Xét xử vụ Đại án 9.000 tỷ đồng:

Vòng vo khoản tiền gần 5.500 tỷ đồng của nhóm Trần Ngọc Bích

09:32 28/07/2016
Ngày 27-7, phiên tòa xét xử đại án 9.000 tỷ tiếp tục phần xét hỏi liên quan đến khoản tiền "khủng" 5.490 tỷ đồng của nhóm bà Trần Ngọc Bích. Bà Bích và nhóm người do bà đại diện đứng tên sổ tiết kiệm tiền gửi, vay tiền cùng hai nhân viên giao nhận chứng từ đều được HĐXX, VKS mời lên thẩm vấn.

Theo hồ sơ vụ án, trong ngày 21-8-2013, bà Trần Ngọc Bích thay mặt nhóm cá nhân gồm 9 người thân, nhân viên Tập đoàn cầm cố 124 sổ tiết kiệm vay 3.100 tỷ đồng của VNCB. Hồ sơ vay được thực hiện đúng thủ tục với đầy đủ các chữ ký của 9 cá nhân. 

Sau khi tiền chuyển vào tài khoản của bà Bích, Phạm Công Danh chỉ đạo Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc VNCB – chi nhánh Sài Gòn) làm thủ tục chuyển hết vào tài khoản của mình. Việc chuyển tiền này không có chữ ký của bà Bích. 

Cũng trong ngày, Danh chuyển vào tài khoản của ông Trần Quý Thanh (ba bà Bích) số tiền hơn 3.160 tỷ đồng (trong đó 60 tỷ được cho là trả lãi) để trả cho khoản vay 3.100 tỷ đồng ông Danh đã vay của nhóm bà Bích ngày 21-6-2013.

Cũng với hình thức tương tự, ngày 26-8-2013, nhóm bà Bích làm thủ tục vay của VNCB 2.090 tỷ đồng thông qua việc thế chấp sổ tiết kiệm. Số tiền này sau đó được Danh chỉ đạo chuyển từ tài khoản của bà Bích sang 2 tài khoản của cấp dưới, tiếp đó chuyển cho ông Thanh để trả các khoản vay trước đó giữa ông Danh và nhóm bà Trần Ngọc Bích. 

Ngoài ra, trong ngày 20 và 21-12-2013, Danh chỉ đạo Mai Hữu Khương (Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) sử dụng 6 sổ tiết kiệm của nhóm bà Trần Ngọc Bích vay 300 tỷ đồng của VNCB nhưng không có hồ sơ chứng từ.

Các bị cáo tại tòa.

Tại toà, bà Bích không thừa nhận có giao dịch với bị cáo Phạm Công Danh. Đối chất với lời khai của bà Bích, bị cáo Quyết khai khoản chênh lệch 60 tỷ đồng thực chất là tiền lãi Danh trả cho bà Bích qua tài khoản ông Thanh. Bà Bích phủ nhận lời khai này và liên tục cho rằng Quyết khai không đúng sự thật. 

Trả lời về mục đích vay tiền, bà Bích khai là để sử dụng vào mục đích kinh tế gia đình. VKS vặn: "Nếu nói vay vì mục đích kinh tế gia đình sao trước đó bà khai đến ngày 15-7-2014, cơ quan điều tra thông báo thì bà mới biết tiền đã bị chuyển đi?". Bà Bích tiếp, do kinh doanh nên bà cần để một khoản lưu động trong tài khoản. 

Tiếp câu hỏi của VKS, tòa hỏi bà Bích: "Vậy 3.100 tỷ đồng bà Bích vay ngày 21-8 được chuyển đi đâu, có phải để tất toán cho khoản nhóm bà vay ngày 21-6 như lời khai của bị cáo Quyết trước đó hay không?". Bà Bích không thừa nhận và cho rằng, trị giá các sổ tiết kiệm của bà lên tới gần 6.000 tỷ đồng, nếu cần tiền bà có thể vay tiếp chứ không cần tất toán rồi lại vay như nội dung vụ án đã thể hiện.

Về khoản vay 300 tỉ đồng của nhóm bà Bích nhưng không có hồ sơ vay, bà Bích vẫn khai không chỉ đạo ai vay nhưng Danh đã chỉ đạo nhân viên rút khoản tiền này ra. Khi được VKS hỏi về vấn đề này, bị cáo Mai Hữu Khương khẳng định trước tòa, việc vay là có thật. Bị cáo đã nhận được hồ sơ xin vay cùng 6 sổ tiết kiệm của 3 cá nhân của nhóm bà Bích để vay 300 tỉ đồng do nhân viên giao nhận giấy tờ của bà Bích là Vũ Anh Tuấn đưa. 

Sau lời khai của bị cáo Khương, VKS đưa thêm chứng cứ là bản fax từ Tân Hiệp Phát fax qua cho bị cáo Khương, bà Bích vẫn phủ nhận việc vay 300 tỷ đồng. 

Theo bà Bích, theo như bà biết những cá nhân đứng 6 sổ tiết kiệm này không hề xin vay tiền, còn bản fax là bản photo nên bà không biết bản fax này có phải từ Tập đoàn Tân Hiệp Phát chuyển qua hay không. Sau phần thẩm vấn, bà Bích đề nghị HĐXX xem xét để bà được tất toán khoản vay 5.190 tỉ đồng đã vay của VNCB và rút toàn bộ số tiết kiệm đang cầm cố tại đây.

Để làm rõ, VKS đã thẩm vấn tiếp 3 cá nhân đứng tên 6 sổ tiết kiệm trên là Ngô Bích Thùy Trang, Nguyễn Thị Mỹ Dung và Trần Hoài Phục. Tại toà, cả 3 người này đều khai là nhân viên của Công ty Tân Hiệp Phát, tiền họ gửi trong sổ tiết kiệm là tiền "vay mượn" của ông Trần Quý Thanh. Khi được hỏi "tiền vay mượn có trả lãi hay không?", sau một hồi ấp úng, những người này đều khai "không". "Vậy khoản tiền lãi số tiền gửi từ sổ tiết kiệm ai là người thụ hưởng?", VKS chất vấn. 

Theo những người này, tiền lãi sau đó đều được chuyển vào tài khoản của ông Trần Quý Thanh!? Tương tự như lời khai tại toà trước đó của bà Bích, các cá nhân này đều không thừa nhận cầm cố sổ tiết kiệm để vay 300 tỷ đồng tại VNCB. 

Trả lời câu hỏi của VKS, nếu không vay thì hiện giờ các sổ tiết kiệm của các ông, bà ai đang giữ? Những người này thừa nhận là ngân hàng đang giữ. Lý do vì sao tiền của mình mà các anh chị không giữ mà lại giao cho ngân hàng? "Vì trước đó định vay nên đưa sổ ngân hàng giữ nhưng sau đó tôi không vay nữa", những người này đưa ra lý do.

Đối với 2 nhân viên giao nhận giấy tờ Vũ Anh Tuấn, Nguyễn Tấn Lộc, trong những phiên tòa trước đây đều khai chỉ nhận một số phong thư rồi đem về cho bà Bích, không hay biết trong phong thư có gì. Tuy nhiên, tại phiên tòa, VKS đã công bố các tài liệu, chứng cứ thể hiện 2 người này có ký, nhận tiền lãi của một số khoản tiền, trong đó có tiền lãi của số tiền 300 tỉ đồng. Sau khi được VKS công bố những chứng cứ này, 2 cá nhân này chỉ khai không nhớ, chỉ biết đi nhận tiền về và giao cho bà Bích.

Ông Phạm Văn Trung (47 tuổi, ngụ quận Thủ Đức): Đây là vụ án lớn, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Qua theo dõi thông tin, tôi thấy tòa và VKS đã hỏi để làm rõ nhiều vấn đề liên quan. Tôi mong rằng tòa sẽ xét xử nghiêm minh và đảm bảo thu hồi được tài sản để dùng những khoản đó phục vụ cho các nhu cầu chính đáng của người dân.

Ngô Xuân Duy (20 tuổi, sinh viên báo chí Trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh): 

Qua theo dõi xuyên suốt phiên tòa từ khi xét xử đến nay, được nghe cáo trạng, lời khai của các bị cáo liên quan đến vụ án, em tin tưởng vào sự nghiêm minh của luật pháp, không có giới hạn, sự châm chước nào cho những người vi phạm pháp luật gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước. 

Tuy nhiên, liên quan đến vụ án này cũng có một số bị cáo là con "tốt thí" của Phạm Công Danh, họ là những người ít học, thiếu hiểu biết pháp luật, chỉ vì mức lương vài triệu đồng/tháng mà vô tình tiếp tay cho Danh và các đồng phạm rút tiền Nhà nước, mong tòa có mức án khoan hồng cho những người này.

A.Huy

Để thu hút cá nhân và doanh nghiệp, Hồ Quốc Thân (SN 1992, quê quán xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) giới thiệu rằng anh ta đã được tiếp quản nguồn tài sản, di sản rất lớn từ "Tổng bộ Hồ Chí Minh"; đồng QFS được bảo chứng bằng di sản của nhiều nguồn, các gia tộc lưu lại trong hàng trăm năm qua, được 48 nước công nhận và sẽ được kích hoạt vào tháng 10, 11/2024 tại Việt Nam… Tham gia vào "hệ sinh thái" doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ vốn để tái cơ cấu, phát triển không phải thế chấp, không phải trả lãi suất. Vì thế, cho đến khi cơ quan Công an vào cuộc, đã có khoảng 100 doanh nghiệp và gần 400 cá nhân đã mua đồng QFS, với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.

Sáng 25/12, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm (ANM và PCTP) sử dụng công nghệ cao (CNC) Công an tỉnh vừa chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an TP Tam Kỳ, Công an huyện Thăng Bình triệt xóa đường dây đánh bạc qua mạng xã hội dưới hình thức ghi lô đề quy mô hơn 50 tỷ đồng.

Đêm 24/12, các tổ công an 141 Công an TP Hà Nội triển khai nhiệm vụ trên địa bàn toàn thành phố đảm bảo ANTT, phòng chống đua xe đêm Noel qua đó đã phát hiện, xử lý rất nhiều trường hợp "quái xế" ngổ ngáo có hành vi nẹt pô, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Ngày 24/12, tại bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, Công an tỉnh Sơn La chủ trì, phối hợp với Công an huyện Mai Sơn và Đội Quản lý thị trường (khu vực Mai Sơn, Yên Châu) đã kiểm tra, phát hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo Châu Sơn La sản xuất, kinh doanh bánh mỳ tươi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文