Những giám đốc thuê trong đại án gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng

09:58 27/07/2016
Ngày 26-7, phiên tòa xét xử "đại án" gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng do Phạm Công Danh và các đồng phạm thực hiện, HĐXX và VKS tiếp tục xét hỏi các bị cáo liên quan đến hành vi "Cố ý làm trái..." trong việc lập hồ sơ khống thực hiện Đề án nâng cấp hệ thống Corebanking, hợp đồng thuê mặt bằng tại số 268 Tô Hiến Thành và thuê trụ sở 816 Sư Vạn Hạnh để rút hàng trăm tỷ đồng của VNCB.

Trước tòa, bị cáo Phạm Việt Thép (nguyên Giám đốc Công ty An Phát; anh của “Trang phố núi”) khai: Bị cáo là nhân viên của VNCB chi nhánh Lam Giang. Quá trình làm việc tại đây, Danh nhờ bị cáo đứng tên làm Giám đốc Công ty An Phát. Sau khi thành lập công ty, bị cáo giao lại con dấu cho nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh cất giữ. 

Sau một thời gian làm "giám đốc", thấy công ty không hoạt động gì nhưng người của Tập đoàn Thiên Thanh đưa bị cáo ký quá nhiều giấy tờ nên bị cáo sợ "dính" đến pháp luật nên nghỉ việc ở cả hai nơi (VNCB chi nhánh Lam Giang và Công ty An Phát). 

Theo cáo trạng, để có tiền sử dụng, chi chăm sóc khách hàng phục vụ thanh khoản cho VNCB, Danh đã chỉ đạo cấp dưới lập Đề án nâng cấp hệ thống Corebanking, tạo dựng hợp đồng khống ký với Công ty An Phát rút ra 63,2 tỷ đồng.

Các bị cáo rời toà sau phiên xét xử. 

Tại tòa, Thép khai thực tế bị cáo cũng không thấy nhìn thấy số tiền này. Sau khi số tiền trên được chuyển vào tài khoản, theo yêu cầu của Nguyễn Thị Quỳnh Trang (nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh), bị cáo đã ký chứng từ chuyển tiền chưa có nội dung nên không biết số tiền này chuyển cho ai.

Tương tự, khi được VKS thẩm vấn một lần nữa vào hôm qua, bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân (Giám đốc Công ty Hương Việt) khai trước đây là nhân bán xe của Tập đoàn Thiên Thanh với mức lương 7 triệu đồng/ tháng. Tháng 12-2010, Vân được Phạm Công Trung (em trai Phạm Công Danh) nhờ đứng tên giám đốc công ty giúp Danh. Khi Vân nói không biết thì Trung nói chỉ cần đưa CMND và ký giấy tờ để làm thủ tục. 

Theo cáo trạng, Vân là người đại diện theo pháp luật của Công ty Hương Việt ký hợp đồng khống cho VNCB thuê mặt bằng tại 816 Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP Hồ Chí Minh), giúp Danh và đồng phạm rút ra 400 tỷ đồng từ VNCB chuyển cho Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng. 

Tuy nhiên, tại tòa, Vân thừa nhận có ký, nhưng bị cáo không biết là ký vào giấy tờ gì, đến khi bên Công an mời lên mới biết đó là hợp đồng cho thuê trụ sở. Vân cũng thừa nhận, ngoài ký vào hợp đồng nói trên, sau đó bị cáo có ký tiếp vào 3 ủy nhiệm khống chưa ghi nội dung.

Liên quan đến hành vi lập hợp đồng khống với Công ty TNHH MTV Trung Dung do Trần Văn Bình làm Tổng giám đốc, thuê mặt bằng số 268 Tô Hiến Thành, rút ra 201,6 tỷ đồng, tại tòa, bị cáo Bình khai: 

Với trình độ mới học xong lớp 7, năm 2009, bị cáo xin vào làm tài xế cho Tập đoàn Thiên Thanh với mức lương 4,5 triệu đồng/ tháng. Thực tình, bị cáo không biết mình được "phong" làm giám đốc từ khi nào nhưng sau một thời gian làm việc, ngoài lương bị cáo được phụ cấp thêm 5 triệu đồng/ tháng. Đến giữa tháng 6-2013, bị cáo được kêu đến công ty ký vào hợp đồng cho VNCB thuê trụ sở nhưng nội dung thế nào bị cáo cũng không nhớ rõ.

Tại toà, Hồ Thị Đi (SN 1984) khai, có chồng là Nguyễn Quốc Thịnh làm bảo vệ cho Tập đoàn Thiên Thanh. Tháng 8-2012, Đi được người của Tập đoàn Thiên Thanh nhờ đứng tên làm Giám đốc cho Công ty Xây dựng Hương Việt, còn Thịnh đứng tên Công ty Thịnh Quốc. Thực tế, cả hai công ty này không hoạt động kinh doanh gì. Con dấu công ty do Tập đoàn Thiên Thanh giữ và quản lý. 

Hằng tháng, Đi được Tập đoàn Thiên Thanh trả lương từ 5 đến 10 triệu đồng, chuyển khoản vào tài khoản cá nhân của chồng Đi. Theo yêu cầu của Tập đoàn, khoảng đầu năm 2014, Đi đến trụ sở 302 Tô Hiến Thành, quận 10 để ký các giấy tờ vay tiền cho Danh. Tại đây, Đi được Nguyễn Thị Quỳnh Trang (bộ phận tài chính của Tập đoàn Thiên Thanh) hướng dẫn ký các giấy tờ vay tiền, hồ sơ đã được lập sẵn.

Tại toà, Đi thừa nhận đã ký vào 2 hợp đồng hồ sơ vay vốn với số tiền lên tới 350 tỷ đồng tại VNCB, gây thiệt hại cho ngân hàng này gần 160 tỷ đồng. Tương tự, theo yêu cầu người của Tập đoàn Thiên Thanh, Thịnh đã ký vào hợp đồng vay vốn số tiền 370 tỷ đồng, gây thiệt hại cho VNCB 268 tỷ đồng. Trước toà, cả hai vợ chồng xin HĐXX giảm nhẹ một phần hình phạt do trình độ nhận thức hạn chế.

Tương tự, bị cáo Trần Thanh Tùng khai: Khoảng tháng 5-2012, Tùng đang làm nhân viên bảo vệ Tập đoàn Thiên Thanh thì được "gợi ý" đứng tên làm Giám đốc Công ty Thanh Quang. Hằng tháng, Tùng được trả lương 5 triệu đồng, sau này tăng lên 10 triệu. 

Đến khoảng tháng 2-2014, Tùng được gọi đến VNCB chi nhánh Sài Gòn để ký hồ sơ vay tiền. Tại đây, Tùng đã ký vào số hồ sơ Trang đã chuẩn bị sẵn như giấy đề nghị vay vốn, phương án vay, hợp đồng tín dụng... Tại toà, Tùng thành thật khai, đến khi vụ án bị phát hiện, Tùng mới biết đã giúp sức cho Danh vay trái pháp luật 450 tỷ đồng, gây thiệt hại cho VNCB trên 74 tỷ đồng. Tổng số tiền Tùng đã nhận được khoảng 240 triệu đồng.

Còn Nguyễn Hữu Duyên là nhân viên rửa xe của Tập đoàn Thiên Thanh. Khoảng tháng 5-2012, Duyên được người của tập đoàn này đề nghị làm thêm "nghề" giám đốc thuê để nhận thêm tiền bồi dưỡng hằng tháng từ 5 đến 10 triệu đồng. Thấy việc kiếm tiền quá dễ dàng, đầu năm 2014, Duyên còn giới thiệu bạn là Vưu Thị Diệu, đứng tên làm Giám đốc Công ty Toàn Tâm để hưởng lương. Trong năm 2014, Diệu và Duyên lần lượt ký vào các hợp đồng vay tiền của VNCB tổng cộng 640 tỷ đồng, gây thất thoát cho VNCB gần 188 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong số các giám đốc thuê còn có cặp vợ chồng Bùi Thị Hà Thu và Nguyễn An Vinh. Thu vốn là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh, sau đó được nhờ đứng tên làm Giám đốc Công ty Đại Hoàng Phương. Thấy công việc đơn giản mà vẫn có lương 10 triệu đồng/tháng, Thu rủ chồng là Nguyễn An Vinh (vốn là họa sĩ) nhận đứng tên làm Giám đốc Công ty Nhất Nhất Vinh. Tổng cộng, cặp vợ chồng này đã ký vào 2 hồ sơ vay vốn 700 tỷ đồng, gây thiệt hại gần 245 tỷ đồng cho VNCB.

A. Huy

Chiều 4/5, thông tin từ Tổng Công ty quản lý Cảng hàng không cho biết, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) và triển khai các hoạt động của năm du lịch quốc gia, lượng hành khách đi/đến Điện Biên đã tăng mạnh trong những ngày vừa qua, có ngày khách qua Cảng hàng không Điện Biên tăng gấp 5 lần so với ngày thường.

Ngày 4/5, thông tin từ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho biết, trên địa bàn các xã: Lộc Thái, Lộc Hưng và thị trấn Lộc Ninh vừa có 4 nạn nhân cùng 4 con chó khác bị một con chó dại cắn bị thương, gây xôn xao dư luận.

Thời gian gần đây, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện tình trạng một số đối tượng lừa đảo đã lập các nhóm chat (group), giả danh các “chuyên gia” dụ dỗ nhà đầu tư tham gia hội nhóm kín trên mạng xã hội, cài đặt website, app, gửi tiền đầu tư chứng khoán. Khi nạn nhân không còn khả năng gửi thêm tiền hoặc phát giác, nghi ngờ, các đối tượng khóa tài khoản, chiếm đoạt số tiền của bị hại. Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã có những thông tin khuyến cáo đối với người dân và nhà đầu tư.

Sau nhiều tháng trời nắng như đổ lửa, trong ngày 3 và 4/5, tại một số quận huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có những cơn mưa giải nhiệt. Tuy nhiên, do mưa nhỏ, lượng nước ít kèm theo dông lốc nên đã xảy ra một số sự cố…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文