Cục Cảnh sát hình sự: Khuyến cáo người dân không nộp sổ đỏ cho các dự án trồng rừng “ảo”

13:22 10/07/2014
Từ 2008 đến nay, tại địa bàn các tỉnh trên toàn quốc đã xuất hiện một nhóm đối tượng tự giới thiệu có khả năng xin được nguồn vốn tài trợ không hoàn lại của tổ chức phi chính phủ nước ngoài cho dự án trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Bọn chúng đã thu gom hàng trăm nghìn quyển sổ đỏ và quyền lâm bạ đất trồng rừng của người dân, sau đó dùng các thủ đoạn để chiếm đoạt tiền của họ.
>> Tin vào “dự án trồng rừng”, hàng trăm sổ đỏ của dân chưa thu hồi được
>> Lập dự án trồng rừng và mua bán USD cổ giả để lừa đảo gần 4,5 tỷ đồng

Vào năm 2009, Báo CAND cũng đã từng có loạt bài điều tra về vấn nạn thu gom sổ đỏ của người dân nói trên. Sau khi báo đăng tải loạt bài đó, Công an các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thanh Hóa, Hòa Bình, Hà Tĩnh… đã tiến hành xác minh, chặn được cơn lốc thu gom sổ đỏ của nhiều đối tượng trên địa bàn mình quản lý, trả lại cho người dân hàng nghìn quyển sổ đỏ. Tuy nhiên, việc xử lý hình sự đối với các đối tượng thu gom chưa thực hiện được, do chưa chứng minh được mục đích chiếm đoạt tiền của các đối tượng.

Gom sổ đỏ để quay tiền trăm tỷ của người dân

Chính vì thế, tiếp tục lợi dụng tâm lý hám lợi của một số cá nhân, doanh nghiệp, từ đó cho đến thời điểm này, vẫn có một số nhóm đối tượng ngoài xã hội tự giới thiệu có thể xin được nguồn vốn tài trợ không hoàn lại của tổ chức phi Chính phủ nước ngoài cho dự án trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc. Mức hỗ trợ cho mỗi hécta (ha) rừng là 25 đến 30 triệu đồng. Những người môi giới được hưởng từ 200 đến 500 ngàn đồng/ha. Hồ sơ, thủ tục xin vốn đơn giản, không phải thông qua các cơ quan chức năng nào xét duyệt cả. Thời hạn giải ngân thì nhanh, chỉ từ 3 đến 6 tháng là có tiền về...  

Điều kiện để hoàn thiện thủ tục tham gia dự án trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc trên, đó là những người dân phải có sổ đỏ, sổ lâm bạ để chứng minh diện tích rừng. Các đối tượng thu sổ đỏ của người dân để mọi người đều tin rằng, việc triển khai dự án là có thật. Và trò lừa, quay tiền các bị hại của các đối tượng cũng bắt đầu từ những quyển sổ đỏ thu được này. Trước hết, các đối tượng yêu cầu những người không có sổ đỏ thì phải đưa tiền cho các đối tượng để mua sổ đỏ hộ. Và chúng lại dùng chính những quyển sổ đỏ thu được để quay vòng, bán cho những người không có sổ đỏ nhưng muốn mua các diện tích rừng theo sổ đỏ để được tham gia giải ngân trong dự án.

Theo một bị hại có đơn trình báo tại Cơ quan CSĐT- Bộ Công an, vì không còn sổ đỏ chứng minh diện tích trồng rừng nên theo yêu cầu của các đối tượng, họ phải bỏ tiền ra mua một diện tích rừng lớn thì mới được giải ngân nhiều tiền.

Để lừa những người này, các đối tượng đã chủ động đưa họ đi mua sổ đỏ đất rừng ở nhiều tỉnh, thành phố…. Ở những nơi này, bọn chúng đã bố trí người, giả vờ là người bán sổ đỏ để đưa sổ đỏ, nhận tiền của người bị hại. Theo cái “bẫy” của bọn chúng, nhóm bị hại này đã phải chi vài tỷ đồng để mua một đống sổ đỏ đất rừng để sau đó lại… nộp cho chúng chờ giải ngân. Ngoài ra, trong một số trường hợp, người bị hại nào quá mệt mỏi, không thể chờ được đến thời điểm giải ngân như lời các đối tượng hứa hẹn, muốn lấy lại sổ đỏ của chính mình thì cũng phải nộp cho bọn chúng số tiền khoảng 30 triệu đồng (trên 100ha rừng) gọi là chi phí đi rút hồ sơ. Bằng các thủ đoạn trên, trong những năm qua, các nhóm đối tượng đã thu gom được hàng trăm nghìn quyển sổ đỏ, sổ lâm bạ đất trồng rừng và chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của các nạn nhân.

Cơ quan điều tra đang lấy lời khai của đối tượng Nguyễn Phước tại Trại tạm giam (ảnh chụp sáng 9/7).

Bắt một đối tượng cầm đầu đường dây lừa thu gom sổ đỏ

Trước tình hình trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Cục Cảnh sát hình sự đã lập kế hoạch xác minh. Kết quả xác minh, cùng với kết quả làm việc trực tiếp với các cơ quan chức năng của Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cơ quan CSĐT- Bộ Công an đã khẳng định, từ năm 2008 đến nay, không có bất kỳ dự án nào có nguồn vốn tài trợ không hoàn lại của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài cho dự án phát triển rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc.

Cũng qua việc thu thập tài liệu, chứng cứ, ngày 18-6, cơ quan CSĐT- Bộ Công an (C45) đã bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Phước, 47 tuổi, HKTT tại 122 Lý Thái Tổ, phường Yên Đổ, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, Giám đốc Công ty TNHH Phước Thịnh khi đối tượng đang lẩn trốn tại tỉnh Quảng Nam.

Tài liệu điều tra ban đầu cho biết, Phước chính là mắt xích quan trọng trong đường dây chiếm đoạt tài sản thông qua việc thu gom sổ đỏ đất trồng rừng. Phước đã tung tin về dự án không có thật nói trên, sau đó cùng đồng bọn tiến hành thu gom sổ đỏ của người dân ở 22 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Bằng thủ đoạn này, Phước đã thu gom được một số lượng sổ đỏ rất lớn, kèm theo đó là một số tiền không hề nhỏ thu của những người không có sổ đỏ, phải bỏ tiền ra mua. Lượng sổ đỏ thu được, Phước và đồng bọn chứa trong 25 thùng tôn với diện tích đất rừng tương đương 3 triệu ha, từng đem gửi vào ngân hàng (chỉ trong 6 thùng đã có 22.928 quyển sổ đỏ, sổ lâm bạ).

Tuy nhiên, sau khi Phước bị bắt, những đối tượng bên ngoài vẫn tung tin giả để lừa gạt người dân. Chúng vẫn nói rằng, Phước chỉ bị đưa lên làm việc, chuẩn bị được thả ra rồi. Dự án là có thật và đang tiếp tục được triển khai với kết quả rất khả quan. Nếu ai đến cơ quan CSĐT tố cáo thì sẽ không được nhận tiền giải ngân cũng như sổ đỏ của mình.

Ngày 9/7, trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Phòng 7, Cục C45, đơn vị thụ lý vụ án khẳng định, sau khi củng cố chứng cứ, ngày 26/6, cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam trong thời hạn 4 tháng đối với Nguyễn Phước. Sau đó, Viện KSND tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh tạm giam nói trên. Chính vì thế, việc tung tin đối tượng Phước được thả ra chỉ là trò bịp của các đối tượng còn bên ngoài mà thôi.

Cơ quan điều tra yêu cầu, những người dân không nên tin và chạy theo trò bịp bợm của đối tượng Phước và đồng bọn về dự án trồng rừng không hề có thật này. Ai là bị hại, đã bị các đối tượng chiếm đoạt tiền và sổ đỏ, đề nghị đến trình báo với cơ quan CSĐT- Bộ Công an (Phòng 7, Cục Cảnh sát hình sự, số 14, ngõ 55 đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, TP Hà Nội, số điện thoại 069.44122)

T.Hòa

Giữa những miền đất đầy bất ổn, người lính CAND Việt Nam mang theo lý tưởng nhân đạo và trách nhiệm quốc tế. Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, khi được hoàn thiện, sẽ là biểu tượng thể chế của một Việt Nam đang chủ động góp phần gieo những mầm xanh hòa bình giữa thế giới đầy biến động.

Liên quan đến đường dây sản xuất sữa giả vừa được Bộ Công an triệt phá với quy mô lớn với doanh thu gần 500 tỷ đồng xảy ra tại Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương không cấp phép và quản lý trực tiếp mặt hàng của các công ty vi phạm, đồng thời nêu rõ nguyên nhân và các giải pháp xử lý.

Để đảm bảo an ninh ở mức cao nhất chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Công an TP Hà Nội đã triển khai cắm chốt làm nhiệm vụ từ sớm, nắm chắc phương án bảo vệ, phân luồng giao thông; tuyên truyền nhắc nhở nhân dân nơi đoàn di chuyển qua tuân thủ quy định, nguyên tắc bảo vệ an ninh cũng như xử lý các tình huống phát sinh...

Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ tư với chủ đề "Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm" sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 14-17/4/2025. Sự kiện có sự tham dự của khoảng 1.000 đại biểu quốc tế. Công tác đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn cho Hội nghị có ý nghĩa to lớn, góp phần tổ chức thành công sự kiện đối ngoại quan trọng của đất nước.

Ngày 14/4, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 8 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ Tổng Công ty Chè Việt Nam (Vinatea) trong vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Chè, gây thiệt hại của Nhà nước số tiền hơn 38 tỷ đồng.

Gia đình cựu Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết vừa khắc phục thêm 100 tỷ đồng cho bị cáo, nâng tổng số tiền đã khắc phục hậu quả vụ án lên 1.072 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số tiền mà bị cáo Quyết phải khắc phục là khoảng 2.400 tỷ đồng. Như vậy, còn gần 1.400 tỷ đồng bao gồm tất cả các khoản tiền mà bị cáo Quyết phải bồi thường.

Ngày 14/4, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (TP Hà Nội), chương trình "Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam-Trung Quốc" lần thứ 24, năm 2025 đã khai mạc trọng thể với chủ đề "Thanh niên Việt - Trung: Vững vàng lý tưởng". Chương trình đã đón 100 đại biểu thanh niên ưu tú Trung Quốc, diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến tất cả các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Sau 1 tuần ăn lòng lợn, người đàn ông 49 tuổi ở Thái Bình xuất hiện sốt cao, đau bụng dữ dội, tiêu chảy nặng, tụt huyết áp, toàn thân nổi ban xuất huyết, phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. 

Tại Hội nghị giao ban và cung cấp thông tin báo chí định kỳ tháng 4/2025, Chi Cục Thuế khu vực 13 (trước đây là Cục thuế tỉnh Lâm Đồng) đã có thông tin chính thức về việc bị Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sao Đà Lạt tố cáo đoàn thanh tra của đơn vị có hành vi giả mạo trong công tác, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文