Hàng trăm người kéo đến trụ sở Công an để tố Công ty Alibaba lừa đảo
- Bộ Công an khen thưởng các tập thể điều tra vụ án lừa đảo của Công ty Alibaba
- Tiếp tục khám xét chi nhánh công ty Alibaba ở TP Hồ Chí Minh
- Nhiều khách hàng “mơ hồ” về dự án đất của Công ty Alibaba
Công an TP Hồ Chí Minh đảm bảo an toàn cho nạn nhân đến tố cáo và tiếp nhận đơn. |
Người dân đến trụ sở Công an tố cáo hoạt động lừa đảo của Công ty Alibaba (ảnh chụp sáng 23-9). |
Anh Phạm Văn T. (61 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh), khách hành của Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba, bức xúc: “Sau khi hay tin Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần địa ốc Alibaba) và Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc) bị bắt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tôi bị người thân chửi bới và nói từng tuổi này mà còn bị lừa đảo. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa tin đó là sự thật. Bởi lẽ, nhân viên bán hàng của công ty này liên tục trấn an, gửi hình ảnh về lãnh đạo của họ để tạo tin tưởng. Thậm chí, họ còn cập nhật thông tin một số báo đưa về công ty của họ với lý giải chỉ hợp tác hay phối hợp điều tra. Nói thật, đến tận bây giờ tôi mới biết mình bị lừa, vì đầu tư đất mà không rõ về pháp lý dự án tại Bà Rịa – Vũng Tàu của công ty”.
“Tôi nóng ruột với số tiền hơn nửa tỷ đồng. Tôi đã đến trụ sở chính công ty này xin nhận lại tiền gốc mà không cần trả lãi nhưng bất thành. Nhân viên bán hàng cứ nói rằng, phải đến đúng ngày nhận trả lãi. Còn mấy ngày nay, tôi gọi họ thì không thấy hồi âm. Do vậy, tôi tiếp tục tìm đến trụ sở nhưng thấy cánh cửa công ty đã đóng. Chân tôi như muốn khụy xuống, vì số tiền hơn nửa tỷ đồng (trong đó có phần vay mượn của người thân bạn bè hơn 200 triệu đồng) không biết có đòi lại được không.
Tài khoản của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba thì bị phong tỏa. Khi đó, tôi đã được một cán bộ Công an quận Thủ Đức ân cần đỡ đưa vào nhà dân gần đó ngồi cho tỉnh táo. Anh ấy cũng cho biết, suốt mấy ngày qua đã cùng đồng đội thường trực vừa đảm bảo ANTT khu vực này vừa hướng dẫn các nạn nhân đến địa điểm tiếp nhận tin báo tố giác hành vi lừa đảo của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba”, anh T., cho biết thêm.
Công an TP Hồ Chí Minh đảm bảo ANTT khu vực xung quanh trụ sở Công ty Alibaba |
Chiều 23-9, trao đổi với phóng viên, Trung tá Phạm Ngọc Anh, Trưởng Công an phường Linh Chiểu, cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an TP Hồ Chí Minh và Công an quận Thủ Đức, Công an phường luôn đảm bảo quân số thường trực từ trước thời điểm bắt giữ hai anh em Luyện và Lĩnh. Chúng tôi còn phối hợp với lực lượng dân phòng, dân quân phường làm tốt công tác ANTT xung quanh chi nhánh công ty Alibaba (đường số 5, thuộc phường Linh Chiểu). Đặc biệt, thời điểm cơ quan điều tra tổ chức khám xét thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án”.
Theo Trung tá Phạm Ngọc Anh, trụ sở chi nhánh công ty Alibaba được thuê lại của ông V. Biết Công ty cổ phần địa ốc Alibaba lừa đảo, ông V. đã nhanh chóng phối hợp cùng Công an TP Hồ Chí Minh tạo điều kiện thuận lợi quá trình khám xét, thu thập tài liệu, chứng cứ. Đối với các nạn nhân của công ty, cán bộ, chiến sỹ luôn tận tình hướng dẫn về trình tự, thủ tục, địa điểm tiếp nhận đơn tố giác tội phạm…để họ chuẩn bị các tài liệu cần thiết cung cấp cho cơ quan Công an, mà không phải đi lại nhiều lần. Họ xót lòng khi thấy trụ sở công ty đóng cửa, bảng quảng cáo Công ty cổ phần địa ốc Alibaba bị tháo gỡ vứt bỏ xuống sọt rác ven đường.
Cùng ngày, hàng trăm khách hàng tiếp tục kéo đến trụ sở Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an TP Hồ Chí Minh (tọa lạc số 674, đường 3 Tháng 2, phường 14, quận 10) để nộp đơn trình báo, tố cáo hành vi lừa đảo của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba. Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết, chưa có vụ án nào có nhiều nạn nhân đến trụ sở Công an tố cáo như vụ Công ty Alibaba, thậm chí trong hai ngày 20 và 21-9 vừa qua.
Do vậy, Công an TP Hồ Chí Minh đã huy động cán bộ, chiến sỹ túc trực, hướng dẫn người dân làm thủ tục tố cáo, đồng thời đảm bảo trật tự. Trong khuôn viên trụ sở, Công an đã chuẩn bị sẵn 4 bàn tròn, ghế để nạn nhân ngồi làm đơn. Để người dân chuẩn bị đầy đủ giấy tờ khi đến trình báo, Công an TP Hồ Chí Minh đã dán thông báo với nội dung “Người dân đến tố giác công ty Alibaba vui lòng chuẩn bị các tài liệu như sau: Đơn tố cáo; hợp đồng, phụ lục hợp đồng (bản photo); các phiếu thu tiền (bản photo); giấy CMND hoặc hộ khẩu (bản photo)”. Sau khi chuẩn bị giấy tờ như hướng dẫn, người dân đã được cán bộ, chiến sỹ tận tình đưa vào phòng tiếp dân nộp cho hai cán bộ đang tiếp nhận tại đây.
Như Báo CAND đã đưa tin, Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba được cấp đăng ký kinh doanh từ năm 2016 và quá trình hoạt động đã “vươn dài” ra các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Tại các địa bàn này, Công an TP Hồ Chí Minh bước đầu xác định, công ty này thu gom mua đất nông nghiệp và các loại đất khác của nhiều cá nhân. Sau đó, công ty dựng các biển quảng cáo về các dự án bất động sản.
Qua điều tra ban đầu, có rất nhiều mảnh đất (là đất nông nghiệp), đất không nằm trong quy hoạch phát triển đô thị nhưng vẫn được phân lô, bán nền cho khách hàng. Công ty đã quảng cáo gây niềm tin cho người dân để góp tiền vào dự án để cùng phát triển dự án, cùng chia lợi nhuận. Tuy nhiên, bản chất thì không phải như vậy. Công ty Alibaba còn thành lập các chi nhánh vẽ các dự án “ma”. Sau đó, giới thiệu bán cho hơn 6.700 khách hàng, với số tiền giao dịch hơn 2.500 tỉ đồng. Công an xác định Luyện chủ mưu, cầm đầu chỉ đạo Lĩnh và các nhân viên cấp dưới thực hiện lừa đảo khách hàng.