Khởi tố nguyên Giám đốc và Phó giám đốc Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận
Giao đất rừng cho đơn vị trồng cao su không đúng quy định, chỉ định cấp dưới đánh giá hiện trạng rừng sai báo cáo thực tế, gây thiệt hại hàng chục ha rừng, hai cựu lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp bị khởi tố về tội "Hủy hoại rừng".
Ngày 22/10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh đối với Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Tổng giám đốc và Nguyễn Hoàng Cẩn, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Bình Thuận. Đồng thời khám xét chỗ ở và nơi làm việc của 2 bị can trên.
Đây là hai trong số các bị can có liên quan đến vụ án “Hủy hoại rừng” xảy ra tại xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Bình Thuận quản lý, bảo vệ. Vụ án đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận khởi tố từ ngày 26/10/2017.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 27/2/2004, UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định chuyển 3.675 ha rừng phòng hộ xung yếu là rừng tự nhiên sang đối tượng rừng sản xuất là rừng tự nhiên, trong đó giao 3.570 ha cho Công ty lâm nghiệp Bình Thuận quản lý, sử dụng theo đúng quy chế rừng sản xuất là rừng tự nhiên. UBND tỉnh có Quyết định về việc phê duyệt đề án cải tạo rừng nghèo kiệt để trồng cao su và cây lâm nghiệp khác, trong đó có diện tích thuộc Tiểu khu 279 thôn 3 xã Hàm Cần.
Mặc dù biết rõ chủ trương của UBND tỉnh tạm dừng đề án cải tạo rừng nghèo kiệt, nhưng vào tháng 2/2013, ông Nguyễn Hoàng Cẩn khi đó là Phó tổng giám đốc chỉ đạo Phòng Kỹ thuật thuộc Công ty lâm nghiệp đi đánh giá hiện trạng khu rừng trên theo… “Kết quả kiểm kê rừng vào năm 1999” (cách thời điểm đánh giá hiện trạng rừng 14 năm), không trùng khớp với hiện trạng rừng mà Phòng Kỹ thuật đã báo cáo, đề xuất trước đó.
Ngày 1/4/2013, ông Nguyễn Hoàng Cẩn đề xuất giao cho Công ty TNHH Phước Sang 21,63 ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong 44 ha rừng khoanh nuôi trên (tại Tiểu khu 279 thuộc thôn 3, xã Hàm Cần) để san ủi trồng cao su và được ông Nguyễn Tiến Dũng, khi đó là Tổng giám đốc, đồng ý ký phụ lục hợp đồng kinh tế.
Kết quả trưng cầu giám định thiệt hại về tài nguyên rừng đối với diện tích đất rừng mà Công ty lâm nghiệp Bình Thuận bàn giao cho Công ty TNHH Phước Sang là hơn 60 ha, thiệt hại về trữ lượng gỗ là 2.604,6 m3.