị và cán bộ các phân trại sẽ đến từng buồng giam chúc Tết sớm các phạm nhân. Ngoài chế độ ăn Tết gấp 5 lần ngày thường theo quy định của Nhà nước, Trại giam số 5 còn trích kinh phí để cải thiện bữa ăn, để Tết trong trại giam cũng đủ đầy bánh chưng, thịt lợn, dưa hành. Về vật chất, tết trại giam chẳng thiếu thốn bất cứ thứ gì, cái thiếu nhất đối với mỗi phạm nhân là không khí ấm cúng bên gia đình, người thân.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, phạm nhân không được đón chào năm mới cùng gia đình đi một lẽ, nhưng cán bộ quản giáo cũng chung hoàn cảnh ấy. Những ngày áp Tết, họ tất bật chuẩn bị Tết cho phạm nhân, những ngày trong Tết, họ canh gác, làm tròn nhiệm vụ của mình, không để bất cứ trường hợp đáng tiếc nào xảy ra trong 3 ngày Tết. Sở dĩ, các chiến sĩ cán bộ quản giáo cần tăng cường bảo vệ, quan tâm tới phạm nhân hơn trong dịp Tết, bởi thời điểm nhạy cảm này khiến tâm lý của họ dễ có những xáo trộn, biến đổi, nếu không chấn chỉnh, sát sao, có thể sẽ gây nên những điều đáng tiếc. Tết, cả quản giáo và phạm nhân đều chung nỗi bồi hồi, xúc động và có những khoảng lặng cho riêng mình.

Gói bánh chưng ở trại giam.

Tết lắng đọng

Nụ cười rạng rỡ, giọng nói nhỏ nhẹ trong khi trò chuyện, nhưng khi nhắc đến Tết thì đôi mắt rất đẹp của Trang bắt đầu ngấn lệ. Cô bé khóc vì nhớ nhà, nhớ bạn bè và nhớ cả những chiếc phong bao lì xì ngộ nghĩnh nhận được từ người thân trong họ hàng khi theo mẹ đi chúc Tết.

Trần Thu Trang, cô gái được mệnh danh là “hot girl” bảo đã đón cái Tết đầu tiên trong trại rồi, năm nay là năm thứ 2 cô đón Tết mà không có người thân bên cạnh. Nhắc đến tết, mắt Trang ứa lệ. Cô bé khóc, nước mắt nhòe nhoẹt nhưng gương mặt vẫn rất đẹp. Là con gái duy nhất trong một gia đình thuộc diện trung bình ở huyện ngoại thành Hà Nội, bố mẹ chỉ ở nhà làm ruộng và chăn nuôi song Trang may mắn thừa hưởng những nét đẹp của cả bố và mẹ. Vóc dáng dong dỏng, nước da trắng mịn màng và nhất là gương mặt toát lên sự thông minh, lém lỉnh. Và cũng chính bởi thứ nhan sắc này, Trang đã ở đây, trong trại giam, đón Tết xa gia đình, bè bạn. Ngày đó, Trang học lớp 9 và được rất nhiều bạn khác giới để ý. Điều này dẫn tới sự ghen tỵ, gièm pha của bạn bè, điển hình là mâu thuẫn với cô bạn Nguyễn Ngọc Anh, bạn cùng khối với Trang, kết cục là đã có lần giữa hai cô gái này xảy ra đánh nhau. Sau đó, giữa Trang và Ngọc Anh có một thỏa thuận ngầm không nói ra là không chơi với nhau và cả hai không nói gì về nhau.

Ngày 25/6/2011, Nguyễn Thị Kim Ngân, 19 tuổi, chị họ của Ngọc Anh, nhà ở Gia Lâm, Hà Nội sang Phúc Thọ chơi. Khi hai chị em họ Ngọc Anh và Ngân rủ nhau đi chợ thì tình cờ gặp Trang lúc đó vừa đi chợ về. Thấy dáng vẻ xinh tươi của Trang, Ngân liền hỏi em họ xem đó là ai thì được Ngọc Anh cho biết là bạn cùng trường, trước đó giữa hai người có một lần đánh nhau. Ngân rủ Ngọc Anh đánh Trang để rằn mặt nhưng Ngọc Anh chỉ ậm ừ không quyết vì nghĩ mâu thuẫn giữa hai người cũng đã được giải tỏa. Thấy thế, Ngân liền nhờ một cô gái bán hàng hoa quả trong chợ, dặn khi nào nhìn thấy Trang ra chợ thì nhắn tin cho cô ta.

Vì không biết mục đích của Ngân nên khi được nhờ, cô gái nọ đã vui vẻ nhận lời và ngay chiều hôm đó, khi nhận được tin nhắn của cô bé nọ, Ngân đã giục Ngọc Anh dẫn đường tới nhà Trang. Lúc này Trang đang ngồi gọt hoa quả ăn và xem tivi, nghe tiếng ai đó gọi tên mình liền đi ra. Trang bị Ngân ép lên xe máy đi ra ngoài để giải quyết việc riêng nhưng Trang không đi với lý do: “Không quen thì không đi và có việc gì cứ giải quyết ngay tại đây”. Cậy thế đông người, Ngân giục Ngọc Anh cùng hai cô bạn đi cùng xông vào đánh nhưng chỉ có Ngọc Anh và Ngân đánh Trang còn hai cô bạn kia bỏ đi. Bỗng dưng bị đánh, bị túm tóc, Trang chống cự và con dao gọt hoa quả mà cô bé vô tình bỏ túi mang theo trở thành vũ khí tự vệ. Trang bảo lúc đó trời tối không nhìn rõ nên chỉ thấy có cảm giác đâm vào ai đó còn đâm vào đâu thì cô không nhìn thấy. Cô đâu biết rằng con dao của mình đâm trúng bả vai Ngân trong khi đó Ngân vẫn không có cảm giác đau lắm nên vẫn quấn lấy Trang, túm tóc và đánh.

Nghe tiếng ồn ào ngoài ngõ, anh và em trai Trang liền chạy ra, giải vây cho em gái bằng việc kéo cô em vào nhà. Thấy tay Trang có máu, anh trai cô cứ tưởng em mình bị thương nên đẩy Trang vào nhà vệ sinh, dùng khăn mặt lau rửa. Khi biết em mình không bị thương, sợ Trang ra ngoài sẽ bị trả thù, người anh vội giục cậu em út chạy đi báo Công an rồi khóa trái cửa nhốt Trang trong nhà sau đó ra ngoài xem ai bị thương thì đưa đi cấp cứu. Bắt gặp Ngân đang ngồi dựa lưng vào cổng, anh trai Trang vội dìu cô gái ra ngoài, cùng mọi người đưa đi bệnh viện nhưng việc cấp cứu đã không thành. Ngân thiệt mạng do bị đâm một nhát vào dưới xương đòn trái, vết thương gây thủng phổi làm suy hô hấp và mất máu cấp. Với hành vi trên, Trang bị kết án 6 năm tù giam do phạm tội khi đang độ tuổi vị thành niên còn Ngọc Anh bị tuyên phạt 9 tháng tù cho hưởng án treo vì tội gây rối trật tự công cộng.

Con gái đi tù khi còn quá nhỏ, cha mẹ Trang khóc hết nước mắt. “Lần nào lên thăm em, mẹ cũng khóc, lo lắng nắm tay em, hỏi thăm sức khỏe, dặn dò từng ly từng tý. Mẹ bảo, cải tạo tốt để trở về với bố mẹ. Và mỗi lần gặp gỡ xong, đêm nào về buồng giam em cũng đều mất ngủ”. Nhắc về những người bạn, Trang thật thà: “Bạn em vẫn đều đặn viết thư hỏi thăm, Tết năm ngoái em cũng nhận được thư của các bạn. Đọc thư xong, em không sao ngủ được. Tính ra, nếu như tối đó em không ra gặp thì giờ này em cũng như các bạn, nộp hồ sơ thi đại học rồi. Ngày xưa em mơ ước được thi vào trường luật lắm. Lần đầu tiên đón Tết ở Trại tạm giam Hỏa Lò, em chưa hình dung là mình sẽ ăn Tết như thế nào, Tết trong này có những gì bởi lúc ấy chỉ thấy sợ và nhớ nhà thôi”, Trang kể.

Buồng tạm giam có 12 can phạm đều nhỡ nhỡ tuổi mới lớn, ngày thường chỉ nhìn nhau dè chừng thế mà gần đến Tết bỗng dưng xích lại gần nhau. Người biết dạy kẻ chưa biết, đứa nào cũng thủ sẵn một ít túi nilon, dạy nhau cách gấp nhẫn, gấp vòng tay, con hạc làm quà lì xì và gửi về gia đình. Tối giao thừa, cả buồng 12 đứa trẻ phạm các tội khác nhau, quấn lấy nhau, nước mắt ngắn dài. Khóc chán rồi cả nhóm bảo nhau không ai được khóc, rơi nước mắt sau giao thừa sẽ có một năm xui xẻo. Vậy là gạt nước mắt, gượng cười, gượng vui, cả lũ chúc nhau mạnh khỏe, may mắn và sớm trở về với gia đình rồi tự nhặt những miếng bánh trên mâm mừng tuổi cho nhau.

Trang bảo lần đầu tiên đón một cái Tết lạ lẫm không ở bên gia đình, cô thấy cổ họng nghẹn đắng. Trang nhớ bố mẹ, nhớ bạn bè, nhớ những ngày Tết được cùng mẹ trông nồi bánh chưng, đợi thời khắc giao thừa linh thiêng, ấm cúng, được đi chúc Tết họ hàng”. Những kỉ niệm giản dị, chân chất ấy trở nên quý giá, thiêng liêng đối với cô bé giữa một thế giới hoàn toàn xa lạ và chứa đựng đầy bất trắc. “Ở trại tạm giam thì buồn và nhớ nhà nhưng lên Trại 5 thì tết cũng vui hơn vì được ra ngoài, tham gia vào các trò chơi thế nhưng vẫn nhớ nhà lắm”, Trang kể. Trang ít tuổi nhất nên vì thế cũng được cưng chiều nhất. Cô gọi người này là mẹ, gọi người kia là bác, người nào lớn hơn thì gọi là chị, là cô.

Đêm giao thừa được xem tivi, nghe Chủ tịch nước chúc tết mà mắt ai cũng rưng rưng lệ nhưng không ai dám khóc vì đã giao hẹn trước rồi. Ít tuổi nhất nên Trang được nhiều quà nhất dù chỉ là những lời chúc tụng đầu năm. Ai cũng chúc Trang mạnh khỏe, cải tạo tốt để về với bố mẹ rồi ép cô bé phải hát một bài gọi là mừng tuổi mọi người. Trang bảo cô không hát hay nhưng trước yêu cầu của mọi người nên cũng cố gắng hát thật ngọt, thật trôi chảy để cả buồng cùng vui.

Hỏi về điều ước mùa xuân của mình, Trang cười rất nhẹ, trong veo như đúng lứa tuổi của em, khẽ khàng: “Em ước sớm được trở về, đoàn tụ cùng bố mẹ. Em ước được tiếp tục đến trường, học đại học giống như các bạn khác. Em muốn bắt đầu lại những điều còn dang dở chị ạ”. Gió ùa vào phòng, thổi tung lọn tóc mềm mại của em, không quên mang theo lời ước kia rải đều khắp không gian tràn ngập sức sống mới của mùa xuân đang chạm cửa. Ước vọng được trở về, hòa nhập với cộng đồng không chỉ là ước vọng của riêng Trang, mà còn là ao ước của hàng nghìn phạm nhân đang cải tạo tại đây. Mong rằng, hi vọng của những con người thành tâm hướng thiện đó sẽ sớm trở thành hiện thực trong mùa xuân mới.

Sự cố ngày Tết trong trại giam

Nhắc lại lần đón giao thừa ở bệnh viện trong trạng thái tất bật của người đưa phạm nhân đi đẻ, Thiếu tá Lê Thị Tuyết, Tổ trưởng tổ trinh sát phân trại 4, Trại giam số 5, bảo, chưa có cái Tết nào chị vất vả như thế. Theo chị Tuyết thì chuyện quản giáo đưa phạm nhân đi bệnh viện điều trị, thậm chí đi đẻ là chuyện thường tình nhưng Tết năm đó, cả ba ngày trực Tết, chị phải ba lần đưa phạm nhân đi viện và cũng chừng ấy lần đón những đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời từ tay hộ lý.

Vào nhận ca từ chiều 28 Tết, chị được đồng đội bàn giao một phạm nhân đang nằm dưới bệnh xá của phân trại, chờ sinh nở. Ngay tối đó, phạm nhân nữ trên được đưa ra bệnh viện và cho ra đời một bé trai kháu khỉnh. Cả đêm nằm đất, nhường giường cho phạm nhân - lúc này là sản phụ mới sinh nằm, chị Tuyết còn đau ê ẩm cả lưng thì nhận được tin lại một phạm nhân nữa chuẩn bị trở dạ. Vội vã quay về trại, vượt qua quãng đường 50 cây số từ Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa về Trại 5, vừa mệt, vừa đói, lại vừa lo lắng cho công việc ở trại, chị Tuyết càng sốt ruột hơn khi gọi điện cho y sỹ bệnh xá nhưng không có người cầm máy. Chị đoán chắc y sĩ này đã xuống buồng phạm nhân rồi vì theo nguyên tắc, mọi người xuống phân trại nơi phạm nhân ở đều phải để máy điện thoại ở tại nơi làm việc.

Tới đơn vị, chưa kịp nghỉ lấy một phút, chị Tuyết đã nhận được những lời hối thúc: “Lại “vỡ đê” ca nữa rồi. Đưa phạm nhân đi viện đẻ ngay kẻo không kịp”. Lại một lần nữa quay lại bệnh viện, tìm vào khoa Sản, chị Tuyết khiến nhiều người ngạc nhiên vì cứ tưởng chị có nhiều người thân sinh đẻ dịp đó. Vừa lo làm thủ tục cho sản phụ nhập viện, chị Tuyết vừa phải canh chừng bởi họ là phạm nhân, thấy cán bộ sơ hở là tìm cách bỏ trốn. Hơn nữa, bệnh viện tuyến trên nên lúc nào cũng đông người, có phạm nhân chỉ rình lúc cán bộ mất cảnh giác là giở trò tẩu thoát. 

Hai ca phạm đẻ kéo dài từ tối 28 sang ngày 29, vậy mà Tết năm đó, chị Tuyết vẫn chưa có được giây phút tận hưởng thời khắc sang canh bởi đúng đêm giao thừa, lại thêm một phạm nhân nữa nhập viện. Phạm nhân cao tuổi tên Minh, nhà ở Hà Nội. Đang vui vẻ ăn bữa cơm tất niên với chị em trong buồng, Minh bỗng nằm vật ra, ôm bụng quằn quại. Đưa vào bệnh xá, bác sĩ chẩn đoán bị u xơ tử cung, cần phải tức tốc đưa đi bệnh viện.

Thế là lần thứ ba, chị Tuyết lại một lần nữa quay lại bệnh viện mà chỉ toàn có mặt ở khoa Sản. Ca trông phạm nhân ở bệnh viện này với chị Tuyết là vất vả nhất bởi đúng dịp Tết nên dù đã liên lạc với người nhà phạm nhân, họ vẫn không thể vào kịp để cùng hỗ trợ. Một mình chị Tuyết với hai người nữa trở thành hộ lý bất đắc dĩ. Minh to khỏe, cao lớn, vừa mổ xong còn yếu nên mỗi khi có nhu cầu sinh hoạt, chị Tuyết và một cán bộ nữa phải dìu và nâng đỡ Minh.

Một đêm trực, 3 lần đưa phạm nhân đi viện, đón chào những sinh linh mới mang lại cho chị Tuyết những cảm xúc đặc biệt, vừa thấy thiêng liêng, vừa xót xa cho cảnh đàn bà sinh con trong tù. Được biết, năm đó, theo kế hoạch ban đầu, vợ chồng chị Tuyết dự định sẽ xin lãnh đạo cho trực cùng ca với nhau, bởi nhà nội của họ rất xa, thời gian di chuyển lâu nên muốn được bố trí đi cùng chuyến về thăm quê, nào ngờ mấy nữ phạm nhân trở dạ, sinh con nửa đêm, khiến kế hoạch của nữ quản giáo chệch khỏi dự kiến ban đầu. Tuy vất vả, nhưng chị chẳng bao giờ kêu thán, trái lại, luôn tự nhủ bản thân cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, mang lại cái Tết an toàn, ấm cúng cho các phạm nhân.

Tạm kết

Cuộc đời mỗi chúng ta đều có thể xảy ra những lỗi lầm đáng tiếc. Nhưng điều quan trọng là chúng ta nhận thức và biết cách sửa sai được những lỗi lầm ấy. Những phạm nhân thấu hiểu hơn ai hết điều đó và từng ngày qua đi, họ đang cố gắng hoàn thiện nốt những chuỗi ngày hàn gắn lại quãng đời đã đánh rơi. Năm mới, ai cũng nghĩ đến những điều tốt đẹp, sự an lành và hạnh phúc. Hi vọng nhiều lắm cho một năm mới với những sự khởi đầu mới, tốt lành hơn

Tiếu Nhi - Hàm Sương

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文