Giả danh Công an lừa người có nhu cầu xin việc để chiếm đoạt tài sản
Theo kết luận điều tra, Thủy là đối tượng không nghề, đã có chồng và 2 con, nhưng không chịu lao động làm ăn kiếm sống. Để có tiền tiêu xài, Thủy mạo nhận là cán bộ công an, đang làm việc tại Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động - Bộ Công an, có nhiều mối quan hệ, có thể xin việc cho người có nhu cầu vào làm việc tại các cơ quan nhà nước, công an, quân đội. Nhiều nạn nhân tưởng thật trong đó có chị H, trú tại phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm khi nghe Thủy "nổ" rất tin tưởng.
Vì vậy, khi bạn của chị H là anh L đang "tìm cửa" xin việc. Chị H đã hỏi Thủy có thể xin cho anh L vào làm việc trong cơ quan nhà nước hay không? Thủy nói có thể xin vào làm tại một bệnh viện của Quân đội với giá 450 triệu đồng. Trước mắt, anh L phải đưa trước cho Thủy 200 triệu đồng cùng hồ sơ xin việc, nếu có quyết định đi làm thì giao nốt. "Đồng tiền liền khúc ruột", nhưng với anh L do tin tưởng Thủy là Công an nên không ngần ngại đem 200 triệu đồng giao cho chị H để chuyển cho Thủy.
Dù việc xin đi làm cho anh L chưa đâu vào đâu, nhưng chị H vẫn tin tưởng, tiếp tục giới thiệu cháu họ là anh Đ.A, đang có nguyện vọng xin vào làm việc tại Công an một tỉnh ở phía nam. Thủy nhận lời với giá 380 triệu đồng. Anh Đ.A đã chuyển khoản cho chị H 180 triệu đồng cùng hồ sơ cá nhân để đưa trước cho Thủy.
Đợi "dài cổ", cả hai người là anh L và anh Đ.A vẫn không nhận được quyết định đi làm. Biết đã bị Thủy lừa, chị H tìm Thủy để lấy lại tiền nhưng chỉ nhận được những lời hứa xuông. Bị kẹt ở giữa, chị H phải bỏ 200 triệu đồng tiền cá nhân để trả cho anh L.
Bi đát hơn tình cảnh của chị H, anh T.A, trú tại phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội vì cả tin với những lời hứa hẹn xin việc của Thủy nên bản thân vừa là nạn nhân, vừa là trung gian giới thiệu họ hàng "sập bẫy" lừa của đối tượng. Cũng với thủ đoạn tương tự, Thủy nhận lời xin cho anh T.A vào làm tại cục thuế với giá 300 triệu đồng, anh T.A phải đưa trước 75 triệu đồng. Việc của mình chưa xong, anh T.A lại giới thiệu thêm một số "con mồi" nữa cho Thủy.
Trường hợp thứ nhất là chị T.H (em họ anh T.A) ở huyện Ba Vì, TP Hà Nội xin vào một trường trung cấp quân y với giá 320 triệu đồng, đưa trước 80 triệu đồng. Trường hợp thứ hai là anh C, cũng là em họ anh T.A, xin vào ngành Công an với giá 400 triệu đồng, đưa trước 100 triệu đồng... Kết cục, sau khi cầm tiền của anh T.A, chị T.H và anh C đều không xin được việc làm.
Cơ quan Công an có đủ cơ sở xác định, với thủ đoạn mạo danh Công an để xin việc làm, Thủy đã nhận số tiền 635 triệu đồng của những cá nhân nêu trên để chiếm đoạt, sử dụng tiêu xài cá nhân.
Từ vụ án này cho thấy, vẫn có nhiều người nhẹ dạ, tin vào những lời hứa hẹn hão huyền của kẻ lừa đảo. Thực tế, ngay cả trong trường hợp Thủy là Công an thật, thì cũng không thể thích xin cho ai vào đâu cũng được. Một số cơ quan bây giờ đã công khai tổ chức thi tuyển, nhất là cơ quan nhà nước; không thể có trường hợp không có chuyên môn, nghiệp vụ, không qua qua đào tạo mà có thể xin được việc chỉ bằng lo lót chạy chọt như vậy. Nếu ai vẫn còn tin vào việc làm tiêu cực này thì chỉ tiếp tay cho những đối tượng như Thủy có "đất sống" lừa đảo.