Mượn ôtô, làm giả giấy tờ rồi... đem bán
>>Những chiêu lừa mua bán xe hơi bạc tỉ
Theo cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lạng Sơn, đầu năm 2015, Tăng Thị Hương có đặt vấn đề với doanh nghiệp của anh Vũ Đăng Phương (quê Hải Dương), có trụ sở tại TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, về quan hệ hợp tác kinh doanh. Hương đã hỏi mượn ôtô Camry của anh Phương để đi giao dịch. Nhưng sau khi mượn được xe, không đúng như những gì đã nói với anh Phương, Hương đã mang ôtô đi làm giả các giấy tờ liên quan đến việc mua bán chiếc ôtô này.
Khi các thủ tục giả mạo mua bán xe đã hoàn tất, Hương mang chiếc ôtô này về Bắc Ninh bán với giá 700 triệu đồng. Từ số tiền lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà có, Hương mang trả nợ rồi bỏ trốn khỏi nơi cư trú.
Ngày 6/5, Công an tỉnh Lạng Sơn đã bắt tạm giam đối với Hương về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ án đang được điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước khi vụ án lừa đảo dưới hình thức mượn ôtô rồi làm giả giấy tờ đem bán do Hương thực hiện, tại Hà Nội cũng đã xảy ra nhiều vụ án dạng này.
Gần đây nhất, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hường, trú tại phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức dùng một ôtô cầm cố cho nhiều tổ chức và cá nhân để chiếm đoạt số tiền gần 3,7 tỷ đồng.
2 đối tượng Hương và Hường. |
Sau khi mua xe ôtô Toyota Lexus, Hường đăng ký BKS 30Z-8733 và mang cầm chiếc xe này cho anh Đoàn Khương, ở Hà Nội, vay số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. Khi cầm cố xe, Hường không nói cho anh Khương biết chiếc xe này có nhiều giấy đăng ký cùng một biển kiểm soát. Anh Khương yêu cầu Hường đến Văn phòng Công chứng Hà Đông ký hợp đồng mua bán xe.
Sau khi nhận tiền cầm cố xe, Hường bàn giao đăng ký xe (cấp lần hai) cho anh Khương, còn chiếc xe Hường vẫn quản lý và sử dụng. Ký xong hợp đồng bán xe cho anh Khương, Hường đến Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội báo mất đăng ký xe, đề nghị cấp lại giấy đăng ký và cấp đổi BKS từ 30Z-8733 sang BKS 29A- 186.59.
Có BKS mới, Hường tiếp tục thế chấp xe ôtô này tại chi nhánh một ngân hàng ở Hà Nội để vay số tiền 4 tỷ đồng. Khi làm thủ tục, Hường dùng đăng ký xe BKS 29A-186.59 (cấp lại lần ba), chiếc xe Hường vẫn quản lý và sử dụng.
Sau đó, Hường và chồng vẫn tiếp tục sử dụng giấy đăng ký xe lần đầu (BKS 30Z-8733) để ký hợp đồng công chứng tại Văn phòng Công chứng Hà Nội bán chiếc xe trên cho chị Lê Ngọc Lan, ở Hà Nội, với số tiền 1,8 tỷ đồng.
Hường tiếp tục thực hiện giao dịch bán chiếc xe này cho anh Nguyễn Trung Phụng, ở Hà Nội, với số tiền gần 1,6 tỷ đồng và được anh Phụng trả trước hơn một tỷ đồng. Hường bàn giao xe đang sử dụng biển kiểm soát 29A-186.59 và nói với anh Phụng là giấy đăng ký xe đang thế chấp ở ngân hàng, nếu muốn ký hợp đồng công chứng mua bán thì phải trả tiền giải chấp cho ngân hàng. Anh Phụng đồng ý trả số tiền giải chấp hơn 500 triệu đồng cho ngân hàng để lấy được giấy tờ xe và sau đó đã bán chiếc xe này cho người khác với số tiền gần 1,8 tỷ đồng.
Chiếc xe này sau đó tiếp tục được người mua bán tiếp một lần nữa cho đến khi vụ án bị lật tẩy và chiếc xe bị cơ quan điều tra phát hiện, thu giữ.
Với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhiều lần với tổng số tiền gần 3,7 tỷ đồng, Hường đã bị TAND TP Hà Nội xử 18 năm tù giam và buộc hoàn trả toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại.
Theo quy định về đăng ký xe thì thủ tục cấp lại giấy đăng ký phương tiện rất đơn giản, người bị mất đăng ký chỉ cần đến Phòng CSGT, Công an các tỉnh, thành phố (nơi đăng ký phương tiện) khai báo vào một tờ mẫu, trong thời gian không quá một ngày. Sau đó, Phòng Phòng CSGT địa phương phải có trách nhiệm cấp lại cho người có đơn đề nghị.
Lợi dụng những quy định của pháp luật một số đối tượng xấu đã thực hiện hành vi phạm tội. Mong rằng bài học từ những vụ án này sẽ cảnh tỉnh mỗi người nêu cao tinh thần cảnh giác để tránh mắc bẫy kẻ lừa đảo.