Cảnh báo tình trạng trộm cắp cổ vật, đồ thờ tự tại các di tích lịch sử
- Tạm giam 2 đối tượng trộm cắp cổ vật
- Hành trình triệt phá đường dây trộm cắp cổ vật liên tỉnh
- Hải Dương: Bắt đối tượng trong đường dây trộm cắp cổ vật liên tỉnh
Sau một thời gian ngắn điều tra, xác minh, ngày 2-11, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã bắt khẩn cấp 6 đối tượng: Nguyễn Ngọc Tùng, 41 tuổi, trú tại xã Nam Hưng; Phạm An Phú, 36 tuổi, trú tại xã Tây Sơn; Phạm Duy Nam, 27 tuổi, trú tại xã An Ninh; Văn Thanh, 35 tuổi, trú tại thị trấn Tiền Hải; Chu Văn Trường, 34 tuổi, trú tại xã Tây Giang, huyện Tiền Hải và Đoàn Thanh Bình, 31 tuổi, trú tại xã Thái Thuần, huyện Thái Thụy.
Lực lượng Công an tuyên truyền đến người trụ trì, quản lý, trông coi các di tích lịch sử, đền, chùa, nơi thờ tự nâng cao cảnh giác trong việc bảo vệ các cổ vật, đồ thờ tự. Ảnh: Bùi Dương. |
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận đã thực hiện 21 vụ trộm cắp tài sản tại các đình, đền, chùa trên địa bàn huyện Tiền Hải, Thái Thụy, Đông Hưng và Kiến Xương.
Điển hình, hồi 21h ngày 28-1, 4 đối tượng Nguyễn Ngọc Tùng, Phạm An Phú, Phạm Duy Nam và Chu Văn Trường đột nhập vào chùa Phổ Quang, thôn Đồng Vân, xã Vũ Lễ, Kiến Xương, lấy trộm 2 lọ lục bình. Tùng chở hai lọ lục bình về nhà và liên hệ bán cho Phạm Văn Phán, trú tại xã Xuân Thủy, huyện Xuân Trường, Nam Định, với giá 90 triệu đồng.
Trước đó, hồi 21h ngày 26-1, đối tượng Nguyễn Ngọc Tùng đi xe ôtô chở Văn Thanh đến đền Đồng Xâm xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương. Tùng đỗ xe bên ngoài, Thanh đột nhập vào bên trong lấy trộm 2 chiếc chóe cổ.
Sau đó Tùng liên hệ bán cho Nguyễn Văn Thi trú tại xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, Nam Định, với giá 32 triệu đồng. Trước khi gây án, các đối tượng thường đến những nơi thờ tự thăm dò, sau khi xác định đồ thờ có giá trị về văn hóa, lịch sử và kinh tế, chúng lên kế hoạch, chọn thời điểm thích hợp để trộm cắp.
Việc buôn bán cổ vật đem lại lợi nhuận rất lớn, trong khi đó việc truy tìm cổ vật bị đánh cắp thường gặp rất nhiều khó khăn. Sở dĩ các đối tượng dễ dàng "gây án" bởi nhiều đền, chùa, nơi thờ tự ở những nơi vắng người qua lại, xa khu dân cư, người trông coi thường nghỉ ở các gian nhà cách xa, tường bao quanh thấp, tạo điều kiện cho các đối tượng xấu dễ dàng đột nhập.
Để phòng chống hiệu quả đối với loại tội phạm này, người dân và các nhà chùa, nhà đền, nơi thờ tự, cần nâng cao cảnh giác và phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trong công tác phòng chống, điều tra phá án.
Lực lượng Công an cơ sở cần tăng cường công tác nắm tình hình về các cổ vật, đồ thờ tự tại các di tích lịch sử, đền, chùa trên địa bàn để có phương án bảo vệ hiệu quả. Thường xuyên tổ chức tuần tra ban đêm tại khu vực xung quanh các di tích lịch sử.
Người trụ trì, quản lý, trông coi các di tích lịch sử, đền, chùa phải nâng cao hơn nữa ý thức cảnh giác trong việc bảo vệ các cổ vật, đồ thờ tự bằng các biện pháp cụ thể như gia cố, thay thế các cửa ra vào không đảm bảo an toàn. Lắp đặt hệ thống camera giám sát và hệ thống cảnh báo chuyển động. Cắt cử người làm nhiệm vụ bảo vệ tại các di tích lịch sử nhất là vào ban đêm.
Đối với các cổ vật có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, các đồ độc bản thì có thể đặt làm bản sao và trưng bày bản sao của cổ vật, để nếu xảy ra mất cắp thì giảm thiểu được tối đa thiệt hại.