Con đường đến với lao lý của hai Giám đốc công ty cổ phần có vốn Nhà nước

14:41 05/05/2016
TAND TP Hà Nội vừa mở hai phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử hai “sếp” của hai công ty cổ phần có vốn Nhà nước về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Mong rằng bài học từ hai vụ án này sẽ cảnh tỉnh mỗi người để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.


 Cố ý làm trái quy định để “rút ruột” hàng chục tỷ đồng

Đào Thành Long (42 tuổi, trú tại ở phố Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa, Hà Nội), nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực và dịch vụ dầu khí Việt Nam (viết tắt là Công ty dịch vụ dầu khí).

Đào Thành Long.

Trong thời gian giữ chức vụ được giao, Long đã chỉ đạo nhiều nhân viên dưới quyền giả mạo chứng từ, hồ sơ để hợp thức hóa số tiền mua đất từ gần 59 tỷ đồng thành 85 tỷ đồng. Tiếp tay cho hành vi phạm tội của Long có sáu bị cáo khác từng là cán bộ, nhân viên trong ngành dầu khí. Ngoài ra còn có Nguyễn Thị Bích Huấn (37 tuổi, ở phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội) làm nghề kinh doanh và Nguyễn Khánh Tuấn (54 tuổi, ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) nguyên cán bộ địa chính phường Trung Hòa. Huấn bị truy tố về tội đưa hối lộ. Tuấn bị truy tố về tội nhận hối lộ với số tiền đặc biệt lớn.

Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, trong khoảng thời gian từ tháng 10- 2010 đến tháng 9- 2011, Long thay mặt Công ty dịch vụ dầu khí đứng ra ký hợp đồng mua hai thửa đất của hai hộ dân ở phường Trung Hòa với tổng diện tích gần 800m². Quá trình thương thảo, hai hộ dân đã nhất trí chuyển nhượng cho Công ty dịch vụ dầu khí quyền sử dụng diện tích đất của mình với tổng số tiền hơn 58,8 tỷ đồng. Việc mua bán, chuyển nhượng hai đất này đã hoàn thành. Nhưng với ý đồ chiếm đoạt bất chính tiền của doanh nghiệp và nhà nước (Công ty dịch vụ dầu khí có 3,682% là vốn Nhà nước), Long đã thương lượng và nhờ đại diện hai hộ dân ở phường Trung Hòa ký hợp đồng chuyển nhượng với giá trị thực tế từ hơn 58,8 tỷ đồng lên thành 85 tỷ đồng. Ngoài ra, Long còn chỉ đạo nhiều nhân viên dưới quyền giả mạo chứng từ, hồ sơ để hợp thức hóa số tiền mua đất thành 85 tỷ đồng. 

Trong vụ án này, Long chuyển cho Huấn 14,7 tỷ đồng để Huấn “chạy sổ đỏ” hai thửa đất của hai hộ dân nêu trên. Nhận tiền, Huấn tìm gặp Tuấn, khi đó đang là cán bộ địa chính phường Trung Hòa để nhờ giúp đỡ. Sau đó, hai thửa đất của hai hộ dân phường Trung Hòa đã được UBND quận Cầu Giấy cấp “sổ đỏ” và Huấn đưa lại cho Long. Để xúc tiến nhanh hồ sơ đề nghị cấp “sổ đỏ”, Tuấn yêu cầu và đã nhận đủ 1 tỷ 50 triệu đồng tiền “chạy chọt” từ Huấn.

Với hành phi phạm tội đã gây ra, bị cáo bị tuyên phạt Long 9 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Tuấn bị tuyên phạt 15 năm tù và bị cáo Huấn bị tuyên phạt 10 năm tù theo đúng tội danh đã bị Viện kiểm sát truy tố.

Câu kết với đồng bọn làm trái để trốn thuế hơn 13 tỷ đồng

Hồ Văn Hải (60 tuổi, trú tại phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nguyên Giám đốc Công ty cổ phần cồn rượu Hà Nội (Halico). Trong thời gian đương chức, Hải đã câu kết với đồng bọn xuất khẩu các mặt hàng rượu Vodka sang Lào, nhưng sau đó lại bán toàn bộ số lượng rượu xuất khẩu tại thị trường trong nước để trốn thuế số tiền hơn 13 tỷ đồng.

Hồ Văn Hải.

Theo cáo trạng của VKSND tối cao, Halico có vốn nhà nước chiếm hơn 54%. Từ cuối năm 2006 đến tháng 3- 2014, ông Hải được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Halico, đồng thời là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Sau một thời gian kinh doanh dưới dạng hộ cá thể, năm 2008, Hoàng Văn Xưởng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Lân và Đinh Thị Minh Hoa (vợ Xưởng) thành lập Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Lân (viết tắt là Công ty Hoàng Lân) với ngành nghề kinh doanh chính là rượu, bia và nước giải khát. Là bạn hàng thân thiết của Halico, Xưởng nhanh chóng lên kế hoạch kinh doanh bất hợp pháp nhằm chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước.

Để thực hiện mục đích, vợ chồng Xưởng- Hoa đề xuất với Hải cho làm trung gian xuất khẩu các mặt hàng rượu Vodka sang Lào, nhưng sau đó lại bán toàn bộ số lượng rượu xuất khẩu tại thị trường trong nước. Thực hiện tội phạm, ngày 28- 11- 2008, Công ty Hoàng Lân ký hợp đồng mua bán rượu xuất khẩu đầu tiên với Halico.

Từ ngày 17- 12 đến 30- 12- 2008, Halico đã bán cho đối tác 5.070 thùng rượu Vodka để xuất khẩu sang Lào. Nhưng ngay sau đó, vợ chồng Xưởng- Hoa lại tuồn hàng ra thị trường nội địa tiêu thụ hết. Sau một thời gian gián đoạn do chưa hợp thức được thủ tục hải quan, ngày 31- 12- 2009, Halico tiếp tục ký hợp đồng để Công ty Hoàng Lân mang tổng cộng 22.420 thùng rượu Vodka sang thị trường Lào tiêu thụ. Toàn bộ số hàng này sau đó tiếp tục được vợ chồng Xưởng- Hoa tiêu thụ ở thị trường nội địa.

Khi một số đại lý rượu trong nước khiếu nại, Halico tạm dừng việc xuất khẩu rượu “ảo” sang Lào thông qua Công ty Hoàng Lân. Tuy nhiên gần một năm sau, nhân sự kiện Halico khai trương văn phòng đại diện ở Lào, Xưởng lại đề xuất nối lại các hợp đồng xuất khẩu rượu sang Lào và được Hải chấp thuận. Lần này, vợ chồng Xưởng- Hoa bàn bạc và thỏa thuận ăn chia với một số cán bộ của Halico, trong đó có Nguyễn Thị Quỳnh Trang, chuyên viên Phòng phát triển thị trường của Halico.

 Cũng với mục đích thông đồng, Xưởng thông qua Nguyễn Thị Thủy, nhân viên một ngân hàng để kết nối với Nguyễn Thị Kim Hạnh, nguyên Phó đội trưởng thuộc Chi cục Hải quan Hà Nội. Có kinh phí lót tay, Hạnh rất tích cực hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu rượu “ảo” cho công ty của vợ chồng Xưởng- Hoa. Tháng 9- 2012, trong một chuyến hàng như thường lệ (bề ngoài là container rượu Vodka, song bên trong không hề có hàng hóa), hành vi gian lận của Xưởng cùng đồng phạm đã bị Hải quan Cửa khẩu Cầu Treo phát giác hành vi phạm tội.

Ngoài việc xuất khẩu “ảo” hàng vạn thùng rượu Vodka của Halico, cũng với thủ đoạn tương tự, vợ chồng Xưởng- Hoa còn kinh doanh gian dối hơn 22.000 thùng bia lon Hà Nội. Điều đó thể hiện từ việc hồ sơ mua bán hàng hóa thể hiện xuất khẩu bia sang Lào, nhưng thực tế lại được tiêu thụ ở Việt Nam. Dưới sự giúp sức tích cực của Hải cùng một số nhân viên công ty này và sự thiếu trách nhiệm của một số cán bộ thuộc Tổng Công ty cổ phần Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội, vợ chồng Xưởng- Hoa đã chiếm đoạt số tiền hơn 13 tỷ đồng tiền thuế Nhà nước, trong đó chủ yếu là tiền thuế tiêu thụ đặc biệt.

Hải bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Quá trình xét xử vụ án này, do lời khai của bị cáo Hải và đồng bọn không đồng nhất với các tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Đây là tình tiết mới phát sinh mà quá trình xét xử không thể làm rõ được nên HĐXX đã tuyên trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ lại lời khai của các bị cáo và các vấn đề liên quan đến vụ án này.

Nguyễn Hưng

Chiều 28/4, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết vừa bắt tạm giam Lê Thị Thanh Nghi (SN 1985, ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) và Nguyễn Đăng Trình (SN 1983, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ngày 28/4, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với đối tượng Dương Minh Cường về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Hơn 40 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Nam Trung bộ đã nỗ lực dập tắt đám cháy tại nơi tập kết vật liệu tranh tre trong xưởng chế biến gỗ của doanh nghiệp ở TP Nha Trang (Khánh Hòa).

“Ngày 3/8/1967, đánh CLB sỹ quan Mỹ (N.O.C) diệt trên 200 tên. Thị ủy Nha Trang đánh giá thắng lợi này rất cao. Những người tham gia trận đánh như Hoài Phong, Lê Thị Mai, Trần Kim Hùng, Bùi Chạn, Trần Thanh Châu (tức Mỹ) đã được tặng tưởng Huân chương chiến công”. Lịch sử Đảng bộ TP Nha Trang giai đoạn 1925 - 1975, trang 205 viết ngắn gọn như vậy.

Chỉ cách đây ba năm, nickel còn được coi là “ngôi sao” của ngành khoáng sản toàn cầu. Nickel, một thứ kim loại trước đây chỉ được dùng trong luyện thép không gỉ, bất ngờ tìm được vị thế mới khi thế giới đổ dồn sự chú ý vào những chiếc pin nickel-lithi (Ni-Li).

An toàn vệ sinh lao động đang là câu chuyện rất nóng và nhận được sự quan tâm lớn của dư luận sau vụ việc 7 công nhân tử vong và 3 người bị thương do tai nạn lao động tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái. Đây chỉ là một trong những vụ việc điển hình liên quan đến tai nạn lao động, khi từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra không ít tai nạn lao động nghiệp trọng. Theo thống kê 3 năm gần đây, có khoảng trên dưới 7.000 vụ tai nạn lao động/năm, làm khoảng 700 người chết/năm và hàng nghìn người khác bị thương. Có thể nói, tai nạn lao động để lại không ít hậu quả đau lòng. Pháp luật về an toàn vệ sinh lao động có rất nhiều quy định chặt chẽ, vấn đề an toàn vệ sinh lao động cũng được tuyên truyền thường xuyên vậy tại sao vẫn có những vụ việc thương tâm xảy ra, chúng ta cần thêm những giải pháp gì để bảo vệ sức khoẻ, an toàn cho người lao động? Xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi cùng TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động.     

Sáng 28/4, Công an huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cho biết, vừa phối hợp lực lượng Công an xã, Dân quân, Xã đội xã Phước Thành, huyện Phước Sơn và cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng kiểm tra, truy quét tình trạng khai thác vàng trái phép tại bãi 5A, xã Phước Thành.

Sáng 28/4, Thượng tá Võ Văn Thái - Phó Trưởng Công an TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau thời gian củng cố tài liệu, chứng cứ, Cơ quan CSĐT Công an thành phố, đã khởi tố 11 đối tượng về tội “Gây rối trật tự công cộng” và tội “Cố ý gây thương tích”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文