Nhức nhối thực trạng đòi nợ thuê ở TP Hồ Chí Minh:

Bài 1: Nỗi kinh hoàng từ tín dụng đen

09:08 17/04/2014
Thực tế cho thấy nạn nhân của tín dụng đen chỉ trình báo với cơ quan Công an khi đã hết đường trả nợ, chứ có khả năng là răm rắp trả nợ ngay. Từ đó, bọn giang hồ này mới có đất sống và ngày càng lớn mạnh. Thế nên, số lượng băng nhóm bị sa lưới pháp luật chỉ là phần nổi của tảng băng chìm...

Từ đầu năm 2013 đến nay, toàn TP Hồ Chí Minh xảy ra khoảng 50 vụ “cưỡng đoạt tài sản” và “bắt giữ người trái pháp luật” thì hầu hết đều liên quan đến đòi nợ thuê. Qua các vụ án này cho thấy, giá đòi nợ thuê thường được lấy theo tỷ lệ từ 20-50% số tiền đòi được và chúng chỉ nhận tiền khi phi vụ đã thành công. Trước khi bị bắt giữ các băng nhóm này còn gây ra nhiều vụ bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản khác nhưng nạn nhân không dám tố giác với cơ quan Công an vì sợ bị trả thù.

Thực tế cho thấy nạn nhân chỉ trình báo với cơ quan Công an khi đã hết đường trả nợ, chứ có khả năng là răm rắp trả nợ ngay. Từ đó, bọn giang hồ này mới có đất sống và ngày càng lớn mạnh. Thế nên, số lượng băng nhóm bị sa lưới pháp luật chỉ là phần nổi của tảng băng chìm...

Những cuộc giải cứu lúc nửa đêm

Nguyễn Văn Ngọc (tự Minh, 34 tuổi, ngụ quận Bình Tân) là một tay giang hồ chuyên sống bằng “nghề” đòi nợ thuê. Dưới trướng của y có hàng chục đàn em mặt mày bặm trợn và đã gây ra nhiều nỗi khiếp sợ cho con nợ. Chính vì vậy mà Ngọc đã thực hiện trót lọt nhiều vụ đòi nợ thuê, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.

Nghe tiếng của Ngọc, giữa tháng 6/2013, Nguyễn Văn Phúc (43 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) tìm gặp và đặt vấn đề: “Có ông A. ở quận 7 nợ anh gần 500 triệu đồng, thằng em mày giúp được không?”. Ngọc cười rõ tiếng: “Anh hỏi lạ, đó là nghề của em mà. Nhưng đòi được thì 50-50 nhé!”. Phúc gật đầu thế là “hợp đồng” có hiệu lực. Ngọc yêu cầu Phúc dẫn đến khu vực nhà ông A. Sau khi quan sát, nhận diện con nợ, Ngọc nói an tâm, chậm nhất là cuối tháng sẽ hoàn tất hợp đồng…

Ngay sau đó, trong nhiều ngày liền Ngọc cùng 6/7 đàn em đi trên một ôtô đỗ trước hẻm nhà ông A. (thuộc phường Tân Thuận Tây, quận 7, TP Hồ Chí Minh) để chờ thời cơ hành động. Chiều 29/6, ông A. từ nhà đi bộ ra đầu hẻm để mua đồ ăn thì 3 đàn em của Ngọc lập tức khống chế ông A. lôi vào xe. Ông A. kháng cự và hô hoán “cướp, cướp” thì nhiều người dân gần đó chạy đến để can thiệp. Thấy vậy một tên trong nhóm này cầm chiếc còng số 8 quơ quơ: “Chúng tôi là Cảnh sát hình sự đi bắt tội phạm, đề nghị mọi người giải tán”.

Một số đối tượng cầm đầu băng nhóm đòi nợ thuê.

Tưởng thật, mọi người tản đi, chiếc ôtô nhanh chóng rời khỏi hiện trường… “Xe chạy được vài trăm mét thì bọn chúng đánh đập rồi bịt mắt tôi lại bảo sẽ chở sang Campuchia. Sau gần 2 giờ đồng hồ xe lăn bánh, tài xế nói đã qua cửa khẩu Mộc Bài nên tôi đinh ninh mình đã bị bắt đưa sang Campuchia”, ông A. kể lại. Xe dừng lại chúng dẫn ông A. vào phòng rồi mở bịt mắt ra. Nhìn xung quanh là 4 bức tường, ông A. òa khóc.

Một tên trong nhóm gằn giọng: “Ở đây là đất Campuchia chúng tao muốn giết mày lúc nào là giết. Nhưng trước khi giết chúng tao sẽ lấy hai quả thận của mày đem bán để trừ nợ. Còn khôn hồn thì điện thoại về cho vợ chuẩn bị đủ 468 triệu đồng để chuộc thì chúng tao sẽ thả mày ra. Nên nhớ, nếu đi báo Công an mà người của chúng tao bị bắt thì mày sẽ bị cắt cổ ngay”. Để khủng bố tinh thần của ông A. chúng thay phiên đánh đập, chích điện khiến ông A. vô cùng hoảng loạn. Liền sau đó chúng điện thoại cho bà N.B., vợ ông A. và cho hay đang giam giữ ông A. ở Campuchia. Chúng yêu cầu bà N.B. phải đưa ngay 468 triệu đồng cho người của bọn chúng để chuộc chồng, nếu chậm trễ ông A. sẽ bị giết chết. Để làm tin chúng chuyển máy để ông A. nói chuyện với vợ.

Trong cơn lo sợ tột độ, ông A. cầu cứu vợ đi hỏi người thân, bạn bè để vay mượn tiền chuộc ông về chứ không chúng sẽ giết ông thật. Ông còn dặn tới dặn lui là không được đi báo Công an vì mạng sống của ông như “cá nằm trên thớt”. Thương chồng, bà N.B. chạy vạy khắp nơi nhưng bà con, dòng họ, bạn bè ai cũng nghèo, làm thuê kiếm sống qua ngày nên chẳng thể nào kiếm ra một số tiền lớn như vậy. Từ đó, khoảng 21h30 ngày 30/7 bà N.B. quyết định đến Công an phường Tân Thuận Tây trình báo vụ việc.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Thượng tá Lê Ngọc Phương, Trưởng phòng PC45 chỉ đạo Đội Phòng chống tội phạm có tổ chức (Đội 2) triển khai ngay công tác giải cứu con tin. Manh mối để tìm kiếm nơi trú ẩn, giam giữ con tin lúc này chính là chiếc xe ôtô BKS 52Z-5381 của bọn tội phạm mà người dân cung cấp. Bằng các biện pháp nghiệp vụ phối hợp được triển khai, cơ quan Công an đã khoanh vùng được nơi mà bọn cướp giam giữ con tin nằm trên địa bàn khu phố 7, phường Tân Thới Nhất, quận 12 và có khả năng chúng đang ở trong một khách sạn hay nhà nghỉ nào đó. Từ nhận định này, tổ công tác tung nhiều trinh sát rà soát tất cả các khách sạn, nhà nghỉ ở khu vực trên thì phát hiện chiếc ôtô BKS 52Z-5381 đang đậu trong khuôn viên của khách sạn Mr Tuấn Anh ở một vị trí rất khó phát hiện ra. Thời cơ đã chín muồi, 0h30 ngày 3/7, các trinh sát Đội 2 ập vào khách sạn Mr Tuấn Anh và tóm gọn Ngọc cùng 6 đồng bọn, giải cứu an toàn cho ông A..

Một cuộc giải cứu khác cũng vào lúc giữa đêm là trường hợp của nạn nhân Đ., một cổ đông của Công ty L.P. nằm trên địa bàn quận Bình Thạnh. Khoảng 18h ngày 31/3/2013, ông Đ. đi xe gắn máy đến giao lộ Phạm Ngũ Lão - Cống Quỳnh (quận 1) thì bị hai thanh niên đi xe gắn máy ép vào lề. Tên ngồi sau túm lấy cổ áo của ông Đ. để tên cầm lái đấm thẳng vào mặt ông Đ gây rách môi, máu chảy rất nhiều. Ông Đ. chưa kịp hoàn hồn thì chúng lôi ông lên xe taxi rồi chở thẳng về một quán cà phê nằm trên đường Nguyễn Huy Tưởng, phường 6, quận Bình Thạnh.

Tại đây chúng buộc ông Đ. phải viết giấy nhận nợ 1 tỷ 413 triệu đồng mà chúng cho biết là số tiền mà công ty L.P. còn thiếu một công ty khác. Đồng thời yêu cầu trong vòng 24 giờ ông Đ. phải kêu người nhà mang tiền đến trả nợ, nếu không chúng sẽ đưa ông Đ. ra Hà Nội để “làm thịt”. Sau khi có giấy nợ, chúng đưa ông Đ. về khách sạn Kim Xuân (số 23, Nguyễn Thái Bình, phường 4, Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) rồi điện thoại cho bà L. (Tổng Giám đốc Công ty L.P.) yêu cầu mang tiền đến chuộc ông Đ..

Sau một thời gian đắn đo suy nghĩ, tối 1/4, bà L. quyết định đến Phòng PC45, Công an TP Hồ Chí Minh trình báo vụ việc. Khoảng 1h sáng ngày 2/4, trong lúc những kẻ bắt giữ người trái pháp luật đang ngon giấc trong phòng 111 và 112 của khách sạn Kim Xuân thì bị các trinh sát Đội 2 (PC45, Công an TP Hồ Chí Minh) phối hợp cùng Công an quận Tân Bình và Công an phường 4 ập vào bắt gọn 5 đối tượng, giải cứu an toàn cho nạn nhân.

Tại cơ quan Công an, đối tượng cầm đầu Nguyễn Văn Hiệp (32 tuổi, quê quán Văn Lâm, Hưng Yên) cho biết, y nhận “hợp đồng” đòi nợ thuê từ Hải Phòng. Sau đó y cùng với Đỗ Văn Sơn (65 tuổi, quê quán Hoàn Kiếm, Hà Nội) đi máy bay từ Hải Phòng vào TP Hồ Chí Minh rồi tìm gặp các chiến hữu đang ở TP Hồ Chí Minh là Phùng Đức Thịnh (36 tuổi, quê quán Lê Chân, Hải Phòng; có 2 tiền án về tội cướp tài sản), Lê Bạch Dương (44 tuổi, quê quán Thủy Nguyên, Hải Phòng) và Hoàng Hữu Nhan (37 tuổi, quê quán Hải An, Hải Phòng; là bạn thân của Thịnh, có 2 tiền án về tội cướp chung vụ với Thịnh) để bàn bạc thực hiện hành vi phạm tội.

Khi kẻ đòi nợ thuê ăn lương trùm cho vay nặng lãi

Bên cạnh các băng nhóm đòi nợ thuê thực hiện phi vụ theo đơn đặt hàng, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh còn tồn tại các băng nhóm giang hồ “làm công ăn lương” cho các trùm cho vay nặng lãi. Hình thức này tập trung nhiều ở các khu lao động nghèo, khu chợ búa, khu có nhiều công nhân ở trọ… Vì trên thực tế, đối với người lao động nghèo, khi cần số tiền vài chục triệu đồng để có vốn làm ăn, lo cho con ăn học… họ không còn cách nào hơn là phải vay nóng với lãi suất cắt cổ.

Yến “sư tử” (Nguyễn Thị Kim Yến, 45 tuổi, ngụ phường Bình Hưng Hòa A, Bình Tân) là một trùm cho vay nặng lãi với mức lãi suất “bèo” lắm cũng 25%/tháng. Với mức lãi suất khủng này, chuyện con nợ mất khả năng trả nợ là rất thường xảy ra. Thế cho nên, để thu hồi được nợ,  Yên “sư tử” thuê hẳn hai đối tượng đòi nợ thuê chuyên nghiệp là Trần Đại Dương (29 tuổi, ngụ xã Vĩnh Lộc A, Bình Chánh) và Nguyễn Văn Lâm (33 tuổi, quê quán Giồng Trôm, Bến Tre) về làm công cho mình với mức lương cao. Lâm vốn có tiền án về tội giết người nên y rất hung bạo, xem đánh đập như một trò tiêu khiển khiến con nợ rất khiếp sợ. Từ đó, Yến “sư tử” gần như thu hồi được vốn, lãi của tất cả các khoản cho vay.

Vốn là bạn thân nên khi anh S. túng thiếu tiền thì chị C. và chị H. có giới thiệu để anh S. vay trả góp Yến “sư tử” 20 triệu đồng với lãi suất 25%/tháng. Tuy nhiên mới trả góp được 4 ngày thì anh S bỏ trốn. Yến cho đàn em đi tìm nhưng không gặp.

Tiếc của, Yến quay sang buộc chị H. và chị C. phải trả nợ thay cho anh S. nhưng 2 người này không đồng ý. Yến dọa sẽ cho đàn em giết chết nên hai người này sợ quá bỏ trốn khỏi địa phương. Một thời gian sau, chị H. đang chạy xe gắn máy hiệu Nouvo BKS 68T3-3132 lưu thông trên đường Liên khu 5-6, phường Bình Hưng Hòa B (Bình Tân) thì bị Yến phát hiện. Thị cùng Dương và Lâm rượt theo ép xe chị H. ngã xuống đường. Cả ba nhào đến đánh chị H. một trận thừa sống thiếu chết rồi đưa về quán cà phê gần đó tiếp tục đánh đập nhằm buộc chị H. viết giấy nhận nợ. Chị H. phản ứng thì bị chúng dùng ly đánh đét da đầu.

Do máu chảy quá nhiều, chị H. ngất xỉu nên chúng đưa chị H. đến phòng khám đa khoa Sơn Kỳ để cấp cứu. Khi chị H. tỉnh lại, dù bác sĩ yêu cầu bệnh nhân phải nằm lại để theo dõi điều trị nhưng Yến không đồng ý mà đưa chị H. đến một quán cà phê khác cũng ở gần đó để tra tấn tiếp. Do không thể chịu đựng được chị H. đành ghi giấy mượn nợ Yến 15 triệu đồng. Có giấy nợ trong tay, Yến chỉ đạo đàn em mang chiếc xe Nouvo về nhà mình và yêu cầu chị H. trong vòng 1 tuần lễ phải mang 15 triệu đồng đến chuộc xe. Hết hạn nhưng không thấy chị H. đến, Yến đã điện thoại đe dọa nếu chị H. không chuộc xe thì chúng sẽ giết cả người thân của chị H.. Quá sợ hãi, chị H. làm đơn tố cáo. Từ đó, cơ quan Công an đã bắt giữ Yến và đồng bọn…

M.T.Phong - A.Huy

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Một cây cầu nối hai tiểu bang ở phía Bắc và Đông Bắc Brazil đã bị sập ngày 22/12 (giờ địa phương) khi các phương tiện đang băng qua, khiến ít nhất một người tử vong và làm đổ axit sunfuric vào sông Tocantins.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文