APEC Việt Nam 2017: Cơ hội thúc đẩy hợp tác
- Hội nghị quan chức cấp cao “mở màn” Tuần lễ cấp cao APEC 2017
- Hôm nay (6-11), khai mạc Tuần lễ Cấp cao APEC 2017
- Đà Nẵng lung linh chào đón APEC 2017
“Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”
Đó chính là chủ đề lớn của Năm APEC 2017. Với nghị sự ưu tiên bao trùm này, Chủ tịch APEC 2017 đề ra 4 ưu tiên bao gồm: 1- Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; 2- Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; 3- Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số; 4- Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong các ưu tiên này sẽ chú trọng đặc biệt đến các quá trình hội nhập kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương; công việc APEC về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển; những sáng kiến và dự án của diễn đàn trong lĩnh vực nông nghiệp và an ninh lương thực.
Để lên được ưu tiên nghị sự này, Việt Nam đã tham khảo ý kiến của 21 nền kinh tế thành viên APEC, tổ chức hàng trăm cuộc họp, hội thảo ở trong nước cũng như nhiều thành viên, khu vực quan trọng trên thế giới. Chủ đề bao trùm và ưu tiên nghị sự Cấp cao APEC 2017 được Việt Nam đúc rút, đề xuất phù hợp với ưu tiên và quan tâm của tất cả các thành viên APEC.
Bởi thành viên nào cũng nhận thấy, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại trên thế giới và khu vực có dấu hiệu chững lại, APEC cần có “động lực mới” nhằm thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập kinh tế, cũng như tái khẳng định vai trò của APEC trong việc định hình “một tương lai chung” vì hòa bình, ổn định, hội nhập và thịnh vượng.
Hy vọng một thỏa thuận thương mại Việt - Mỹ
Với APEC năm nay, ông Sitkoff tin rằng Việt Nam có thể tận dụng những chuyến thăm sắp tới của các nhà lãnh đạo nhiều nước để thúc đẩy chương trình nghị sự của mình. Chẳng hạn, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đến Hà Nội sau khi dự Tuần lễ cấp cao APEC ở Đà Nẵng. Chuyến thăm này mang lại cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam thắt chặt quan hệ với nền kinh tế số 1 thế giới.
“Tôi rất mong đợi chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump tới Việt Nam. Chuyến thăm sắp tới tạo điều kiện cho Tổng thống và phái đoàn Mỹ cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy các lợi ích của Mỹ ở châu Á. Chuyến thăm còn đem lại cho cả Mỹ và Việt Nam cơ hội lớn để tiếp tục hợp tác toàn diện. Người dân Việt Nam và Mỹ thật vui mừng vì hai nước chúng ta đã có thể vượt qua những bi kịch của quá khứ để xây dựng mối quan hệ hữu nghị mạnh mẽ và sâu rộng như ngày hôm nay”, ông Sitkoff nói.
Hiện Việt - Mỹ đang hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, quân sự, nhân quyền, giáo dục, biến đổi khí hậu, y tế, an ninh năng lượng… Năm ngoái, thương mại Việt-Mỹ đã vượt qua con số 52 tỷ USD, tăng 16% mỗi năm. Và ông Sitkoff hy vọng trong chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump, hai nước có thể bắt đầu bàn thảo về một hiệp định thương mại tự do trong tương lai, có lợi và công bằng với cả hai nước.
Theo ông Sitkoff, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam rất hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư Mỹ. Nhiều công ty Mỹ hoạt động trên khắp các lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam, các công ty Mỹ đã đầu tư hàng tỷ đôla ở Việt Nam. AMCHAM sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác trong Chính phủ Việt Nam để giảm bớt những gánh nặng hành chính, tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn, minh bạch và ổn định hơn.
Việt Nam được đánh giá cao
Trước thềm Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ ủng hộ các nghiên cứu khoa học “Sáng kiến Á - Âu” Georgi Chofimchuk đã có bài viết đăng trên trang Trung tâm ASEAN (của Học viện Ngoại giao Nga) về vai trò của Việt Nam trong nền kinh tế thế giới.
Theo tác giả, ngoài APEC, Việt Nam hiện còn tham gia hơn 70 tổ chức uy tín trên thế giới và khu vực, tiêu biểu như Liên Hiệp Quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)... Không một tổ chức nào Việt Nam tham gia một cách lấy lệ, mà luôn thể hiện vai trò tích cực và có nhiều hoạt động thực tiễn.
Vai trò và uy tín của Việt Nam còn được xác định qua phẩm chất chính trị, ở đây là yếu tố con người với những đức tính dân tộc độc đáo xứng đáng là tấm gương cho nhiều dân tộc noi theo.
Cũng theo ông Chofimchuk, Việt Nam là một biểu tượng mạnh. Lập luận cho nhận định này, ông đã nhắc lại sự kiện năm 1965 tại Đà Nẵng, nơi khởi đầu cho sự can thiệp từ bên ngoài vào chiến tranh Việt Nam - và cũng chính thành phố này năm 2017 đang trở thành nơi tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC 2017.
Đánh giá của Nga về vai trò và đóng góp của Việt Nam trên cương vị chủ nhà APEC 2017 cũng là nhìn nhận chung của nhiều thành viên khác của Diễn đàn. Ông Tsutomu Koizumi, Trưởng đoàn Nhật Bản tại Hội nghị Quan chức Cấp cao APEC lần I (SOM 1), cho rằng Việt Nam được đánh giá cao trong nỗ lực thực hiện trọng trách của nền kinh tế đóng vai trò chủ trì hội nghị quốc tế này và Việt Nam đảm nhận vai trò tiên phong trên nhiều lĩnh vực cơ bản của các vấn đề chính mà APEC đang đối mặt ngày nay.
Sức hút cũng như mối quan tâm lớn tới nghị sự ưu tiên của Hội nghị Cấp cao APEC vào đầu tháng 11 tại Việt Nam còn có thể thấy qua sự hiện diện của các nhà lãnh đạo như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin…
Vài nét về APEC
Mục tiêu của APEC là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các nền kinh tế thành viên APEC cùng hướng tới mục tiêu chung xây dựng một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương năng động, hài hòa và tự cường, thông qua việc đi đầu tự do hóa và mở cửa thương mại và đầu tư, đẩy nhanh liên kết kinh tế khu vực, khuyến khích hợp tác kinh tế và kỹ thuật và thúc đẩy hình thành môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững. Các sáng kiến APEC nhằm đưa các mục tiêu chính sách và các thỏa thuận thành những kết quả và lợi ích cụ thể.
Ý tưởng về APEC lần đầu tiên đề cập công khai trong diễn văn của Thủ tướng Australia Bob Hawke tại Seoul, Hàn Quốc vào ngày 31-1-1989. Mười tháng sau đó, 12 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đã nhóm họp tại Canberra, Australia để hình thành APEC. Các thành viên sáng lập gồm: Australia, Brunei, Canada, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Hoa Kỳ.
APEC ra đời với 12 nền kinh tế thành viên. Qua 4 lần mở rộng vào các năm 1991,1993, 1994 và 1998, APEC hiện gồm 21 nền kinh tế thành viên, đại diện 39% dân số thế giới, 57% GDP và 47% thương mại toàn cầu (2014).