Ngăn chặn tình trạng đánh bắt, mua bán chim tự nhiên

10:52 17/09/2021

Hàng năm cứ vào đầu tháng 9 dương lịch, khi các loài chim tự nhiên di cư vào đất liền để sinh sản và tránh trú thì có không ít bộ phận người dân lợi dụng thời cơ này để đánh bắt và thu lợi bất chính.

Hành vi này vừa vi phạm pháp luật vừa làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tự nhiên. Để ngăn chặn tình trạng bẫy chim trời mùa chim di cư, Công an nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đã ra đồng thu gom, tiêu hủy hàng trăm con cò giả làm “mồi” nhử để đánh bẫy.

Lực lượng Công an xử lý nạn bẫy chim trời.

Địa điểm mà người dân “chọn” làm nơi đặt bẫy chim trời thường là các cánh đồng lúa đã được thu hoạch, gần đó có thêm những bụi cây lớn, rậm rạp hoặc những vũng nước nông.

Tại đây, họ găm cả trăm con cò giả được làm bằng xốp rồi cắm các thanh tre đã được quệt chất keo dính (dân săn chim gọi là nhạ) ở khắp nơi, từ giữa ruộng, bờ bao cho tới các lùm cây. Một số nơi, người dân còn dùng các thiết bị công nghệ để phát ra tiếng kêu của các loại chim trời. Những người đánh bắt còn sử dụng một số con cò thật để làm mồi nhử.

Suốt nhiều năm, tình trạng săn bắt, buôn bán chim tự nhiên diễn ra rầm rộ ở các địa phương như Thịnh Lộc, thị trấn Lộc Hà (huyện Lộc Hà); Xuân Liên, Cương Gián, Cổ Đạm (Nghi Xuân); Sơn Bình, Sơn Trung, Sơn Long, Tân Mỹ Hà (huyện Hương Sơn); Hòa Lạc, Tân Dân, Tùng Châu (Đức Thọ); Kỳ Xuân, Kỳ Phú, Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh); Kỳ Phương, Kỳ Lợi, Kỳ Nam (TX Kỳ Anh)... Điều này dẫn tới số lượng chim trời ngày càng khan hiếm, ảnh hưởng đến cân bằng hệ sinh thái.

Để ngăn chặn triệt để tình trạng này, liên tục trong nhiều ngày qua, lực lượng chức năng cùng các địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh đã chủ động ra quân xử lý tình trạng săn bắt chim di cư. Công an các đơn vị địa phương tại Hà Tĩnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện chủ trương, chính sách và quy định của Nhà nước về bảo vệ động vật hoang dã, động vật rừng và các loài chim di trú.

Bên cạnh đó, lực lượng Công an Hà Tĩnh đã phối hợp với chính quyền địa phương bố trí lực lượng liên ngành đến tận các cánh đồng kiểm tra, thu gom các loại dụng cụ dánh bắt chim (cò); xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ngoài ra, rà soát những trường hợp cá nhân, hộ gia đình chuyên thực hiện vây lưới bắt chim tổ chức ký cam kết, nghiêm cấm không được săn bắt các loại chim di cư đến địa bàn.

Tiêu hủy chim mồi dùng để bẫy chim thật.

Điển hình gần đây nhất từ ngày 5 - 8/9 vừa qua, Công an huyện Cẩm Xuyên đã phối hợp cùng các lực lượng liên quan, kiểm tra, rà soát, tịch thu, tháo dỡ, tiêu hủy gần 800 chim xốp (chim giả bằng xốp), 5.000 que dính nhựa người dân dùng để săn bắt chim trời.

Lực lượng chức năng đã thả 80 cá thể cò còn sống về với môi trường tự nhiên, xử lý nhiều loại dụng cụ, phương tiện dùng để săn bắt chim trời trên các cánh đồng. Công an huyện Cẩm Xuyên cũng đang phối hợp các đoàn thể ở các địa phương, nhanh chóng truy tìm chủ nhân của những dụng cụ trên để xử lý hành vi vi phạm.

Theo Thiếu tá Trần Xuân Phong - Phó trưởng Công an huyện Cẩm Xuyên cho biết: thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền cho người dân về việc bảo vệ các loài chim hoang dã, góp phần cân bằng hệ sinh thái môi trường.

Đồng thời, tổ chức ký cam kết cho các hộ gia đình, khu dân cư về việc bảo vệ chim di cư. Với những người vi phạm, sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Không chỉ có Cẩm Xuyên mà hiện tất cả các địa phương trong toàn tỉnh đều đang tập trung vào cuộc để ngăn chặn tình trạng đánh bắt, mua bán, chế biến, tiêu thụ chim di cư. Nhờ vậy, toàn tỉnh nói chúng và các vùng trọng điểm nói riêng (Thạch Hà, Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh, Đức Thọ, Vũ Quang) tình trạng đơm, bẫy chim trời đã giảm. Hiện không còn cảnh chim mồi cắm trắng đồng, các lùm cây chi chít chim mồi.

Trong khoảng 15 ngày qua, lực lượng Công an phối hợp với các lực lượng chức năng đã tổ chức 46 cuộc kiểm tra, phát hiện, thu giữ gần 5.800 con chim mồi giả, hơn 15.600 que nhạ, 11.250m lưới, 39kg nhạ, 13 bộ loa phát tín hiệu tiếng chim giả, 40m dây điện, 172 cột tre và thả vào tự nhiên 158 con chim mồi.

Với đà săn bắt tận diệt như hiện nay, nguy cơ tuyệt chủng của không ít loài chim không còn là chuyện xa vời. Nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá sẽ biến mất vĩnh viễn, nguy cơ mất cân bằng sinh thái sẽ tạo ra những hậu quả khôn lường đối với chính người nông dân như nạn sâu bọ, cào cào, châu chấu…

Công an tỉnh Hà Tĩnh khuyến cáo người dân không tự ý đánh bắt, mua bán chim tự nhiên, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt chim trời hoang dã.

Thanh Ngà

Lễ hội vật cầu nước (hay vật cầu bùn) được tổ chức 4 năm 1 lần tại làng Vân (Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) từ ngày 12-15/4 Âm lịch. Bộ Văn hoá Thể thao &Du lịch đã trao bằng công nhận lễ hội này là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2022.

Vụ cháy xảy ra tại nhà cho thuê trọ cao 9 tầng, địa chỉ số 269 phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Khu vực xảy ra cháy ở trong trục kỹ thuật điện thông tầng từ tầng 5 đến tầng 9 của công trình, nên đã phát sinh nhiều khói, khí độc hại.

Vào dịp nghỉ cuối tuần, dòng người đổ về TP Hải Phòng đông nườm nượp, du khách hào hứng vừa trải nghiệm “foodtour Hải Phòng”, vừa chụp ảnh “check in”, đặc biệt dưới sắc màu rực cháy của hoa phượng đỏ tháng 5.

Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, thời gian qua, một số chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở sử dụng tên dự án, tên các khu vực trong dự án không đúng tên đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định để thực hiện quảng cáo, rao bán bất động sản không đảm bảo quy định pháp luật.

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự kiến sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo luật có nhiều thay đổi, trong đó có nội dung về hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Trong chuyến công tác thu thập tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng truyền thống của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, tôi có dịp về thăm đồng chí Ngô Văn Núi – nguyên chiến sĩ Trung đoàn 600 – Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, một trong số những cán bộ chiến sĩ vinh dự được bảo vệ Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc giai đoạn kháng chiến chống Pháp cho đến khi Người qua đời. Ở tuổi 94, mặc dù sức khỏe không được tốt, đi lại khó khăn, nhưng người lính cận vệ năm xưa vẫn minh mẫn lạ thường khi kể về những kỷ niệm của ông với Bác Hồ trong suốt 15 năm được may mắn, vinh dự bảo vệ Người.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Trịnh Xuân An cho biết, thực chất, khoản 8, Điều 8 Luật hiện hành (Luật Giao thông đường bộ năm 2008) đã cấm tuyệt đối: "cấm điều khiển ô tô, xe máy chuyên dùng mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Việc này vừa có cơ sở pháp lý, vừa có cơ sở lý luận, khoa học.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文