Truy tố 9 bị can trong vụ 14 lần vỡ đường ống nước sông Đà

08:08 26/11/2015
Ngày 25-11, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã kết luận điều tra vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), đồng thời đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố 9 bị can về tội danh trên.

Trong số các bị can bị đề nghị truy tố có Hoàng Thế Trung, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà – Hà Nội thuộc Vinaconex; Nguyễn Văn Khải, nguyên Phó Giám đốc Ban quản lý; Trương Trần Hiển, nguyên Trưởng phòng vật tư, thiết bị thuộc Ban quản lý; Trần Cao Bằng, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Ống sợi thuỷ tinh Vinaconex; Vũ Thanh Hải, nguyên Phó Giám đốc, nguyên Trưởng phòng sản xuất, nguyên quản đốc phân xưởng Công ty cổ phần Ống sợi thuỷ tinh Vinaconex; và một số bị can là thành viên đoàn tư vấn giám sát thi công dự án.

Theo kết luận điều tra, Dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây – Hoà Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông do Vinaconex làm chủ đầu tư, được triển khai thực hiện từ năm 2003, đến năm 2009 thì hoàn thành việc đầu tư xây dựng giai đoạn 1 để đưa công trình vào khai thác sử dụng, nhằm cấp nước sạch sinh hoạt lấy từ nguồn nước mặt sông Đà cho một bộ phận lớn nhân dân Hà Nội và vùng lân cận.

Công trình dẫn nước Sông Đà – Hà Nội bị sử dụng ống composite chất lượng kém.

Dự án có tổng mức đầu tư lớn với giá trị được duyệt quyết toán là 1.450 tỉ đồng, được phân chia làm 8 hạng mục công trình chính, trong đó hạng mục công trình tuyến ống truyền tải nước sạch dự án có 4 nhà thầu tham gia, gồm: nhà thầu tư vấn thiết kế là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Vinaconex, nhà thầu sản xuất và cung cấp ống composite là Công ty cổ phần Ống sợi thuỷ tinh Vinaconex, nhà thầu thi công xây dựng lắp đặt tuyến ống là các công ty cổ phần xây dựng thành viên của Vinaconex, nhà thầu tư vấn giám sát thi công là Công ty cổ phần nước và môi trường Việt Nam.

Qua điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã xác định những người có vai trò, trách nhiệm thực hiện dự án ở giai đoạn tổ chức sản xuất và cung ứng nguyên vật liệu composite, giai đoạn mua sắm, tiếp nhận sản phẩm ống nước composite dùng cho dự án và giai đoạn tổ chức kiểm tra, kiểm soát chất lượng loại vật liệu này trước khi sử dụng lắp đặt, đã không tuân thủ các quy định của pháp luật quy định về chất lượng hàng hoá, quản lý đầu tư và xây dựng công trình, nên đã tổ chức sản xuất, tiếp nhận và đưa vào lắp đặt cho hạng mục công trình các sản phẩm ống và phụ kiện ống composite cốt sợi thuỷ tinh không đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất, yêu cầu thiết kế dự án. 

Đây chính là nguyên nhân gây ra việc tuyến ống truyền tải nước sạch sông Đà – Hà Nội không đảm bảo chất lượng, liên tục bị vỡ khi vận hành khai thác sau đầu tư, nguy cơ tiếp tục xảy ra việc vỡ tuyến ống vẫn còn tiếp diễn.

Cơ quan điều tra xác định từ khi công trình đưa vào sử dụng đến khi vụ án được khởi tố ngày 24-7-2014, đã có 9 lần vỡ ống nước và đến nay công trình này đã có tổng cộng 14 lần bị vỡ. Việc tuyến ống không đảm bảo chất lượng buộc doanh nghiệp khai thác dự án phải đầu tư thêm số tiền lớn hơn 1.000 tỉ đồng để khẩn cấp xây dựng thêm tuyến ống mới nhằm khắc phục, thay thế để cấp nước ổn định cho quần chúng nhân dân.

Qua điều tra xác định 14 lần vỡ ống đã có 18 cây ống cốt sợi thuỷ tinh bị phá huỷ, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp quản lý khai thác dự án sau đầu tư là Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex. Số tiền doanh nghiệp đã chi để khắc phục, sửa chữa thay thế các lần vỡ tuyến ống là hơn 13,4 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, việc tuyến ống liên tục bị vỡ buộc đơn vị khai thác dự án phải dừng cấp nước sinh hoạt cho 177.000 hộ tiêu thụ trong thời gian dài (343 giờ), với lượng nước ngừng cấp là hơn 1,5 triệu m3, làm ảnh hưởng nghiêm trọng, mất ổn định sinh hoạt của một bộ phận lớn nhân dân Hà Nội và các vùng lân cận.

Theo cơ quan điều tra, khi thực hiện sản xuất và cung cấp sản phẩm composite ống cốt sợi thuỷ tinh cho dự án, ông Trần Cao Bằng và những người có vai trò, nhiệm vụ ở công ty đã không thực hiện đúng thoả thuận đã cam kết với nhà đầu tư, không tuân thủ các quy định của pháp luật về chất lượng hàng hoá, quản lý đầu tư và xây dựng công trình, nên đã cho tổ chức sản xuất, thí nghiệm kiểm tra và cung cấp sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất và thiết kế dự án.

Mặc dù các sản phẩm sản xuất không được tổ chức thí nghiệm các chỉ tiêu để xác định độ bền tuổi thọ 50 năm nhưng ông Bằng đã ký 73 biên bản nghiệm thu giai đoạn cung cấp ống, xác nhận hơn 5.000 sản phẩm ống và phụ kiện đảm bảo chất lượng với đại diện chủ đầu tư. 

Trên thực tế, sản phẩm không đảm bảo chất lượng nên đã có 18 cây ống cốt sợi thuỷ tinh bị phá huỷ trong 14 lần vỡ ống. Các bị can còn lại đều có vai trò, trách nhiệm liên quan trong việc cung ứng, thi công, giám sát và nghiệm thu công trình.

Minh Khoa - Trần Xuân

* Báo CAND đoạt 2 giải A, 2 giải B Giải Búa Liềm Vàng trong CAND

Chiều 25/12, tại Hội nghị tổng kết công tác đảng năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 trong Đảng bộ Công an Trung ương, Bộ Công an đã trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa Liềm Vàng) trong CAND và Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong CAND năm 2024.

Ngày 25/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2). Sang ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Sáng mai (26/12), TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文