Nỗi lo thiếu an toàn giao thông đường thủy
Đơn cử, luồng ra vào cảng cá Tam Quan (huyện Hoài Nhơn), tuy đã được nạo vét mở rộng nhưng tình trạng cát bồi lấp vẫn thường xuyên diễn ra. Hệ quả, trung bình mỗi năm có hơn 30 vụ tàu, thuyền mắc cạn tại khu vực này. Nhẹ thì trục vớt, cứu được phương tiện, còn nặng thì tàu bị sóng đánh vỡ, vùi trong cát, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của ngư dân. Bên cạnh đó, ngoài các cảng hàng hải, toàn tỉnh Bình Định có 13 bến đò lớn, nhỏ, song chỉ có 2 bến (bến đò du lịch Hầm Hô và hồ Núi Một) được cấp phép hoạt động; còn lại đều hoạt động mang tính tự phát.
Tại bến đò Vinh Quang 2 đi Cồn Chim thuộc xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), hay bến thuyền Hàm Tử đi Hải Minh (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn), mỗi ngày có hàng chục lượt đò chở hàng trăm người qua lại. Vậy nhưng, hầu hết các đò đều không có phao cứu sinh, hoặc có trang bị áo phao nhưng người đi đò chủ quan không mặc. Ông Tôn Kỳ Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, thừa nhận: “Xã đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền kết hợp với kiểm tra các chủ đò, người điều khiển đò để quán triệt, ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa; đồng thời cấp phát áo phao cho người đi đò, song nhiều chủ đò vẫn không chấp hành. Trong khi đó, xã không thể cấm hoạt động, bởi nhu cầu của người dân rất lớn”.
Thêm một nỗi lo khác, số phương tiện vận tải đường thủy tương đối nhiều, nhu cầu hành nghề vận tải đường thủy ngày càng cao, nhiều người mong muốn được tham dự các lớp học để có chứng chỉ chuyên môn, nhưng việc đáp ứng yêu cầu rất hạn chế. Hơn nữa, việc tàu thuyền không đăng ký, đăng kiểm ban đầu, không được kiểm tra kỹ thuật, không được trang bị đủ thiết bị cứu hộ vẫn còn, bến bãi thì chưa an toàn. Còn nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện không bằng lái, không chứng chỉ chuyên môn cũng góp phần làm tăng nguy cơ tai nạn đường thủy.
Theo Thượng tá Đỗ Đình Thảo, nguyên nhân dẫn tới tình trạng bất cập nêu trên xuất phát từ “lỗ hổng” quản lý nhà nước; nhiều địa phương chưa thật sự chú trọng công tác quản lý các bến đò, chưa quan tâm nhiều đến đảm bảo ATGT đường thủy nội địa. Hơn nữa, lệ phí đăng ký, đăng kiểm cao, nên số phương tiện đi đăng ký còn ít. Mặt khác, phương thức tổ chức hoạt động của các bến đò ngang hiện phổ biến là giao thầu, đấu thầu; nguồn lợi thấp, thậm chí lỗ. Do vậy, các chủ bến, chủ đò không yên tâm đầu tư xây dựng và nâng cấp hạ tầng.
Ngày 15/10, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Văn bản số 4592/UBND-KTN về việc tăng cường đảm bảo ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh; yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố có tuyến đường thủy nội địa tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý và xử lý nghiêm các phương tiện, bến bãi, người lái trên tuyến đường thủy nội địa không đủ điều kiện lưu thông theo quy định. Sở GT-VT có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ đăng ký, đăng kiểm và đào tạo lái tàu thuyền, chứng chỉ chuyên môn về điều khiển phương tiện đường thủy nội địa cho các phương tiện, người lái. Công an tỉnh đảm trách chỉ đạo lực lượng Cảnh sát đường thủy tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT đường thủy nội địa