"Ánh sáng" của những người khiếm thị

07:24 01/06/2017
Số phận không may lấy đi của họ đôi mắt, nhưng ngược lại đã bù đắp cho họ đôi bàn tay khéo léo, tinh tế để họ làm được công việc: Tẩm quất. Công việc này đã giúp những người mù có thể sống bằng sức lao động của chính mình, tự tin vươn lên trong cuộc sống, giúp cho xã hội nhìn và hiểu đúng với từ "tẩm quất cổ truyền".


Non trưa chủ nhật, tôi cùng một người bạn tìm đến một cơ sở tẩm quất người mù trên đường Nguyễn Phong Sắc (TP Vinh) để thư giãn. Vừa nghe tiếng xe máy đến, một người đàn ông 30 tuổi đẩy cửa ra và đon đả: "Các bác vào  đây chờ, em làm cho khách lát là xong thôi".

Massage đích thực

Theo chỉ dẫn của nữ nhân viên tẩm quất, tôi và anh bạn chậm rãi bước vào phòng "hành nghề" của những người khiếm thị. Căn phòng rộng tầm 20 mét vuông, thoáng mát sạch sẽ, có đầy đủ cả quạt và điều hòa, kê 3 giường massage.

Những người tẩm quất khiếm thị (đặc biệt là nữ) hành nghề dễ gặp cạm bẫy.

Độ 5 phút sau, một người phụ nữ tuổi tầm 30 mở cửa phòng bước vào. Hình như chưa quen với cách bài trí trong phòng nên người này vừa đi, vừa lấy tay dò dẫm rồi tìm đến chỗ vị khách mới vào để phục vụ.

Hỏi ra mới biết, chị tên Lê, 30 tuổi, quê ở Lộc Hà, Hà Tĩnh. Bị khiếm thị bẩm sinh nhưng không đầu hàng số phận, Lê vẫn vươn lên và từng làm nhiều nghề trước khi gắn bó với nghề tẩm quất.

Vừa trò chuyện cùng Lê, tôi vừa được thưởng thức những bài massage thú vị, có bài lạ, độc đáo. Sau xoa bóp, bấm huyệt phần đầu là 36 bài khác nhau cho chân tay, lưng, toàn thân. Từng động tác đều được thực hiện thuần thục, chuẩn xác. Tôi cảm nhận được trong mỗi động tác ấy đều có "mắt", có hồn, sự yêu nghề.

Khi mát xa phần lưng, Lê hỏi khẽ: "Trên lưng chỗ mô nhức mỏi nhất thì anh bảo em làm kỹ hơn nhé!". Tiếng đấm bóp bi bốp, tiếng lắc cắc của xương khớp vui tai xen lẫn những câu chuyện vui của cả khách và nhân viên làm cho tinh thần tôi phấn chấn hẳn lên.

Theo y học cổ truyền, cơ thể con người có 72 đại huyệt và rất nhiều huyệt nhỏ khác. Tác dụng của xoa bóp, bấm huyệt, tẩm quất là kích thích vật lý, tác động trực tiếp vào da thịt, thần kinh, mạch máu và các cơ quan cảm thụ, gây nên những thay đổi về thần kinh, nội tiết; qua đó, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thần kinh, quá trình dinh dưỡng của cơ thể, tăng miễn dịch.

Thường thì mỗi lần tẩm quất, massage, mỗi nhân viên phải mất 1 tiếng đồng hồ với đầy đủ các bước. Yêu cầu của người làm tẩm quất massage là phải có sức khỏe, khéo léo để nhận biết và nắn các huyệt. Và để làm được nghề phải qua 3 tháng đào tạo tẩm quất, bấm huyệt cơ bản.

Ngoài ra trong quá trình làm phải thường xuyên học để nâng cao tay nghề. Khi đi học về rồi, để tiếp cận với khách cũng là một vấn đề khó vì làm tẩm quất, bấm huyệt thì khách không thể mặc nguyên quần áo, mà kỹ thuật viên nữ lại càng khó khăn để tiếp cận với khách là nam giới.

Tại đây, giá một giờ massage là 60 ngàn đồng, thêm cả giác hơi là 80 nghìn đồng, nhân viên và chủ quán chia nhau mỗi người một nửa. Mỗi tháng, thu nhập bình quân của một nhân viên tẩm quất khiếm thị ở cơ sở này dao động từ 3,5 - 4 triệu đồng. Mức thu nhập này dù không lớn nhưng cũng đủ mức sống tối thiểu cho người khiếm thị.

Những vị khách đến đây cũng rất đa dạng, từ các cụ già đến người trung niên, trẻ tuổi, đôi khi còn là trẻ em. Nghề này rất mất sức, đòi hỏi phải có sự khéo léo và sức khỏe tốt, vì thế ít khi gặp người nào làm nghề này có thể béo tốt được. Hôm đông khách, mỗi nhân viên phải massage liên tục cho 7 đến 8 người, đến lúc nghỉ thì ai cũng rã rời chân tay.

Gần một tiếng trôi qua, sự mệt mỏi, đau nhức do thời tiết gay gắt của tháng bảy và áp lực công việc gây ra đã nhường chỗ cho sự khoan khoái, thoải mái lan tỏa khắp cơ thể. Nhẹ lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt, Lê bảo tôi: "Anh nhấc người lên nhé, em cho anh đi máy bay". Thì ra đó cũng là một động tác massage.

Nhân viên nằm xuống dưới dùng hai đùi kê vào lưng khách làm điểm tựa để nâng lên, nâng xuống và xoay hai bên. Khách nằm trên, tay chân thả lỏng hoàn toàn. Động tác này giúp khách cảm nhận được hết tất cả sự thoải mái, dễ chịu từ những động tác trước mang lại. Được biết, để làm được động tác đó, nó đòi hỏi sự cao tay, kinh nghiệm nếu không rất dễ làm đau khách.

Ánh sáng từ trong bóng tối

Các cụ thường nói "giàu hai đôi mắt, khó đôi bàn tay", không thấy ánh sáng quả là điều vô cùng khó khăn. Người khiếm thị sống được cuộc đời bình thường như mọi người đã khó, nhưng họ biết vươn lên khẳng định mình, sống có ích cho xã hội thì đó là điều đáng trân trọng.

Tại cơ sở tẩm quất người mù trên đường Nguyễn Phong Sắc mà tôi tới thư giãn có 5 nhân viên thì đã có tới 4 người bị khiếm thị. Những vị khách đã đôi lần lui tới đây đều rất đỗi quen thuộc với nhân viên tẩm quất khiếm thị Nguyễn Đình Văn. Văn SN 1985, quê ở xã Nghĩa Hành (Tân Kỳ, Nghệ An).

Bị mù bẩm sinh nên ngày đó, trong khi bạn bè cùng trang lứa đều được đến trường thì anh chỉ thường ngồi một mình để cảm nhận mơ hồ về cuộc sống từ những âm thanh, tiếng cười nói của mọi người.

Việc vui chơi, học hành là quá "xa xỉ". Thỉnh thoảng còn phải chịu đựng những câu nói mỉa mai, ác ý khiến anh không khỏi tủi thân, chạnh lòng. Trưởng thành, chỉ loanh quanh làm vài việc lặt vặt khiến anh thấy mình thật vô dụng.

Cuộc sống của chàng trai khiếm thị này đã thay đổi từ lúc theo học khóa học nghề tẩm quất cho người khiếm thị của Hội người mù tỉnh. Sau khi hoàn thành khóa học, bằng nghị lực cùng với chuyên môn vững vàng, Văn được nhiều cơ sở tẩm quất người mù trong và ngoài tỉnh chào đón.

Đến nay, Văn đã có thâm niên hơn 10 năm trong nghề. "Cuộc sống của mình không được may mắn như những người mắt sáng nhưng công việc này cũng đã đem lại cho vợ chồng mình khoản thu nhập đủ để trang trải và hơn hết là có thể sống được bằng chính sức lao động của chính mình", Văn chia sẻ.

Nhờ những nỗ lực không ngừng ấy, cuộc đời đã mỉm cười với anh, đến nay Văn có một gia đình êm ấm cùng với chị Trần Thị Dung, một người đồng cảnh ngộ. Qua bạn bè giới thiệu, họ đã đồng cảm và sau một thời gian tìm hiểu, hai người nhận ra mình sinh ra là để dành cho nhau.

Nhờ hành nghề tẩm quất, chàng trai khiếm thị Nguyễn Đình Văn đã thoát ra khỏi "bóng tối".

Tuy đôi mắt không nhìn thấy gì nhưng Văn có thể làm việc nhà và đi lại trong phòng ít phải mò mẫm. Thấy vậy, tôi tò mò: "Anh có thể đi lại và làm việc như người bình thường?".

Văn nhoẻn miệng cười đáp lại: "Để có được ngày hôm nay, mình cùng những người đồng cảnh ngộ phải tập luyện rất nhiều mới có thể nhớ được những đồ vật trong nhà. Ở trong phòng này lâu rồi thành quen, dễ nhớ vị trí từng đồ vật chứ chuyển đi nơi khác thì chịu".

Hóm hỉnh, dí dỏm và đầy sự hiểu biết trong cách nói chuyện khiến Lê Thị Mỹ, nhân viên một cơ sở tẩm quất trên đường Hà Huy Tập, TP Vinh (Nghệ An) dễ tạo được sự thiện cảm trong lòng mọi người. Đến với nghề tẩm quất 4 năm, mức thu nhập gần 4triệu đồng mỗi tháng hiện nay, Mỹ đã phần nào tự lo cho cuộc sống gia đình nhỏ của mình.

Sau khi có công việc, Mỹ tự tin đón nhận tình yêu và lập gia đình với một người khiếm thị cùng làm nghề tẩm quất, mức thu nhập tạm đủ nên vợ chồng quyết định sinh con. Một bé trai khỏe mạnh đã ra đời trong niềm vui của 2 bên gia đình, đó là động lực để vợ chồng Bính tiếp tục gắn bó với nghề.

Cũng tại cơ sở tẩm quất khiếm thị này, ai cũng ngậm ngùi trước hoàn cảnh của Phan Huy Chiến (phường Đội Cung, TP Vinh). Năm 2010, một TNGT đã cướp đi đôi mắt của chàng trai trẻ đầy ước mơ, hoài bão. Tai họa ập đến khiến tương lai mờ mịt, Chiến càng tuyệt vọng và muốn buông xuôi tất cả.

Vui buồn nghề massage

Để mưu sinh, kiếm ra đồng tiền bằng chính sức lao động của mình, những người khiếm thị phải chấp nhận nhiều rủi ro, gian nan và cả sự cạnh tranh của những cơ sở tẩm quất do người bình thường thực hiện nhưng tồn tại dưới mác "tẩm quất người mù".

Họ dễ trở thành nạn nhân, mục tiêu của những kẻ xấu bởi mắt sáng thì có thể lường trước được mọi hành động mà tránh, còn đã không thấy gì thì rất khó phản ứng kịp.Tìm hiểu vài cơ sở massage của người mù trên địa bàn TP Vinh (Nghệ An), một chủ quán cho biết: Hàng ngày có nhiều khách đến hỏi xem có "dịch vụ từ A đến Z" không, khi nhận được câu trả lời thì họ bỏ đi.

Một trường hợp khác, khách uống rượu vào, rồi dễ có hành động sàm sỡ. Khi nhân viên thẳng thắn từ chối thì bị khách xúc phạm nhân phẩm. Một số nhân viên không dám kêu la, vì sợ khách phàn nàn với bà chủ thì tiền lương sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.

Không chỉ có nữ, những nhân viên nam khiếm thị làm nghề tẩm quất cũng khó tránh khỏi bị khách dụ dỗ và quấy rối. Nguyễn Nhật Nam, nhân viên cơ sở tẩm quất khiếm thị trên đường Lệ Ninh, TP Vinh chia sẻ: "Đi làm, em ngại nhất là gặp một số khách là "giới tính thứ ba", sau khi tẩm quất xong còn đòi mình chiều "tới bến" và hứa trả công hậu hĩnh. Mình khéo từ chối không được, đôi lúc phải có thái độ thẳng thừng thì mới thôi. Nhưng họ vẫn không quên để lại cho nhân viên cái nhìn hình viên đạn và thái độ giận dữ".

Còn những người hành nghề tự do thì cạm bẫy dường như lớn hơn. Chia sẻ về nghề nghiệp, anh Huy cho biết: "Vì hoạt động tự do nên mình vẫn phải tìm đến tận nhà khách để phục vụ. Nhiều khách hài lòng, tốt bụng còn thưởng thêm chút thù lao. Nhưng cũng không ít khách hàng giở trò, phục vụ xong còn lớn tiếng quát mắng và đánh đập, thậm chí còn không được thanh toán tiền công".

Điều mà những người khiếm thị hành nghề tẩm quất luôn dặn lòng mình là làm sao giữ cho cái tâm sáng không vì cám dỗ của đồng tiền mà làm những chuyện mất đi danh dự của chính mình.

Chị H., chủ một cơ sở tẩm quất người mù trên đường An Dương Vương, TP Vinh khẳng định: "Không có lập trường đúng đắn, khó có thể trụ vững ở nghề này". Rồi chị H. kể lại: "Gắn bó với nghề, vui buồn đều có cả, nhưng ám ảnh nhất là những lần bị khách trêu đùa, thậm chí sàm sỡ. Có lần, sau khi tẩm quất cho khách xong, chị ra bồn nước rửa tay thì bất ngờ bị ông khách lạ vùng dậy ôm từ đằng sau và dùng tay sờ soạng khắp cơ thể khiến chị không kịp phản ứng. Hoảng quá, chị la hét thì ông ta vùng vằng vứt tiền rồi bỏ đi".

Thạch Văn

Để chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng CSCĐ (15/4/1974 - 15/4/2024) và Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), nhiều tháng qua, các cán bộ, chiến sĩ Đoàn CSCĐ kỵ binh vẫn hăng say luyện tập với tinh thần khẩn trương và nghiêm túc bất chấp thời tiết mưa nắng khắc nghiệt.

Thời gian qua, giá sách giáo khoa (SGK) trở thành vấn đề "nóng" khi giá sách theo chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới năm 2018 cao hơn giá sách chương trình GDPT năm 2006 khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng.

RT hôm 10/4 đưa tin, Ankara cho biết đang xem xét việc triển khai các hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất đến khu vực dọc biên giới phía Đông Nam với Iraq. Dự kiến, kế hoạch sẽ được đẩy nhanh sau kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo.

Liên quan đến yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ, ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Cục Phòng vệ thương mại đã tiếp nhận và đang tiến hành thẩm định tính hợp lệ của hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC. Tuy nhiên, sơ bộ ban đầu, hồ sơ chưa đủ tính hợp lệ và Cục đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp sửa, bổ sung thông tin. Kết quả thẩm định hồ sơ sẽ được thông báo cho các bên liên quan theo quy định.

Những ngày này, gần 170 nữ chiến sĩ cảnh sát đang tích cực luyện tập tại Làng văn hoá các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội) chuẩn bị cho diễu binh diễu hành phục vụ Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát cơ động (15/4/1974 - 15/4/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024).

Ngày 10/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 1, TP Hồ Chí Minh, đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Huỳnh Nhật Vi (SN 2003; cư trú huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) để điều tra về tội “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm”.

Theo hướng dẫn tuyển sinh CAND năm 2024 do Bộ Công an vừa mới ban hành, năm 2024, các trường CAND được giao tuyển sinh 600 chỉ tiêu hệ trung cấp CAND chính quy tuyển mới. Trong số này, 300 chỉ tiêu xét tuyển đối tượng là học sinh tốt nghiệp THPT và chiến sĩ nghĩa vụ xuất ngũ; 300 chỉ tiêu xét tuyển đối với chiến sĩ nghĩa vụ tại ngũ, học sinh Trường Văn hóa Công an.

Việt Nam ghi nhận 2 ca bệnh cúm gia cầm trên người, trong đó 1 trường hợp tử vong. Đáng chú ý là ca mắc cúm gia cầm A/H9N2 trên người đầu tiên được phát hiện đã khiến người dân không khỏi lo lắng. Mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 1.000 tấn thịt gia súc, gia cầm, tuy nhiên, tình trạng giết mổ gia cầm sống tự phát tại các chợ cóc, chợ dân sinh, khu dân cư vẫn diễn ra, gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm, lây lan dịch bệnh cho con người.

Hiện, mức độ tăng trưởng điện thương phẩm của 3 tháng đầu năm đã cao hơn rất nhiều so với dự báo năm 2024 của Bộ Công Thương và kế hoạch vận hành hệ thống điện và thị trường điện. Với nhu cầu điện tăng cao hơn dự báo, việc cung ứng điện cho mùa hè năm nay khá căng thẳng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文