Xét xử vụ nhận lãi ngoài tại liên doanh Việt-Nga Vietsopetro
- Viện truy tố tội lạm dụng, Toà xét xử tội tham ô
- Ngày 21-3, xét xử giai đoạn 2 vụ án “chi lãi ngoài” tại VSP và OceanBank
- Xét xử phúc thẩm vụ đánh bạc nghìn tỷ đồng ở Phú Thọ
Tại phiên toà này, cựu Tổng Giám đốc OceaBank Nguyễn Minh Thu cũng bị triệu tập đến phiên xử với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Cựu Chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm và cựu Tổng Giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn cũng được triệu tập với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng cả hai bị án này đều không đến và có đơn xin xét xử vắng mặt. Riêng bị án Hà Văn Thắm uỷ quyền cho luật sư tham dự phiên toà.
Hội đồng xét xử. |
Tại phiên xử, nhiều người làm chứng đã được triệu tập nhưng vắng mặt không có lý do. Đại diện Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố nêu quan điểm, các nhân chứng này đã có lời khai trong quá trình điều tra nên sự vắng mặt của họ tại phiên xử không ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án.
Chủ tọa phiên toà, Thẩm phán Vũ Quang Huy đồng ý quan điểm của đại diện Viện kiểm sát và cho biết, do phiên xử diễn ra trong hai ngày nên quá trình xét xử thấy cần thiết thì Hội đồng xét xử sẽ thực hiện biện pháp dẫn giải nhân chứng đến toà.
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, Liên doanh VSP, tiền thân là Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro là một tổ chức kinh tế được thành lập ngày 19-6-1981 và hoạt động theo Hiệp định liên Chính phủ giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây (nay là Cộng hòa Liên bang Nga). Tổ chức và hoạt động của VSP chịu điều chỉnh của điều ước quốc tế mà Chính phủ hai bên đã ký kết (các Hiệp định liên Chính phủ).
Hai bị cáo Từ Thành Nghĩa và Võ Quang Huy. |
Ngoài ra, hoạt động của VSP còn tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác. Theo Hiệp định gần nhất giữa Việt Nam và Liên bang Nga ký kết ngày 27-10-2010, thời hạn hoạt động của VSP đến năm 2030, vốn điều lệ của VSP là 1,5 tỷ USD, trong đó Chính phủ Việt Nam góp 51% (tương đương 765 triệu USD) và Chính phủ Liên bang Nga góp 49% (tương đương 735 triệu USD).
Từ cuối năm 2008, VSP bắt đầu sử dụng dịch vụ mở tài khoản thanh toán và một số hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn tại OceanBank. Năm 2009, thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về việc ưu tiên sử dụng dịch vụ tài chính của OceanBank là ngân hàng mà PVN góp 20% vốn điều lệ, VSP phát sinh nhiều hợp đồng gửi tiền có kỳ hạn, thường xuyên duy trì số dư lớn trên tài khoản thanh toán (tiền gửi không kỳ hạn) tại OceanBank Chi nhánh Vũng Tàu.
Từ cuối năm 2008 đến năm 2014, VSP ký 54 hợp đồng tiền gửi VND, tổng số tiền 13.200 tỷ đồng; ký 70 hợp đồng tiền gửi USD, tổng số tiền 1.260 triệu USD. Đối với tiền gửi không kỳ hạn, VSP mở 4 tài khoản thanh toán tại OceanBank với số dư hàng tháng duy trì từ 200 tỷ đồng đến 900 tỷ đồng và từ 10 triệu USD đến 400 triệu USD, sau đó được OceanBank trả lãi hơn 49,7 tỷ đồng và 595.283,41 USD.
Bị án Nguyễn Minh Thu đến toà với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. |
Theo chủ trương và chỉ đạo của Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank) về việc chi trả lãi ngoài tiền huy động vốn cho khách hàng gửi tiền trên toàn hệ thống OceanBank, trong thời gian từ năm 2013- 2014, bị án Nguyễn Minh Thu (cựu Tổng Giám đốc OceanBank) đã 5 lần nhận tiền từ tài khoản của các cá nhân tại Chi nhánh Vũng Tàu và Chi nhánh TP Hồ Chí Minh do Hội Sở OceanBank chuyển vào để chi tiền ngoài hợp đồng cho Từ Thành Nghĩa và Võ Quang Huy.
Với vai trò là lãnh đạo VSP, trong năm 2013- 2014, hai bị cáo Từ Thành Nghĩa và Võ Quang Huy đã quyết định việc gửi tiền của VSP vào OceanBank, sau đó được Nguyễn Minh Thu chi tiền ngoài hợp đồng (tiền chăm sóc khách hàng). Cáo trạng xác định, Võ Quang Huy đã nhận và chiếm đoạt 5,2 tỷ đồng và 130. 000 USD; Từ Thành Nghĩa đã nhận và chiếm đoạt 1,5 tỷ đồng và 30.000 USD.
Hai bị cáo Từ Thành Nghĩa và Võ Quang Huy bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân. Theo kế hoạch, phiên xử diễn diễn ra trong hai ngày.