Loan “Cá” và hành trình 10 năm lập băng nhóm hoạt động bảo kê

12:57 07/05/2020

Đã 2 ngày trôi qua sau vụ băng nhóm giang hồ bảo kê do Loan “Cá” cầm đầu bị Công an Đồng Nai triệt phá, nhưng nhiều người dân vẫn nghi ngại bàn tán tại sao băng nhóm này hoạt động nhiều năm qua nhiều địa bàn mà không bị phát hiện. Liệu có thế lực nào chống lưng cho băng nhóm bảo kê này không…


Lý Thị Loan, SN 1981, ngụ phường Hóa An, TP Biên Hòa, Đồng Nai có biệt danh Loan “Cá”, đây chính là biệt danh Loan đã có từ khi Loan hoạt động kiểu băng nhóm xã hội đen tại chợ cá Hóa An từ 5 năm trước. Thời đó, Loan bán cá ở chợ Hóa An được một thời gian, sau đó thu nạp đàn em "bặm trợn" rồi hoạt động theo kiểu băng nhóm giang hồ khu vực xã Hóa An (nay là phường Hóa An).

 Tại đây, Loan cho đàn em thu tiền bảo kê người bán hàng rong trước cổng Công ty TNHH Pouchen Việt Nam nằm đối diện chợ Hóa An với hàng trăm người buôn bán hàng rong xe đẩy, buôn thúng bán bưng. Chủ yếu là bán cho gần 20 ngàn công nhân Công ty TNHH Pouchen giờ vào ca và lúc tan tầm.

 Ngay từ khi bước vào con đường hoạt động băng nhóm trấn lột bảo kê, Loan đã áp dụng bài “không ăn được thì đạp đổ”. 

Theo đó, khi đàn em đi thu tiền bảo kê nếu người nào không chịu nộp thì dùng vũ lực đạp đổ hàng hóa phương tiện chở hàng. Thấy sức mạnh thị uy lên cao nhiều người khiếp sợ, Loan cho đàn em hoạt động thêm “loại hình” cho vay nặng lãi và dùng vũ lực đòi nợ thuê khu vực phường Hóa An. Nhiều người dân địa phương và Công nhân Công ty TNHH Pouchen đã từng phải “ngậm đắng nuốt cay” trước các hành vi ngạo ngược của băng nhóm này.

Loan "Cá" làm việc với công an.

Từ năm 2017, Loan mở rộng hoạt động địa bàn với phương thức thủ đoạn cũ khi đưa một số đàn em cũ và quy tụ thêm một số đàn em mới về hoạt động khu vực KCN Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu. Khu vực này có hàng chục công ty hoạt động nhưng Loan chủ yếu cho đàn em bảo kê khu vực cổng trước và cổng sau Công ty Chang Shin Việt Nam. Đây là công ty có lượng công nhân cao nhất nhì Đồng Nai, lên tới trên 20 ngàn người nên hàng ngày có hàng trăm thậm chí cả ngàn người kinh doanh buôn bán dọc tuyến đường Đồng Khởi và đường tỉnh lộ 768 để phục vụ công nhân của Công ty Chang Shin. 

Tại khu vực này, Loan “Cá” luôn có hơn 10 đàn em trong tay, trong đó có 2 đối tượng thân cận là Hoàng Thị Tuyết Nhung 35 tuổi, tự Nhung "Khàn" - một "đàn chị" đến từ khu Hố Nai và một đối tượng tên Bảo. Với phương thức thủ đoạn cũ, Loan cho đàn em thu tiền bảo kê hàng tháng, hàng tuần với mức trung bình tính từ 1 đến 1,5 triệu đồng/người/tháng, tùy theo vị trí và mặt hàng buôn bán.

Nhung "Khàn", một tay chân đắc lực của Loan "Cá". 

Sau khi lập chuyên án đấu tranh hơn 4 tháng, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Cảnh sát Cơ động mới có đủ chứng cứ và thời cơ để triệt phá băng nhóm bảo kê do Loan “Cá” cầm đầu, bắt giữ 10 đối tượng. Sau khi nghe tin băng nhóm này bị bắt, trong đêm 5/5 nhiều nạn nhân của nhóm bảo kê Loan “Cá” đã đến Cơ quan công an tố cáo hành vi của chúng. 

Theo nhận định của nạn nhân N.S.H, nhóm bảo kê này có thể có thế lực “chống lưng”. Bởi hàng ngày ông cùng nhiều người khác buôn bán khu vực gần công ty Chang Shin, đều có lực lượng chức năng như Công an địa phương và lực lượng trật tự đô thị tuần tra, kiểm soát khu vực này nhưng tại sao không phát hiện xử lý các đối tượng bảo kê này. Thậm chí, sau lần đụng độ giữa người bán hàng với nhóm bảo kê này, mọi việc được sắp xếp ổn thỏa và chúng lại hoạt động như cũ. 

Trong khi đó, ông N.H.Q, một người dân TP Biên Hòa cho rằng băng nhóm bảo kê Loan “Cá” hoạt động từ TP Biên Hòa đến huyện Vĩnh Cửu, ngang nhiên thu tiền bảo kê giữa ban ngày gần cả 10 năm trời mà không bị phát hiện, xử lý khó tránh khỏi có thế lực bảo kê.

Loan "Cá" và các đàn em bặm trợn. 

Theo một cán bộ điều tra chuyên án này cho biết, cho đến thời điểm này Cơ quan điều tra vẫn chưa có căn cứ cụ thể để khẳng định có hay không có tình trạng bảo kê của lực lượng chức năng địa phương đối với băng nhóm do Loan “Cá” cầm đầu. Tuy nhiên trong quá trình xác lập chuyên án và đấu tranh, lực lượng Cảnh sát hình sự cũng đã điều tra các vấn đề liên quan đến hoạt động của băng nhóm bảo kê. Nếu phát hiện và đủ căn cứ chứng minh có việc bảo kê của lực lượng chức năng địa phương, sẽ báo cáo lãnh đạo xin ý kiến xử lý nghiêm nhằm không để tình trạng trên tồn tại. 

Những đồng tiền lẻ đầy mồ hôi nước mắt của người buôn thúng bán bưng nộp cho băng nhóm bảo kê.

“Việc băng nhóm bảo kê hoạt động trong thời gian dài nhưng lực lượng chức năng địa phương không phát hiện và xử lý kịp thời nên người dân nghi ngờ là không tránh khỏi. Tuy nhiên cơ quan Công an đang thu thập tài liệu và tiếp tục đấu tranh để làm rõ…” một cán bộ điều tra chuyên án nhấn mạnh.


Ngọc Sơn

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文