Một chuyến bắt buôn lậu trên biên giới Tây Nam

11:19 29/10/2020
Cuộc chiến với tội phạm buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam luôn "nóng". Theo chân trinh sát và trực tiếp ghi nhận thực tế nhiều trận đánh trên tuyến biên giới, chúng tôi cảm phục trước tinh thần gan dạ, không quản khó khăn, nguy hiểm mà CBCS thuộc lực lượng phòng, chống buôn lậu phải đối mặt.


Lực lượng Công an cũng như Biên phòng, Hải quan gặp rất nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh do phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu rất tinh vi, có tổ chức, luôn tìm mọi biện pháp để đối phó, né tránh. Đường dây hoạt động, vận chuyển, buôn lậu được hình thành chặt chẽ, khép kín, chủ yếu là họ hàng, người thân với đầu nậu…

Ghi nhận trên tuyến biên giới các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, đường và thuốc lá là hai mặt hàng chính được các đối tượng ngày đêm "tuồn" qua tuyến biên giới, xâm nhập sâu vào nội địa Việt Nam để tiêu thụ. Khi lực lượng chức năng siết chặt đường bộ trên tuyến biên giới nhằm ngăn chặn dịch COVID-19, thì các đầu nậu, đối tượng vận chuyển hàng lậu chuyển sang đường sông, đường biển.

Lực lượng Công an, Biên phòng tỉnh An Giang tuần tra, kiểm soát, phòng chống buôn lậu trên tuyến biên giới.

Các đối tượng lợi dụng đêm tối hoặc ngày nghỉ dùng phương tiện đường thủy cải trang như ghe chở nông sản để chở hàng lậu vào ban đêm, đưa hàng qua cửa khẩu. Một số đầu nậu tập trung đông đối tượng, liều lĩnh trang bị sẵn vũ khí, đẩy bè hàng lậu dọc bờ biển và sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng khi bị phát hiện để cướp lại hàng và thoát thân.

An Giang là địa phương có tuyến biên giới kéo dài gần 100 km, có nhiều đường mòn, lối mở, kênh rạch thông với các tỉnh của Vương quốc Campuchia. Đó là điều kiện cho tội phạm buôn lậu gia tăng hoạt động. Các địa bàn nổi cộm về tội phạm buôn lậu là khu vực kênh Ngọn Cả Hàng (xã Vĩnh Hội Đông), khu vực dòng sông chung thị trấn Long Bình (huyện An Phú); thị trấn Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên); xã Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu); khu vực gò Tà Mâu (thuộc phường Vĩnh Ngươn, TP Châu Đốc) và tuyến Quốc lộ 91, tuyến sông Hậu, sông Tiền...

Hàng lậu từ phía Campuchia được tuồn qua các tuyến kênh như: Mương Sáu Nhỏ, Mương 3 Ông Đá, Rạch Chắc Ri, Mương 5 Lùn, Rạch Miếng Ngói Lớn, Rạch Miếng Ngói Nhỏ… được tập kết về các nhà sàn hoặc bãi đất trống sát bờ kênh Vĩnh Tế.

Chúng tôi được bố trí ghi nhận thực tế cùng với một trinh sát Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh An Giang trên tuyến kênh Vĩnh Tế (TP Châu Đốc) - "sào huyệt" của bọn buôn lậu. Sau nhiều lần áp dụng các phương án, đánh lạc hướng, chúng tôi đã thoát khỏi sự theo dõi của các đối tượng canh đường. 1h30' sáng, sương lạnh buốt, mang theo chiếc máy ảnh được cất giấu cẩn thận trong chiếc áo khoác, một đêm trinh sát thực tế bắt đầu. Sau hơn 10 phút chạy xe máy, từ trung tâm TP Châu Đốc chúng tôi đã đến được phía bên kia bờ sông Vĩnh Tế đối diện với điểm trung chuyển hàng lậu. Tại đây, sau khi cất giấu xe vào bụi cây ven đường, chúng tôi tìm nơi ẩn nấp để quan sát.

Tang vật vụ buôn lậu do Công an An Giang phát hiện, thu giữ

Đám mưa lớn, kèm theo thủy triều lên cao làm cho lũ muỗi trỗi dậy, tấn công. Chúng tôi im thin thít, bám sát vào gốc cây xoài cạnh bờ đê. Đồng chí trinh sát đi cùng thỏ thẻ: "Khổ như trinh sát chống buôn lậu ở biên giới anh ạ. Ngoài đối tượng buôn lậu, chúng tôi còn phải chống "giặc muỗi" ngoài đồng, khi thì ém quân gần điểm tập kết hàng là còn phải "chống giặc sủa"".

Thấy tôi tròn mắt, đồng chí giải thích thêm, nhiều khi "ém" dưới nước từ sáng đến chiều, chợt con chó phát hiện, sủa lên, lúc này đành phải rút quân, vỡ kế hoạch. Công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu tại tuyến biên giới được ví như cuộc đấu trí, cuộc chiến trên đồng…

Tang vật đường lậu do Công an An Giang thu giữ

Chiều trước đó, tôi được Ban Chỉ huy Công an TP Châu Đốc chia sẻ những khó khăn về công tác phòng chống buôn lậu trên địa bàn. Ở hai đầu kênh Vĩnh Tế đều có người cảnh giới, báo động cho đối tượng tham gia vận chuyển hàng lậu. Mỗi khi có người lạ ra vào, toàn bộ hoạt động vận chuyển hàng hoá đều ngưng lại. Nhiều nhà sàn dựng san sát nhau trên bờ kênh đều chừa một khoảng trống cố định giữa hai nhà, tạo thành "cánh cửa độc địa". Khi phát hiện lực lượng chức năng, các đối tượng đóng chặt cửa cho các vỏ máy (một loại phương tiện thuỷ) chở hàng lậu quay ngược lại về phía Campuchia….

Nếu không có lực lượng chức năng, các đối tượng nhanh chóng đưa hàng lậu lên xe máy đã được "độ" đang chờ sẵn từng tốp, phóng bạt mạng về các điểm tập kết, trung chuyển khác. Sau đó, hàng được phân nhỏ, ém vào các điểm tập kết tại TP Châu Đốc, tiếp đến các đối tượng dùng xe máy giao hàng cho các đối tượng ở khu vực huyện Châu Phú và được chuyển đi tiêu thụ tại TP Long Xuyên, TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh…

Còn tại huyện Tịnh Biên, hàng sau khi được tập kết sẽ được các đối tượng ở Hà Tiên (Kiên Giang) dùng xe tải, ô tô lên nhận… Riêng đối với đường cát Thái Lan, sau khi vào nội địa được các đầu nậu tại Châu Đốc, Tịnh Biên dùng ghe lớn, xe tải vận chuyển giao cho các tỉnh Cần Thơ, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh...

Trở lại với chuyến trinh sát, khoảng 10 phút sau, có tiếng máy dầu đổ từ phía thượng nguồn giáp Campuchia về, đồng chí trinh sát nhắc khẽ: "Núp cẩn thận vào, trước khi cập bến lên hàng (thuốc lá lậu) bọn chúng soi đèn kĩ lắm". Tôi kéo chiếc nón kết màu đen xuống che khuất mặt, tay vẫn bám vào gốc xoài. Tiếng máy dứt khi còn cách điểm cập bến hơn 100m, các đối tượng dùng đèn pin kiểm tra hai bên bờ sông rồi mới cho vỏ lãi cập bến. Từ trên bờ có khoảng 10 đối tượng, nhanh chóng nhảy xuống vỏ lãi khuân vác các bao tải chứa thuốc lá để chất lên xe máy đã được bố trí cạnh đó. Mỗi xe máy chở 2 bao lớn phía sau và 2 bao nhỏ phía trước (khoảng từ 150-200 gói/bao)…

Để đảm bảo an toàn cho chuyến trinh sát, chúng tôi âm thầm trở về đơn vị. "Nay, rút vầy ngon lắm. Chứ nếu bị bọn chúng phát hiện, sẽ đeo bám dữ lắm, rồi sinh nghi sẽ "nằm im" vài ngày, không hoạt động hoặc chuyển địa bàn" - cán bộ trinh sát nói với tôi khi cả hai di chuyển ra khỏi tuyến kênh Vĩnh Tế. Hôm sau, một kế hoạch "đánh bắt" được hình thành trên nền tảng thông tin từ chuyến trinh sát vừa thực hiện.

Trưa cùng ngày, hai tổ Cảnh sát cơ động được điều động từ TP Long Xuyên cải trang trong xe tải chở trái cây "đổ quân" và ém chặt tại những chốt điểm đã được duyệt từ trước. Đúng 0h, chiếc vỏ máy chở thuốc lá lậu cùng 2 đối tượng cập đúng bến hàng đêm trước. Nhận lệnh tấn công, 2 mũi tấn công áp sát, khống chế 2 đối tượng cùng tang vật là hàng ngàn bao thuốc lá nhãn hiệu JET, HERO…

Mặc dù các đối tượng buôn lậu sử dụng nhiều chiêu thức, thủ đoạn, mánh khóe nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Song, với tinh thần trách nhiệm cao, nhiều đường dây tổ chức buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam đã bị lực lượng chức năng phát hiện, triệt xóa.

Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết: "Thời gian tới, lực lượng Công an sẽ chủ động phối hợp cùng Hải quan, Biên phòng tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến đường, địa bàn trọng điểm, các đường mòn, lối mở, kênh, dòng sông chung biên giới, bến đò... để đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh An Giang cũng xây dựng, xác lập chuyên án đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Từ đó, kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Kiên quyết ngăn chặn, đấu tranh xử lý không để phát sinh điểm nóng trên địa bàn…".

Trần Lĩnh

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文