Cảnh giác thủ đoạn làm giả công văn, con dấu tung lên mạng xã hội

06:46 04/08/2020
Chỉ vài thao tác trên điện thoại thông minh, người ta có thể lấy phôi ảnh trên mạng xã hội, trên các website để chế ra một văn bản giả, mạo danh cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng v.v... Điều này lý giải vì sao có khá nhiều thông tin giả được đưa lên mạng xã hội kèm theo văn bản có dấu mộc đỏ tươi làm minh chứng khiến nhiều người tin theo. Bọn tội phạm cũng sử dụng chiêu trò này để lừa đảo những người "nhẹ dạ cả tin"...


Mới đây, có thông tin lan truyền trên mạng xã hội về một công văn được cho là của Bộ Giao thông vận tải phát hành. Với con dấu đỏ hình chữ nhật đóng treo ở góc trái văn bản. Nội dung yêu cầu các hãng hàng không dừng toàn bộ đường bay nội địa, trừ đường bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh và Hà Nội - TP Đà Nẵng. Thời điểm áp dụng từ 0 giờ ngày 31-7.

Quyết định giả được chế ra để lừa đảo chiếm đoạt của ông Đ 500 triệu đồng.

Văn bản này lan truyền bằng con đường không chính thống nhưng đã gây xôn xao dư luận, nhất là trong tình cảnh dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát trở lại. Bộ Giao thông vận tải đã phát hiện, ra tuyên bố khẳng định văn bản trên là giả mạo. Nếu có chỉ đạo về việc dừng bay, Bộ Giao thông vận tải sẽ công khai thông tin qua những kênh chính thức để người dân có thể tiếp cận dễ dàng, chính xác.

Cách đây ít tuần, Công an quận Đống Đa, TP Hà Nội đã tiếp nhận đơn trình báo của ông Đ về việc ông này bị một số đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 500 triệu đồng. Thủ đoạn của các đối tượng rất cũ, chúng gọi điện thoại tự xưng là cán bộ công tác trong cơ quan pháp luật, thông báo việc ông Đ có liên quan đến một vụ án hình sự và yêu cầu ông Đ cung cấp ngày sinh, số chứng minh nhân dân để đối chiếu.

Ông Đ "bán tín bán nghi" nhưng vẫn cung cấp thông tin cá nhân cho số đối tượng này vì nghĩ cũng không quan trọng gì. Sau này, khi đã chuyển 500 triệu đồng vào tài khoản của bọn chúng và biết chắc mình đã bị lừa, ông Đ cho cơ quan Công an biết, bản thân ông đã đọc trên báo chí, biết được thủ đoạn lừa đảo dưới hình thức giả danh nhân viên công quyền.

Nhưng sở dĩ ông Đ tin và nghe theo bọn lừa đảo là do ông nhận được một quyết định có dấu đỏ của Viện kiểm sát yêu cầu ông chấp hành việc "niêm phong tài sản thi hành án hình sự", quyết định ghi rõ họ tên và các thông tin cá nhân ông.

Chính vì cái quyết định có dấu đỏ này nên ông mới chuyển tiền cho bọn chúng nhằm chứng minh là mình vô tội, với suy nghĩ khi kiểm chứng xong sẽ được nhận lại tiền. Ông Đ đâu có biết, để làm giả cái văn bản mạo danh Viện kiểm sát đó, thời gian bọn tội phạm sử dụng để làm giả không tốn quá 30 phút…

Trong một diễn biến tương tự, ông A trú tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An đã bị lừa 120 triệu đồng cũng với thủ đoạn đối tượng dọa ông có liên quan đến một vụ án và yêu cầu ông chuyển tiền vào tài khoản của chúng để "phục vụ công tác điều tra". Để ông A tin, bọn tội phạm còn gửi cho ông qua zalo một bản ảnh có tiêu đề là "Lệnh tạm giam", đóng dấu của Viện kiểm sát, chữ ký của kiểm sát viên. Trong đó ghi ông là "nghi can" bị tạm giam 4 tháng vì "buôn bán ma túy" và "rửa tiền"…

Xem lại nội dung một số văn bản giả mạo trên mạng, nếu tinh ý hoặc nếu hiểu biết về thể thức văn bản có thể biết ngay là đồ giả. Ví dụ như văn bản làm giả của Bộ Giao thông vận tải về cấm bay. Bộ là cơ quan trực thuộc Chính phủ, sử dụng con dấu tròn có quốc huy chứ không phải con dấu hình chữ nhật và đóng treo trên góc trái.

Hoặc như trường hợp bị lừa 500 triệu đồng của ông Đ, nếu quan sát hình thức văn bản mà bọn tội phạm đem ra để lừa ông Đ thấy rất mẫu thuẫn về hình thức. Tiêu đề góc trái ghi tên cơ quan phát hành văn bản là "Chính phủ", nhưng bên dưới chữ ký lại của "kiểm sát viên" thừa lệnh "Viện kiểm sát", đóng dấu của Viện kiểm sát.

Nội dung văn bản thì lủng củng, không đầu không cuối, viết lan man, chắp nhặt câu văn, tự mâu thuẫn lẫn nhau thể hiện sự thiếu hiểu biết về văn bản; bắt chước lời văn một cách thô thiển trong văn bản hành chính. Tự thân nó đã thể hiện là một văn bản giả, chỉ "qua mặt" được những người thiếu kiến thức về văn bản mà thôi.

Từ thực trạng nêu trên, để tránh việc kẻ xấu lợi dụng con dấu đỏ, chữ ký của người có chức vụ quyền hạn trên các văn bản của các cơ quan chức năng đăng tải trên mạng xã hội hoặc các hình ảnh về văn bản được đăng tải trên báo điện tử, chúng tôi đề nghị cần áp dụng công nghệ để đối tượng không tải và sử dụng được con dấu đóng trên các văn bản đăng tải trên mạng được, bằng cách làm mờ, làm nhòe con dấu; hoặc chỉ cho xem chứ không cho tải, copy (sao chụp) văn bản về.

Có thể sử dụng biện pháp thủ công như phần con dấu đỏ nên ghi đè chữ "copy" hoặc ghi tên bản quyền đơn vị phát hành trên con dấu, gạch chéo trên con dấu (nếu là ảnh minh họa báo chí) để đối tượng không sử dụng được.

Cũng có thể chỉ sử dụng văn bản có con dấu đen trắng khi công bố trên các trang tin điện tử, báo điện tử hoặc ghi "đã ký và đóng dấu" khi kết thúc văn bản nhằm tránh để đối tượng xấu khai thác sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật. Đối với các văn bản "cứng" in trên giấy, cần sử dụng loại giấy bảo mật để tránh bị scan lại con dấu.

Nhân đây, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân: Các cơ quan hành chính, cơ quan tiến hành tố tụng không làm việc với công dân qua điện thoại, không gửi văn bản qua zalo, không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản… Việc cơ quan chức năng làm việc với nghi can và công dân phải thực hiện tại trụ sở làm việc hoặc thông qua chính quyền cơ sở. Vì vậy, người dân cần cảnh giác, tránh để bọn tội phạm sử dụng các chiêu trò như trên để lừa đảo.

Đào Minh Khoa

Ngày 9/1, Công an TP Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết: đơn vị vừa phá thành công chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ số ma túy lớn và nhiều vật chứng liên quan khác.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, khoảng 1.000 kiều bào, trong đó có 100 kiều bào tiêu biểu, sẽ tham gia chương trình Xuân Quê hương 2025, mở đầu cho một năm đầy ắp những sự kiện lớn của đất nước, đồng thời, là cơ hội để vinh danh những đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương, động viên kiều bào tiếp tục nỗ lực vì sự phát triển của đất nước. 

Ngày 9/1, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Công an huyện Kim Bôi đã phát hiện, đấu tranh được nhiều tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội có tên “@hotieubao123, @hotieubaoservice, @hatokibotnetstealer; @jero_stealer_japan” có hành vi mua bán phần mềm mã độc sử dụng để tấn công mạng.

Ngày 9/1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Hoàng Khánh Linh (SN 2004, trú tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) về tội giết người. Điều rất đau lòng là bị hại trong vụ án chính là người Linh yêu. 

Thông tin từ Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện có 4 nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) kinh doanh thương mại điện tử dựa trên nền tảng số tại Việt Nam chưa thực hiện quy định về đăng ký thuế thông qua Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của Tổng cục Thuế.

Sau gần 10 tháng khởi tố vụ án hình sự liên quan đến một cán bộ Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đã khởi tố bị can đối với cựu Trưởng phòng quản lý vận tải, phương tiện và người lái Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng về hành vi nhận hối lộ.

Ngày 9/1, dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tổ chức gặp mặt, biểu dương, khen thưởng cầu thủ Nguyễn Hai Long với thành tích xuất sắc anh đạt được cùng đội tuyển quốc gia Việt Nam tại giải bóng đá vô địch Đông Nam Á AFF Cup 2024

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文