Gia tăng tình trạng tổ chức người khác trốn đi nước ngoài

08:57 23/03/2015
Nhiều người không biết việc đi ra nước ngoài không có giấy tờ là trái pháp luật; những ẩn họa bất trắc có thể xảy ra khi không biết ngôn ngữ nước sở tại và có thể trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người...

Liên tục thời gian gần đây Công an Hà Tĩnh đã điều tra, bắt giữ nhiều đối tượng trên địa bàn tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, nhất là đi các nước như Trung Quốc, Malaysia… được dư luận đồng tình ủng hộ, góp phần đảm bảo tình hình an ninh, trật tự (ANTT) trên địa bàn. Tuy nhiên, cũng từ thực tế này đã đặt ra vấn đề cần một giải pháp đồng bộ để ngăn chặn có hiệu quả tội phạm này và tình trạng lao động “chui” đã diễn ra…

Chúng tôi có mặt tại Công an thị xã Hồng Lĩnh khi cán bộ, chiến sĩ Công an vừa phát hiện và bắt giữ đối tượng Nguyễn Sỹ Đức (23 tuổi, ở xã Phú Lộc, huyện Can Lộc) về hành vi tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, 18 lao động chủ yếu là đến từ các tỉnh phía Bắc cứ thắc mắc với chúng tôi: Bao giờ họ được về nhà? Một thanh niên trẻ ở Thanh Hóa cho chúng tôi biết: bản thân có người nhà ở Malaysia và người nhà giới thiệu tìm đến Đức để anh ta đưa sang Malaysia sớm bằng đường bộ qua Lào và Thái Lan.

Còn chị Phạm Thị Đào ở Phổ Yên, Thái Nguyên cho biết, bản thân chị từng lao động tại Malaysia, được người thân giới thiệu có Nguyễn Sỹ Đức nhận đưa người sang, đảm bảo an toàn nên đã liên lạc với Đức để tiếp tục trở lại lao động ở nước bạn.

Qua điều tra xác minh, được biết Nguyễn Sỹ Đức do có thời gian lao động tại Thái Lan, Malaysia nên có quen biết một số đối tượng bên kia biên giới. Khi về địa phương, Đức đã tổ chức đưa người sang Malaysia lao động với mức lệ phí 7 – 8 triệu đồng/người. Đức cũng thừa nhận việc đã nhiều lần đưa người khác đi nước ngoài.

Trong số tài liệu liên quan lực lượng Công an thu giữ, có rất nhiều card thông tin của Đức về việc đưa lao động sang Malaysia bằng đường hàng không và đường bộ, kèm theo số điện thoại ở Thái Lan và Malaysia.

Các đối tượng tổ chức người khác trốn đi nước ngoài bị Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ.

Khác với Nguyễn Sỹ Đức là nhận đưa người ở các tỉnh khác đi nước ngoài trái phép thì 4 đối tượng ở Kỳ Anh, gồm: Nguyễn Văn Giang (23 tuổi) ở Kỳ Hợp, Nguyễn Tiến Tùng (45 tuổi) ở xã Kỳ Tây, Nguyễn Xuân Bắc (27 tuổi) và Hoàng Trọng Lĩnh (22 tuổi) ở Kỳ Tân lại đưa chính những người thân, những người cùng làng, cùng xã đi lao động ở Trung Quốc, cùng với mức giá 6 – 8 triệu đồng/người.

Trong số 58 người được các đối tượng hứa đưa sang Trung Quốc, nhiều người không biết việc đi ra nước ngoài không có giấy tờ là trái pháp luật; những ẩn họa bất trắc có thể xảy ra khi không biết ngôn ngữ nước sở tại, có thể trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người.

Trao đổi với chúng tôi Thượng tá Nguyễn Văn Nhị, Phó trưởng Phòng An ninh điều tra Công an Hà Tĩnh cho biết, thời gian vừa qua, tình trạng người lao động nông thôn nhất là các địa bàn vùng nông thôn của tỉnh Hà Tĩnh đi lao động trái phép ở nước ngoài tăng đột biến, làm ảnh hưởng đến tình tình ANTT.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an huyện Can Lộc, Công an thị xã Hồng Lĩnh điều tra, làm rõ các đường dây, ổ nhóm tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài nói chung và trốn sang Trung Quốc, Malaysia lao động trái phép nói riêng.

Đại úy Bùi Việt Hùng, Phó trưởng Công an thị xã Hồng Lĩnh cho biết: “Các đối tượng đứng ra tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài là người từng đi nước ngoài, có mối quan hệ quen biết, đứng ra môi giới, đưa người cho các tổ chức, cá nhân ở bên kia biên giới. Trong khi, những người lao động là những người thân của đối tượng, nên khi vụ việc vở lỡ, những nạn nhân dù mất tiền cũng không tố giác tội phạm, đây là những khó khăn cho công tác điều tra”.

Có thể thấy nhu cầu tìm việc làm để có thu nhập cao là hết sức chính đáng với người dân nhất là với đồng bào vùng nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đi lao động bằng cách vượt biên trái phép là hành vi vi phạm pháp luật và gây nhiều hệ lụy về ANTT. Chính vì vậy, để ngăn chặn tình trạng này, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến tỉnh cần vào cuộc chỉ đạo quyết liệt. Đối với những lao động tự do đi theo kênh môi giới cần có biện pháp ngăn chặn, quản lý hộ tịch, hộ khẩu.

Ngoài ra, tại các vùng biên, vùng giáp ranh, cần tăng cường quản lý chặt chẽ về an ninh hơn nữa để hạn chế tình trạng lao động vượt biên trái phép bằng con đường tiểu ngạch. Song, vấn đề cốt lõi vẫn là thay đổi nhận thức, tạo công ăn việc làm cho người lao động có thể yên tâm và tin tưởng rằng họ có thể đổi đời ngay trên chính mảnh đất quê hương mình…

Điều 275. Tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép

1. Người nào tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 91 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

2. Phạm tội nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm.

Ngoài các vụ mới đây, năm 2013, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt 4 đối tượng đưa 51 người đi nước ngoài trái phép; năm 2014, bắt 3 đối tượng tổ chức đưa 32 người đi nước ngoài trái phép…

Xuân Lý - Đình Vũ

* Báo CAND đoạt 2 giải A, 2 giải B Giải Búa Liềm Vàng trong CAND

Chiều 25/12, tại Hội nghị tổng kết công tác đảng năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 trong Đảng bộ Công an Trung ương, Bộ Công an đã trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa Liềm Vàng) trong CAND và Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong CAND năm 2024.

Ngày 25/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2). Sang ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Sáng mai (26/12), TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文