Âm vang tiếng trống đại ngàn

09:38 17/12/2018
Những chiếc trống cổ đã ngả màu thời gian, xạm xịt với mưa nắng nhưng còn nguyên giá trị lịch sử văn hóa lẫn giá trị sử dụng. Ông Lê Tuấn (ngụ phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) vẫn ngày đêm mê mẩn với âm thanh của đại ngàn, thứ mà nửa cuộc đời ông lưu giữ, bảo vệ… 


1.Ông Lê Tuấn bén duyên với cổ vật Tây Nguyên từ năm 1977. Ngày đó, ông là nhà thiết kế xây dựng công nông trường nên được đi nhiều nơi; đến các buôn làng nào ông cũng được bà con yêu quý.

Khi đã được họ xem như “người nhà” rồi thì họ sẵn sàng “rút ruột” của mình ra, cho tất cả những thứ quý nhất. Định mệnh gắn cuộc đời ông với cổ vật lại xuất phát từ tình yêu với người vợ. Sau giải phóng, bà Ngô Thị Kim Cúc là một trong hai nhân viên đầu tiên của Bảo tàng Đắk Lắk (sau này là Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông).

Ông Tuấn ấp ủ sẽ mở một quán cà phê trưng bày cổ vật Tây Nguyên.

Si mê “cô nhân viên bảo tàng” khiến ông Tuấn mày mò tìm hiểu về cổ vật. Lợi thế là người có uy tín với đồng bào, ông nói với người yêu: “Trước khi cưới em, tôi phải có bộ sưu tập cổ vật Tây Nguyên để tặng em”. Vậy là ông bắt đầu góp nhặt, tích lũy cồng chiêng, dụng cụ săn bắt voi, trống...

Ông Tuấn thừa nhận, ông làm điều đó vì người yêu. Bộ sưu tập 130 trống của tất cả các dân tộc Tây Nguyên, mỗi chiếc trống là một chủng loại khác nhau về cấu tạo, mẫu mã và có âm thanh riêng biệt.

Tổ chức UNESCO nhận định, trống cổ ở các dân tộc thiểu số bây giờ đã không còn, mà chỉ toàn là trống mới đã được “thổi hồn” của dáng dấp hiện đại. Riêng bộ trống của ông Tuấn đã được UNESCO công nhận, nếu ông bán một cái là phải làm báo cáo lý do vì sao bán.

Ông Tuấn sở hữu chiếc trống đầu tiên vào năm 1979 tại Buôn Trấp (huyện Krông Ana). Ông còn nhớ rõ, buổi chiều hôm ấy, ông đứng trên bờ đập Buôn Trấp nghe có tiếng ầm ầm giống như súng đại bác bắn ở phía núi Nam Ca.

Ông Tuấn giật mình nghĩ, tại sao Việt Nam lúc này lại có chuyện đấu súng như vậy. Ông đứng tĩnh chân một hồi, tập trung hết thính giác nghe thật kỹ thì chợt nhận ra, đó không phải tiếng súng mà là tiếng trống lễ hội.

Bị âm thanh oai linh của tiếng trống mê hoặc, ông Tuấn rủ thêm một người bạn xách súng lần theo tiếng trống. Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, vùng đất Tây Nguyên vô cùng phức tạp, bọn phản động Fulro len lỏi hoạt động và sẵn sàng ra tay với những cán bộ nhà nước như ông Tuấn. Vì vậy, lúc nào trong người ông Tuấn cũng có sẵn khẩu súng phòng thân.

Ông và người bạn bò trườn qua những sườn núi đầy cỏ dại và lau sậy. Càng gần, tiếng trống càng ầm vang như vỡ núi khiến ông Tuấn rất phấn khích. Bò lên được đỉnh núi của Buôn Trấp, ông Tuấn phóng tầm mắt xuống bãi đất trống ven cánh rừng Nam Ca, thấy những bóng người khom lưng nhảy múa rất đều và đẹp. Ở chính giữa là cột lửa cháy ngùn ngụt, ánh sáng xanh đỏ bập bùng...

Xen giữa tiếng trống là tiếng cồng đều đều, thanh thoát rất êm tai. Và ở dưới núi là dòng sông Krông Ana trải bóng thướt tha như dải yếm của bà mẹ khổng lồ đang ôm ấp, đệm tình cho cuộc vui.

Ông Tuấn như bị hớp hồn, cứ ngẩn ngơ, đắm say. Lúc đó, ông mới thảng thốt: “Đây chính là không gian cồng chiêng của đại ngàn. Có tiếng gió, tiếng suối, có sự linh thiêng của “thần linh”, có sự hung dữ của cọp beo chế ngự con người, làm con người ấm lại, nhỏ bé và thân thuộc với rừng xanh”.

Bộ nồi đồng cổ được xếp giống hình tháp.

Người bạn đi cùng với ông Tuấn mệt mỏi, đuối sức do leo núi nên bỏ về. Một mình ông Tuấn ở lại đã thưởng thức trọn vẹn “bữa tiệc” của núi rừng. Ông bò sát tới đỉnh núi, tận mắt ngắm nhìn những chàng trai, cô gái người dân tộc Mnông đang kết thành một vòng cung đắm say với các vũ điệu huyền diệu của lễ hội.

Người ông run lên khi lần đầu tiên chứng kiến điệu nhảy rực lửa, tràn đầy chất hoang dại của thiếu nữ Mnông. Từng đường cong trên cơ thể cứ chập chùng theo tiếng chiêng và đôi chân nhún nhảy lúc sáng lúc tối đẹp tựa những nàng tiên. Ông lại ngây ngất với sự mạnh mẽ như vỡ núi, chẻ sông của người đàn ông ôm cồng đấm những quả tạ tay vừa hùng dũng lại vừa mềm mại.

Ông Tuấn đắm mình hưởng thụ lễ hội trong tâm thế không được mời, không được hiện diện. Ông nằm trên một bãi cỏ, rình rập, thập thò, vừa sợ vừa run và thích thú. Ông cảm nhận đây là “bữa tiệc âm nhạc” đặc biệt nhất trong cuộc đời của mình.

Từ lần đó, ông Tuấn mê cái nồi đồng nấu xôi trong lễ hội, mê cái xà gạc đi làm rẫy, mê cuộn dây thừng săn voi... Ông mê tất cả dụng cụ trong đời sống của đồng bào Tây Nguyên sau buổi đại nhạc hội trên núi Nam Ca.

Bộ sưu tập trống cổ của ông Tuấn.

Ông về hỏi người yêu, nhờ bà dạy thêm về ý nghĩa các loại đồ dùng trong cuộc sống của đồng bào. Sau đó, ông đi đến buôn làng tìm hiểu. Ông muốn thẩm thấu, muốn mày mò và muốn “cuộn mình” trong lòng đồng bào Tây Nguyên.

Càng đi, càng hiểu, ông nhận ra, không gian cồng chiêng là của đại ngàn chứ không phải đặt ở trung tâm thành phố, lúc nào cũng có tiếng xe chạy, tiếng người nói và những bon chen thị thành, như thế thì quả là lạc lõng và chệch choạc. Đây chính là một phần của nguyên nhân khiến các giá trị di sản của người dân tộc thiểu số đang bị mất dần, không gian văn hóa đã bị phá vỡ. 

2.Thời điểm ông Tuấn sưu tập trống, tất cả đều phải mua. Hễ có tiền là ông lại đi vào buôn làng, ông mua đến “cháy túi”, cạn kiệt gia tài. Nhưng không phải ai có tiền cũng mua được những thứ quý giá của đồng bào, đặc biệt trống lại là vật sở hữu chung.

Trước tiên, ông Tuấn nhờ người giới thiệu, rồi lân la “trà dư tửu hậu” với dân làng. Được cái ông chân thành, uống rượu bằng cả tấm lòng nên bà con quý. Tuy nhiên, trống cổ thì phải đổi bằng trâu. Mỗi cái trống trị giá 2 con trâu.

Trước đó, ông Tuấn quan niệm về trống rất mơ hồ. Sau này ông tìm hiểu thì nắm rõ quy luật chế tác trống của đồng bào. Mỗi chiếc trống là một thân cây khổng lồ có đường kính đến một mét, tuổi đời hàng trăm năm.

Đầu tiên, một nhóm đàn ông đại diện cho dân làng cầm rìu đi vào rừng. Họ tìm một thân cây cổ thụ có thân tròn trịa, phù hợp để làm trống rồi đứng từ xa phi rìu. Nếu lưỡi rìu cắm phập vào thân cây mà một ngày sau không rớt xuống tức là Giàng (Trời) đã cho phép đốn cây.

Ngược lại, lưỡi rìu rơi xuống đất tức là Giàng không cho, tuyệt đối không được chặt. Đồng bào Tây Nguyên tôn thờ thần rừng bằng một niềm tin tuyệt đối. Họ nhắc nhở nhau bảo vệ rừng theo cái cách sơ khai như thế.

Chiếc trống cổ được làm từ một thân cây cổ thụ nguyên vẹn.

Sau khi được “lệnh đốn cây”, dân làng sẽ chuẩn bị hai con trâu, một cái, một đực phục vụ cho việc làm trống. Buôn nào giàu, có thể làm hai ba cái trống, tương ứng với 5 - 6 con trâu. Thịt trâu sẽ dành cho đội làm trống ăn. Khi nào trống làm xong lại tiếp tục mổ trâu làm lễ hội cho trống. Họ ý thức sâu sắc khi mỗi chiếc trống được làm ra, để nhắn nhủ nhau về ý nghĩa cuộc sống cộng đồng, sự đoàn kết một lòng.  

Ông Tuấn cho biết, trống là linh vật của Giàng ban cho, là một quần thể lớn hội tụ giá trị văn hóa, lễ nghi của buôn làng có tác dụng kết nối, truyền tin trong cộng đồng. Đồng bào Tây Nguyên gọi trống là HGơ, tượng trưng cho quyền uy tối cao của người phụ nữ.

Mỗi tiếng trống được đánh lên đều mang những giá trị lớn lao và có sự khác biệt thông tin. Thời kỳ chinh chiến giữa các bộ tộc, có trống xuất quân, trống điều binh khiển tướng... Sau này là tiếng trống hội họp, lễ hội, cảnh báo có người lạ... Người dân trong buôn làng nghe tiếng trống là biết dấu hiệu của sự việc, mọi người sẽ tập hợp rất nhanh tại nhà cộng đồng. Người đánh trống phải là già làng, trưởng bản hoặc người có uy tín với dân làng.

Theo nhận xét của ông Tuấn, người dân tộc thiểu số làm khoa học theo cách cha truyền con nối và không hề được ghi chép bằng sách vở. Ngay việc thẩm định cây để làm trống, họ biết rõ đó là cây đã già, vỏ rất mỏng, lõi dày được ông bà ngày xưa bảo vệ từ những cây non và chắc chắn là Giàng cho phép khai thác.

Về kỹ thuật làm trống, họ hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm dân gian. Vì là lõi cứng, dày nên không thể đục được mà phải để cho khô rồi đốt. Đốt từ ngoài vào trong và phải căn để không bị “phạm”. Khi đã moi hết ruột, bắt đầu đến công đoạn đẽo bằng một chiếc bào cong như mỏ gà trống.

Nếu cái nào bị nứt sẽ phải bỏ. Mỗi chiếc trống phải ứng với hai con trâu, một đực và một cái. Da trâu được lột ra, căng vuông vức rồi phơi khô để ép vào mặt trống. Trống đánh vang, âm thanh oai hùng phải hội đủ linh khí trời đất, có âm và dương hài hòa. Mặt trên là da trâu cái, mặt dưới phải là da trâu đực.

Trống là hiện vật quý giá của các buôn làng, vì sao ông Tuấn lại có nhiều trống cổ đến vậy? Ông cười, nói rằng: “Muốn bán một cái trống phải được sự đồng thuận của cả làng. Một khi cả làng đã yêu quý mình rồi thì đó là cái giá để có được báu vật. Trống về với tôi, được tôi nâng niu, trân trọng, gìn giữ, bảo vệ. Đó là một địa chỉ gửi gắm khiến đồng bào tin tưởng và an tâm”.

Ngọc Hoa

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

LTS: Từ 2019 đến nay, hàng vạn tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư… cùng nhiều văn bản, chứng từ khác của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được ký bằng chữ ký “khô” (chữ ký khắc dấu) hay còn gọi là dấu chữ ký khiến cho nhiều người không khỏi hoài nghi về giá trị pháp lý của nó. Ngoài việc sử dụng chữ ký “khô” để cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, HUBT còn sử dụng trong công tác văn thư, tài chính kế toán… để duy trì mọi hoạt động của trường. Trước sự việc này, phóng viên Báo CAND đã có loạt bài phản ánh các vấn đề đã và đang diễn ra tại HUBT.

Con số 70 nổi bật được đổ màu theo đa hướng, cách điệu với ngôn ngữ đảo chiều, hàng chữ “Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” mang màu xanh hoà bình. Đó là những nét khắc họa nổi bật của logo Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang được sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền trong những ngày tháng 5 lịch sử này.

Sáng 7/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Pơloong Bưu (SN 1995, trú xã Axan, huyện Tây Giang) về hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.

Mặc dù cuối tháng 6 kỳ thi tốt nghiệp THPT mới diễn ra nhưng ngay từ đầu năm 2024, nhiều trường đại học (ĐH) đã thông báo nhận hồ sơ xét tuyển sớm. Với ưu thế tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh trúng tuyển đại học mà không cần lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển sớm đang trở thành phương thức được nhiều thí sinh lựa chọn.

Những ngày tháng 5 lịch sử, khi cả nước có nhiều hoạt động hướng về Điện Biên Phủ, bộ phim tài liệu nghệ thuật "CAND trong khúc tráng ca Điện Biên Phủ" lần đầu tiên kết hợp giữa những thước phim tài liệu, đan xen thực cảnh - cách làm phim mới trong truyền thông hiện đại, với những cảnh quay ở Điện Biên Phủ, một số tỉnh, thành của Việt Nam và Pháp, đã ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng.

Ngày 7/5, lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ chính thức diễn ra, bắt đầu chặng đường mới với không ít thách thức nhưng cũng nhiều hy vọng, nhất là khi tỉ lệ ủng hộ của người dân Nga đối với ông theo thời gian vẫn liên tục ở mức cao.

Theo dự báo, hôm nay thời tiết tại hầu khắp các tỉnh, thành phố ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10-30 mm, có nơi trên 50 mm. TP Điện Biên Phủ khả năng có mưa, nhiệt độ dao động từ 20-32 độ C.

Ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, thực hiện Lệnh bắt tạm giam ông Trần Minh Lợi, Phó giám đốc - Phụ trách Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai (60-01S) để phục vụ công tác mở rộng điều tra vụ án đưa và nhận hối lộ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文