Truy tố ông Đinh La Thăng và các đồng phạm ở PVN, PVC

14:18 26/12/2017
Ngày 26-12, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố 22 bị can trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô tài sản theo Điều 165 và Điều 278 Bộ Luật hình sự năm 1999, xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Trong đó, ông Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên PVN; Phùng Đình Thực nguyên Tổng giám đốc PVN; Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó Tổng giám đốc PVN cùng 9 bị can bị truy tố về tội "cố ý làm trái...". Có 8 bị can khác bị truy tố về tội "tham ô tài sản". Riêng bị can Trịnh Xuân Thanh, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) PVC và bị can Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc PVC cùng bị truy tố về cả hai tội danh nêu trên.

Ông Đinh La Thăng

Theo cáo trạng, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm. Các bị can trong vụ án hầu hết là những người giữ vị trí chủ chốt trong những đơn vị kinh tế quan trọng được Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao quản lý vốn và thực hiện những dự án, công trình lớn của quốc gia trong đó có Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Tuy nhiên quá trình thực hiện dự án, vì những động cơ khác nhau mà các bị can đã cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế cho Nhà nước, thậm chí một số bị can còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lập chứng từ khống rút tiền của dự án để ăn chia, chiếm đoạt sử dụng cá nhân.

Bị can Trịnh Xuân Thanh

Cáo trạng quy kết, bị can Đinh La Thăng, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, với vai trò là chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, ông Thăng có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 (số 33) với PVC trái quy định. 

Sau đó, ông Thăng chỉ đạo cấp dưới tại PVN căn cứ hợp đồng này tạm ứng hơn 6.607.500 USD và hơn 1.312 tỷ đồng cho PVC để các bị can tại PVC sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng sai mục đích, trái quy định gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số hơn 119 tỷ đồng. Hành vi của bị can Đinh La Thăng phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị can Nguyễn Xuân Sơn

Quá trình điều tra, bị can thừa nhận có sai phạm trong việc chỉ đạo thực hiện dự án với tư cách là người đứng đầu PVN. Trong quá trình điều tra vụ án, ông Đinh La Thăng đã thừa nhận có sai phạm trong việc chỉ đạo thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, với tư cách là người đứng đầu...

Bị can Trịnh Xuân Thanh, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thanh đã chỉ đạo Vũ Đức Thuận ký hợp đồng số 33 trái quy định để PVC được nhận tạm ứng 6.607.500 USD và hơn 1.312 tỷ đồng; chỉ đạo việc sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng vào mục đích đi trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng, đầu tư góp vốn vào các đơn vị, dự án khác của PVC... gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số hơn 119 tỷ đồng. 

Bị can Vũ Đức Thuận

Bên cạnh đó, bị can Trịnh Xuân Thanh đã đề ra chủ trương cùng bị can Vũ Đức Thuận chỉ đạo Nguyễn Anh Minh, nguyên Phó Tổng giám đốc PVC và Lương Văn Hòa, nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC lập khống hồ sơ rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân, trong đó Trịnh Xuân Thanh được ăn chia 4 tỷ đồng. Bị can Thanh cũng phải chịu trách nhiệm cùng Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh, Bùi Mạnh Hiển trong việc sử dụng chung khoản tiền 1,5 tỷ đồng. 

Trong quá trình điều tra, bị can Trịnh Xuân Thanh khai báo không thành khẩn, quanh co chối tội, sau khi phạm tội đã bỏ trốn, gây khó khăn, cản trở quá trình điều tra. Đây là những tình tiết cần xem xét để áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc.

Bị can Phùng Đình Thực

Bị can Phùng Đình Thực, nguyên Tổng Giám đốc PVN, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, đã cùng Đinh La Thăng, có hành vi sai phạm trong việc chỉ đạo PVPower ký hợp đồng số 33 với PVC trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban quản lý dự án căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng 6.607.500 USD và hơn 1.132 tỷ đồng cho PVC để bị can Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng không đúng mục đích gây thiệt hại cho nhà nước hơn 119 tỷ đồng.

Đối với bị can Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, bị can Nguyền Xuân Sơn biết rõ hợp đồng số 33 được ký trái quy định nhưng vẫn chỉ đạo Ban quản lý dự án (QLDA) tạm ứng 6.607.500 USD và hơn 1.312 tỷ đồng cho PVC để các bị can tại PVC sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng vào mục đích khác, không đưa vào dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.

Bị can Vũ Đức Thuận, Tổng Giám đốc PVC, trong quá trình thực hiện dự án, ông Thuận là người ký hợp đồng số 33 trái quy định để PVC để được nhận tạm ứng 6.607.500 USD và 1.132 tỷ đồng trái quy định và tham gia việc quyết định sử dụng hơn 1.115 tỷ trong số tiền tạm ứng này sai mục đích không đưa vào dự án.

Trên cương vị là Tổng giám đốc PVC, Vũ Đức Thuận có vai trò cùng với Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo Nguyễn Anh Minh và Lương Văn Hòa lập khống hồ sơ rút hơn 13 tỉ đồng từ Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân. Cá nhân bị can Thuận được ăn chia 800 triệu đồng và chịu trách nhiệm cùng bị can Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Anh Minh, Bùi Mạnh Hiển trong việc sử dụng chung khoản tiền 1,5 tỉ đồng trong tổng số hơn 13 tỉ chiếm đoạt được.

12 bị can bị đề nghị truy tố tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng":

- Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT, sau này là Hội đồng thành viên – HĐTV PVN.

- Nguyễn Mạnh Tiến, Phó tổng giám đốc PVC;

- Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng PVC;

- Trần Văn Nguyên, Kế toán trưởng Ban QLDA Điện lực dầu khí Thái Bình 2, thuộc PVN;

- Lê Đình Mậu, nguyên Phó trưởng ban Kế toán, kiểm toán PVN;

- Nguyễn Ngọc Quý, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT PVC;

- Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng ban QLDA Điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN;

- Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN;

- Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó tổng giám đốc PVN;

- Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó tổng giám đốc PVN;

- Phùng Đình Thực, nguyên Tổng giám đốc PVN;

- Trương Quốc Dũng, nguyên Phó tổng giám đốc PVN.

8 bị can bị đề nghị truy tố tội “Tham ô tài sản”:

- Lương Văn Hòa, nguyên Giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC;

- Nguyễn Lý Hải, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật, Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch ;

- Lê Xuân Khánh, nguyên Trưởng Phòng Kinh tế - kế hoạch Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch;

- Nguyễn Thành Quỳnh, Giám đốc kỹ thuật công nghệ, Tổng công ty CP Miền Trung - Công ty CP Đà Nẵng;

- Lê Thị Anh Hoa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa;

- Bùi Mạnh Hiển, nguyên Chánh văn phòng PVC;

- Nguyễn Anh Minh, nguyên Phó tổng giám đốc PVC;

- Nguyễn Đức Hưng, nguyên Trưởng phòng Tài chính, kế toán Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch.

2 bị can Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Tham ô tài sản”

Đào Minh Khoa

Nguyễn Quốc Quân, còn gọi Quân “Idol”, khét tiếng là tay anh chị ở phố núi Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Trong thời gian dài, đối tượng này nổi lên với nhiều hoạt động làm ăn có dấu hiệu bất minh. Đặc biệt, Quân thường lên mạng xã hội đăng tải nhiều hình ảnh đe dọa, chửi bới người khác do chính y tổ chức, khiến dư luận bất bình. Quân “Idol” sau đó đã bị Cơ quan Công an bắt giữ, khởi tố với nhiều tội danh khác nhau.

Ngày 21/5, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng về nguyên nhân và biện pháp xử lý khả năng thoát nước mặt cầu thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.

Liên quan đến vụ án đưa, nhận hối lộ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hoá), sáng 21/5, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã thi hành Lệnh khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam thêm 3 bị can có liên quan, gồm: Nguyễn Thế Hùng (SN 1979), nguyên Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn; Lê Huy Hoàng (SN 1986), Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn; Cao Xuân Hiệp (SN 1984), cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn.

Đánh giá sơ bộ cho thấy, tại khu vực xã Phong Vân (huyện Ba Vì), việc nạo vét, hút cát trái phép, không đúng kỹ thuật, hút cát sát bờ sông, thềm sông tạo ra các hố xói, vực sâu cục bộ gây biến đổi đột ngột địa hình lòng dẫn, thay đổi dòng chảy, làm suy kiệt mực nước ngầm và hậu quả là sụt lún, nứt đất.

Ra thăm vườn, người phụ nữ tá hỏa khi phát hiện 56 gốc với hơn 1.500 quả sầu riêng non chăm sóc bấy lâu đã bị kẻ gian chặt phá không thương tiếc. Quá sốc, người nông dân này đã khóc ngất tại khu vườn.

Gần đây, sau khi đánh giá tác động môi trường và các thủ tục pháp lý, một số doanh nghiệp đã được các bộ, ngành liên quan và tỉnh Quảng Bình cấp phép khai thác cát để thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một số đối tượng lấy lý do doanh nghiệp khai thác cát sẽ làm sạt lở bờ sông, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân…

Nắm được nhu cầu nhiều công dân có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động, Trần Thị Hằng Nga đã đưa ra các thông tin tuyển dụng lao động nước ngoài, nhận hồ sơ và tiền, từ đó lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các nạn nhân. Đối tượng này vừa bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An khởi tố.

Sáng 21/5, thông tin từ Sở GTVT tỉnh Quảng Trị cho biết đang phối hợp, chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan khẩn trương giải quyết vụ lật xe trên Quốc lộ 15D đi cửa khẩu quốc tế La Lay, đảm bảo thông tuyến trong thời gian sớm, hạn chế thiệt hại phát sinh do tuyến đường bị ùn tắc giao thông.  

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文