Điên đầu vì tiền ảo
Ra đời hơn chục năm, phát triển rầm rộ trong vòng mấy năm trở lại đây, tiền kỹ thuật số- tiền ảo vẫn đang là một “ẩn số” và không ai dám chắc về tương lai của đồng tiền này.
Tuy nhiên, lợi dụng sự biến động về giá của những đồng tiền này, các hình thức lừa đảo bằng tiền ảo đang ngày càng nở rộ, khiến bao người tán gia bại sản, cơ quan chức năng đau đầu đối phó.
Câu nhử lòng tham bằng siêu lợi nhuận
Với đặc tính luôn biến động, thị trường tiền ảo vẫn đang thu hút rất lớn các nhà đầu tư tiềm năng tham gia. Do đó, đây được xem là môi trường tốt để kẻ xấu lợi dụng trục lợi cá nhân. Tại Việt Nam, có một hình thức lừa đảo tiền ảo phổ biến là qua các sàn giao dịch ngoại hối- forex với hàng trăm nghìn nạn nhân đã sập bẫy.
Cách thức mà những sàn này sử dụng là lợi dụng sự biến động giá và tính pháp lý của tiền ảo được một số nước công nhận để “lập lờ đánh lận con đen” hòng móc túi nhà đầu tư. Mới đây, khi liên tiếp đánh sập 3 đường dây lừa đảo thông qua các sàn giao dịch forex, tiền ảo, Công an tỉnh Thanh Hóa đã vạch ra những chiêu trò mà các đối tượng lừa đảo sử dụng. Theo đó, các sàn giao dịch ngoại hối F5trader.com và Tradenew.io…, sử dụng công nghệ ghép nối siêu kỹ thuật số và thuật toán ma trận ghép nối thông minh của các cặp tiền ảo.
Các đối tượng quản lý sàn này quảng cáo có thể tạo ra 3% lợi nhuận chỉ trong 1 giây. Thậm chí, các đối tượng này còn cam kết trả lãi khủng 30%/tháng, tương đương 360%/năm, cứ đầu tư là chắc thắng. Ngoài hứa hẹn lãi khủng, các sàn giao dịch này còn đưa ra chế độ hoa hồng cao, nếu người tham gia mời chào được người tham gia mới, lên đến 5 - 10% theo mô hình kim tự tháp.
Vì vậy, các sàn nhanh chóng đã kêu gọi được hàng nghìn người trên địa bàn 11 tỉnh, thành trong cả nước tham gia. Riêng tại Thanh Hóa đã có hơn 1.000 người. Tuy nhiên sau khi bị bắt, các đối tượng cầm đầu đã khai nhận, đây chỉ là chiêu trò lừa đảo. Các đối tượng đã thuê lập trình ra các website, thực hiện các kỹ thuật đồ họa để điều khiển cho các chỉ số trên website thay đổi giống như sàn forex thật.
Để làm cho người tham gia tin tưởng vào các sàn tiền ảo, forex tự xưng gắn mác quốc tế này, các đối tượng đã thiết kế website giao diện bằng tiếng Anh và đăng lên các giấy chứng nhận cấp phép giả của nước ngoài. Số tiền ảo như Bitcoin, ETH, USDT trên các sàn này đều do các đối tượng tự tạo ra, chỉ có giá trị giao dịch nội bộ, không thể giao dịch ở các sàn khác.
Tương tự, rất nhiều công ty đầu tư forex gắn mác “ủy thác đầu tư” có sử dụng tiền ảo để giao dịch đã bị đánh sập sau khi huy động hàng ngàn tỷ đồng của nhà đầu tư rồi bỏ trốn, như Golden Rock, VGX, HGI, BBG, IMMS, Khải Thái…, song vẫn có nhiều công ty, cá nhân âm thầm hoạt động chui.
Báo CAND đã nhận được rất nhiều đơn thư bạn đọc tố cáo các sàn giao dịch tiền ảo kiểu này như ông T. ở Đắk Lắk tố cáo sàn Skynet 4fx lừa đảo, anh Trần Văn H. (Hà Nội) mất hơn 300 triệu đồng do đầu tư vào Wefinex; chị Nguyễn Thị T. (Long Biên, Hà Nội) mất 80 triệu cho BBI Mall; chị Nguyễn Thị H. (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) tố cáo sàn Emaeh.com (Amhe).
Cuộc chiến cam go
Số liệu thống kê từ Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, tại Việt Nam, người sử dụng tiền ảo ngày càng phát triển, được giao dịch công khai, ước có khoảng 1 triệu người sở hữu và tham gia với số tiền giao dịch hằng ngày lên tới vài trăm tỷ đồng.
Chỉ riêng trên sàn giao dịch tiền ảo Remitano, khối lượng giao dịch hằng ngày giữa tiền ảo và tiền VND vào khoảng từ 70 - 100 tỷ đồng, thời kỳ cao điểm có thể lên tới 300 - 400 tỷ đồng/ngày. Theo trang web “www.coin.dance”, khối lượng giao dịch theo tuần tại Việt Nam khoảng 1.615 tỷ đồng/tuần, thời kỳ cao điểm khoảng 4.600 tỷ đồng (vào tháng 1/2018).
Các sàn tiền ảo lớn đang được nhà đầu tư Việt Nam giao dịch, mua bán, đầu tư, lưu trữ là Binance, Okex, Houbi, Bittrex, Remitano, Santienao, Kenniex... Bên cạnh đó nhà đầu tư còn giao dịch thông qua các hội nhóm tự phát trên mạng xã hội, ứng dụng gọi điện, nhắn tin qua mạng (Telegram, Whatapp, Viber, Facebook…).
“Lợi dụng tính ẩn danh của các đồng tiền ảo, hầu như các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này thường không đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên không gian mạng chủ yếu là đầu tư tài chính hoặc ICO các đồng “tiền ảo”. Các đối tượng và nhà đầu tư trao đổi, liên hệ với nhau thông qua các nhóm kín trên mạng xã hội (Facebook, Telegram, Zalo...) và huy động thu lợi bằng tiền ảo thay vì tiền VND như trước đây.
Một số mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp sử dụng tiền ảo trên không gian mạng phổ biến hiện nay như: Đầu tư ngoại hối, ủy thác đầu tư tài chính; chào bán cổ phần, cổ phiếu doanh nghiệp; ICO các đồng tiền ảo; Mô hình giao dịch nhị phân. Tình hình vi phạm quy định kinh doanh theo phương thức đa cấp trên không gian mạng diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước với nhiều phương thức thủ đoạn mới”, đại diện Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết.
Thời gian qua, lực lượng Công an đã triển khai công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn đối với hoạt động phạm tội có liên quan tiền ảo, đã tiến hành xác minh, điều tra hàng chục chuyên án, khởi tố và bắt giữ nhiều đối tượng liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp sử dụng tiền ảo để thực hiện hành vi phạm tội, chiếm đoạt tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.
“Tuy nhiên thực tế hiện nay Việt Nam chưa có khung pháp lý chính thức về tiền ảo và nó không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh bị cấm, không phải là phương tiện thanh toán hay công cụ chuyển nhượng và chưa được ghi nhận trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào của hệ thống pháp luật dẫn đến nhiều hệ lụy xấu cho an ninh tiền tệ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, gây mất trật tự an toàn xã hội.
Việt Nam cũng chưa công nhận bất cứ loại hình tiền ảo, tiền mã hóa nào; nhà đầu tư sẽ chịu toàn bộ rủi ro khi tham gia đầu tư vào các hoạt động đầu tư tiền ảo, sản phẩm ảo không được pháp luật bảo hộ. Người dân cần nêu cao cảnh giác trước khi tham gia vào các hoạt động đầu tư, huy động vốn và trả thưởng theo mô hình mạng lưới đa cấp và các hoạt động giao dịch mua bán tiền ảo”, đại diện Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo.
Tương tự các cơ quan khác như Bộ Tài chính cũng nhiều lần cảnh báo về các sàn giao dịch tiền ảo, chứng khoán có tính chất lừa đảo của các đối tượng tội phạm công nghệ cao. Bộ Tài chính cho biết Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn thường xuyên phối hợp với các cơ quan Công an về các vụ việc liên quan đến các sàn giao dịch, tiền ảo, chứng khoán có tính chất tương tự đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo Bộ Tài chính, Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, đồng thời cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo. Vì vậy, Bộ Tài chính khuyến cáo người dân, nhà đầu tư cẩn trọng khi tham gia đầu tư vào tiền ảo, tài sản ảo để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương đã chỉ rõ tên gọi của một số loại “tiền ảo” hay ví điện tử nội bộ của các ứng dụng có nguy cơ lừa đảo, như Gem, CBP, Silling, ONE, VNDC. Trên thực tế, đây là những loại tiền ảo, ví điện tử Việt Nam không công nhận là trung gian thanh toán. Pháp luật không bảo vệ các giao dịch liên quan tới chúng. Ngoài ra, việc hưởng hoa hồng theo cấp, tầng, nhánh cũng rất đáng ngờ và những mô hình hoạt động của các website, ứng dụng thương mại điện tử có những biểu hiện như vậy hoặc tương tự như trên đều không rõ ràng, không minh bạch trong mô hình hoạt động, có nhiều dấu hiệu biến tướng, sử dụng mô hình kinh doanh đa cấp trái phép.