Nguyên Chủ tịch HĐQT Trường THPT Phương Nam lĩnh án 4 năm tù
Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, năm 1998, Trường Tiểu học dân lập Phương Nam được thành lập theo Quyết định của UBND TP Hà Nội. Năm 2003, trường đổi tên thành Trường trung học phổ thông dân lập Phương Nam. Tháng 6- 2013, trường tiếp tục đổi tên thành Trường trung học phổ thông Phương Nam, hoạt động theo hình thức trường tư thục. Bà Trương Thị Yến là cổ đông sáng lập, Phó Hiệu trưởng điều hành, Chủ tịch Hội đồng quản trị, chủ tài khoản và là người đại diện theo pháp luật của nhà trường.
Trước đó, tháng 1- 2007, Trường trung học phổ thông Phương Nam được Cục Thuế TP Hà Nội cấp mã số thuế và kê khai nộp thuế tại Chi cục thuế quận Hoàng Mai. Với nguồn thu từ hoạt động cho thuê phòng học, bà Yến đã chỉ đạo bộ phận kế toán của nhà trường không xuất hóa đơn giá trị gia tăng, không thể hiện trên sổ sách kế toán, không kê khai để nhà trường thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Tổng số tiền mà Trường trung học phổ thông Phương Nam trốn thuế từ năm 2007 đến năm 2010 hơn 1 tỷ đồng.
Bị cáo Yến tại phiên xử. |
Ngoài việc bị truy tố về tội trốn thuế trong vụ án này, bà Yến còn bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đọat tài sản trong một vụ án khác. Kết quả điều tra thể hiện, từ năm 1996 đến năm 2001, bà Yến cùng một số người trong gia đình và ông Cấn Hữu Hải (trú tại huyện Từ Liêm cũ, Hà Nội) góp vốn thành lập Trường Tiểu học dân lập Phương Nam, Yến làm Phó Hiệu trưởng nhà trường.
Năm 1998, bà Yến hợp tác với Hội Tâm lý học Hà Nội mở rộng quy mô thành lập thêm Trường dân lập Phương Nam, trụ sở cùng ở tổ 14 phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Thời điểm này, nhà trường có cấp I, II, III và bà Yến là người chỉ đạo điều hành toàn bộ hoạt động chuyên môn cũng như tài chính của nhà trường. Sau đó, UBND TP Hà Nội cho phép Trường dân lập Phương Nam sử dụng hơn 16.000m² đất tại lô 18 Khu đô thị mới Định Công, quận Hoàng Mai để thực hiện dự án đầu tư xây dựng trường học và đến năm 2003 trường đã hoàn thành các hạng mục và đi vào sử dụng.
Từ năm 2008 đến năm 2010, bà Yến thành lập 3 Công ty gồm: Công ty TNHH Tư vấn đầu tư phát triển giáo dục đào tạo Phương Nam, Công ty TNHH Tư vấn đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo Việt Anh và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển giáo dục đào tạo Thành Sơn Cả 3 công ty này đều do bà Yến, con trai và em gái bà Yến đứng tên cổ đông sáng lập.
Sau khi thành lập Công ty Thành Sơn, bà Yến cùng đồng phạm đã ký hợp đồng liên kết với nội dung sáp nhập toàn bộ cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, tài sản của Trường dân lập Phương Nam vào Công ty Thành Sơn nhưng không làm thủ tục để các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Công ty Thành Sơn thực chất chỉ tồn tại trên giấy tờ, không có tài sản và cũng không hoạt động kinh doanh. Bà Yến đã sử dụng danh nghĩa của Trường dân lập Phương Nam để huy động vốn, vay nợ của nhiều cá nhân, trong đó có anh Bùi Thanh Sơn (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng, lãi suất từ 10% đến 15%/ tháng, tính từ năm 2008 đến tháng 10-2010, số nợ gốc và lãi là gần 129 tỷ đồng.
Đến hạn trả nợ, anh Sơn đòi nhiều lần nhưng Yến không có tiền trả nên đề nghị bán lại cho anh Sơn số cổ phần tại ba công ty mà bà đang nắm giữ. Anh Sơn giới thiệu anh Bùi Hoàng Linh (em họ mình) đến tìm hiểu, bàn bạc. Khi đó, bà Yến, con trai và em gái đều khẳng định, Công ty Thành Sơn và Trường dân lập Phương Nam; Công ty Việt Anh và Trường Mầm non tư thục Bình Minh là một nên muốn mua hai trường trên thì phải mua 2 Công ty Thành Sơn và Công ty Việt Anh.
Do tin tưởng vào các tài liệu do bà Yến đưa nên gia đình anh Linh đồng ý mua cổ phần của 2 công ty nêu trên, mỗi công ty là 51%, với tổng giá trị là gần 230 tỷ đồng. Khi anh Linh chuyển tiền, Yến đã chỉ đạo con trai chuyển tiền trả nợ và rút ra tiêu hết. Mặc dù anh Linh đã chuyển tiền nhưng Yến và các cá nhân liên quan không hoàn tất thủ tục pháp lý cho anh Linh.