Khai thác đá ở Thái Nguyên:

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân

08:15 13/10/2017
Cuộc sống đang bình yên bỗng dưng hàng loạt doanh nghiệp đổ về đây khai thác đá. Nhà cửa, ruộng vườn tan hoang trở thành công trường khai thác đá. Tiếng mìn nổ, tiếng máy nghiền đá, khói bụi khiến cuộc sống của người dân xã Tân Long (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) sống trong lo lắng, sợ hãi.


Mặc dù bà con đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết. Tình trạng gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm âm thanh vẫn diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn tại đây.

"Ô nhiễm môi trường là việc rõ như ban ngày"

Đến xã Tân Long chẳng khác nào đi vào một đại công trường, tiếng máy nghiền đá, tiếng mìn nổ vang động cả một vùng trời. Cộng vào đó là những ngọn núi lừng lững nham nhở vì các mỏ đá khai thác, trục đường chính ngày đêm oằn mình bởi những chiếc xe trọng tải lớn. Tất cả những thứ đó khiến đời sống của nhân dân trong xã đảo lộn, nhiều năm nay không có một ngày sống trong bình yên. Không đảo lộn sao được khi mà nơi vốn thanh bình có đến 5-6 mỏ đá được người ta ngày đêm khai thác. Đặc biệt tại xóm Làng Mới có cả chục chiếc máy nghiền đá hoạt động hết công suất. 

Theo những người dân tại đây, chủ của các mỏ đá này đến hoạt động khi nào, ai cho phép nhân dân không hề hay biết. Cụ Lăng Văn Hải (78 tuổi) dân tộc Nùng, trú tại xóm Làng Mới ngán ngẩm nhìn về phía những ngọn núi nham nhở nói: "Chúng tôi không hề được hỏi ý kiến gì, chỉ thấy họ kéo nhau đến, đưa máy móc về rồi nổ mìn khai thác. Có đến hàng chục hộ dân sống ngay bên mỏ đá Tập Trung này đến khổ, liên tục bị giật mình thon thọt vì họ giật mìn phá đá. Rồi cả ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn do máy nghiền, do ôtô chạy vào. 

Đáng lý ra họ muốn về đây khai thác đá phải hỏi ý kiến của người dân xung quanh, có biện pháp di dời để đảm bảo an toàn. Vợ chồng tôi đã gần 80 tuổi rồi giờ chuyển đi đâu được, đất thì không có, tiền thì không. Hai vợ chồng già có lẽ sống thế này đến hết đời mất".

Con đường vào xã Tân Long bỗng chốc trở thành "con đường đau khổ".

Theo phản ánh của người dân, rất nhiều lần họ đã đến phản ánh với đại diện Công ty TNHH Tập Trung nhưng đều được phía này trả lời, đã được cấp phép khai thác. 

Ông Hoàng Văn Quy (50 tuổi), người sống sát mỏ khai thác đá chia sẻ: "Chúng tôi thực sự chẳng có cách nào khác, căng thẳng quá lên phía công ty phản ánh nhưng họ bảo được cấp phép. Tôi nghĩ làm gì thì làm, có phép hay không nếu ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân thì cần phải xem xét lại. Chúng tôi sống ở đây bao nhiêu đời nay rồi, tự dưng các ông ấy mang máy móc đến đào bới rồi nói được cấp phép. Người ta chỉ biết lợi ích của công ty, của doanh nghiệp thế còn cuộc sống của bao nhiêu con người ở đây thì sao? Tại đây, có nhà chỉ cách mỏ đá chưa đầy 100 mét. Người dân  nhiều lần có đơn đề nghị lên UBND tỉnh Thái Nguyên rà soát lại toàn bộ các mỏ đá, có biện pháp khắc phục cụ thể nếu mỏ đá nào không đảm bảo yêu cầu thì nên cho đóng cửa, không hoạt động nữa".

Không chỉ tiếng ồn, ô nhiễm môi trường mà những mối hiểm họa tức thì luôn rình rập người dân. Đã là dân quanh mỏ đá việc đầu tiên phải nắm được lịch nổ mìn rõ hơn cả lịch đi học hay đi làm. Nếu không nắm rõ lịch, lao ra ngoài đúng giờ đó thì coi như dính bom, hậu quả không thể biết trước được. 

Nói về điều này ông Hoàng Văn Vinh vẫn còn hoảng sợ: "Cách đây không lâu, tôi đang làm vườn thì hàng chục tảng đá lăn xuống, may thế nào tôi lại chạy được nếu không chắc cũng chết rồi. Thế nhưng vườn na sau hàng chục năm vun trồng chuẩn bị đến ngày thu hoạch thì bị đá lăn đè gãy hết cả. Tôi đã gọi đại diện công ty đến, họ kiểm tra rồi hứa đền bù nhưng đến nay cũng chẳng thấy gì cả. Ô nhiễm môi trường thì không thể kể hết, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân nhưng đến nay chẳng thấy cơ quan chức năng có ý kiến gì".

Theo phản ánh của người dân, nếu vào những ngày mưa đường vào xã lầy lội, bẩn thỉu, còn ngày nắng nóng cả làng bao trùm bởi một màu xám xịt của khói bụi. Quán xá quanh khu vực mỏ cũng dần dần biến mất, vì chẳng ai còn dám mở cửa hàng để bán. Mới 9-10 giờ trưa nhưng toàn bộ thôn Làng Mới đều đóng cửa im ỉm, nhiều gia đình phải làm 2 lớp cửa để chống bụi bẩn. 

Anh Lăng Văn Bảy (con trai cụ Hải) bức xúc nói: "Bố mẹ tôi già yếu, con cái thì nhỏ ngày nào cũng phải hít không khí đầy bụi và khói. Tiếng ồn phát ra từ các mỏ đá còn kinh khủng hơn nữa, không biết chúng tôi còn chịu đựng được đến bao lâu nữa. Họ làm không có thời gian, có hôm 9-10 giờ đêm vẫn chưa nghỉ. Nhiều gia đình ở đây đêm đến là gửi con đến những nhà thân quen cách xa khu vực này để các cháu có thời gian yên tĩnh học bài, chứ để ở nhà chắc các cháu không thể học được bởi tiếng ồn từ các máy nghiền đá. Dân chúng tôi không chịu được ra nói với họ thì còn bị người của công ty đe dọa. Sau rất nhiền kiến nghị, đơn thư lên các cấp nhưng họ đến xem qua rồi lại đi. Chúng tôi chẳng còn biết kêu ai nữa".

Mặc dù chúng tôi và người dân trong xóm Làng Mới ngồi chung một bàn nhưng ai nấy đều nói hết sức bên kia mới có thể nghe thấy. Câu chuyện liên tục bị cắt ngang bởi tiếng nghiền đá, tiếng máy khoan, còi ôtô rít lên váng tận óc. Anh Bảy nói với chúng tôi: "Thôi mọi người vào nhà nói chuyện, ngồi ngoài sân không nghe thấy nhau nói gì đâu. Mà cũng sắp đến giờ người ta nổ mìn phá đá rồi, cứ vào nhà cho an toàn".

Người dân tại đây tha thiết cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết nạn ô nhiễm môi trường trả lại sự bình yên vốn có.

Vẫn chưa có câu trả lời xác đáng cho người dân

Chưa khi nào người dân tại khu vực quanh mỏ đá của xã Tân Long lại thất vọng đến thế. Họ đã rất nhiều lần có ý kiến về tình trạng các mỏ đá gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất nhưng đến nay câu trả lời thỏa đáng từ các cấp chính quyền và cơ quan chức năng huyện, tỉnh đều chưa có. Cụ Hải lắc đầu: "Rõ ràng là các mỏ đá này ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân chúng tôi, đó là điều mắt thấy tai nghe. Đâu có phải nhỏ như cái kim mà giấu giếm được. Chúng tôi không nói sai, nói bịa chút nào, nếu các cơ quan có thẩm quyền lặng lẽ xuống địa phương, không báo cho phía mỏ đá thì sẽ thấy hết được khói bụi đến mức nào, sẽ thấy được tiếng ồn váng óc đến mức nào. Dân làng chúng tôi tha thiết muốn có cuộc sống bình yên".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 29-4-2016, UBND xã Tân Long đã thừa nhận: Việc khai thác đá ở các mỏ đá trên địa bàn xã gây ô nhiễm môi trường với nhà ở của các hộ dân nằm trong khu dự án vì nhà ở của các hộ nói trên chỉ cách nơi nổ mìn trên dưới 200 mét, cách nơi nghiền đá chừng 60 mét. Người dân thường xuyên phải chịu khói bụi, nhất là khi nổ mìn và nghiền đá trong điều kiện có gió thổi về hướng nhà. 

Những ngọn núi nham nhở vì các mỏ đá cho nổ mìn khai thác.

Vườn chè, vườn chuối, vườn na của người dân cũng bị ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng. Cách đây hơn 1 năm, UBND tỉnh Thái Nguyên đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, đo đạc mức độ ô nhiễm do các doanh nghiệp khai thác đá gây ra. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có kết luận hay hướng xử lý cụ thể vấn đề này.

Trong rất nhiều cuộc tiếp xúc cử tri người dân quyết liệt phản ánh tình trạng này, đồng thời có những đơn thư gửi lên chính quyền địa phương. Cho đến ngày 14-6-2017 UBND xã Tân Long mới ra Quyết định thành lập đoàn  kiểm tra thống kê ảnh hưởng đến môi trường, cây trồng của các hộ dân xung quanh mỏ đá Tập Trung. 

Thế nhưng đến thời điểm hiện tại đoàn kiểm tra chỉ có trên giấy tờ, chưa đi vào hoạt động. Nói về vấn đề này, ông Lăng Viết Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Long cho hay: Việc các mỏ đá khai thác đá ở địa phương do huyện, tỉnh cho phép, cấp phép thì trách nhiệm thuộc về huyện, tỉnh chứ chúng tôi không đủ thẩm quyền để giải quyết việc đó.

Việc các mỏ đá khai thác ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân xã Tân Long là rõ như ban ngày. Không có lý do gì UBND các cấp không có những động thái, vào cuộc điều tra, làm rõ để đảm bảo quyền lợi cho những hộ dân.

Phong Anh

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文