‘Phù phép’ giấy tờ để nhập lậu thiết bị y tế cũ
>> Phát hiện nhiều doanh nghiệp nhập lậu thiết bị y tế cũ
Còn bị can Lê Văn Điệp, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên kỹ thuật thương mại xuất nhập khẩu Khải Anh (Công ty Khải Anh) bị đề nghị truy tố về tội "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có".
Theo kết luận điều tra, ngày 11/11/2013, Công ty Bảo Trân, địa chỉ tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội làm thủ tục khai Hải quan điện tử cho lô hàng trang thiết bị y tế nhập khẩu về Việt Nam qua Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài với nội dung tờ khai: “Lô hàng nhập khẩu là thiết bị y tế mới 100%”. Tuy nhiên, khi Hải quan kiểm tra tờ khai điện tử (luồng vàng), người đại diện Công ty Bảo Trân không xuất trình được giấy tờ chứng minh xuất xứ lô hàng.
Cơ quan chức năng kiểm tra các thiết bị y tế nhập lậu tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Minh Đức. |
Thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài đã phối hợp cùng Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc, thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan tiến hành kiểm tra, xác định toàn bộ số hàng hóa nhập khẩu là thiết bị y tế đã qua sử dụng.
Cụ thể: Máy xét nghiệm sinh hóa tự động, hệ thống nội soi dạ dày ống mềm video, máy in phim X quang khô, máy scan film X quang và một số phụ kiện…
Tiếp theo, cơ quan giám định đã kết luận "toàn bộ các thiết bị y tế nêu trên đã qua sử dụng".
Đến ngày 18/4/2014, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và chuyển hồ sơ đến cơ quan CSĐT - Bộ Công an để điều tra theo thẩm quyền.
Quá trình điều tra xác định, trong số 10 lô hàng nhập khẩu, có 6 lô hàng là trang thiết bị y tế đã qua sử dụng. Thủ đoạn của đối tượng Tưởng và Hồng là lợi dụng giấy phép nhập khẩu do Bộ Y tế cấp để nhập khẩu thiết bị y tế về Việt Nam chất lượng mới 100%, nhưng lại nhập hàng cũ, đã qua sử dụng.
Sau khi có giấy phép trong tay, Tưởng và Hồng xem nhu cầu sử dụng thiết bị y tế trên thị trường cần loại gì thì đặt hàng qua thư điện tử cho đối tác nước ngoài. Khi soạn thảo hợp đồng thương mại, hóa đơn thương mại kiêm phiếu đóng gói bằng tiếng Anh, Tưởng và Hồng chỉ đạo nhân viên không ghi tên hàng như đơn hàng đã gửi cho đối tác mà ghi tên hàng hóa là máy xét nghiệm sinh hoá tự động mới 100%, rồi sử dụng chữ ký và con dấu của đối tác nước ngoài đã lưu trong máy tính để in mầu ra và sử dụng những bản hợp đồng này. Sau đó, các đối tượng đã dùng các bản hợp đồng làm giả trên để xuất trình với ngân hàng khi mua ngoại tệ, làm lệnh chuyển tiền thanh toán cho đối tác, khai Hải quan, nộp thuế, làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa…
Theo kết luận điều tra, năm 2013, Tưởng và Hồng dùng pháp nhân Công ty Bảo Trân và sử dụng giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế do Bộ Y tế cấp để nhập lậu 6 lô hàng là thiết bị y tế đã qua sử dụng tiêu thụ tại Việt Nam, với giá trị thanh toán cho đối tác nước ngoài là hơn 2,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, cơ quan Công an đã làm rõ 6 trong số 15 chiếc máy thiết bị y tế đã qua sử dụng; số còn lại chưa rõ cá nhân, đơn vị nào mua.
Theo quy định của pháp luật, thiết bị y tế đã qua sử dụng là hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu. Mặc dù biết thiết bị y tế của Tưởng và Hồng là hàng nhập khẩu trái phép về Việt Nam, nhưng Lê Văn Điệp, Giám đốc Công ty Khải Anh (có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) vẫn mua 5 chiếc máy siêu âm đã qua sử dụng, tổng trị giá hơn 740 triệu đồng.
Cơ quan chức năng đánh giá, tình trạng nhập thiết bị y tế đã qua sử dụng trong tời gian vừa qua diễn biến khá phức tạp, những thiết bị này sẽ làm sai lệch kết quả chẩn đoán, điều trị bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người. Song vì lợi nhuận, Tưởng và Hồng vẫn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.