Các cán bộ thanh tra đã nhận hối lộ như thế nào?
Trao đổi với Đại tá Lương Ngọc Lếp, Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, trước khi mở chuyên án điều tra về hành vi nhận hối lộ tại Trạm cân TC056, Công an tỉnh đã nhận được nhiều đơn tố cáo của các tài xế về những hành vi nhũng nhiễu, vòi tiền của một số cán bộ thanh tra thuộc Sở GTVT đang thực thi nhiệm vụ.
Cụ thể như khi làm nhiệm vụ trên tuyến tỉnh lộ 4, một số cán bộ của thanh tra giao thông đã tìm cách “làm luật” đối với tài xế xe tải bằng cách buộc họ phải “chung chi” trực tiếp số tiền từ 50.000-200.000 đồng/chuyến xe quá tải. Ngoài ra, họ cũng “làm luật” đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải khác với hình thức đóng tiền “hụi chết” hằng tháng.
Cơ quan điều tra đọc lệnh bắt và khám xét đối với ông Lê Đình Trọng. |
“Từ nguồn tin tố cáo của quần chúng nhân dân, giữa năm 2013, Công an tỉnh Đắk Nông đã mở chuyên án để điều tra về hành vi nhận hối lộ của thanh tra giao thông. Ngày 6-7-2014, lực lượng Công an tỉnh đã bắt quả tang 3 cán bộ thanh tra của Sở GTVT gồm: ông Nguyễn Thành An, Hoàng Trung Huấn và Lê Thế Hoàng đang có hành vi nhận hối lộ của một số lái xe chở cát quá trọng tải chạy trên tuyến tỉnh lộ 4. Tuy nhiên, do số tiền chưa đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự, Công an tỉnh đã chuyển hồ sơ đề nghị Sở GTVT xử lý kỷ luật theo quy định của ngành”, Đại tá Lếp nói.
Tuy nhiên, sau khi vụ việc trên được phát hiện, một số cán bộ thanh tra giao thông không lấy đó làm bài học mà tiếp tục vi phạm. Cụ thể là từ khi Trạm cân TC056 được thành lập để kiểm tra trọng tải xe trên tuyến QL14 thì một số cán bộ đã có hành vi nhận hối lộ của chủ xe, với nhiều thủ đoạn tinh vi để “qua mắt” cơ quan chức năng. Chẳng hạn như tại trạm cân dù được lắp đặt camera kết nối với vệ tinh Vinasat để theo dõi, nhưng thanh tra giao thông đã dùng một xe tải chắn trước camera này để che khuất tầm quan sát.
Sau đó, những xe đã được “bảo kê” sẽ lần lượt qua trạm mà vẫn không bị camera giám sát ghi lại. Với thủ đoạn trên, các thanh tra này đã nhận số tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng/xe. “Ngoài thủ đoạn này, họ cũng giả vờ cho xe chở quá tải chạy qua trạm cân rồi dùng xe chuyên dụng đuổi theo để kiểm tra, nhưng thực chất là để “làm luật” chứ không hề lập biên bản, xử lý vi phạm”, Đại tá Lếp cho biết thêm.
Đặc biệt, để che giấu thủ đoạn nhận hối lộ, số thanh tra giao thông này đã nhận tiền của chủ phương tiện thông qua “cò” hoặc chuyển khoản tại ngân hàng. Theo đó, trước khi xe gần đến trạm cân, lái xe hoặc chủ phương tiện chở quá tải sẽ tìm cách liên lạc và đưa tiền trước cho “cò”, sau đó “cò” đến trạm cân “làm việc” với thanh tra giao thông. Cũng thông qua “cò” hoặc bằng mối quan hệ quen biết khác, nhiều chủ phương tiện đã hối lộ bằng cách chuyển tiền qua ngân hàng để được cho xe quá tải chạy qua trạm cân mà không bị xử lý.
Theo hồ sơ mà cơ quan điều tra thu thập được, trong ngày 1/4/2014, một chủ phương tiện tên là Phạm Hồng Thái (trú tại TP Hồ Chí Minh) đã chuyển cho ông Lê Đình Trọng, Phó Chánh Thanh tra, Trạm trưởng trạm cân với số tiền 5 triệu đồng thông qua tài khoản của ông Trọng mở tại Ngân hàng Agribank - Chi nhánh thị xã Gia Nghĩa. Tương tự, đến ngày 15-5-2014, một chủ phương tiện khác có tên Nguyễn Trọng Toàn (cũng trú tại TP Hồ Chí Minh) lại chuyển cho ông Trọng 15 triệu đồng để hối lộ với nội dung “Thanh toán tiền luật trên đường”…
“Tuy nhiên, đây chỉ là con số ban đầu mà cơ quan điều tra thu thập được, trên thực tế số tiền mà thanh tra giao thông có thể nhận cao hơn nhiều. Bởi tính trung bình, mỗi ngày trên tuyến QL14 có khoảng 3.500 lượt xe đi lại. Trong đó, riêng xe có dấu hiệu vi phạm quá tải trọng hơn 500 lượt. Nếu tính ra, số tiền mà cánh tài xế “lót tay” cho thanh tra giao thông thì rất khủng khiếp”, Đại tá Lếp nói.
Hiện nay, vụ án đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý đối với những đối tượng có liên quan