Mất tiền tỷ vì dính bẫy 'chạy việc'

10:41 13/09/2015
Lừa đảo dưới hình thức xin việc là thủ đoạn không mới, tuy nhiên các đối tượng biết đánh trúng vào tâm lý của người cần việc nên "con mồi" rất dễ sập bẫy. 

Mỗi suất “biên chế” vào một cơ quan nhà nước, hay một công việc ở đơn vị có uy tín được các đối tượng hứa hẹn “chạy” với giá từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng, đa số người dân đều rơi vào tình cảnh tiền mất, nợ mang. Điển hình như 2 vụ mới đây Công an TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc làm rõ.
Những ngày đầu tháng 9, tại trụ sở Công an TP Vĩnh Yên, tĩnh Vĩnh Phúc rất đông người dân tìm đến, đa số là phụ nữ  – họ là những bị hại trong 2 vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà Công an TP Vĩnh Yên đang thụ lý. Theo Đại tá Trương Bá Khánh, Trưởng Công an TP Vĩnh Yên, các đối tượng trong vụ lừa đảo xin việc làm đều không vị thế xã hội, thậm chí không việc làm, tự thêu dệt “uy lực” của bản thân cũng như những mối quan hệ của họ.

Được triệu tập lên cơ quan điều tra, Cao Thị Mai Ngọc (30 tuổi), trú tại huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) rất hoạt ngôn, cô ta không thừa nhận hành vi lừa đảo chỉ nhận vay tiền của nạn nhân sau đó sẽ trả lại… 

Để tính toán nước cờ khi các bị hại không thấy cơ quan tuyển dụng gọi đi làm, mỗi lần nhận tiền Ngọc đều sử dụng thủ đoạn dưới hình thức giấy vay tiền (viết bằng tay) có cả chữ ký của người làm chứng. Tuy nhiên, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, trong lần nhận xin việc của bà Vũ Thị N., trú tại phường Liên Bảo (Vĩnh Yên) cho con gái vào biên chế tại Công an tỉnh Vĩnh Phúc, với giá 150 triệu đồng con gái bà N. đã ghi âm toàn bộ câu chuyện liên quan đến việc Ngọc nhận hồ sơ xin vào biên chế Công an.

Một cán bộ điều tra cho biết, trong vụ án kinh tế phải có chứng cứ rõ ràng các đối tượng mới thừa nhận hành vi. Việc thu giữ đoạn ghi âm của gia đình bà N rất quan trọng, Công an TP Vĩnh Yên sau khi gửi Viện Khoa học hình sự Bộ Công an trưng cầu giám định âm thanh và đã có kết luận giọng nói trong file ghi âm là của Cao Thị Mai Ngọc. Trước bằng chứng này, Ngọc mới thừa nhận hành vi của cô ta. 

Cơ quan Công an lấy lời khai của Trần Văn Bình.

Theo đó, khoảng năm 2013, qua mối quan hệ quen biết, Ngọc quen với chị Trần Thị T., đang công tác tại một Sở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Cô ta tự bịa chuyện là con nuôi của một vị Phó giám đốc trong ngành Công an… có mối quen hệ rộng, có khả năng xin vào biên chế tại Công an tỉnh Vĩnh Phúc với số tiền từ 150 đến 170 triệu đồng; Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Vĩnh Phúc từ 80 đến 150 triệu đồng; Bệnh viên Đa khoa tỉnh Phú Thọ tùy từng vị trí với số tiền từ 90 đến 120 triệu đồng.

Nếu chị T. có người nhà thì nên xin vào vì chỗ này rất chắc chắn mà giá lại rẻ vì suất ngoại giao… Thấy Ngọc có người nhà đang làm chức to trong Công an chị T. rất tin tưởng, cho dù cô ta không đưa ra bất cứ một bằng chứng nào chứng minh việc này. 

Về đến cơ quan, chị T. kể cho chị Kim Hồng T., Trần Thị Ng., sau đó nói thông tin cho bà Vũ Thị N. Theo đó, những nạn nhân này lại kể thông tin trên cho chị Nguyễn Thị Thanh V., anh Nguyễn Trung T. và anh Trần Công H… Các nạn nhân cứ thế tìm đến Ngọc nhờ vả, trong đó có 2 cán bộ đang làm ở Sở nơi chị T. công tác. 

Để tránh nạn nhân nghi ngờ, với mỗi  hồ sơ xin việc, Ngọc yêu cầu đưa trước 50% tiền làm lệ phí, 50% còn lại khi nào có quyết định đi làm thì Ngọc sẽ nhận nốt. Đối tượng còn tinh quái, sau khi nhận hồ sơ xin việc và một nửa số tiền, Ngọc sẽ trả lại số tiền này kèm thông báo “Chỉ tiêu vào Công an chưa có” nhưng vẫn giữ hồ sơ lại để cô ta gửi cho kịp thời gian. Khoảng mấy ngày tiếp, Ngọc chủ động gọi cho nạn nhân là đã có quyết định đi làm, yêu cầu nạn nhân mang tổng số tiền đã xin “chạy” việc đến. Tính đến thời điểm này, Ngọc đã lừa đảo chiếm đoạt của 6 bị hại với tổng số tiền trên 400 triệu đồng.

Quá trình thụ lý vụ án Cao Thị Mai Ngọc, Công an TP Vĩnh Yên cũng đã làm rõ vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do đối tượng Nguyễn Văn Bình (43 tuổi) và vợ là Nguyễn Thị Ngọc (36 tuổi), trú tại đường Mê Linh, phường Yên Bảo, TP Vĩnh Yên lừa đảo chiếm đoạt số tiền 3,6 tỷ đồng của hàng chục nạn nhân với lời hứa chạy việc cho con, em các bị hại vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Bình khai, thời điểm làm nghề lái xe  anh ta gặp được nhiều khách hàng có chức vụ đi trên xe... Trong lúc nói chuyện những người này đã “hé” cho anh ta việc tuyển dụng xin việc. Sau này nghỉ chạy xe, Bình cùng với vợ đã lên kế hoạch lừa đảo. Bình mạo danh là cán bộ Sở Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra nhiều thông tin và những mối quan hệ với các lãnh đạo cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh, có khả năng chạy việc, chạy biên chế vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Viettel với mức giá từ 180 triệu đến 200 triệu đồng.

Người đầu tiên rơi vào “bẫy” của vợ chồng Bình-Ngọc là chị Nguyễn Thị H. (29 tuổi), trú tại Khu hành chính, phường Liên Bảo (Vĩnh Yên). Với số tiền tích cóp cùng với vay ngân hàng, chị H. dồn được 180 triệu đồng để đưa cho Bình chạy một suất biên chế vào Sở Y tế của tỉnh. 

Cùng với chị H., cơ quan Công an còn làm rõ có khoảng hơn 30 nạn nhân khác đã bị Bình lừa đảo. Những lần nhận tiền, Bình đều viết, ký vào giấy vay tiền và giấy biên nhận xác định việc nhận tiền xin biên chế cho các nạn nhân. Thế nhưng, sau khi giao tiền cho vợ chồng Bình-Ngọc để “chạy” việc không có kết quả, nhiều người đến đòi lại tiền thì Bình và Ngọc không chịu trả, tìm cách lẩn tránh…

Theo Công an TP Vĩnh Yên, hiện cơ quan điều tra đã khởi tố Cao Thị Mai Ngọc về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do đối tượng đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên cơ quan Cảnh sát điều tra áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. 

Cùng với đó, cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố, tạm giam Nguyễn Văn Bình về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, riêng vợ Bình được tại ngoại để khắc phục hậu quả cho các nạn nhân. Được biết, số tiền chiếm đoạt được, các đối tượng đã sử dụng vào mục đích cá nhân và tiêu xài hết.

Minh Hiền

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Chiều 30/4, tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những nơi công cộng, người dân địa phương và du khách vẫn đổ ra vui chơi, giải trí, các hoạt động diễn ra bình thường.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文