Bài 1: Tán gia bại sản... vì “tín dụng đen”
- Khám xét 5 cơ sở cầm đồ cho vay nặng lãi ở Hà Tĩnh
- Xử lý nhóm đối tượng từ Hà Nội vào Đắk Nông cho vay nặng lãi
- Bắt nhóm cho vay nặng lãi
Tại các tỉnh, thành Tây Nam Bộ, nhiều gia đình khánh kiệt về kinh tế, bỏ xứ đi nơi khác mưu sinh vì trót vay tiền lãi suất cao. Hoạt động “tín dụng đen” gây phức tạp về an ninh trật tự, phát sinh các hành vi: bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích…
Vay 200 triệu đồng… trả lãi gấp đôi
Trên địa bàn huyện Phú Quốc (Kiên Giang) có khoảng 50 cơ sở hoạt động cho vay vốn theo kiểu “tín dụng đen”, không cần tài sản thế chấp. Chỉ với chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc giấy đăng ký xe... người có nhu cầu sẽ vay được số tiền khá lớn.
Số tiền lãi mà người vay phải trả từ 15% lên đến hơn 30% mỗi tháng. Chị Võ Thị L. (ngụ thị trấn Dương Đông) cho biết, do cần tiền đã vay 200 triệu đồng tại cơ sở cho vay tiền góp trên địa bàn với số tiền lãi 30 triệu đồng/tháng.
Công an tỉnh Bạc Liêu lập hồ sơ, xử lý nhóm đối tượng hoạt động “tín dụng đen”. |
Chị L. ký hợp đồng vay từ giữa tháng 7-2017, dù đã cố gắng dành dụm, tiết kiệm và phải mượn thêm tiền của người thân, nhưng hằng tháng chị L. chỉ đóng đủ số tiền lãi. Hơn một năm trôi qua, số tiền lãi chị L. đóng cho cơ sở cho vay là gần 400 triệu đồng, nhưng số tiền gốc 200 triệu đồng còn nguyên…
Còn chị Lê Thị X. (ngụ xã Gành Dầu), vì cần tiền cho con ăn học, chị phải tìm vay vốn 10 triệu đồng. Sau gần 2 năm, chỉ tính tiền lãi thì đối tượng cho vay đã thu về hơn 116 triệu đồng, tiền gốc cộng dồn thành 25 triệu đồng do chị không có khả năng chi trả. Khi người vay không có tiền trả lãi hoặc vốn, bị các đối tượng đòi nợ khủng bố tinh thần, chửi bới, đe dọa, đánh đập, cưỡng đoạt tài sản…
Giữa tháng 11 vừa qua, Công an huyện Phú Quốc đã khởi tố bị can, bắt giam 3 đối tượng: Dương Phú Lễ (39 tuổi), Hoàng Văn Trung (27 tuổi, cùng ngụ TP Lạng Sơn, Lạng Sơn) và Nguyễn Đình Hiếu (thường trú huyện Quốc Oai, Hà Nội) về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Lễ khai nhận, năm 2016 vào Phú Quốc lập cơ sở Lễ Công tại xã Gành Dầu hoạt động cho vay tiền.
Lễ thuê Trung ghi chép sổ sách, lập hợp đồng vay và theo dõi tiền lãi, còn Hiếu trực tiếp đi thu tiền và uy hiếp con nợ khi trả chậm. Khám xét tại cơ sở Lễ Công, cơ quan chức năng đã thu giữ nhiều sổ sách, hợp đồng vay vốn, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu... và tài liệu liên quan đến hoạt động cho vay vốn.
Thống kê trên sổ sách thu được thì con nợ của cơ sở này lên đến hàng nghìn người, số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Người vay nợ thấp nhất là 3 triệu đồng và cao nhất 500 triệu đồng, lãi suất dao động từ 15% đến 30%/tháng. Cơ quan Công an khuyến cáo, người dân cần thận trọng khi vay tiền, tuyệt đối không nên “dính” vào các đối tượng cho vay theo kiểu “tín dụng đen” với mức lãi suất cao ngất ngưởng.
Đại tá Lê Tấn Tới, Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện kế hoạch đấu tranh với hành vi cho vay lãi nặng trên địa bàn tỉnh. Sau thời gian ra quân, Công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã xử lý 4 vụ, liên quan đến 10 đối tượng.
Cụ thể, ngày 20-10 vừa qua, Phòng CSHS Công an tỉnh Bạc Liêu, phối hợp với Công an thị xã Giá Rai, phát hiện 2 đối tượng Lê Đình Lâm (23 tuổi) và Lại Đức Quang (24 tuổi, cùng ngụ tỉnh Lâm Đồng), đang thu tiền nợ của người vay ở phường 1, thị xã Giá Rai.
Qua đấu tranh, các đối tượng thừa nhận từ Lâm Đồng xuống Bạc Liêu để cho vay lãi nặng. Khám xét nơi ở của 2 đối tượng tại thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng), cơ quan Công an thu giữ nhiều giấy tờ, tài liệu liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng; đồng thời tạm giữ hình sự thêm 3 đối tượng liên quan…
Hai ngày trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự cũng tạm giữ Vương Bá Điệp (38 tuổi, ngụ Cao Bằng) và Trần Văn Vỹ (29 tuổi, ngụ Nam Định), đang thu tiền cho vay lãi nặng ở phường 7, TP Bạc Liêu. Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận đến Bạc Liêu “thu tiền” thuê cho đối tượng Nguyễn Ngọc Tiến…
“Khủng bố” con nợ
Công an TP Long Xuyên đã phát hiện trên 120 trường hợp vay tiền của các đối tượng, nhóm người cho vay nặng lãi. Những người vay tiền đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm ổn định hoặc làm thuê, làm mướn, thu nhập thấp, cần gấp một số tiền xoay xở nên tìm đến các nhóm cho vay nặng lãi. Các đối tượng lợi dụng sự khó khăn về tài chính, cho vay từ 3 đến 5 triệu đồng và trả góp mỗi ngày, với mức lãi suất rất cao, có khi lên đến 60%.
Tờ rơi, quảng cáo cho vay tiền. |
Bà Trương Thị Thu Nguyệt (ngụ phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên) kể, bà từng vay 5 triệu đồng, trả dần dưới hình thức tiền góp, mỗi ngày góp 150.000 đồng, trong thời gian 40 ngày. Trên giấy nợ ghi 5 triệu đồng nhưng thực tế khi nhận tiền bà chỉ nhận được 4,2 triệu đồng. Bà Nguyệt phải góp trước 2 ngày là 300.000 đồng và tiền “chi phí giấy mực” vay tiền 500.000 đồng.
“Tôi phải góp đủ trong thời gian 40 ngày, với số tiền là 6 triệu đồng”, bà Nguyệt nói. Do công việc hằng ngày là đi bán vé số, bà Nguyệt chỉ thu nhập được khoảng 100.000 đồng nên sau vài ngày trả góp, bà mất khả năng chi trả và bị nhóm người cho vay tiền đe doạ đủ điều.
Trung tá Dương Văn Hiền, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP Long Xuyên cho biết, qua điều tra, trên địa bàn có 8 nhóm, với hơn 50 đối tượng. Hình thức cho vay của nhóm này là, cho vay không cần thế chấp chỉ cần giấy chứng nhận đăng ký xe hoặc sổ hộ khẩu hoặc chứng minh nhân dân.
“Số tiền cho vay không lớn chỉ từ 3 đến 5 triệu đồng và góp hằng ngày, để cho bà con thấy thủ tục đơn giản nên rất dễ vướng vào. Người vay dưới hình thức này trên địa bàn TP Long Xuyên rất lớn, thành phần là bà con nghèo, làm ăn, mua bán nhỏ” - Trung tá Dương Văn Hiền nói.
Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP Long Xuyên đã lập hồ sơ các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức người dân. Rất nhiều trường hợp vì không thể trả nợ, bị nhóm người này khủng bố tinh thần để đòi nợ…
“Đối với những trường hợp có nhu cầu vay vốn làm ăn hoặc giải quyết những vấn đề trong cuộc sống, người dân nên xem xét thận trọng với các hình thức vay vốn. Tốt nhất nên tiếp cận các nguồn vốn của Nhà nước, các ngân hàng thương mại hay các tổ chức tín dụng có uy tín… Tuyệt đối không vay tiền của các tổ chức, cá nhân không rõ nguồn gốc, không được Nhà nước cho phép hoạt động…”, Đại tá Dương Tứ Phương, Trưởng Phòng CSHS Công an tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo. |