Lừa chạy việc vào Công an chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng
Con trai vừa học xong lớp 12 chưa có việc làm, vì nhẹ dạ đặt niềm tin ở "Đội trưởng Cảnh sát cơ động" rởm, anh Tao Văn Sâu, ở bản Hon, xã Bản Hon, huyện Tam Đường đã chạy vạy, vay mượn để gom số tiền 240 triệu đồng lo cho con trai đi học Trường Trung cấp Cảnh sát. Người này hứa với anh là nếu nộp đủ tiền sẽ có quyết định nhập học vào tháng 10/2014. Do thời gian gấp gáp, nên anh mới bán được 4 tấn thóc được 20 triệu đồng. Số còn lại anh dự tính sẽ bán trâu, bò, ruộng vườn và cả đất ở rồi sẽ giao cho Hà.
Trong lúc Hà đang nhận tiền của anh Sâu thì lực lượng Công an bắt quả tang. Lúc đó, anh Sâu mới biết là mình bị lừa. "Hà bảo anh đưa cho em 240 triệu đồng thì con anh sẽ được học Công an. Tôi bảo đi phục vụ Nhà nước sao đắt thế? Hà mới bảo số tiền này là người ta đi mua mũ vàng này, quần áo vàng Công an này, giày dép da này, nuôi cơm ngày ba bữa cho con mình trong thời gian ăn học này... Nếu có đi học trường khác ba năm thì cũng phải hết bằng nấy". Anh Sâu thật thà chia sẻ.
Đối tượng Hà cùng tang vật. |
Trong cái rủi còn có cái may, cái may là anh chưa kịp bán cả nhà cửa, ruộng vườn nên chỉ "đặt tạm" cho Hà 20 triệu đồng. Không may mắn như anh Sâu, anh Trần Văn Ngải, giáo viên Trường Tiểu học xã Bản Giang, huyện Tam Đường lại vừa giao cho Hà hết 200 triệu đồng trước đó chỉ mấy giờ đồng hồ để nhờ Hà lo việc cho con gái mình. Khi được lực lượng Công an mời đến xác minh sự việc, anh vẫn không khỏi bất ngờ: "Qua cậu Đức, vừa là cậu họ vừa là đồng nghiệp cùng trường có quen anh Hà làm Công an. Ông ấy sẽ xin giúp cho con tôi vào làm việc ở Phòng Hậu cần, Công an tỉnh với giá 200 triệu đồng. Tôi đưa tiền làm 2 lần. Lần đầu tiên đưa 50 triệu đồng vào ngày 28/8. Ngày 3/9, đưa thêm 150 triệu đồng nữa là tổng cộng 200 triệu đồng. Ông ấy nói đến tháng 10 sẽ đi làm".
Khám xét khẩn cấp nơi ở của Quàng Duy Hà, lực lượng Công an đã thu được thêm 4 bộ hồ sơ xin việc và một số giấy tờ liên quan. Sau 5 giờ đấu tranh khai thác cùng với những nhân chứng, vật chứng không thể chối cãi, Quàng Duy Hà đã phải khai nhận: "Để tạo lòng tin cho những người có nhu cầu xin việc cho con mình vào ngành Công an, tôi đã tự giới thiệu với họ là đang công tác ở "Phòng Cảnh sát cơ động" (tức là Phòng Cảnh sát bảo vệ và cơ động) và nhận tất cả 8 bộ hồ sơ xin việc. Tôi ra giá, đi lính nghĩa vụ là 50 triệu đồng; đi lính nghĩa vụ và chuyển sang chuyên nghiệp vào Công an là 170 triệu đồng và xin đi học cử tuyển Trung cấp Công an giá 250 triệu. Tổng cộng tôi đã nhận của mọi người hơn 1 tỷ đồng".
Theo điều tra ban đầu thì từ năm 2013 đến nay, Hà đã nhận tổng cộng 8 hồ sơ của các bị hại sống tại các huyện Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Tam Đường của tỉnh Lai Châu và thị xã Mường Lay của tỉnh Điện Biên với giá trị gần 1,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay tất cả những trường hợp này đều chưa có ai được "vào" ngành Công an. Còn hồ sơ, một số Hà vẫn giữ ở nhà; một số Hà đã đánh mất. Về vấn đề này, Trung tá Trần Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh khuyến cáo: Mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn của loại tội phạm này. Trường hợp người nào tự xưng là Công an thì cần đề nghị cho biết họ tên, nơi làm việc hoặc giấy chứng minh Công an nhân dân... Nếu nghi vấn hoặc phát hiện cá nhân nào có biểu hiện giả danh cán bộ Công an cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để tránh bị lừa gạt".
Vốn là nhân viên lái xe của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lai Châu, không tu chí rèn luyện, ham mê cờ bạc nên Hà đã bị buộc thôi việc cách đây hơn 1 tháng. Giờ đây, Hà phải đối diện với nhà giam để hối lỗi về hành vi của mình. Đây cũng là bài học đắt giá cho những ai có ý định "chạy" việc cho con em mình bằng con đường không chính đáng...