Vì sao bị cáo Nguyễn Bắc Son xin nộp lại 3 triệu USD nhận hối lộ (?)
- Bị cáo Nguyễn Bắc Son xin nộp lại 3 triệu USD
- Bị cáo Nguyễn Bắc Son nhận tội, xin giữ lại lời khai tại CQĐT
- Cựu Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son khai gì trước toà?
Cụ thể là cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã phủ nhận lời khai về hành vi nhận hối lộ. Nhưng sang ngày xét xử thứ 3, bị cáo Son lại thừa nhận hành vi nhận hối lộ và xin HĐXX cho khắc phục hậu quả bằng cách nộp lại số tiền đã nhận hối lộ.
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, trong quá trình điều tra, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khai, đã nhận hối lộ 3 triệu USD của bị cáo Phạm Nhật Vũ (cựu Chủ tịch HĐQT AVG) trong thương vụ MobiFone mua cổ phần AVG và đưa cho con gái sử dụng đầu tư vào việc gì thì "tuỳ". Nhưng trong ngày xét xử đầu tiên, trả lời thẩm vấn HĐXX, bị cáo Son lại phủ nhận lời khai này và cho rằng, mình bị ép cung và sợ chết nên mới khai như thế.
Hai bị cáo Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn. |
Sang ngày xét xử thứ 3, bị cáo Son lại thay đổi lời khai khi thừa nhận hành vi nhận hối lộ 3 triệu USD của bị cáo Phạm Nhật Vũ. Chỉ khác là bị cáo Son không thừa nhận (như đã khai tại cơ quan điều tra) về việc, đã chuyển số tiền 3 triệu USD cho con gái. Trả lời HĐXX về việc “đã sử dụng số tiền nhận hối lộ 3 triệu USD vào việc gì?”, bị cáo Son nói “Tôi không nhớ”.
Tuy nhiên, bị cáo Son đề nghị HĐXX cho gia đình được thay bị cáo khắc phục một phần hậu quả của vụ án bằng cách nộp lại số tiền này. Ngoài ra, bị cáo Son còn đề nghị các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp không bào chữa cho mình về hành vi nhận hối lộ số tiền 3 triệu USD. Xác định đây là tình tiết mới nên HĐXX quyết định tạm dừng phiên toà ngày 19-12 để gia đình bị cáo Son có thời gian nộp lại số tiền trên cho cơ quan điều tra.
Vấn đề pháp lý đặt ra ở đây là: Tại sao bị cáo Son lại làm điều này (?) Và nếu bị cáo Son cùng gia đình tự nguyện nộp lại số tiền 3 triệu USD để khắc phục hậu quả trong giai đoạn bị cáo Son đang hầu toà về hai tội: vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220 BLHS năm 2015) và tội nhận hối lộ (Điều 354 BLHS năm 2015) thì các cơ quan pháp luật có xác định, đó là tình tiết giảm nhẹ khi lượng hình không (?).
Cần nhắc lại rằng, trong số 14 bị cáo bị truy tố ở vụ án này thì 13 bị cáo bị truy tố về tội vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và 5 bị cáo bị truy tố về tội nhận hối lộ (trong đó bị cáo Son bị truy tố cả hai tội danh này). Và trong thời điểm xảy ra vụ án, các bị cáo cùng phạm tội nhận hối lộ như bị cáo Son gồm: cựu Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, cựu Chủ tịch HĐTV MobiFone Lê Nam Trà và cựu Tổng Giám đốc MobiFone Cao Duy Hải. Nhưng trước khi phiên toà diễn ra, gia đình các bị cáo Tuấn, Trà và Hải đã thay các bị cáo khắc phục hậu quả bằng cách nộp cho cơ quan điều tra số tiền đã nhận hối lộ.
Nói về tính pháp lý, luật sư Nguyễn Minh Trang (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định tại khoản 4, Điều 354 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định, người có hành vi nhận hối lộ số tiền trị giá 1 tỷ đồng trở lên có thể nhận mức án từ 20 năm đến chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trước hoặc trong quá trình xét xử, nếu bị can, bị cáo nộp tiền khắc phục hậu quả thì cơ quan tố tụng xem đó là tình tiết giảm nhẹ khi đề nghị mức hình phạt và quyết định mức hình phạt. “Nếu người bị tuyên án tử hình về tội tham ô tài sản, hay tội nhận hối lộ mà chủ động nộp lại ít nhất 3/4 số tài sản tham ô tài sản hoặc nhận hối lộ sau khi bị kết án thì hình phạt sẽ được chuyển hình phạt từ khung tử hình xuống chung thân”, luật sư cho biết.
Như Báo CAND đã đưa tin, với tư cách là Bộ trưởng Bộ TT&TT, bị cáo Son đã nhiều lần yêu cầu cấp dưới khẩn trương tiến hành việc mua bán dự án giữa MobiFone và AVG. Cũng vì chỉ đạo của bị cáo Son mà việc mua bán dự án giữa MobiFone và AVG đã diễn ra nhanh chóng và trái quy định của pháp luật.
Trong quá trình thực hiện dự án, với vai trò trách nhiệm của mình các bị cáo không tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước, đã tạo ra các điều kiện cho bị can Nguyễn Bắc Son và Lê Nam Trà (cựu Chủ tịch HĐTV MobiFome) đạt được mục đích để MobiFone mua cổ phần của AVG không đúng quy định, không đúng trị giá thực tế, gây thiệt hại trực tiếp cho MobiFone số tiền hơn 6.590 tỷ đồng. Sau khi việc mua bán kết thúc, bị cáo Son đã nhận tiền hối lộ với số tiền 3 triệu USD.