Lừa đảo xin việc làm - chiêu thức cũ, nạn nhân mới
- Tìm cá nhân, tổ chức bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản
- Giả “hot girl” gây ra 7 vụ lừa đảo ở Tây Ninh
- Giám đốc lừa đảo hơn 500 tỷ đồng của 5 ngân hàng
Là hộ nghèo, nhưng vợ chồng bà M. ở huyện Định Hóa vẫn cố gắng chắt chiu lo cho con học xong đại học. Đang khao khát tìm việc làm cho con, bà M. được người quen giới thiệu và gặp một phụ nữ tên là Hằng. Qua trao đổi, Hằng nói là đã xin việc cho nhiều người và xin được cho con bà M. vào dạy học tại một trường THCS ở huyện Định Hóa, số tiền chi phí là 140 triệu đồng.
Tin tưởng lời Hằng, Bà M. đi vay ngân hàng, những người thân quen, bán ruộng, bán thóc để có đủ số tiền giao cho Hằng lo xin việc cho con. Nhưng nhiều tháng trôi qua, việc làm chẳng thấy đâu, bà M. chỉ nhận được những lời hứa hẹn chờ đợi với hàng chục lý do khác nhau. Trong khi đó, bà M. vẫn phải ôm món nợ hàng chục triệu đồng chưa trả được.
Cũng qua người quen giới thiệu, ông T. trú tại huyện Định Hóa biết người phụ nữ tên là Hằng. Khi được Hằng giới thiệu có mối quan hệ rộng, có khả năng xin việc làm, vợ chồng ông T. đã chạy vạy khắp nơi vay mượn anh em, bạn bè, ngân hàng được 280 triệu đồng và đưa cho Hằng để xin việc cho con trai. Hằng nói chỉ sau 3 tháng, con ông T. sẽ được đi làm. Nhưng hơn 1 năm mòn mỏi chờ đợi, con ông T. vẫn chưa có việc làm như lời Hằng hứa hẹn.
Khoảng tháng 5-2018, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên nhận được đơn của bà M., ông T. và hàng chục công dân khác ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh tố cáo về việc bị một số đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức xin việc làm với số tiền hàng tỷ đồng. Quá trình điều tra, xác minh, Cơ quan điều tra đã làm rõ 2 đối tượng gồm: Trần Thị Phương Thảo, sinh năm 1987, trú tại phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên và Nông Thị Thu Hằng, sinh năm 1980, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ.
Mặc dù không có nghề nghiệp, Thảo và Hằng đã tự tạo cho mình vỏ bọc là cán bộ ở các cơ quan, trường học, quen biết nhiều lãnh đạo các sở, ngành, có thể xin được việc làm tại các cơ quan nhà nước. Với thủ đoạn trên đã khiến nhiều người dân nhẹ dạ, cả tin đưa tiền cho Thảo và Hằng để nhờ xin việc làm. Bước đầu, Hằng và Thảo khai nhận từ cuối năm 2016 đến tháng 5-2018 đã thực hiện 14 vụ lừa đảo với số tiền chiếm đoạt trên 3 tỷ đồng.
Thượng úy Đinh Thiên Hoàng, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết: Trong quá trình điều tra vụ án gặp phải khó khăn do người bị hại khi giao tiền và tài sản cho các đối tượng lừa đảo thường viết giấy vay nợ không có nội dung xin việc làm và không phản ánh nội dung vay nợ tiền mục đích để làm gì, thường là vay sử dụng mục đích cá nhân, do đó khi cơ quan điều tra triệu tập thì các đối tượng lừa đảo thường khai báo là các khoản vay không liên quan đến xin việc.
Ở một vụ án khác, đối tượng Hoàng Diệu Thúy, 41 tuổi, trú tại xã Kim Sơn, huyện Định Hóa, cũng với thủ đoạn nhận mình làm việc ở các cơ quan nhà nước, có thể xin việc làm tại các bệnh viện, ngân hàng, trường học, với số tiền chi phí từ 30 triệu đồng đến 300 triệu đồng một trường hợp.
Từ tháng 2-2017 đến tháng 4/2018, Thúy đã nhận hồ sơ và tiền của 23 trường hợp xin việc làm, với tổng số tiền trên 2,5 tỷ đồng. Đến nay, Thúy không xin được việc cho người nào và chưa hoàn trả số tiền cho các bị hại.
Thời gian gần đây, những chiêu trò lừa đảo bằng hình thức xin việc làm không có gì mới, tuy nhiên vẫn có hàng trăm người dân bị “sập bẫy”, dẫn đến tiền mất, tật mang. Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên đã khởi tố 4 vụ án, bắt tạm giam 3 bị can có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức xin việc làm. Có khoảng 40 người bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền hàng chục tỷ đồng.
Thượng tá Trần Minh Cường, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết: Do tâm lý của người dân mong muốn con mình khi ra trường có được việc làm ổn định trong cơ quan nhà nước, xuất phát từ nhu cầu như vậy, các đối tượng đưa ra các thông tin gian dối như có mối quan hệ, quen biết với nhiều lãnh đạo cao cấp, người nhà hiện đang làm lãnh đạo các cơ quan nhà nước có thể xin được việc làm với suất ngoại giao.
Những người có nhu cầu xin việc làm đã không tìm hiểu dẫn đến thiếu thông tin về các nơi, chỗ mình định tìm kiếm việc làm, từ đó đã dễ dàng tin tưởng vào thông tin gian dối mà các đối tượng đưa ra. Các đối tượng biết tâm lý các gia đình xin việc thường không muốn nói cho người khác biết rằng con mình được vào làm việc tại các cơ quan nhà nước là do xin xỏ, nên thường chủ động đề nghị các đối tượng có hành vi lừa đảo che giấu hành vi lừa đảo.
Nhiều nạn nhân đã lâm vào hoàn cảnh khốn cùng từ những vụ lừa đảo xin việc làm. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho các gia đình khi có ý định “chạy việc” cho con cháu và người thân. Để chủ động phòng ngừa tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức xin việc làm, người dân khi có thông tin, có nhu cầu muốn được thi tuyển, xét tuyển hoặc là được tuyển vào làm công chức, viên chức tại các cơ quan nhà nước thì phải tìm hiểu thật kỹ.
Khi có vấn đề chưa rõ thì liên hệ trực tiếp với cơ quan mình định thi tuyển vào làm việc. Các đối tượng có dấu hiệu mờ ám, yêu cầu có tiền để xin xỏ, chạy chọt thì đều có dấu hiệu lừa đảo.
Mong muốn có được công việc và thu nhập ổn định cho mình hay người thân là nhu cầu chính đáng, cần thiết. Tuy nhiên, mỗi người dân cũng cần tỉnh táo khi xin việc làm để tránh tình trạng tiền mất mà việc chẳng thấy đâu.