Điều ước giản dị của cô sinh viên khiếm thị giàu nghị lực

14:06 03/03/2016
2 tuổi bắt đầu phát bệnh, lên 10 tuổi, đôi mắt của em hỏng vĩnh viễn. 14 năm làm bạn cùng bóng tối. Em đã quen và cũng chưa từng dám mơ ước cho đôi mắt mình sáng lại. Thời khắc giao thừa đã điểm, em chỉ ước duy nhất một điều: “Năm mới, em ước xã hội có thái độ ứng xử công bằng hơn với người khuyết tật”...


Điều ước năm mới

Em là Đỗ Thu Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) sinh năm 1996 - cô sinh viên năm thứ nhất được tuyển thẳng vào khoa Ngoại ngữ, trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội bởi bảng thành tích học tập đáng ngưỡng mộ.

14 năm không thấy ánh sáng, em đã quen với sự mò mẫm, quen với màn đêm đen kịt. Những ngày đầu mắc bệnh, Hà chẳng thể phân biệt được đâu là ngày, đâu là đêm. Chỉ biết được khi nghe mẹ bảo “giờ là ngày, tý nữa là đêm”.

“Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”, câu chân lý đã theo em suốt mười mấy năm qua. Nhưng em vẫn chẳng hài lòng. “Em chỉ biết nhận sự giúp đỡ, bao bọc của mọi người, mà chẳng thể đền ơn”. Tôi bảo, chẳng phải em đã báo đáp cha mẹ, thầy cô, bạn bè bằng những thành tích học tập đáng ngưỡng mộ, tự hào đó sao? Em chỉ lắc đầu, im lặng...

“Năm mới, em ước xã hội có thái độ ứng xử công bằng hơn với người khuyết tật” – Đó là khao khát bình dị của Thu Hà.

Tôi gặp em vào những ngày đầu xuân, trong căn nhà chung cư phía sau Bệnh viện 19-8. Đỗ Thu Hà đang ngồi “mân mê” bên bảng viết chữ. Em bảo, em đang viết ước mơ, những dự định cho năm mới và ghi lại những việc đã bỏ lỡ trong năm vừa qua.

Tôi hỏi, năm mới, em ước những gì? Hà trả lời nhanh gọn: “Em ước được đi đến động Phong Nha – Kẻ Bàng, dù không nhìn thấy nhưng em rất háo hức, muốn được chạm vào những hóa thạch hình “Sư tử”, “Kỳ lân”, “Cung đình” hay “Tượng Phật” để cảm nhận được sự kỳ vỹ của tạo hóa. Và em ước xã hội có thái độ ứng xử công bằng hơn với người khuyết tật, như em”. Nước mắt em bắt đầu rơi...

Tôi ngạc nhiên: “Sao em không ước cho đôi mắt mình sáng lại?”. Em hồn nhiên bảo: “Em đã quen với bóng tối. Bóng tối đã làm bạn, đi cùng em suốt cả cuộc đời này. Em ước những người khuyết tật được đối xử công bằng, bình đẳng vì nó quan trọng hơn, giúp đỡ được nhiều người hơn”.

Em đã trải qua và được tiếp xúc với nhiều người khiếm khuyết như em, em hiểu nỗi đau đớn, tủi nhục khi bị nhiều người khinh miệt, xa lánh. Đã có lúc em từng gục ngã, buông xuôi. Nhưng mẹ đã vực em dậy, động viên và cho em nghị lực sống”...

Bầu không khí bỗng chùng xuống, những giọt nước mắt của Hà cứ lăn dài trên má, không dừng. Em bắt đầu kể cho tôi nghe bóng tối của đời mình...

Vực dậy từ bóng tối

Sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác, khi 2 tuổi, trận ốm “thừa sống thiếu chết” đã ảnh hưởng đến đôi mắt của Hà. Cô Nguyễn Thị Hằng, mẹ của Hà tâm sự: “Năm 2 tuổi, Hà bị sốt cao, co giật. Dù đã được gia đình đưa vào viện chạy chữa nhưng cơn sốt biến chứng, ảnh hưởng đến mắt. Bác sĩ bảo, em (Đỗ Thu Hà) bị bệnh thoái hóa võng mạc, từ mắt trái di căn sang mắt phải.

Những năm đầu bị bệnh, mắt của Hà vẫn nhìn được mờ mờ. Những ngày tháng sau đó, căn bệnh nặng hơn, dù đã được mổ 9 lần liên tục trong vòng 5 năm liền (2001-2006), được các bác sỹ người Nhật tận tình cứu chữa nhưng đôi mắt của Hà vẫn không thể cứu được. Năm 2006, đôi mắt của Hà vĩnh viễn bị hỏng”.

“Những ngày đầu khi biết tin, cô gào khóc, thương con, cô trách trời, sao nỡ cướp đi đôi mắt của đứa trẻ lên 10”. Những tiếng nấc nghẹn ngào, ngắt quãng của cô Hằng khiến tôi không cầm được nước mắt.

Đỗ Thu Hà hồi nhỏ, khỏe mạnh trong chuyến du lịch cùng gia đình.

Chia sẻ về những ngày đầu không thấy ánh sáng, Hà tâm sự: “Những ngày đó là những ngày kinh hoàng nhất cuộc đời, tất cả mọi thứ đều một màu đen kịt, tối tăm. Đi đâu, làm gì cũng có cảm giác như có một vật gì đó đang cản trước mắt. Đi không dám bước, tiến một bước tưởng như mình chuẩn bị bước xuống một hố sâu, vĩnh viễn không bao giờ lên được”.

Thời gian đó, em rất sợ, hoảng hốt, lúc nào cũng cần bố mẹ - những người quan trọng tạo cho em nghị lực sống. “Em đặc biệt muốn cảm ơn mẹ, người luôn bên cạnh em trong suốt quãng thời gian khó khăn đã, đang và vẫn tiếp tục. Những ngày mẹ tận tình chăm sóc, đưa đón em đi học đã in vào tâm trí em. Mỗi lần đến trường là một lần mẹ vất vả. Em không thấy đường đi, mẹ phải cõng em lên đến lớp học, rồi dắt em vào chỗ ngồi. Chục năm qua, mẹ vẫn chăm em như vậy. Em thường bảo mẹ rằng, mẹ chăm con như vậy, sau này mẹ yếu, con biết chăm mẹ như thế nào?”.

Dù mắt không nhìn thấy gì, nhưng cô sinh viên năm nhất Đỗ Thu Hà luôn đạt thành tích cao, đứng đầu trong lớp. 12 năm qua, em luôn đạt học sinh giỏi; giành giải 3, giải khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi Văn cấp cụm Hoàn Kiếm năm lớp 10 và 11. Lớp 11, Đỗ Thu Hà tham gia cuộc thi thách thức Công nghệ thông tin dành cho người khuyết tật khu vực châu Á -Thái Bình Dương và đã giành giải 3. Chia sẻ về những thành tích mà mình đạt được, Hà ngập ngừng: “Tất cả cũng là nhờ nghị lực sống và làm chị ạ”.

Nhớ về những kỷ niệm đưa Hà đến trường, cô Hằng không khỏi ngậm ngùi. “Còn nhớ trận lụt lịch sử năm 2008 tại Thủ đô, tan học cô đến đón em. Khắp nơi đều ngập lụt, chiếc xe đạp cũ rích chở Hà bị nước ngập đến bánh xe, đường thì tắc không đi nổi, cô phải dắt, cả hai mẹ con đều ướt sũng, run cầm cập. Rồi những ngày mưa gió, đèo em đến trường rồi cõng em lên lớp, quên sao được. Thương em, cô phải nuốt nước mắt vào trong, âm thầm, lặng lẽ bên cạnh...”.

Chục năm qua, không kể ngày nắng, ngày mưa, người dân trong con ngách nhỏ quận Hoàn Kiếm đã quen với bóng dáng một lớn, một nhỏ dìu dắt nhau. Cứ đều đặn sáng cõng con đến lớp, trưa quay lại đưa con đi ăn, tối lại đón con về. Và không ít lần họ thấy cảnh người mẹ gò lưng dắt bộ chiếc xe cà tàng có đứa con gái ngồi sau...

Học để đòi sự... “công bằng”

Còn nhớ, những ngày đầu được mẹ đưa đến lớp, bị mọi người xa lánh, nhiều lần phải chuyển chỗ và rồi em phải chọn cho mình chỗ ngồi riêng, không va chạm với bất kỳ ai. Khi học tiểu học, em vẫn học trong trường bình thường. Lên cấp 2 em mới vào học Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu. Tại đây, em bắt đầu học chữ nổi và không tránh khỏi ánh mắt kỳ thị, những câu nói vô tâm của bạn bè.

Đỉnh điểm, thời gian đầu có nhiều phụ huynh đến gặp Ban giám hiệu đề nghị gia đình cho em chuyển trường. Yêu cầu không được thì họ lại ra “tuyên bố” không được sắp xếp Đỗ Thu Hà ngồi cạnh con cái họ vì sợ em sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình học tập, tiếp thu của các bạn.

Trước thái độ xa lánh của nhiều người, Hà chỉ biết cúi đầu vào học và luôn nhẩm lời dặn dò của mẹ “Không giận, không ghét các bạn. Cố gắng học giỏi hơn các bạn, chứng tỏ cho họ thấy năng lực của con”.

Rồi thái độ của mọi người cũng thay đổi khi thành tích học tập của Hà luôn đứng đầu lớp. Đặc biệt sau lần ốm nặng, Hà phải nghỉ học gần 1 học kỳ, nhưng kết quả thi lại đứng đầu lớp. Điều này càng làm các bạn nể phục và hay gần gũi, giúp đỡ Hà nhiều hơn.

Đỗ Thu Hà và em trai.

“Mặc dù bị khiếm thị nhưng lên cấp 3, Hà vẫn được bố trí cho học chung với các bạn bình thường để em hòa nhập và tăng kỹ năng sống” – cô Hằng chia sẻ. Ở ngôi trường mới, Hà được nhận nhiều sự giúp đỡ của bạn bè, thầy cô.

Hà tâm sự: “Chỉ có học giỏi mới chứng tỏ được bản thân, mới có “chỗ đứng” trong lớp học. Suốt những năm qua, em vùi mình vào con chữ để quên đi mặc cảm của bản thân”. Ngay từ nhỏ, Hà đã ý thức được, biết đặt mục tiêu cho mình là phải học thật giỏi ngoại ngữ. Người thầy luôn bên cạnh, động viên, chỉ bảo cho Hà không ai khác chính là thầy Dương Trọng Nghiệp, giáo viên Toán cấp 2. Em chia sẻ: “Thầy giống như người mẹ thứ hai của em. Ngoài việc giảng dạy trên lớp, thầy còn dạy thêm giờ cho em. Thầy là người đầu tiên dạy miễn phí, tạo điều kiện thuận lợi nhất để em được tới trường như các bạn. Thầy luôn tìm kiếm những chương trình, hoạt động học tập có học bổng để em tham gia”.

Hà cũng không quên nhắc đến cô bạn đã tình nguyện ngồi cạnh, giúp đỡ em suốt 3 năm trời trong ánh mắt ngạc nhiên của nhiều người. Lê Thanh Hằng – cô bạn đã tự đề nghị được giúp đỡ Hà và trở thành đôi bạn cùng tiến.

Nói về người bạn dũng cảm của mình, Hà bộc bạch: “Lúc đầu em rất ngạc nhiên, bất ngờ. Trong khi các bạn khác đều không muốn ngồi cạnh em vì sợ ảnh hưởng đến quá trình học tập, tiếp thu thì Hằng lại xung phong ngồi cạnh, giúp đỡ em trong suốt 3 năm liền. Hằng vừa phải đảm bảo việc ghi chép, hiểu bài của mình, lại vừa đảm nhận nhiệm vụ hướng dẫn, giảng giải những chỗ em chưa hiểu, chưa ghi kịp”.

Chia sẻ về những kinh nghiệm học tốt môn tiếng Anh, Đỗ Thu Hà hào hứng kể: “Để học tốt ngoại ngữ thì cần sự chăm chỉ và phải đam mê với nó. Học ngoại ngữ khó nhất là kỹ năng nghe nói, vì vậy mình càng phải nghe nhiều. Sai đâu, sửa đấy, rút kinh nghiệm. Em thường lên mạng, nghe và tự học là chính. Nhiều hôm em không theo kịp bài giảng, thầy cô phải dừng lại để giảng cho em hiểu. Với em học đến đâu, chắc đến đó”.

Với những kiến thức cùng kinh nghiệm tự học trong suốt quá trình ôn luyện đã và đang giúp Đỗ Thu Hà hoàn thành được ước mơ trở thành giáo viên Tiếng Anh của trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu. Ở một môi trường mới, em luôn cố gắng học tập, không chịu khuất phục hoàn cảnh, số phận.

Nói đến đây, tôi chẳng biết khuyên em câu gì, đành mượn câu danh ngôn nhắn nhủ: “Hãy sống như là ngày mai mình không còn tồn tại trên thế giới này nữa”. Nói trong tiếng  nấc, em bảo: “Em biết còn nhiều người kém may mắn hơn em, nhưng không vì thế mà em buông lơi học tập. Em sẽ cố gắng học tập vì bố mẹ, vì thầy cô, bạn bè. Hi vọng, tương lai tới em sẽ cho đi nhiều hơn là nhận lại...”.

Hoàng Hòa

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997, ngụ huyện Củ Chi) về tội: "Giết người" và "Cướp tài sản".

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文