Bị cáo Đinh La Thăng nói gì về thiệt hại tại Dự án Ethanol (?)
Chiều 11/3, TAND TP Hà Nội tiếp tục điều hành phần tranh luận trong phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Đinh La Thăng và cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm trong vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ (viết tắt là Dự án Ethanol Phú Thọ). Phiên xử vụ Ethanol Phú Thọ tiếp tục với phần tranh luận.
Bị cáo Đinh La Thăng. |
Tự bào chữa, bị cáo Đinh La Thăng dành thời gian biện luận về thiệt hại của vụ án. Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, quá trình thực hiện Dự án Ethanol Phú Thọ, Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB) đã vay của Ngân hàng Seabank và Ngân hàng PVCombank hơn 754 tỷ đồng.
Tính đến ngày cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, PVB đã dùng hơn 1.467 tỷ đồng để thực hiện Dự án xây dựng nhà máy sản xuất Ethanol và các dự án thành phần. Từ ngày bắt đầu triển khai dự án (21/9/2009) đến ngày khởi tố vụ án (11/6/2018), PVB đã thanh toán cho Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thời điểm bị cáo Trịnh Xuân Thanh giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc số tiền hơn 610 tỷ đồng, thanh toán cho Alfa Laval số tiền hơn 236 tỷ đồng.
Kết quả giám định của Bộ Tài chính đã xác định, tính đến ngày khởi tố vụ án, chủ đầu tư đã dùng số tiền hơn 1.467 tỷ đồng để thực hiện Dự án xây dựng nhà máy sản xuất Ethanol và các dự án thành phần. PVB đã vay của Ngân hàng Seabank và Ngân hàng PVCombank hơn 754 tỷ đồng. Từ ngày dự án dừng thi công (27/3/2013) đến ngày 25/7/2014, PVB đã phải trả lãi vay số tiền hơn 125 tỷ đồng. Số tiền lãi PVB còn phải trả cho các ngân hàng từ ngày 26/7/2014 đến ngày khởi tố vụ án (ngày 11/6/2018) là hơn 417 tỷ đồng.
Cáo trạng xác định, có đủ cơ sở xác định thiệt hại thực tế do hành vi lựa chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực để thực hiện Dự án Ethanol Phú Thọ gây ra được tính là toàn bộ số tiền lãi suất phát sinh mà PVB đã trả và số tiền lãi PVB còn có nghĩa vụ trả cho các ngân hàng. Số tiền này được xác định là hơn 543 tỷ đồng. Khi luận tội, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố đề nghị HĐXX buộc bị cáo Đinh La Thăng và các bị cáo khác phải liên đới bồi thường số tiền 543 tỷ đồng.
Theo bị cáo Đinh La Thăng, cáo trạng chỉ xác định số tiền lãi chủ đầu tư phải trả ngân hàng, đây không phải là giá trị thiệt hại của dự án. “Khi ký hợp đồng, tôi yêu cầu phải có tiền bảo lãnh để thực hiện dự án. Chủ đầu tư không yêu cầu bảo lãnh, không có tiền khắc phục, khi có thiệt hại xảy ra thì đây không phải là trách nhiệm của tôi. Còn về phía ngân hàng, khi cho vay phải thẩm định, phải nhận tài sản thế chấp của bên vay”, bị cáo Thăng phân trần.
Bị cáo Thăng tiếp tục bào chữa “Nếu xác định số tiền lãi phát sinh phải trả cho ngân hàng là thiệt hại của vụ án sẽ không đúng kinh tế thị trường vì tranh chấp này phải theo Luật dân sự, thương mại. Ngoài ra, việc định giá thiệt hại hoàn toàn không đúng về luật, không đúng cả lý và tình. Không thể tính đây là thiệt hại và bổ đầu cho tôi và những người khác được”.
Đối với cáo buộc không biết rõ năng lực của Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T, bị cáo Thăng cho rằng, chức năng của Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN là chỉ đạo đối với những người đại diện phần vốn góp của các đơn vị thành viên Tập đoàn. Bị cáo Thăng cho rằng, đại diện Viện kiểm sát cáo buộc mình phải chịu trách nhiệm hình sự khi PVB có sai phạm là không phù hợp. Vì PVB không phải đơn vị thành viên của Tập đoàn PVN.
“Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN, tôi chỉ đạo thông qua các nghị quyết. Còn với tư cách Trưởng Ban chỉ đạo các dự án nhiên liệu sinh học, tôi chỉ đạo chung và không làm thay công việc của chủ đầu tư dự án”, bị cáo Thăng giải thích. Về cáo buộc của đại diện Viện kiểm sát buộc bị cáo Thăng phải chịu trách nhiệm hình sự với số tiền hơn 543 tỷ đồng, bị cáo Thăng cho rằng, đó là khoản tiền chủ đầu tư PVB vay từ ngân hàng, không phải hậu quả thiệt hại của vụ án. Do đó, các nội dung liên quan dự án là hợp đồng kinh tế nhưng đã bị hình sự hóa.