Những sai phạm của nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình

09:39 25/06/2018
Sáng nay, 25-6, TAND TP Hồ Chí Minh sẽ đưa vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) xét xử.

Liên quan đến vụ án, có 5 bị cáo nguyên cán bộ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, trong đó có ông Đặng Thanh Bình (64 tuổi, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNN).

Tham gia bào chữa cho các bị cáo có 10 luật sư, trong đó ông Đặng Thanh Bình có đến 5 luật sư nộp giấy đăng ký bào chữa tại toà. 

Liên quan đến vụ án, toà án đã triệu tập 18 người với tư cách là người làm chứng và có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, trong đó có hai bị án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB), Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB), ông Đặng Văn Thảo (nguyên Phó chánh Thanh tra Cơ quan giám sát NHNN), đại diện NHNN, đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN...

Theo cáo trạng, Ngân hàng TMCP Đại Tín tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Rạch Kiến, thời điểm năm 2012 có vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng do nhóm cổ đông Phú Mỹ (bà Hứa Thị Phấn) làm đại diện sở hữu 84,92% cổ phần. 

Từ ngày 9-2-2012 đến 10-7-2012, NHNN tiến hành thanh tra NH Đại Tín, kết luận thực trạng tài chính NH rất xấu, trong đó vốn chủ sở hữu bị âm 2.854 tỷ đồng, lỗ luỹ kế 6.061 tỷ đồng. 

Trên cơ sở kết quả thanh tra, NHNN đã có phương án tái cơ cấu NH này theo hướng cho phép nhóm cổ đông cũ Phú Mỹ chuyển nhượng cổ phần cho nhóm cổ đông mới Thiên Thanh (do Phạm Công Danh đại diện) và được Thủ tướng chính phủ đồng ý. 

Phiên tòa xét xử vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 1.

Ngày 6-9-2012, NHNN có văn bản gửi NH Đại Tín thông báo về việc chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu NH Đại Tín. 

Ngày 7-2-2013, sau khi được NHNN chấp thuận về nhân sự, Phạm Công Danh đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường và chính thức đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) NH Đại Tín. Đến ngày 23-5-2013, NH Đại Tín đổi tên thành NH TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB).

Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN về việc củng cố, cơ cấu NH Đại Tín, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN triển khai phương án củng cố, chấn chỉnh, cơ cấu lại các NH TMCP Nam Việt, Đại Tín, Phương Tây. 

Ngày 14-2-2012, ông Đặng Thanh Bình ký quyết định thành lập tổ giám sát tổ chức và hoạt động NH Đại Tín. 

Theo đó, tổ giám sát có trách nhiệm giám sát chặt chẽ, toàn diện tình hình tổ chức nhân sự và hoạt động của NH Đại Tín cũng như việc thanh khoản, sử dụng vốn vay tái cấp vốn và hoàn trả vốn vay; chỉ đạo NH tiến hành các công việc liên quan đến kiểm toán độc lập, ngừng mọi hình thức giải ngân các khoản tín dụng, đầu tư, uỷ thác đầu tư đối với khách hàng; thu hồi các khoản tiền gửi, cho vay trên thị trường liên NH; có biện pháp thu hồi nợ đối với nhóm khách hàng Phương Trang... 

Đồng thời, Tổ giám sát có ý kiến đối với các giao dịch, hoạt động của NH Đại Tín trước khi NH này thực hiện; đánh giá và quản lý chặt chẽ tài sản đảm bảo tiền vay, bảo toàn được khoản cho vay tái cấp vốn của NHNN.

Kết quả điều tra đến nay đã xác định được Phạm Công Danh và đồng phạm đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thông qua các giao dịch chuyển tiền gây thiệt hại cho VNCB, trong đó có trách nhiệm của các thành viên Tổ giám sát. 

Trong đó, cáo trạng xác định, ngày 15-8-2012, ông Đặng Thanh Bình đã ký Tờ trình số 597 trình Thủ tướng Chính phủ về phương án tái cơ cấu NH Đại Tín, nêu rõ: cần tiếp tục xác minh năng lực tài chính của nhóm nhà đầu tư mới để đảm bảo nguồn tiền đầu tư vào NH Đại Tín. 

NHNN trình Thủ tướng Chính phủ chấp nhận chủ trương NH Đại Tín tái cơ cấu theo phương án nêu trên trên cơ sở nhóm cổ đông mới cơ đủ năng lực tài chính để thực hiện phương án này. 

Trên cơ sở đề nghị của NHNN, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tại thông báo số 1350, trong đó có nêu: “...NHNN chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tính đúng đắn, chính xác đối với thực trạng và năng lực tài chính của nhóm nhà đầu tư mới đầu tư vào NH Đại Tín...”.

Để thực hiện chủ trương trên của Thủ tướng Chính phủ, ngày 4-9-2012, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN có tờ trình về việc tái cơ cấu NH Đại Tín gửi Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình, kiến nghị Thống đốc cho phép áp dụng điều kiện tài chính đối với nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu NH như điều kiện đối với cổ đông sáng lập là cá nhân, tổ chức khi thành lập mới NH.

Cụ thể, có khả năng về tài chính để góp vốn để thành lập NH TMCP và cam kết không được dùng vốn uỷ thác, vốn vay của các tổ chức khác, cá nhân khác để góp vốn.

Như vậy, yêu cầu trong phương án của NHNN, chỉ đạo của Thủ tướng và kiến nghị của Cơ quan thanh tra giám sát để bảo đảm được năng lực tài chính thực sự của nhóm cổ đông tham gia tái cơ cấu NH Đại Tín nhưng ông Bình đã không thực hiện đúng yêu cầu trên. 

Ông Bình có bút phê vào tờ trình này như sau: “việc kiểm tra vốn sẽ được thực hiện sau này...”.

Sau khi có bút phê, ngày 6-9-2012, ông Bình ký Công văn 652 chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu NH Đại Tín. 

Sau một thời gian cho nhà đầu tư mới tham gia tái cấu trúc NH Đại Tín, đến ngày 14-6-2013, chính ông Bình lại ký thông báo ý kiến kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo tái cơ cấu NH Đại Tín đã phải thừa nhận: “lộ trình triển khai phương án còn chậm chủ yếu do năng lực tài chính của nhà đầu tư mới tham gia tái cơ cấu hạn chế”.

Mặc dù vậy, nhưng sau đó ông Bình vẫn ký Công văn số 440 chấp thuận chính thức phương án tái cơ cấu NH Đại Tín.

Cáo trạng xác định, ông Bình đã không thực hiện đúng phương án do chính NHNN trình Thủ tướng Chính phủ cũng như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và kiến nghị của Cơ quan thanh tra giám sát NHNN, không chỉ đạo thực hiện việc kiểm tra năng lực tài chính của nhóm cổ đông Phạm Công Danh.

Và trên thực tế, để có tiền, Phạm Công Danh đã thực hiện các hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, sử dụng NH như một phương tiện phạm tội, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

Theo kết luận thanh tra của NHNN, vào thời điểm cuối năm 2012, theo báo cáo tài chính của VNCB thì kết quả kinh doanh lỗ luỹ kế 8.765 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.711 tỷ đồng; đến cuối năm 2013, lỗ luỹ kế 11.348 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 8.293 tỷ đồng. 

Tại thời điểm khởi tố vụ án (26-7-2014), vốn chủ sở hữu của VNCB âm 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 38.255 tỷ đồng trong khi tổng tài sản chỉ 16.745 tỷ đồng. Đến nay, vụ án Phạm Công Danh và 35 đồng phạm đã xét xử giai đoạn 1, xác định hậu quả thiệt hại 9.133 tỷ đồng.

Hiện các cơ quan tố tụng đang tiếp tục xử lý giai đoạn 2 với vụ án cố ý làm trái... xảy ra tại 4 NH với 46 bị can. Đặc biệt, hành vi của Phạm Công Danh và đồng phạm đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động tài chính tín dụng quốc gia và Nhà nước phải mua lại VNCB với giá 0 đồng.

A.Huy

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文