Từ vụ “Bằng tiến sĩ… giá 9 triệu đồng”:

Nỗi lo từ hàng ngàn bằng cấp giả

11:38 16/01/2015
Mỗi năm, cơ quan Công an các cấp ở TP HCM khám phá hàng chục vụ làm giấy tờ giả. Riêng đối với các chuyên án lớn, năm nào Đội 4, PC45, Công an TP HCM cũng khám phá một vài đường dây. Bên cạnh niềm vui, những người làm công tác phá án vẫn luôn trăn trở vì hậu quả mà những kẻ làm giả giấy tờ để lại là rất nghiêm trọng nhưng không thể xử lý triệt để.

Bởi lẽ, hàng ngàn bằng cấp, giấy tờ giả đã được “phát hành” thì khó có thể lần tìm ra người sử dụng. Trong khi đó, rất có thể những người sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả đang ung dung thăng quan tiến chức; đang yển ổn với công việc lương cao; đang đường hoàng sinh sống dù đang bị truy nã; đang thực hiện hành vi phạm tội…

Nhìn vào những bộ hồ sơ, bằng cấp, giấy tờ mà Chu Ngọc Trung (32 tuổi; ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai) làm giả thật khó ai có thể nhận biết bằng mắt thường. Ngay cả điều tra viên, trinh sát trực tiếp khám phá án cũng không thể phân biệt được mà phải nhờ đến cơ quan giám định. Trong khi đó, dụng cụ hành nghề của Chu Ngọc Trung khá đơn giản chỉ với 1 máy tính, 1 máy in, 1 máy photocopy, 1 máy sấy và 1 bàn ủi là có thể làm tất tần tật. Từ giấy khám bệnh, giấy khai sinh, học bạ đến CMND, sổ hộ khẩu rồi bằng đại học, bằng tiến sĩ… cứ có mẫu là Trung làm chỉ vài chục phút là xong.

Khoảng 9h ngày 12/1, có một phụ nữ tên Trinh gọi điện thoại cho Nguyễn Ngọc Thiệu thuê làm giả bằng tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP HCM mang tên Trương Thị Dung với giá thỏa thuận là 5 triệu đồng. Thiệu yêu cầu Trinh cung cấp thông tin cá nhân và ảnh của Dung.

“Chuyên gia” Đỗ Hữu Thọ đang thực hiện lại thao tác làm bằng giả.

Sau đó Thiệu đưa về cho Lê Văn Tượng để Tượng thuê lại Chu Ngọc Trung làm giả giá 3 triệu đồng. Chừng 1 tiếng sau, Trung thông báo đã làm xong và gọi điện cho Tượng lấy bằng giao cho khách. Tượng hẹn Trinh đến đường Thành Thái (quận 10) để giao bằng thì bị bắt. Nếu vụ việc trót lọt, rõ ràng Dung đã trở thành cử nhân chỉ sau vài tiếng đồng hồ, đỡ phải tốn 5 năm đèn sách!

Khám xét nơi ở của Tượng, cơ quan Công an còn thu giữ 1 vali bên trong có 108 bằng cấp các loại cùng bảng điểm, sao y và học bạ kèm theo. Chỉ riêng mình Tượng đã có “số dư” bằng cấp giả nhiều đến vậy, trong khi đường dây này có đến 4 đối tượng cùng hoạt động từ tháng 2/2014 thì có lẽ số bằng cấp đã tuồn ra ngoài là rất đáng kể. Trong khi đó họ là ai, đang sử dụng giấy tờ giả vào mục đích gì thì cơ quan Công an chưa thể tường tận.

Trước khi khám phá đường dây này, Đội 4 còn xóa sổ một đường dây chuyên làm giả giấy tờ với quy mô lớn do đối tượng Đỗ Hữu Thọ (40 tuổi; quê quán Long Thành, Đồng Nai), Trương Thị Bích Thủy (50 tuổi; quê quán Châu Thành, Tiền Giang; tạm trú phường 2, quận Bình Thạnh) và Phùng Quốc Thái (37 tuổi, ngụ phường 5, quận 5) cùng tham gia. Khám xét nhà Thủy, cơ quan Công an thu giữ 1.500 phiếu xét nghiệm máu của Bệnh viện Bình Thạnh, 200 sổ khám sức khỏe và 150 sổ học bạ mà thị chưa kịp giao cho khách hàng. Riêng về các giấy tờ là CMND, bằng cấp, chứng chỉ nghề…

Bằng cấp giả thu được trong đường dây Chu Ngọc Trung.

Thủy đặt hàng cho Đỗ Hữu Thọ (có tiền án 4 năm tù về tội làm giả giấy tờ) làm để hưởng chênh lệch. Thọ “cao siêu” hơn các đối tượng làm giả giấy tờ khác là y tự khắc mộc để đóng dấu trực tiếp vào giấy tờ giả nên làm rất nhanh và trông  như thật.

Khám xét chỗ ở của Thọ, cơ quan Công an thu giữ gần 250 dấu mộc tròn giả gồm: 29 dấu mộc tròn của Công an các tỉnh, thành phố; 113 dấu mộc tròn của UBND các xã, phường khắp nơi trong cả nước; 16 mộc tròn của Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành… Mặc dù làm giả rất tinh vi nhưng giá Thọ đưa ra khá mềm, chỉ từ 300-600 đồng/giấy tờ nên lượng khách hàng của Thọ lên đến hàng ngàn người.

Bên cạnh đó, Trung tá Nguyễn Thanh Huyền, Đội trưởng Đội 4 còn cho biết, trong thời gian vừa qua Đội khám phá khá nhiều đường dây trộm và tiêu thụ xe gian liên tỉnh. Số lượng xe bị trộm và tiêu thụ lên đến hàng trăm chiếc đều được bọn tội phạm làm giả giấy tờ rồi mang đi cầm cố, tiêu thụ và tất cả đều thực hiện một cách trót lọt.

Mỗi năm, Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an TP HCM tiếp nhận trên dưới 1.000 vụ yêu cầu trưng cầu giám định giấy tờ, qua đó đã phát hiện khá nhiều vụ làm giả. Loại giấy tờ làm giả nhiều nhất lần lượt là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà, CMND, giấy đăng ký xe và giấy phép lái xe, các loại văn bằng…

Một giám định viên cho biết, để phát hiện giấy tờ giả, cách đơn giản nhất là sử dụng kính lúp (phóng đại gấp 20 lần trở lên là được) đặt lên dấu mộc đỏ, hình Quốc huy. Nếu là mộc giả khi nhìn vào thì sẽ thấy chữ in trên mộc có răng cưa, còn dấu thật thì không. Còn hình Quốc huy nếu giả rất nhạt, thật trông rất nét. Cách phân biệt hay nhất là phải có mẫu thật để đối chiếu vì màu trên các loại giấy tờ giả thường nhạt và không rõ nét bằng giấy thật được in bởi kỹ thuật cao. Mặt khác, mộc đỏ giả làm với phương pháp in phun nên thường gọn gàng hơn mộc thật.

Với cách phân biệt cơ bản như vậy, những nơi thường xuyên tiếp xúc với các loại giấy tờ như phòng công chứng, chứng thực, ngân hàng, dịch vụ cầm đồ… cũng có thể phát hiện được những dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, những cách phân biệt nói trên chỉ mang tính chất tương đối vì trên thực tế có những loại giấy tờ được làm giả rất cao siêu, phải có những thiết bị máy móc của cơ quan chuyên ngành mới có thể phát hiện được.

Cơ quan Công an khuyến cáo, trong các giao dịch có tính rủi ro cao (nhất là giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản) mọi người cần tìm hiểu nguồn gốc tài sản, lai lịch người giao dịch chứ không nên tin tuyệt đối vào giấy tờ. Các cơ quan, đơn vị tuyển dụng lao động cũng vậy, đối với các công việc liên quan đến bảo quản tài sản cần kiểm tra lai lịch bằng cách liên hệ với chính quyền địa phương nơi người xin việc đăng ký cư ngụ. Trên thực tế, việc làm hồ sơ giả để xin việc rồi gây án xảy ra rất nhiều ở TP HCM. Đáng chú ý: các đơn vị vận tải thuê tài xế lái xe container không thẩm tra lý lịch, rất dễ bị kẻ xấu “rút ruột” container rồi… biến mất.

Mã Hải

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文