Bán phần mềm giám sát điện thoại trái phép, hàng trăm người lộ thông tin cá nhân qua giao dịch
Theo kết luận điều tra, ngày 13/5/2014, Đoàn thanh tra liên ngành của Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội, kiểm tra hành chính, phát hiện, bắt quả tang Lê Viết Tám đang thực hiện hành vi bán phần mềm giám sát điện thoại có tên là “mspy” tại một quán cafe trên phố Ngụy Như Kon Tum, Hà Nội, với giá 600.000 đồng. Đoàn thanh tra đã đưa về trụ sở để làm rõ hành vi vi phạm. Kết quả thanh tra xác định phần mềm “mspy” khi cài vào máy điện thoại di động của người khác sẽ có khả năng thu thập thông tin dữ liệu của người sử dụng gồm các cuộc gọi đi, gọi đến, định vị vị trí máy điện thoại qua GPS, các dữ liệu hiện có của máy điện thoại, lịch sử truy cập mạng của máy điện thoại...
Cơ quan Công an thu giữ thiết bị nghe lén trái phép. |
Theo kết luận điều tra, tháng 9/2012, Tám bắt đầu kinh doanh phần mềm này. Để quảng bá, Tám đã đăng trên nhiều trang diễn đàn giới thiệu về tính năng của mspy và để lại số điện thoại, tài khoản ngân hàng phục vụ việc giao dịch. Giá cước do Tám quy định từ 90.000 đồng/tháng đến 1 triệu đồng/6 tháng tuỳ theo từng gói thu thập thông tin cụ thể như thế nào. Cơ quan điều tra xác định có 877 tài khoản người dùng mspy trên trang web của Tám, trong đó có 741 tài khoản đang ở chế độ hoạt động. Cơ quan điều tra cũng xác định trong một thời gian ngắn số tiền Tám đã thu được từ việc kinh doanh này là hơn 60 triệu đồng.
Trong vụ án này có Thiều Anh Vân là người thực hiện quản trị trang web cho Tám, biết việc bán phần mềm giám sát điện thoại là vi phạm pháp luật nhưng vẫn nhận của Tám 17 triệu đồng. Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với Thiều Anh Vân nhưng sau đó Viện KSND TP Hà Nội đã có quyết định huỷ bỏ quyết định khởi tố đối với bị can này do xác định Vân không tham gia vào hoạt động kinh doanh phần mềm mspy.
Ngoài ra, tháng 6/2014, Cơ quan Công an còn phát hiện Thiều Xuân Thịnh (em ruột Thiều Anh Vân) đang giao dịch bán phần mềm có chức năng tương tự cho khách hàng đã bị bắt giữ. Do lo sợ bị phát hiện nên Thịnh đã xoá toàn bộ cơ sở dữ liệu liên quan, trong đó có dữ liệu về khách hàng. Tại cơ quan điều tra, Thịnh khai đã bán cho khoảng 300 khách hàng người nước ngoài và hàng chục khách hàng người Việt Nam.
Tuy nhiên, do chưa phục hồi được dữ liệu các trang web này nên chưa đủ căn cứ để xử lý đối với Thịnh về hành vi nêu trên theo Điều 226 BLHS.
Như vậy, việc bị can đã cùng một số đối tượng khác kinh doanh phần mềm nghe lén cài đặt trên điện thoại đã xâm phạm đời tư của công dân. Đây là việc đáng báo động cần cảnh báo đến các cá nhân kinh doanh dịch vụ này cũng như người sử dụng tự bảo vệ mình trước những loại tội phạm lợi dụng công nghệ cao như trên.