Lấp lỗ hổng pháp lý về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy

08:56 13/11/2020
Trong những năm vừa qua, số người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng. Người sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp đã gây ra các vụ thảm án khiến dư luận hoang mang. Việc xử lý hành vi sử dụng trái phép chất ma túy chỉ mới dừng ở biện pháp hành chính, chưa đủ sức răn đe.


Chính vì vậy, dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 đã bổ sung một chương mới về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.

Thảm án do người sử dụng ma túy gây ra

Trong mấy năm gần đây, liên tiếp các vụ án giết người, cướp của thậm chí là giết ngay chính những người trong gia đình, người thân của mình do các đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy gây ra đã tiếp tục gióng lên những hồi chuông cảnh báo về hệ lụy khôn lường từ việc sử dụng trái phép chất ma túy. Nhiều vụ án khiến dư luận hoang mang bởi tính tàn nhẫn, thậm chí là man rợ.

Lực lượng Công an khống chế một đối tượng “ngáo đá” cầm dao dọa chém người giữa đường tại Hà Nội.

Có thể kể đến như vụ việc bố dượng Nguyễn Minh Tuấn và mẹ đẻ Nguyễn Thị Lan Anh, cùng SN 1991, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tại số 32 ngõ 44 Nguyễn Đình Chiểu, phường Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, Hà Nội hành hạ cháu M., 3 tuổi đến tử vong gây rúng động dư luận cách đây chưa lâu. Cả Tuấn và Lan Anh đều sử dụng ma túy dạng đá.

Trong thời gian cháu M. ở cùng, hai đối tượng trên đã nhiều lần đánh đập, bắt phạt cháu bé với những trận đòn roi tàn nhẫn.

Do bị bạo hành quá nhiều lần, khoảng 8h ngày 30/3/2020, cháu M. có biểu hiện khó thở. Hai đối tượng trên đã đưa cháu bé đi cấp cứu. Tuy nhiên, điều không may đã xảy ra, cháu bé xấu số đã mất tại bệnh viện vào 11h cùng ngày với nhiều vết thương tích trên cơ thể như ở ngực, bụng, lưng, mông, hai tay, đầu não… Hai kẻ ác nhân hiện đang chờ những bản án thích đáng nhất dành cho chúng.

Gần đây nhất, vụ việc nữ sinh viên của Học viện Ngân hàng Trần Thúy Hiền, 18 tuổi, trú tại xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội đã bị chết thảm bởi đôi bàn tay của kẻ nghiện ma túy cũng lại khiến dư luận phẫn nộ.

Cụ thể, chiều 23/10, đối tượng Nguyễn Xuân Trung, SN 1985, trú tại xã Văn Phú, huyện Thường Tín, Hà Nội rủ Nguyễn Văn Quân, SN 1983, trú tại xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội đi trộm cắp tài sản. Sau khi lấy được bộ cốp pha của 1 công trình xây dựng tại xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, hai tên đi tìm nơi tiêu thụ.

Trên đường đi, Trung trông thấy em Hiền đang đứng gần bờ sông Nhuệ nghe điện thoại di động. Hắn đã quay lại, bàn bạc với Nguyễn Văn Quân việc cướp điện thoại của nữ sinh tội nghiệp. Sau khi thực hiện được hành vi cướp tài sản, tên Trung đã đẩy nạn nhân xuống sông để thực hiện đến cùng hành vi tàn ác.

Số liệu từ các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an cho thấy, tính từ năm 2014 đến năm 2019, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 5.177 vụ việc với 32.535 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy tại vũ trường, karaoke, quán bar…, 7.527 vụ với 18.464 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy thực hiện các hành vi tội phạm hình sự như: cướp, giết người, trộm cắp, cố ý gây thương tích, hiếp dâm…

Các cơ quan chức năng đã khởi tố 96.138 vụ với 120.349 bị can trong các vụ án về ma túy, trong đó có 68.768 bị can sử dụng trái phép chất ma túy, 13.671 đối tượng đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; 9.982 đối tượng đã bị đưa vào các cơ sở cai nghiện.

Chưa có quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy

Trong những năm vừa qua, tình hình sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Từ khi Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có hiệu lực thi hành thì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không bị coi là phạm tội và không bị xử lý hình sự.

Sự phát triển bùng nổ của các loại hình kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như vũ trường, quán bar, nhà hàng… đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp. Số người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp. Hình thức sử dụng ma túy đa dạng, từ hút, hít, tiêm chích sang uống, ngậm (ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần)…

Nhiều trường hợp sử dụng ma túy nhất là ma túy tổng hợp ngay từ lần sử dụng đầu tiên đã gây ra nguy hiểm cho chính bản thân người sử dụng và gây mất an ninh, trật tự; đặc biệt người sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần (ngáo đá), không kiểm soát được hành vi gây ra các vụ thảm án, gây hoang mang dư luận.

Trong khi đó, chưa có quy định của pháp luật về quản lý đối tượng này nên mặc dù thấy được tính chất nguy hiểm, hậu quả gây ra cho xã hội nhưng quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy chưa được quan tâm một cách đúng mức dẫn đến hậu quả do những người sử dụng trái phép chất ma túy gây ra vô cùng nghiêm trọng.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 21, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy chỉ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Mức xử phạt này là chưa đủ sức răn đe.

Xuất phát từ thực tiễn nêu trên đã đặt ra yêu cầu phải quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, “có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy” theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 36-CT/TW ngày 16/8/2019 về “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy” của Bộ Chính trị. Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đã bổ sung Chương IV “Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy”.

Theo đó, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là biện pháp phòng ngừa nhằm giúp người sử dụng trái phép chất ma túy không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy và kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật của họ.

Việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy được áp dụng ngay lần đầu người đó sử dụng trái phép chất ma túy với mục đích là ngăn chặn không để họ tiếp tục sử dụng từ đó góp phần làm giảm người nghiện ma túy, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính.

Nguyễn Hương

Ngày 25/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2). Sang ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Sáng mai (26/12), TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng đã được Chính phủ ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12. Một trong những điểm mới của Nghị định này là quy định về việc người dùng mạng xã hội phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động tại Việt Nam.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文