Vạch trần nhiều phương thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản
Lật tẩy các chiêu trò
Thủ đoạn đầu tiên mà các đối tượng sử dụng là làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng. Trong những vụ án này, đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết, hám lợi của người bị hại để đưa ra thông tin sai sự thật như giới thiệu mình làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng có lợi nhuận cao; hứa hẹn có thể vay tiền trong thời gian ngắn sẽ trả tiền gốc và chia tiền lãi cao... để đánh vào lòng tin của người bị hại. Từ đó khiến họ tin tưởng, tự nguyện trao tiền cho các đối tượng.
Đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ bắt giữ. |
Vụ án do nhóm các đối tượng gồm Lê Thị Hân, Nguyễn Thị Thanh Thản (cùng SN 1972), Bùi Thị Kim Qúy (SN 1966), Phan Thị Việt Long (SN 1976) và Nguyễn Ngọc Ly (SN 1992) cùng trú tại xã Tề Lễ, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ là một ví dụ. Do cần tiền tiêu xài, Long, Hân, Quý, Thản và Ly nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền dưới hình thức vay tiền làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng.
Để tạo lòng tin cho người bị hại, nhóm đối tượng hứa hẹn sẽ trả tiền lãi cao nhưng thực chất là lấy tiền của người này để ứng trả trước tiền lãi cho người khác. Khi đến thời hạn trả gốc, các đối tượng đã vay tiền của người khác rồi dựng màn kịch tinh vi, cố để cho người bị hại nhìn thấy rồi lấy lí do khách đang có nhu cầu tiếp tục đáo hạn ngân hàng với khoản vay lớn hơn, tiền lãi cao hơn nên chưa trả số tiền đã vay và muốn vay thêm một khoản tiền khác để đem đi tiếp tục làm dịch vụ...
Với thủ đoạn này, có bị hại đã bị các đối tượng chiếm đoạt một số tiền lớn. Để tránh sự phát hiện của Công an, đối tượng còn có thủ đoạn rất tinh vi để qua mắt người bị hại. Bọn chúng yêu cầu nạn nhân mang tiền đến ngân hàng để kịp đáo hạn cho khách nhưng lựa chọn thời điểm là lúc cuối giờ làm việc, khi nhân viên ngân hàng sắp nghỉ.
Sau đó, lấy lí do không kịp làm thủ tục rồi bảo người bị hại đưa tiền cho đối tượng cầm để sáng mai làm thủ tục sớm, sau đó chiếm đoạt. Với các thủ đoạn trên, trong thời gian từ đầu năm 2017 đến giữa năm 2018, nhóm đối tượng này đã chiếm đoạt của 45 người với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng.
Một số đối tượng còn làm hợp đồng thuê xe ôtô tự lái trong thời gian dài sau đó đi bán hoặc cầm cố chiếm đoạt tài sản. Trong vụ án này, đối tượng lợi dụng sơ hở trong việc làm thủ tục thuê xe ôtô tự lái của các cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh vận tải quá đơn giản. Sau đó, ký các hợp đồng thuê xe dài hạn rồi làm giấy tờ giả chủ đi cầm cố hoặc bán để lấy tiền tiêu xài cá nhân.
Trường hợp của Lê Văn Thọ (SN 1985) là một ví dụ. Trong thời gian từ giữa năm 2018, Thọ cùng đồng bọn đã thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 26 xe ôtô các loại, tổng giá trị thiệt hại trên 10 tỷ đồng. Để tạo vỏ bọc cho mục đích thuê xe, đối tượng đã thành lập công ty cho thuê xe ôtô tự lái.
Sau đó, liên hệ với các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh vận tải ký kết hợp đồng thuê xe ôtô trong thời gian từ 1-2 tháng. Sau khi có được tài sản, các đối tượng cắt bỏ định vị xe của các chủ phương tiện, mang đi cầm cố hoặc bán lấy tiền tiêu xài và sử dụng một phần tiền này để tiếp tục trả tiền thuê xe khác rồi mang đi cầm cố. Đến thời điểm không thể thuê xe được nữa, có khả năng bại lộ, hai đối tượng bỏ trốn sang Trung Quốc, gây khó khăn cho quá trình điều tra, thu giữ vật chứng.
Một số đối tượng còn sử dụng con dấu, tài liệu giả của các cơ quan, tổ chức để chiếm đoạt tài sản. Trước đó, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ đã điều tra làm rõ một nhóm gồm 8 đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn câu kết với nhân viên ngân hàng để thu thập mua bán thông tin của khách hàng như: Số tài khoản, mẫu con dấu, chữ ký của chủ tài khoản, kế toán trưởng, số điện thoại báo biến động số dư tài khoản...
Sau đó, các đối tượng làm giả con dấu của pháp nhân đóng vào các hợp đồng, ủy nhiệm chi rồi sử dụng giấy CMND giả để thực hiện hành vi rút tiền trong tài khoản của khách hàng. Với thủ đoạn này các đối tượng đã chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng. Quá trình điều tra đã làm rõ và thu hồi được 2,6 tỷ đồng. Quá trình khám xét tại các địa điểm, Cơ quan CSĐT thu giữ 69 con dấu giả, 12 CMND và thẻ căn cước công dân giả, 2 xe ôtô, 26 bộ hồ sơ giao dịch giả được ký và đóng dấu sẵn của một số doanh nghiệp...
Một thủ đoạn mới là sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội. Ngày 19-5, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Phú Thọ đã làm rõ vụ lừa đảo của bà Nguyễn Thị Lệ Dung (trú tại thị xã Phú Thọ). Quá trình điều tra đến ngày 28-5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã điều tra, làm rõ đối tượng thực hiện hành vi phạm tội là Thái Ngọc Lựu (SN 1983, HKTT tỉnh Bạc Liêu).
Quá trình đấu tranh, Thái Ngọc Lựu khai nhận đã cấu kết với đối tượng Enenwali Chijiok Collins (SN 1986, quốc tịch Nigieria) và 1 nhóm đối tượng cùng quốc tịch Nigieria đã thực hiện nhiều vụ lừa đảo để chiếm đoạt tài sản hơn 30 tỷ đồng của các bị hại trên địa bàn cả nước. Mở rộng điều tra vụ án, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ còn điều tra làm rõ hành vi phạm tội của Nguyễn Thị Hồng (SN 1987, HKTT TP Hồ Chí Minh) với số tiền chiếm đoạt là 3 tỷ đồng.
Mỗi người dân phải cảnh giác, tự bảo vệ tài sản
Theo chia sẻ của Trung tá Nguyễn Quang Hòa, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ thì trong 2 năm 2018, 2019, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã xảy ra 64 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 31 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Quá trình điều tra, riêng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ đã thụ lý 13 vụ lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, thiệt hại tài sản hơn 65 tỷ đồng bao gồm tiền và 44 ôtô các loại; đã điều tra, làm rõ 13 vụ/17 bị can.
Để phòng ngừa các vụ lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo Trung tá Nguyễn Quang Hòa cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và nghĩa vụ của công dân trong công tác phòng ngừa tội phạm... Hình thức tuyên truyền phải đổi mới, đơn giản để người dân dễ hiểu và nắm bắt tự bảo vệ tài sản của mình.
Cùng với đó, phối hợp với Viện Kiểm sát và Tòa án đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật. Về phía lực lượng Công an cần chủ động trong công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện tội phạm; quản lý chặt chẽ các đối tượng cầm đầu các ổ nhóm; đối tượng có tiền án, tiền sự về tội phạm xâm phạm sở hữu. Từ đó chủ động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm.