Vụ kiện Bộ trưởng Bộ GD&DDT vì thu hồi bằng Tiến sĩ:

Toà tuyên huỷ quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

15:22 14/12/2018
Sau hơn hai năm tạm hoãn phiên toà xét xử vụ kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận vì thu hồi bằng Tiến sĩ, ngày 14-12, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã ra phán quyết về vụ kiện này. 

Trước đó, từ ngày 7 đến 10-10-2016, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ kiện hành chính giữa người khởi kiện là ông Hoàng Xuân Quế (Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân) và người bị kiện là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Người khởi kiện cho rằng, người bị kiện đã thu hồi bằng Tiến sĩ của mình không đúng quy định. 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ủy quyền có đơn xin xét xử vắng mặt. Hai luật sư Đinh Anh Tuấn và Nguyễn Thị Ánh Tuyết tham gia bảo vệ quyền lợi cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại có mặt tại phiên xử.

Theo hồ sơ vụ kiện, tháng 6-2013, Bộ GD&ĐT nhận được đơn phản ánh về việc ông Hoàng Xuân Quế, tác giả luận án Tiến sĩ bảo vệ năm 2003 với đề tài “Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam” đã “đạo văn” tới 30% dung lượng luận án Tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế, Học viện Ngân hàng (luận án của ông Mai Thanh Quế với đề tài “Các giải pháp hoàn thiện việc cung ứng và kiểm soát khối lượng tiền lưu thông của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường”. 

Từ phản ánh này, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc để xác minh. Tổ xác minh đã cử cán bộ tới Thư viện Quốc gia Việt Nam sao chụp, copy bản gốc luận án Tiến sĩ đang lưu trữ và đóng dấu giáp lai của thư viện vào bản copy hai bản luận án nói trên. Sau khi làm việc trực tiếp với ông Mai Thanh Quế, tổ công tác xác định, luận án Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế và ông Mai Thanh Quế có nhiều điểm giống nhau. 

Phiên xử vụ kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Ông Hoàng Xuân Quế cho rằng, ông không sao chép luận án nên đã đưa ra nhiều tài liệu khác nhau và nộp bản giải trình với các cơ quan chức năng của Bộ GD&ĐT về các vấn đề liên quan đến vụ việc.

Để làm rõ sự việc này, lãnh đạo Bộ GD&ĐT thành lập Hội đồng xác minh luận án Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế. Quá trình xác minh, Hội đồng nhận định, luận án của ông Hoàng Xuân Quế có nhiều nội dung giống với luận án của ông Mai Thanh Quế. 

Do đó Hội đồng khẳng định, luận án của ông Hoàng Xuân Quế có sao chép một phần từ luận án của ông Mai Thanh Quế, các sao chép này là không hợp pháp. 

Ngày 11-10-2013, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga ký Quyết định 4674 thu hồi bằng Tiến sĩ đối với ông Hoàng Xuân Quế do sao chép đến 52,5/159 trang của luận án (khoảng 30,02%) từ luận án Tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế. 

Quyết định này được căn cứ vào kết luận của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc xác minh đơn tố cáo đối với bằng Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế. Hai tháng sau, ông Hoàng Xuân Quế bị Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước hủy bỏ quyết định công nhận chức danh Phó Giáo sư.

Không đồng tình với kết luận và quyết định thu hồi bằng Tiến sĩ nói trên, ông Hoàng Xuân Quế đã khởi kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ra TAND TP Hà Nội.

Tại tòa, ông Quế cũng như luật sư của mình cho rằng quá trình thụ lý đơn tố cáo của Bộ GD&ĐT là không đúng pháp luật và không khách quan, vì các cuốn luận án để làm căn cứ xác định ông “đạo văn” có thể bị đánh tráo. Ngoài ra, các cuốn luận án mà tự ông thu thập và giao nộp cho Bộ GD&Đ cùng các ý kiến phản biện từ các giáo viên khác chưa được xem xét, đánh giá…

Hai luật sư Đinh Anh Tuấn và Nguyễn Thị Ánh Tuyết bảo vệ quyền lợi cho Bộ GD&ĐT nêu quan điểm, việc thu hồi bằng Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế là đúng quy định pháp luật, việc thụ lý đơn tố cáo của Bộ GD&ĐT đảm bảo tính khách quan, đúng quy định của Luật tố cáo và các văn bản pháp luật liên quan. 

“Hai cuốn luận án tại Thư viện Quốc gia Việt Nam dùng làm căn cứ để xác định ông Hoàng Xuân Quế “đạo văn” có đủ giá trị pháp lý”, luật sư Đinh Anh Tuấn khẳng định.

Cũng theo luật sư Đinh Anh Tuấn, Bộ GD&ĐT đã xem xét, đánh giá các cuốn luận án của ông Hoàng Xuân Quế cũng như các ý kiến phản biện của giáo viên khác nhưng thấy không đủ giá trị pháp lý nên không thể sử dụng làm căn cứ để ra quyết định thu hồi bằng Tiến sĩ.

Từ lập luận của mình, hai luật sư bảo vệ quyền lợi cho Bộ GD&ĐT đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu khởi kiện của ông Hoàng Xuân Quế.

Trình bày quan điểm tại phiên xử, đại diện Viện KSND TP Hà Nội cho rằng, Hội đồng xác minh luận án Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế gồm các Giáo sư ngành kinh tế của Trường Đại học Thương mại, trong khi luận án của ông Hoàng Xuân Quế bảo vệ thuộc cấp Nhà nước. 

Vì thế, để xác minh có hay không việc sao chép thì cần phải lập Hội đồng xác minh luận án cấp Nhà nước. Theo trình bày của ông Hoàng Xuân Quế cho thấy, ngoài cuốn luận án bản gốc cũng như bản copy tại Thư viện Quốc gia Việt Nam thì còn thiếu bản tóm tắt quyết định thành lập Hội đồng chấm luận án, nghị quyết Hội đồng chấm luận án... 

Đại diện Viện kiểm sát cho rằng, có sự khác nhau giữa sáu cuốn luận án của Bộ GD&ĐT và ông Hoàng Xuân Quế thu thập được nên cần xác minh, đánh giá lại. Từ quan điểm của mình, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên hủy quyết định của Bộ GD&ĐT về việc thu hồi bằng Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận định, việc Bộ GD&ĐT căn cứ vào biên bản của Hội đồng xác minh theo quyết định của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, ngành kinh tế học để kết luận việc sao chép luận án của ông Hoàng Xuân Quế là không hợp lệ, không có giá trị. Việc xác minh được triển khai trước khi nhận được đơn tố cáo, văn bản làm việc với các thành viên Hội đồng chấm luận án... không phải là tài liệu đúng quy định. 

"Trong khi có 3 cuốn luận án do ông Hoàng Xuân Quế thu thập từ các nhà khoa học là người hướng dẫn và người tham gia Hội đồng chấm luận án, có chữ ký của các nhà khoa học mà tác giả cho là luận án bảo vệ tại hội đồng có nội dung khác so với ba cuốn luận án của Bộ Giáo dục và Đào tạo thu thập. Người tố cáo đồng thời là Chủ tịch Hội đồng chấm luận án cấp Nhà nước đối với luận án Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế cũng không cung cấp được cuốn luận án đã nhận khi nghiên cứu sinh bảo vệ chính thức”, Chủ toạ phiên toà nói.

Theo quan điểm của HĐXX, thời điểm ông Hoàng Xuân Quế bảo vệ luận án tháng là 10-2003, căn cứ vào các quy định thời điểm đó thì việc thu hồi bằng Tiến sĩ không phù hợp quy định của pháp luật. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định số 4674 ngày 11-10-2013 thu hồi bằng Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế là trái quy định của pháp luật. 

Sau khi nhận xét, đánh giá sự việc, HĐXX tuyên hủy Quyết định 4674 ngày 11-10-2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thu hồi bằng Tiến sĩ, ngành kinh tế của ông Hoàng Xuân Quế. Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan có thẩm quyền khôi phục lại học hàm, học vị cho ông Hoàng Xuân Quế.

NGUYỄN HƯNG

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文