Đổi mới công tác phổ biến pháp luật, phù hợp với từng nhóm đối tượng
- Hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân
- Tập huấn chính sách, pháp luật và kỹ năng phổ biến pháp luật về Campuchia
Bên cạnh các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật quen thuộc, các địa phương, đơn vị đã triển khai nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số… qua đó “mềm hóa” các văn bản pháp luật vốn được xem là khô khan, giúp người dân thuận tiện tiếp cận, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong đời sống.
Hiệu quả, thiết thực, gần gũi
Nhận thấy sự cần thiết của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù, UBND TP HCM đã ban hành "Đề án tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật trên báo chí và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2015 - 2018". Sau 5 năm triển khai, thành phố đã có nhiều mô hình ứng dụng ngày càng hiệu quả, thiết thực, gần gũi. Một trong số đó là mô hình "Sách nói pháp luật".
Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM Huỳnh Văn Hạnh cho biết, mô hình Sách nói pháp luật online được thí điểm từ cuối năm 2016. Căn cứ nhiệm vụ được giao, Sở Tư pháp và Thư viện sách nói Hướng Dương tổ chức khảo sát hạ tầng; xác định nội dung, lĩnh vực pháp luật thiết thực, gần gũi, đặc biệt là các quy định liên quan người khuyết tật, người mù, nhóm yếu thế trong xã hội và các đối tượng được hỗ trợ chính sách khác để xây dựng thành Bộ sách nói pháp luật.
Sau thời gian chuẩn bị và triển khai, ngày 18/4/2017, Sở Tư pháp tổ chức lễ ra mắt Sách nói pháp luật, tặng CD đầu tiên của Bộ sách nói pháp luật cho Hội Người mù TP HCM.
Từ năm 2017 đến nay, Sở Tư pháp đã phối hợp với Thư viện sách nói Hướng Dương dành cho người mù tổ chức ghi âm, biên tập, đăng tải được 11 chương trình sách nói pháp luật trên website (sachnoionline.com), góp phần tuyên truyền 35 luật, pháp lệnh và phát hành 2.700 CD đến với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có các trường đặc biệt dành cho người khuyết tật.
Theo Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM Huỳnh Văn Hạnh, một số quận, huyện của thành phố đã bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật cho người khuyết tật thuộc phạm vi quản lý, như: mô hình chữ nổi của quận 3, chương trình MP3 của quận Tân Phú...
Thông qua đó góp phần đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người khuyết tật, giúp họ chủ động, tự tin, vươn lên làm chủ cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Đối với Thủ đô Hà Nội, thành phố luôn chú trọng đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này được đẩy mạnh.
Điển hình, từ cuối năm 2014, thành phố đã xây dựng trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều chuyên mục, thông tin về các lĩnh vực như hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai... Thành phố còn xây dựng nhiều ứng dụng lồng ghép tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật như: Hà Nội smartcity, Hà Nội Media Box, mạng xã hội Lotus...
Theo Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TP Hà Nội, thành phố thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật dưới nhiều hình thức đa dạng như thi viết trên giấy, thi sân khấu hóa, thi trực tuyến thu hút đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân tham gia.
Đặc biệt, năm 2020, thành phố tổ chức thi Báo cáo viên pháp luật giỏi, tuyên truyền viên pháp luật giỏi bằng hình thức video. Nhiều sản phẩm video sau đó đã trở thành sản phẩm truyền thông rộng rãi, có giá trị sử dụng lâu dài mở ra hướng mới trong việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Đáng chú ý, trong đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, thành phố đã triển khai nhiều mô hình mới trong tuyên truyền pháp luật về phòng, chống dịch, như: Tuyên truyền xe lưu động, loa kéo, trên Internet, mạng xã hội, tin nhắn điện tử, lập fanpage... Qua đó góp phần đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Công an huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu xuống thôn, bản tuyên truyền pháp luật cho người dân. |
Chú trọng đầu tư hạ tầng
Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Vệ Quốc khẳng định, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã trở thành đòi hỏi tất yếu mang tính khách quan.
“Nếu không ứng dụng công nghệ thông tin, ngay tức khắc, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ đi sau, lạc hậu với sự phát triển kinh tế - xã hội”, ông Lê Vệ Quốc nhấn mạnh.
Việc ứng dụng công nghệ nhằm đảm bảo mục tiêu, vai trò, chức năng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đó là đưa thông tin pháp luật vào cuộc sống, giúp người dân nhận thức và có hành vi ứng xử trong các tình huống pháp lý phù hợp với các quy định của pháp luật.
Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc chỉ rõ, nhờ vào việc ứng dụng công nghệ thông tin, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã có những bước chuyển căn bản.
Ở bình diện chung, công nghệ thông tin đã tạo ra một mặt phẳng về thông tin pháp luật, mà ở đó mọi người dân, cá nhân, tổ chức đều có cơ hội như nhau trong việc tương tác, tìm hiểu thông tin một cách nhanh chóng, đầy đủ, chính xác, chính thống. Bên cạnh đó, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai đa dạng, phong phú. Đặc biệt, nguồn lực dành cho công tác này được tiết kiệm rất nhiều.
“Trước đây, để triển khai chính sách pháp luật, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương phải huy động nhiều con người với nguồn lực tốn kém. Giờ đây, nhờ công nghệ thông tin, nguồn lực được tiết kiệm mà thông tin pháp luật vẫn đến với người dân nhanh chóng, chính xác”, ông Lê Vệ Quốc đánh giá.
Đề cập tới mô hình “Sách nói pháp luật” mà Sở Tư pháp TP HCM phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai thành công thời gian qua, Vụ trưởng Lê Vệ Quốc nhận định, qua công nghệ thông tin, các nhóm đối tượng yếu thế, đối tượng đặc thù tiếp cận thông tin pháp luật dễ dàng hơn. Đây là ưu thế mà các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống khó có thể thực hiện được.
Theo ông Quốc, trong thời gian tới, tất cả các bộ, ngành, địa phương phải triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên cơ sở đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đó chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, kể cả phần cứng và phần mềm.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện thành công nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019 - 2021”.
Trọng tâm là xây dựng các cổng hoặc trang thông tin chuyên về phổ biến, giáo dục pháp luật, giúp người dân có địa chỉ cụ thể, rõ ràng, thực hiện việc tương tác thông tin pháp luật với chính quyền, cơ quan nhà nước.
Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này.