Kỹ năng, thông tin cần biết để tránh rơi vào bẫy lừa đảo
- Còn nhiều nạn nhân sập bẫy lừa đảo qua điện thoại
- Mất hàng chục tỷ đồng vì sập bẫy lừa đảo qua mạng xã hội
- Nhiều người vẫn sập “bẫy” lừa đảo do hám lợi
Hành vi che giấu dòng tiền đã chiếm đoạt
Thượng tá Nguyễn Bình, Trưởng Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội cho biết, quá trình điều tra, cơ quan Công an đã phát hiện phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng trong việc chiếm đoạt tiền của bị hại. Trong đó, các đối tượng phạm tội đã thay đổi thủ đoạn mới, tinh vi trong việc che giấu dòng tiền đã chiếm đoạt được của các bị hại.
Cụ thể, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, hám lợi của một số công nhân, lao động tự do, sinh viên, người ở các vùng nông thôn… nhiều đối tượng người nước ngoài đã thuê người Việt Nam làm đầu mối đứng ra thuê các lao động tự do, công nhân, sinh viên, người ở các vùng nông thôn… đến các ngân hàng khác nhau mở tài khoản chính chủ, đăng ký đầy đủ thẻ ATM, sim liên kết tài khoản ngân hàng, thiết bị Token (là thiết bị do ngân hàng cung cấp để lấy mã khi chuyển khoản qua Internet banking).
Sau đó, thu gom bán lại cho các đối tượng lừa đảo để thu lợi mà không cần biết các đối tượng sử dụng tài khoản của mình để làm gì. Ngoài ra, các đối tượng sử dụng tiền chiếm đoạt được của bị hại để mua, bán tiền kỹ thuật số (bitcoin) trên các sàn mua, bán tiền kỹ thuật số khác nhau, hoặc lợi dụng các cá nhân cung cấp dịch vụ chuyển, đổi tiền quốc tế không thông qua ngân hàng, thay cho hình thức rút tiền mặt trực tiếp tại cây ATM, chi nhánh ngân hàng như trước đây.
Thượng tá Nguyễn Bình thông tin về số vụ án xảy ra trên địa bàn Hà Nội. |
Bên cạnh đó, đối tượng gọi điện thoại trực tiếp cho bị hại giả làm người quen lâu ngày không gặp, sau khi hỏi thăm về tình hình sức khỏe, công việc, cuộc sống, các đối tượng thông báo với người bị hại là có người quen ở công ty xổ số cho số để đánh lô, đề chắc chắn sẽ trúng thưởng, đề nghị người bị hại chuyển tiền cho các đối tượng để đánh lô, đề hộ sau đó chiếm đoạt.
Cụ thể, ngày 7-1-2019, Công an TP Hà Nội đã tiếp nhận đơn của bà Nguyễn Thị L, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội tố bị đối tượng lừa đảo thông qua hình thức gọi điện thoại giả làm người quen cho số lô, số đề bị lừa số tiền 660 triệu đồng.
Cũng theo Thượng tá Nguyễn Bình, trong thời gian vừa qua, Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội đã phối hợp Công an các quận, huyện, thị xã, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cùng các đơn vị nghiệp vụ liên quan khác triển khai nhiều kế hoạch, chuyên đề công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet, viễn thông. Tuy nhiên, qua thực tế điều tra, tình hình tội phạm này vẫn tiếp diễn, nhiều người đã trở thành nạn nhân.
Thủ đoạn của các đối tượng tự xưng là nhân viên bưu điện, bưu cục… gọi điện thoại đến máy điện thoại bàn, di động thông báo cho người bị hại là họ đang nợ tiền cước điện thoại, có bưu phẩm gửi ở các bưu điện lâu ngày không đến nhận, thiếu nợ tiền ngân hàng do người khác lấy CMND đăng ký mở tài khoản ngân hàng… Khi bị hại trả lời là không có những việc trên thì đối tượng hướng dẫn, nối máy cho bị hại nói chuyện với cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án để trình báo…
Tiếp theo, đối tượng tiếp tục thông báo cho bị hại là họ đang liên quan đến các vụ án, chuyên án của cơ quan Công an đang điều tra như: Buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia… và đã có lệnh bắt của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, yêu cầu kê khai tài sản, tiền mặt hiện có, tiền trong các tài khoản ngân hàng.
Đồng thời, yêu cầu người bị hại phải luôn nghe điện thoại, liên tục nói chuyện với nhiều người tự xưng là điều tra viên, cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án và không được kể cho người khác việc đang làm với cơ quan pháp luật.
Để người bị hại tin tưởng, các đối tượng sử dụng các phần mềm, ứng dụng gọi điện thoại qua mạng Internet có thể hiện thị số gọi đến là số điện thoại của cơ quan Công an (chỉ khác đầu số gọi đến) nên khi người bị hại kiểm tra qua tổng đài 1080, qua mạng Internet… thì cũng không phát hiện được.
Sau đó, các đối tượng vừa dùng những lời lẽ đe dọa về việc người bị hại sẽ bị bắt tạm giam để điều tra, vừa nói sẽ xem xét tạo điều kiện nếu như người bị hại thành khẩn khai báo rồi yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào các tài khoản chỉ định để xác minh nguồn tiền, phục vụ điều tra khiến người bị hại sợ bị bắt giam, mất danh dự, uy tín nên phải chuyển tiền theo yêu cầu.
Đối tượng chiếm đoạt các tài khoản mạng xã hội, chủ yếu là tài khoản facebook, tập trung vào những người Việt Nam đang sinh sống làm việc tại nước ngoài để nhắn tin nhờ bạn bè người quen nhận tiền hộ từ nước ngoài, xin người bị hại số tài khoản, điện thoại…
Sau đó, gửi các tin nhắn giả mạo thông báo nhận tiền chứa các đường link website giả mạo các dịch vụ nhận tiền từ nước ngoài như: MoneyGram, Wester Union… hoặc trang web của các ngân hàng tại Việt Nam. Các website giả mạo này yêu cầu người bị hại phải nhập các thông tin tài khoản ngân hàng như: ID, mật khẩu tài khoản InternetBanking, tên, số thẻ…
Sau khi có thông tin InternetBanking, các đối tượng đăng nhập và chuyển tiền trong tài khoản của người bị hại đến các tài khoản của đối tượng. Lúc này, đối tượng yêu cầu người bị hại cung cấp mã OTP ngân hàng cung cấp để nhận tiền nhưng thực chất là để các đối tượng chuyển tiền ra khỏi tài khoản của người bị hại.
Người dân cần làm gì để đối phó hành vi lừa đảo
Cũng theo Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội, để phục vụ công tác phòng ngừa, ngăn chặn, kiềm chế sự gia tăng tội phạm hình sự nói chung, đặc biệt là các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet, mạng viễn thông, đề nghị người dân cần nâng cao cảnh giác, ngoài việc tự trang bị các kiến thức cần thiết để phòng tránh bị các đối tượng lừa đảo thì chia sẻ, tuyên truyền cho người trong gia đình, những người xung quanh để biết phòng chống.
Chủ động nâng cao nhận thức, hiểu biết kiến thức pháp luật nếu ai đó vi phạm pháp luật bị triệu tập, mời người dân lên trụ sở làm việc thì đều gửi giấy triệu tập, giấy mời thông qua chính quyền địa phương, Cảnh sát khu vực… chứ không có việc điều tra viên, cán bộ Công an tự gọi điện thoại thông báo theo hình thức nêu trên.
Khi người dân bị các đối tượng gọi điện thoại gia danh Cơ quan Công an, Viện Kiểm sát nhân, Tòa án… gọi điện thoại đe dọa cần bình tĩnh, thông báo ngay cho người thân, và phải trình báo ngay tới cơ quan Công an gần nhất. Tuyệt đối không cung cấp cho các đối tượng thông tin về tài sản cá nhân, tiền mặt hiện có, tài khoản ngân hàng.
Ngoài ra, trong các trường hợp cần thiết, nếu người dân bình tĩnh thì nên chủ động ghi lại các thông tin về đối tượng hoặc do đối tượng cung cấp như số điện thoại gọi đến, thông tin tài khoản ngân hàng của đối tượng… để cung cấp cho Cơ quan Công an tổ chức xác minh điều tra.
Không công khai các thông tin cá nhân như: Ngày sinh, số CMND, số diện thoại, số tài khoản ngân hàng, hình ảnh của bản thân, con cái, người thân trong gia đình lên các mạng xã hội. Trường hợp chia sẻ thông tin lên mạng xã hội thì chọn lọc các thông tin có thể chia sẻ công khai, các thông tin giới hạn người xem.
Cơ quan Công an cũng cảnh báo về việc kết bạn với người lạ trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là những người mới quen mà đã hứa tặng những món quà đắt tiền; cảnh giác với những trang web giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế, trang web ngân hàng…
Đối với các tin nhắn qua mạng hội xã hội, qua điện thoại của người quen, bạn bè nhờ mua thẻ cào điện thoại, nhờ chuyển tiền hộ cần gọi điện thoại trực tiếp xác nhận thông tin với người nhờ; đối với các cá nhân có nhu cầu chuyển – nhận tiền từ nước ngoài về thì gửi – nhận thông qua ngân hàng có uy tín, không sử dụng dịch vụ chuyển, đổi tiền quốc tế của cá nhân không hợp pháp; không mở hộ, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng của mình cho người khác, đồng thời cũng tuyên truyền cho người thân trong gia đình, những người xung quanh không mở hộ, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng cho người khác.