Bài học từ vụ án sử dụng chứng chỉ giả để được xét tuyển giáo viên dạy lái xe

09:57 15/05/2015
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa ra quyết định khởi tố bị can 13 đối tượng sử dụng chứng chỉ sư phạm (CCSP) dạy nghề giả để thi tuyển vào dạy lái xe tại Trung tâm Đào tạo nghề (ĐTN) Tâm An (số 100 Phạm Văn Đồng, TP Huế). Vụ án là bài học đắt giá, cảnh tỉnh cho những người thường có “thói quen” dùng tiền mua bằng; hay chứng chỉ các loại được làm giả để xin việc vào các công ty, cơ quan Nhà nước...

Tháng 8/2012, Trung tâm ĐTN Tâm An được Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cấp giấy phép đào tạo lái xe ôtô hạng B1, B2 và sau đó được Sở LĐTB-XH tỉnh Thừa Thiên-Huế cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề.

Nhằm chuẩn bị cho khâu đào tạo, Trung tâm này ra thông báo tuyển dụng 30 giáo viên dạy lái xe. Theo quy định, giáo viên dạy nghề phải có bằng tốt nghiệp Đại học Sư phạm kỹ thuật, Cao đẳng Sư phạm kỹ thuật, hoặc CCSP dạy nghề phù hợp với các cấp trình độ đào tạo.

Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện thủ tục để ký hợp đồng với người lao động, Trung tâm ĐTN Tâm An phát hiện nhiều CCSP của giáo viên vừa tuyển dụng có nghi vấn, liền báo sự việc đến cơ quan Công an.

Qua đó, cơ quan điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phát hiện trong số 30 giáo viên được tuyển, có nhiều trường hợp sử dụng CCSP dạy nghề giả; nên tháng 10/2014, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 6 đối tượng, gồm: Đoàn Phước (58 tuổi, trú phường Vỹ Dạ, TP Huế); Phạm Viết Quang (49 tuổi); Nguyễn Kim Hồng (50 tuổi); Nguyễn Công Anh (36 tuổi) và Đậu Thị Tuyết (45 tuổi), đều trú TP Vinh, tỉnh Nghệ An; cùng Hồ Văn Thủy (41 tuổi, trú 441 Chi Lăng, TP Huế) về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Chứng chỉ giả bị thu giữ.

Tìm hiểu được biết, với nhu cầu xin việc vào Trung tâm ĐTN Tâm An, nhiều người đã liên hệ với nhóm đối tượng trên để mua CCSP dạy nghề giả với giá từ 3-8 triệu đồng. Trong đó, Nguyễn Công Anh là người trực tiếp làm các CCSP giả chứng chỉ của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh (Nghệ An) và chứng chỉ Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng.

Một cán bộ điều tra vụ án cho biết, hầu hết các chứng chỉ được làm giả tinh vi và rất khó phân biệt với các tấm bằng chứng chỉ thật; bởi các đối tượng này đã làm giả con dấu của 2 trường nói trên để đóng vào các bằng.

Mở rộng vụ án, đến tháng 5/2015, CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế tiếp tục khởi tố thêm 13 bị can về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” do có hành vi sử dụng Chứng chỉ sư phạm (CCSP) dạy nghề giả để được tuyển dụng vào làm giáo viên ở Trung tâm ĐTN Tâm An, gồm: Tôn Thất Phu Quang, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Thành Nhân... cùng 8 người khác đều trú trên địa bàn Thừa Thiên- Huế.

Tại cơ quan điều tra, một số giáo viên sử dụng CCSP giả bày tỏ hối hận, cho biết: “Tại thời điểm xét tuyển giáo viên, do Trung tâm ĐTN Tâm An bắt buộc phải có CCSP, trong khi thời gian tuyển dụng quá ngắn, không kịp học nên khi thấy có người rao bán CCSP kèm theo số điện thoại trên mạng Internet thì liên lạc hỏi mua, chứ không biết hành vi này là vi phạm pháp luật”.

Nói về sự việc nhiều giáo viên dạy lái xe được tuyển dụng vào đơn vị bị phát hiện sử dụng CCSP giả, ông Hồ Đình Thái Hòa, Giám đốc Trung tâm ĐTN Tâm An, xác nhận, do lần đầu thành lập Trung tâm dạy nghề nên trong khâu tuyển dụng giáo viên chưa có kinh nghiệm, dẫn đến sự việc có nhiều giáo viên sử dụng chứng chỉ giả xin việc. Tuy nhiên, trong quá trình hoàn tất hồ sơ tuyển dụng, Trung tâm đã phát hiện số seri trên các tấm bằng trùng nhau nên đã trình báo cơ quan Công an làm rõ.

Đại tá Nguyễn Văn Minh, Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định: “Việc cơ quan điều tra làm rõ vụ án nhiều giáo viên ở Trung tâm ĐTN Tâm An sử dụng CCSP giả sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi việc rao bán tràn lan các loại bằng giả trên mạng Internet, đồng thời làm giảm những hệ lụy trong việc tuyển dụng, sử dụng lao động thiếu trình độ, chuyên môn do sử dụng bằng cấp không đúng quy định pháp luật. Trên hết, vụ án này là bài học đắt giá cho những người thường sử dụng bằng giả để xin việc”.

Anh Khoa

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tuyển dụng việc làm tăng cao, cùng với đó nhu cầu tìm việc làm cũng tăng, nhất là đối với những lao động muốn tìm kiếm việc làm thời vụ để có thêm tiền trang trải dịp Tết. Nắm bắt được tâm lý của người lao động, các đối tượng lừa đảo đã dùng nhiều hình thức tinh vi để lôi kéo, dụ dỗ.

Tính từ đầu năm đến nay, nhờ xử lý quyết liệt, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản được giữ vững ổn định, hoạt động giao thông thông suốt. Không xảy ra ùn tắc, đua xe trái phép, gây mất trật tự công cộng. Thế nhưng, Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh bày tỏ: “Xử lý vi phạm nhiều mà tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi còn trăn trở lắm”.

Mặc dù việc vỡ hụi diễn ra ở nhiều nơi đã được cơ quan Công an và báo đài đăng tải thông tin cảnh báo, nhưng không ít người vẫn mất cảnh giác, đặt lòng tin quá mức vào chủ hụi, khiến không ít người rơi vào tình cảnh khó khăn, mất tiền.

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文