Người dân phản ứng thông tin thổi phồng việc đốt pháo ở Hải Dương, Hưng Yên
Tất nhiên, việc nổ pháo có xảy ra, nhưng như nhiều người dân đánh giá "đã giảm nhiều so với năm trước". Nêu hiện tượng để cảnh báo xã hội là việc làm cần thiết, nhưng với sự phê bình mang tính xây dựng, chúng ta nên nhìn thấy sự nỗ lực của các cơ quan chức năng và người dân của 2 tỉnh này trong việc đã hạn chế, kéo giảm tình trạng đốt pháo so với năm trước…
Chúng tôi tìm về huyện Gia Lộc (Hải Dương), một trong những địa bàn được phản ánh rằng: "pháo nổ tưng bừng… làm rung chuyển và sáng rực bầu trời". Những ngày này, người dân đã bắt đầu trở lại với cuộc sống thường ngày nhưng không khí xuân vẫn còn vương vấn. Đa số những người dân ở các địa bàn Gia Lộc chúng tôi gặp và tiếp xúc đều khẳng định việc đốt pháo là có nhưng lẻ tẻ, chứ không như một số tờ báo đã phản ánh. Bác Phạm Đình Quyết, xã Phạm Chấn (Gia Lộc), bức xức khi nghe thông tin báo chí nêu về việc đốt pháo trong dịp Tết trên địa bàn huyện nhà. Bác Quyết cho biết: "So với mọi năm, tình trạng đốt pháo trong dịp Tết Nguyên đán đã giảm mạnh. Chỉ có một số rất ít thanh niên đi làm ăn xa, mang pháo về đốt lẻ tẻ ở khu vực xa trung tâm thị trấn nhưng cũng chỉ mang tính chất nhỏ, lẻ…".
Tại quán nước ở số nhà 46 Lê Thanh Nghị, thị trấn Gia Lộc, chúng tôi được cô Nguyễn Thị Tuệ, chủ quán cho biết: "Ở đâu thì không biết, nhưng tại thị trấn Gia Lộc tôi có thấy ai đốt pháo đâu". Anh Thăng Văn Thái, ở phố Nguyễn Chính Nghĩa, thị trấn Gia Lộc, một khách hàng cho biết: "Ở đây chúng tôi muốn đốt cũng không có pháo mà đốt. Công an bắt pháo gắt gao nên có ai dám bán đâu…". Anh Toán, số nhà 426 thị trấn Tứ Kỳ (Tứ Kỳ) thì cho biết, trong lúc giao thừa, anh có nghe thấy tiếng pháo nổ. Thế nhưng, anh cũng phải khẳng định rằng, năm nay tình trạng pháo nổ đã giảm nhiều so với năm trước…
Thượng tá Nguyễn Đức Đông, Trưởng Công an huyện Gia Lộc cho biết, trong đêm 30 Tết, toàn bộ cán bộ của đơn vị đều có mặt ở các địa bàn, phối hợp với lực lượng Công an các xã làm nhiệm vụ trên địa bàn. Quan điểm của lãnh đạo Công an huyện là ngăn chặn không để có tiếng pháo nổ. Sự việc diễn ra tại đám cưới trên địa bàn huyện Gia Lộc, sau khi nhận được thông tin phản ánh, đơn vị cũng tổ chức người vào cuộc và đã tiến hành xác minh, làm rõ để có những biện pháp răn đe, giáo dục.
Công an huyện Gia Lộc (Hải Dương) kiểm đếm số lượng pháo vừa bắt giữ trên địa bàn. |
Anh Phạm Văn Cảnh (28 tuổi, trú tại thôn Long Tràng) tổ chức cưới vợ là chị Phạm Thị Nguyệt (21 tuổi). Trong đám cưới này, Cảnh có mời một số người bạn tham dự, trong đó có Nguyễn Minh Hồng (36 tuổi); Phạm Duy Thế (27 tuổi); Phạm Năng Quyết (36 tuổi) và Nguyễn Văn Lê (35 tuổi), đều trú tại xã Hoàng Diệu. Khi mọi người đi đón dâu thì Quyết về nhà lấy được một bánh pháo nổ (theo lời khai của Quyết thì anh này nhặt được bánh pháo tại khu vực đường liên xã Gia Khánh, thị trấn Gia Lộc vào ngày 3/2 và đem về nhà cất giấu) đem đến nhà Cảnh rồi cùng Thế treo bánh pháo lên cổng của đám cưới, với mục đích khi đoàn rước dâu về gần tới nơi thì đốt mừng. Do đoàn rước dâu chưa về đến nơi nên Thế và Quyết đi vào trong nhà, trong quá trình này có làm rói xuống đất 3-4 quả pháo nên Hồng đứng đó nhặt đựoc đã châm lửa đốt.
Tiếp đó, Lê thấy đoàn đi rước dâu về thì châm lửa vào bánh pháo treo ở cổng. Sự việc này hiện đang được Công an huyện Gia Lộc xem xét, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm để góp phần răn đe.
"Vào thời điểm giao thừa vẫn còn tình trạng đốt pháo trái phép ở một số xã vùng sâu, vùng xa, trung tâm của các huyện trên địa bàn tỉnh… nhưng mức độ giảm so với năm trước. Riêng về tình trạng đốt pháo trái phép ở một số xã thuộc huyện Tứ Kỳ, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo Công an huyện Tứ Kỳ nghiêm túc kiểm điểm, chỉ đạo lực lượng xác minh, làm rõ, trường hợp nào vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, yêu cầu Công an huyện Tứ Kỳ, đồng chí trưởng đoàn tăng cường quân số của Công an tỉnh xuống địa bàn Tứ Kỳ, theo quyết định của Giám đốc Công an tỉnh", Thượng tá Nguyễn Thái Sơn, Trưởng phòng quản lý hành chính về TTXH (PC64) Công an tỉnh Hải Dương khẳng định.
Chúng tôi ghi nhận sự nỗ lực của Công an tỉnh Hải Dương, trong việc nỗ lực ngăn chặn pháo nổ. Điều này thể hiện trong những việc làm quyết liệt và nghiêm minh của tỉnh Hải Dương. Đơn cử như tại địa bàn xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Vào năm 2013, địa bàn này là nơi để xảy ra tình trạng đốt pháo nghiêm trọng… Sau khi sự việc này xảy ra, tập thể lãnh đạo xã Cổ Dũng đã bị UBND tỉnh Hải Dương nghiêm khắc phê bình. Trong đó, hai đồng chí Trưởng và Phó trưởng Công an xã đã được luân chuyển làm công tác khác. Đó là bài học đắt về công tác nắm địa bàn không chắc, chủ quan của tập thể lãnh đạo đơn vị.
Phóng viên Báo Công an nhân dân lấy ý kiến của một số người dân ở Gia Lộc (Hải Dương). |
Để hạn chế tình trạng trên, trong năm 2014, Công an tỉnh Hải Dương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Công văn số 2066, của Giám đốc Công an tỉnh, mở đợt cao điểm thực hiện Nghị định 36/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ. Bên cạnh đó là kế hoạch tăng cường 11 đồng chí lãnh đạo và 99 cán bộ, chiến sỹ thuộc các Phòng Công an tỉnh xuống địa bàn các huyện, thị xã phối hợp tham gia công tác đấu tranh, phòng chống các hành vi vi phạm về pháo trên địa bàn tỉnh và đêm giao thừa Giáp Ngọ...
Huyện Khoái Châu (Hưng Yên) cũng là một địa bàn bị một số bài báo đưa lên là có hiện tượng đốt pháo xảy ra tại một số xã như: Chí Tân, Dạ Trạch, Tân Dân. Ngay sau khi có thông tin trên, Công an huyện Khoái Châu đã phối hợp với Công an các xã và chính quyền sở tại để kiểm tra về các địa điểm đốt pháo được chụp và quay video clip trên mạng Internet. Theo đó, đã xác định được một số địa điểm có xác pháo và hiện tượng đốt pháo trên địa bàn xã Chí Tân và Tân Dân. Tuy nhiên, những người dân ở xung quanh khu vực này cho biết, vì ở trong nhà nên không biết ai đốt và có người nói thấy có một số thanh niên đi môtô chạy qua đốt và ném lại. Còn tại xã Dạ Trạch, qua xem hình ảnh trên mạng và đi kiểm tra toàn xã, Công an xã Dạ Trạch khẳng định rằng, các hình ảnh đưa trên mạng không phải là hình ảnh ở xã Dạ Trạch…
Nhưng Công an xã cũng báo cáo, khi đi tuần tra, kiểm soát đêm giao thừa, lúc 0h20 ngày mùng 1 Tết, đã phát hiện trên đoạn đường từ thôn Đức Nhuận về thôn Vĩnh có một số vỏ pháo. Hỏi những người xung quanh thì họ nói do một số thanh niên đi xe máy qua đốt, vứt lại… Chúng tôi cũng đã gặp gỡ gia đình bác Nguyễn Thị Lan ở Quán Cà, xã Tân Dân. Dù đang bữa cơm tối nhưng cả gia đình vẫn rất nhiệt tình trả lời các câu hỏi của chúng tôi. Cả bác Lan, chồng và cô con gái khẳng định, vào dịp Tết năm nay, thi thoảng chỉ thấy có pháo hoa bắn phụt lên trời, chứ không thấy pháo nổ. "Pháo nổ năm nay hạn chế nhiều lắm rồi"- bác Lan khẳng định.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Bắc, Phó Công an huyện Khoái Châu (Hưng Yên), từ ngày 27/1 đến 1h ngày 31/1 (tức mùng 1 Tết), 18 CBCS của Công an huyện, 9 CBCS của Công an tỉnh tăng cường trực tiếp phối hợp với Công an 25 xã, thị trấn làm nhiệm vụ tuyên truyền, tuần tra kiểm soát và làm công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật và thực hiện Chỉ thị 406/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong dịp Tết, Công an huyện Khoái Châu cũng đã phát hiện, xử lý 2 vụ buôn bán trái phép pháo nổ tại xã Tân Dân và Hàm Tử….
Từ những tài liệu thu thập được, những điều mắt thấy tai nghe khi về thực tế tại 2 địa phương Hải Dương và Hưng Yên, chúng tôi nhận thấy, lực lượng Công an và các cơ quan chức năng ở đây đã nỗ lực mọi biện pháp để ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển và đốt pháo nổ. Khẳng định của những người dân chúng tôi đã gặp và ghi nhận ý kiến thì tình trạng đốt pháo năm nay đã giảm sâu so với năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra tình trạng đốt pháo, dù do nguyên nhân nào thì vẫn là điều đáng tiếc đối với 2 địa phương này. Trong thời gian tới, theo khẳng định của chính quyền và Công an các địa phương trên, sẽ nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm những nơi đã để xảy ra tình trạng đốt pháo