Chuỗi ngày địa ngục của cô gái 18 tuổi phải làm vợ 3 người đàn ông

08:58 08/09/2015
18 tuổi nhưng cô gái xinh đẹp ấy đã bị lừa bán sang Trung Quốc và lần lượt bị ép làm vợ 3 người đàn ông. Chuỗi ngày tủi nhục ở xứ người của cô chỉ kết thúc khi cô được giải cứu về Việt Nam...

Chiều mưa ảm đạm, tôi có mặt tại Cục Cảnh sát hình sự (CSHS) – Bộ Công an sau khi nhận được tin báo về một vụ giải cứu em gái 18 tuổi bị bán sang Trung Quốc làm vợ. Nỗi xót xa càng trào lên khi tôi gặp em, một em gái trắng trẻo, xinh xắn, ngoan ngoãn, lễ phép chào hỏi tôi. Giờ đây, đã an toàn trong vòng tay những cán bộ chiến sỹ Cục CSHS, Lan (tên nạn nhân đã được thay đổi) vẫn chưa hết bàng hoàng…
Lan mới 18 tuổi nhưng đã sớm va vấp với cuộc đời từ những năm lên 14. Do hoàn cảnh khó khăn, học đến lớp 9 thì Lan nghỉ, bươn chải vào Sài Gòn kiếm sống, mưu sinh từ những việc bưng bê ở quán ăn đến phục vụ ở quán cà phê. Được chủ nuôi ăn ngủ, mỗi tháng em cũng tích cóp được 2,5 triệu đồng gửi về cho mẹ ở quê nhà Phú Yên. Cách đây nửa năm, Lan quen một phụ nữ tên T., cùng làm ở một quán cà phê đèn mờ, làm một thời gian thì cả hai cùng nghỉ. Lan xin vào một công ty đóng giày ở Bình Dương, còn T. đi đâu không rõ.
Cán bộ, chiến sỹ Cục CSHS họp bàn phương án giải cứu các nạn nhân.

Bẵng đi một thời gian, đến tháng 4 năm 2015 Lan lên mạng xã hội Facebook nói chuyện với T., T. khoe hiện đang ở Trung Quốc, làm ăn rất tốt, lương 8 triệu đồng/tháng mà nhàn hạ, đồng thời rủ Lan cùng sang làm. Khi Lan thắc mắc về hồ sơ thủ tục xin việc làm, không biết sang bằng cách nào, không đủ tiền… thì T. khẳng định không cần hồ sơ, đồng thời cam kết sẽ lo mọi thủ tục từ A đến Z. Rồi T. gửi tiền cho Lan làm “lộ phí”, hướng dẫn Lan đón xe từ Phú Yên ra Hà Nội, lên Móng Cái (Quảng Ninh). Tại đây có người chờ sẵn đưa Lan sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, vào sâu tỉnh Quảng Đông.

Thế nhưng ở trong nhà trọ của T. được một tuần Lan vẫn không thấy bạn nói gì đến công việc, không gian và cuộc sống lạ lẫm, chủ yếu ở trong nhà cả ngày khiến Lan mệt mỏi. Chưa kể đứa bạn luôn có người yêu kè kè, suốt ngày chơi bời, “đập đá” thâu đêm suốt sáng. Chịu không nổi, Lan đòi về. Lúc này người bạn tốt mới “lột mặt nạ”, lạnh lùng tuyên bố với Lan không có tiền đưa về, nếu muốn về thì phải đi làm vợ người ta, tích cóp tiền mới trốn về được. Cực chẳng đã, Lan đành chịu làm vợ một người Trung Quốc với giá 9 vạn NDT (tương đương 320 triệu đồng).

Lan kể, người chồng đầu tiên chân bị liệt, phải ngồi trên xe lăn. Không biết tiếng nên em hầu như không giao tiếp với ai nhưng bị nhà chồng giam lỏng trong phòng, theo dõi chặt 24/24h. “Cả ngày em chỉ đi lại trong phòng ngủ, đến bữa họ đưa thức ăn thì ăn, không nói không cười như người câm điếc. Buồn quá và nhớ nhà nhớ mẹ, em cũng chỉ khóc thầm chứ không biết giãi bày cùng ai…” – Lan tâm sự.

Nhà chồng nghèo, làm nông nên cũng không có điều kiện, suốt từ khi về làm dâu em mặc đúng mỗi bộ quần áo mang theo trên người. Trong một lần được người nhà chồng đưa đi chợ chọn quần áo, em lừa lúc không ai để ý để chạy trốn, nhưng bị bắt lại và bị đánh. Lần thứ hai lợi dụng nhà chồng đi vắng Lan trèo cửa sổ chạy thoát. Nhà chồng ở vùng nông thôn vắng vẻ nên em chạy mãi mới ra được đường lớn, được một người đàn ông tốt bụng cho đi nhờ xe… Thế nhưng khi quay trở về nhà T. – mối liên lạc thân quen duy nhất nơi xứ người xa lạ thì T. lại rắp tâm bán em cho người đàn ông thứ hai.

Ông chồng thứ hai kiểm soát em chặt chẽ, gắt gao hơn, đến đi vệ sinh cũng theo sát từng bước… Do ương bướng không nghe lời, Lan bị trả lại ổ nhóm của T.. Tiếp tục lấy lý do chưa có tiền đưa về, Lan bị T. bán cho người đàn ông thứ ba, trong vòng chưa đầy 3 tháng. Người chồng này nhà xa xôi, ở vùng rừng núi sâu, đi rất lâu mới tới. Lan nói, nếu không phải vì em cố tỏ ra ngoan ngoãn, lấy được niềm tin của nhà chồng thì chắc là sẽ “chôn xác ở đấy suốt đời”. Do được nhà chồng tin tưởng, trong lúc cả nhà đi vắng Lan đã trốn thoát. Nhưng thoát ra khỏi nhà chồng rồi thì sẽ biết đi đâu, làm gì, làm thế nào trở về Việt Nam khi trong tay không một xu dính túi, không biết tiếng. Em cũng không đủ niềm tin nữa khi quanh mình toàn những người xa lạ, xấu xa, cạm bẫy giăng mắc khắp nơi. Lan cảm thấy mờ mịt, mất phương hướng…

Quá trình tiếp nhận đơn trình báo của bà C.T.L. (mẹ nạn nhân Lan), Công an tỉnh Phú Yên đã gửi điện đề nghị Cục Cảnh sát hình sự (CSHS) – Bộ Công an phối hợp, hỗ trợ xác minh đưa cháu Lan từ Trung Quốc về Việt Nam. Cục CSHS đã chỉ đạo Phòng 6 khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam và Trung Quốc tiến hành xác minh, giải cứu nạn nhân.

Khi trốn khỏi nhà người chồng thứ 3, Lan may mắn gặp được những người tốt bụng ở Trung Quốc, nên đã tìm cách liên lạc về với mẹ qua mạng xã hội Zalo.

“Việc đầu tiên mà chúng tôi tiến hành là yêu cầu được nghe trực tiếp giọng nói của em, sau đó trước mắt hướng dẫn em và người cung cấp thông tin tìm cách tự bảo vệ mình…” – Thượng tá Đinh Văn Trình, Đội trưởng Đội 2, Phòng 6 Cục CSHS lý giải, bởi lẽ khi các em tìm cách bỏ trốn thì bên ngoài đang có bao nguy hiểm rình rập. Bọn buôn người truy bắt, nhà chồng truy đuổi, nếu không biết tự bảo vệ thì nguy cơ bị bắt lại, đánh đập là rõ ràng.

Cùng với việc cung cấp địa chỉ, thông tin nơi ở bên Trung Quốc, các cán bộ Phòng 6 cũng hướng dẫn các em cách giữ liên lạc. Bước tiếp theo là trao đổi với Công an Trung Quốc bằng văn bản, đề nghị họ phối hợp xác minh, giải cứu. Như trường hợp của Lan, lực lượng Công an đã phối hợp với tổ chức “Rồng xanh” hướng dẫn em tìm gặp những người tốt, để nhờ họ liên lạc, giúp đỡ. Sau hơn một tuần tác nghiệp, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kết hợp các nguồn thông tin, đến ngày 26/7 Cục CSHS đã giải cứu thành công, đưa nạn nhân Lan trở về Việt Nam an toàn, kết thúc chuỗi ngày cay đắng làm dâu những người đàn ông xứ người…

Lan không phải là nạn nhân duy nhất được giải cứu nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Công an địa phương, Cục CSHS và các tổ chức quốc tế. Tính từ đầu năm 2015 đến nay, Phòng 6 Cục CSHS đã tổ chức giải cứu 16 nạn nhân, đặc biệt trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trong toàn quốc, đơn vị đã giải cứu 6 nạn nhân, xác lập đấu tranh bóc gỡ 3 chuyên án.

Tâm sự về những khó khăn trong hành trình giải cứu các nạn nhân, Thượng tá Đinh Văn Trình cho biết: “Khó khăn đầu tiên là bất đồng ngôn ngữ, nhiều phụ nữ, trẻ em bị lừa bán là người dân tộc, tiếng Kinh không sõi, tiếng Trung Quốc thì không biết, có trường hợp còn không biết chữ, nên việc các em thông tin về tên tuổi, địa chỉ ở Việt Nam rất khó khăn, việc các em mô tả, thông báo vị trí của mình ở Trung Quốc cũng không chính xác…”.

Bởi thế, thông thường phải nhờ những người Việt Nam tốt bụng ở Trung Quốc đến gặp các em lấy thông tin, gửi về cho cơ quan điều tra để độ chính xác cao hơn. Khó khăn thứ hai là vấn đề giữ liên lạc, bản thân các em sau khi báo được mình bị lừa bán thì bị nhà chồng quản chặt, mất liên lạc. Những em bị bán làm gái mại dâm chỉ tranh thủ mượn điện thoại của khách nhắn tin, sau đó khách đi thì bị mất liên lạc, gây khó khăn trong việc liên lạc với các em cũng như phối hợp với cơ quan chức năng nước ngoài giải cứu. Một vấn đề nữa là khi các cán bộ tiếp nhận thông tin nóng muốn giải cứu thì cần thời gian nhanh chóng…

Đại tá Trần Mười, Trưởng phòng 6, Cục CSHS:

Trước tình hình phức tạp của tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em, đặc biệt một số địa bàn trọng điểm như Hà Giang, Nghệ An, Điện Biên, chúng tôi đã phối hợp với Công an các địa phương mở các lớp tập huấn nâng cao nhận thức pháp luật, nghiệp vụ xử lý thông tin và pháp luật về phòng chống mua bán người cho những cán bộ Công an trực tiếp làm trong lĩnh vực mua bán người, Trưởng Công an xã các huyện trọng điểm về mua bán người.

Giảng viên chính là cán bộ của Phòng 6 Cục CSHS, phối hợp với Phòng CSHS Công an các địa phương. Qua các vụ việc xảy ra, chúng tôi thận thấy, điều quan trọng là người dân phải nâng cao tinh thần cảnh giác; đối với chính quyền cơ sở và lực lượng Công an cần phải có giác quan nghiệp vụ, nhạy bén trong nắm bắt tình hình, nhất là khi phát hiện người lạ đến rủ rê người dân đi làm ăn cần phải nhanh chóng xác minh, tìm hiểu…

Quỳnh Vinh

Tối 10/7, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai tổ công tác làm nhiệm vụ đảm bảo TTATGT trên tuyến Đại lộ Thăng Long (Hà Nội), trong đó tập trung kiểm soát camera giám sát hành trình, test nồng độ cồn và chất ma túy đối với các tài xế điều khiển ô tô kinh doanh vận tải như: xe khách giường nằm, ô tô tải, xe đầu kéo...

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh công bố đường dây nóng tố cáo hành vi “vẽ bệnh moi tiền”, thái độ của nhân viên y tế… Người dân có thể phản ánh chất lượng khám chữa bệnh, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, hành vi sai phạm hoặc tra cứu các thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế qua các đường dây nóng của Sở.

6 nhân viên mật vụ Mỹ đã bị xử lý kỷ luật sau những sai sót trong vụ ám sát hụt ông Donald Trump vào tháng 7 năm ngoái tại Pennsylvania. Cơ quan Mật vụ Mỹ cho biết, các hình thức kỷ luật bao gồm đình chỉ công tác từ 10 đến 42 ngày và điều chuyển sang các vị trí không còn liên quan đến hoạt động bảo vệ.

Thông tin về tình hình quy hoạch dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam vào ngày 9/7 vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, phạm vi triển khai của dự án trên địa bàn thành phố khoảng 110ha, gồm phần tuyến dài gần 13,5km với diện tích 32,2ha; Ga Thủ Thiêm khoảng 17,3ha; Depot Long Trường khoảng 60,5ha…

Một công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) có tên iSeg ở Mỹ đang định hình lại xạ trị ung thư bằng cách tự động phác thảo khối u phổi ở dạng 3D khi chúng dịch chuyển theo mỗi hơi thở. Trong khi đó, tại Anh, các nhà khoa học đã phát triển một công cụ mới do AI hướng dẫn, có thể dự đoán cách bệnh nhân ung thư ruột trở nên kháng thuốc, giúp dẫn đến sự phát triển của các liệu pháp điều trị theo hướng cá nhân hóa mới.

Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ V do Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, được nâng tầm chuyên nghiệp và mở rộng quy mô. Đây là hoạt động chào mừng 80 năm Ngày truyền thống CAND (19/8/1945 - 19/8/2025) và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2025).

Barney Casserly đã tự tử ở tuổi 21 khi phải vật lộn với chứng nghiện ketamine và sự tổn thương bàng quang không thể phục hồi khiến anh thường xuyên phải đi vệ sinh 20 lần mỗi đêm. Và Barney chỉ là một trong số hàng ngàn thanh niên ở Anh bị nghiện ketamine - loại thuốc được cấp phép dùng trong các cơ sở y tế và bệnh viện như một chất gây mê nhưng cũng bị liệt vào dạng một loại ma túy tổng hợp, vì có công dụng an thần và tạo ảo giác.

Sau nhiều năm hoạt động tự phát, manh mún và nhỏ lẻ, các hộ kinh doanh xe điện chở khách ở bãi biển Cửa Lò (Nghệ An) những tưởng đã an bài để làm ăn khi bán hết xe cũ, gom tiền mua hàng trăm xe mới đủ tiêu chuẩn để đăng ký, đăng kiểm và vào Hợp tác xã. Tuy nhiên, Nghị định 165/2024/NĐ-CP ra đời và có hiệu lực lại một lần nữa đẩy xe điện vào nguy cơ “khai tử” vì Cửa Lò không có tuyến đường nào có tốc độ khai thác tối đa là 30km/h để phù hợp cho phương tiện này lưu thông.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.