Bài học đắt giá về quản lý đất đai nhìn từ vụ án Đồng Tâm

10:16 18/08/2017
Bỏ qua các quy định về thẩm định hồ sơ, một số cán bộ huyện Mỹ Đức cũng"nhắm mắt" làm liều, để rồi sau đó vướng vòng lao lý. Mới đây TAND huyện Mỹ Đức(Hà Nội) đã mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử vụ án này.

Nguyễn Xuân Trường, 58 tuổi, từng là cán bộ địa chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Trong quá trình công tác, anh này liên tục tham mưu bậy cho cả ba đời Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.

Phần vì tin tưởng vào cấp dưới có nhiều "kinh nghiệm", phần vì hám lợi cho nên cả ba vị Chủ tịch xã đều đồng tình ký vào các tờ trình không đúng sự thật và đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định phê duyệt.

Bỏ qua các quy định về thẩm định hồ sơ, một số cán bộ huyện Mỹ Đức cũng"nhắm mắt" làm liều, để rồi sau đó vướng vòng lao lý. Mới đây TAND huyện Mỹ Đức đã mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử vụ án này.

Quá trình điều tra xác định, từ năm 2002 đến 2013, do buông lỏng công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai tại địa bàn xã Đồng Tâm, các cựu cán bộ xã Đồng Tâm vì động cơ vụ lợi đã thực hiện việc cấp, giao đất giãn dân trái thẩm quyền hơn 6.000m² cho hàng chục hộ dân và các cán bộ chủ chốt của xã; tổ chức đấu thầu đất trái quy định, hợp thức hóa đất lấn chiếm, hợp thức hóa trái quy định hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Các bị cáo tại phiên xử sơ thẩm.

Tiếp tay cho hành vi phạm tội của nhóm cán bộ xã Đồng Tâm là nhóm cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức và cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức.

Sai phạm của nhóm cán bộ huyện thể hiện qua việc, quá trình làm nhiệm vụ không thực hiện đúng chức trách được giao, thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, thẩm tra nguồn gốc đất, nhưng vẫn ký hồ sơ đề nghị UBND huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy định cho 12 hộ dân, gây thiệt hại hơn 1,2 tỷ đồng.

Điều này đã gây bức xúc cho nhân dân, khiến việc khiếu kiện kéo dài, làm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Nhà nước và nhân dân. Nhóm cán bộ huyện phạm tội với lỗi cố ý, lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để vi phạm pháp luật.

Trong vụ án này, bị cáo Trường được cơ quan tố tụng xác định giữ vai trò chủ mưu. Trường là cán bộ địa chính làm việc qua ba thời kỳ Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm là Nguyễn Văn Bột, Nguyễn Văn Sơn và Lê Đình Thuần (ba bị cáo trong vụ án). Có thời gian công tác dài như vậy nên từng khu đất của xã, Trường thuộc như lòng bàn tay.

Thời điểm trước năm 2002, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ra Quyết định 868/QĐ-UBND về việc cấp đất giãn dân cho các hộ dân thuộc đối tượng được cấp, trong đó có các hộ dân được cấp đất ở xã Đồng Tâm.

Thấy số lượng đất cấp giãn dân cho các hộ có diện tích lớn, Trường vẫn phổ biến cho các hộ thuộc đối tượng kê khai, nhưng Trường lại tham mưu bậy cho lãnh đạo Đảng uỷ, UBND xã Đồng Tâm bớt xén diện tích đất cấp cho các hộ thuộc diện được cấp để bán cho người khác. Số đất bớt xén ấy được bán cho các cán bộ chủ chốt của xã với giá... như cho (100.000 đồng một mét) hoặc không phải nộp tiền.

Cá nhân Trường có "công" qua "sáng kiến" ra chiêu trò này được hưởng lợi hai suất đất mà không tốn một xu. Các lãnh đạo chủ chốt xã Đồng Tâm dù biết Trường tham mưu không đúng quy định pháp luật, nhưng vì hám lợi nên vẫn nghe theo để thống nhất "xuất bản" tờ trình của xã đề nghị huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các mảnh đất cấp không đúng đối tượng.

Nghiêm trọng hơn, dù xã không tổ chức cuộc họp nào nhưng trong trong các văn bản gửi huyện Mỹ Đức, lãnh đạo xã đều báo cáo đã tổ chức họp và thống nhất ý kiến.

Bị cáo Nguyễn Văn Sơn và bị cáo Nguyễn Xuân Trường (phía sau).

Đây là lời khai trước toà của bị cáo Nguyễn Tiến Triển, cựu Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm: "Thời điểm đó, do chưa hoàn thành việc chia đất theo Quyết định 868 của tỉnh Hà Tây nên xã đồng ý chia phần còn lại cho các cán bộ xã và điều này được xem là một sáng kiến để hoàn thành kế hoạch. Tôi cũng ký vào biên bản này để hoàn thành thủ tục chia đất, nhưng thực tế thì không có hội nghị nào của xã bàn về việc chia đất giãn dân cho 10 cán bộ xã, trong đó có tôi. Việc đồng ý chủ trương cấp đất cho 10 cán bộ chủ chốt của xã là do tôi tin tưởng cấp dưới mà làm chứ tôi không hiểu biết pháp luật về đất đai".

Để che giấu hành vi phạm tội, Trường và các lãnh đạo xã không đứng tên trong các mảnh đất được cấp mà chuyển người thân trong gia đình như vợ hoặc con đứng tên người được cấp đất.

Khi được thẩm vấn về hành vi sai phạm cùng cựu Bí thư Đảng uỷ xã, bị cáo Nguyễn Văn Đức, cựu Chủ tịch HĐND xã Đồng Tâm thừa nhận cáo trạng truy tố các bị cáo về hành vi sai phạm trong quản lý đất đai là đúng: "Tôi và một số anh em cán bộ xã thời điểm đó không phải đối tượng được giao đất theo Quyết định 868 của tỉnh Hà Tây. Việc tôi và một số cán bộ xã mua đất theo Quyết định 868 của tỉnh với giá 100.000 đồng là sai quy định của pháp luật. Để xảy ra sai phạm này là do nhận thức pháp luật về đất đai của tôi còn hạn chế nên đã để xảy ra hậu quả này".

Tại phiên xử, bị cáo Trường thừa nhận, mình được giao nhiệm vụ tham mưu, quản lý, sử dụng, quy hoạch, giải quyết tranh chấp đất giữa các hộ ở địa bàn xã Đồng Tâm nên biết rõ từng vị trí đất ở địa phương này.

"Sau khi có chủ trương của tỉnh Hà Tây về việc cấp đất giãn dân, tôi đã tham mưu và đề xuất lãnh đạo xã để triển khai thực hiện quyết định của tỉnh. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi có cái sai là do nể nang anh em và con em cán bộ nên mới làm sai. Trách nhiệm này thuộc về tôi, nhưng tôi không thể một mình làm được mà phải là lãnh đạo xã mới đủ thẩm quyền đề nghị cấp trên".

Thời điểm xảy ra vụ án, bị cáo Phạm Hữu Sách giữ chức vụ Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức. Cùng với ba cán bộ khác của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện và Văn phòng đăng ký đất đai huyện, bị cáo Sách đã để xảy ra sai phạm trong việc đề nghị UBND huyện Mỹ Đức cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng đối tượng cho hơn 12 hộ dân, trong đó có 10 trường hợp là cán bộ chủ chốt của xã Đồng Tâm, chính là 10 bị cáo trong vụ án này.

"Chúng tôi làm đúng trình tự thủ tục đề nghị UBND huyện cấp "sổ đỏ" cho các hộ dân ở xã Đồng Tâm. Cái sai ở đây là sai từ cấp xã và chúng tôi thiếu kiểm tra, giám sát nên đã sai theo chứ chúng tôi không cố tình làm sai. Dù sao thì trách nhiệm này cũng thuộc về chúng tôi và tôi đã phải trả giá cho việc làm sai của mình", bị cáo Sách thừa nhận trước toà. 

Sau hai ngày xét xử công khai vụ án, chiều 9-8, Hội đồng xét xử do Thẩm phán Bùi Đức Hiệp, Phó Chánh án TAND huyện Mỹ Đức làm chủ tọa phiên toà đã kết luận:

Với những gì đã thực hiện liên quan đến sai phạm trong việc chia đất giãn dân không đúng đối tượng ở xã Đồng Tâm, bị cáo Trường giữ vai trò chủ mưu; các bị cáo: Nguyễn Văn Sơn, Lê Đình Thuần (cựu Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm), Nguyễn Tiến Triển (cựu Bí thư Đảng uỷ xã Đồng Tâm) phạm tội nhiều lần, bản thân được nhận đất nhưng không muốn bị mang tiếng nên để vợ, con hoặc người nhà đứng tên trên đất được cấp.

Các bị cáo từng là cán bộ của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Văn phòng đăng ký đất đai huyện thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát về quy trình cấp đất ở xã Đồng Tâm nên đã để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Nhiều người dân tới Toà theo dõi diễn biến phiên xử.

"Hành vi của các bị cáo làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới trật tự xã hội, quyền lợi của Nhà nước và nhân dân, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế của địa phương. Sai phạm của các bị cáo còn xâm phạm trực tiếp tới quyền quản lý về đất đai của Nhà nước, qua đó làm giảm sút niềm tin của người dân với chính quyền cơ sở. Vì thế cần phải có một bản án nghiêm khắc đối với các bị cáo để giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung cũng thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật", chủ tọa nhấn mạnh.

Quá trình xét xử, ngoài bị cáo Bạch Văn Đông, cựu Phó Giám đốc văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức không nhận tội, còn lại các bị cáo khác đều thừa nhận hành vi như cáo trạng đã truy tố. HĐXX xác định, việc bị cáo Đông không nhận tội chỉ để trốn tránh trách nhiệm. Vì quá trình điều tra đã đủ cơ sở xác định bị cáo Đông phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Cá thể hoá vai trò của từng bị cáo, HĐXX đã ra phán quyết cho từng bị cáo.

Đối với nhóm cựu cán bộ xã bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ: Cựu cán bộ địa chính xã Đồng Tâm Nguyễn Xuân Trường 6 năm 6 tháng tù; cựu Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm Nguyễn Văn Sơn 30 tháng tù; cựu Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm Lê Đình Thuần 42 tháng tù; cựu Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm Nguyễn Tiến Triển 30 tháng tù; cựu Chủ tịch HĐND xã Đồng Tâm Nguyễn Văn Đức 30 tháng tù; cựu Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm Nguyễn Văn Bột 18 tháng tù (án treo); cựu Trưởng ban tài chính xã Đồng Tâm Bùi Văn Dũng 30 tháng tù; cựu Xã đội trưởng xã Đồng Tâm Bùi Văn Hồng 30 tháng tù; cựu Trưởng Công an xã Đồng Tâm Nguyễn Văn Minh 24 tháng tù; cựu kế toán ngân sách xã Đồng Tâm Nguyễn Văn Khang 24 tháng tù.

Đối với nhóm cựu cán bộ huyện bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, HĐXX tuyên phạt: cựu Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức Phạm Hữu Sách 24 tháng tù (án treo); cựu Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức Đinh Văn Dũng 36 tháng tù; cựu Phó Giám đốc văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức Bạch Văn Đông 30 tháng tù; cựu cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức Trần Trung Tấn 24 tháng tù (án treo).

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX quyết định tách ra khỏi vụ án này, nếu có yêu cầu sẽ xử lý trong một phiên toà khác. Ngoài hình phạt tù đối với các bị cáo, HĐXX kiến nghị UBND huyện Mỹ Đức giải quyết dứt điểm kiến nghị của người dân trên cơ sở pháp luật. Những khu đất đã giao cho dân nhưng vi phạm quy hoạch thì đề nghị cơ quan thẩm quyền ra quyết định thu hồi, đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân khu vực.

Nguyễn Hưng

Chỉ cách đây ba năm, nickel còn được coi là “ngôi sao” của ngành khoáng sản toàn cầu. Nickel, một thứ kim loại trước đây chỉ được dùng trong luyện thép không gỉ, bất ngờ tìm được vị thế mới khi thế giới đổ dồn sự chú ý vào những chiếc pin nickel-lithi (Ni-Li).

An toàn vệ sinh lao động đang là câu chuyện rất nóng và nhận được sự quan tâm lớn của dư luận sau vụ việc 7 công nhân tử vong và 3 người bị thương do tai nạn lao động tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái. Đây chỉ là một trong những vụ việc điển hình liên quan đến tai nạn lao động, khi từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra không ít tai nạn lao động nghiệp trọng. Theo thống kê 3 năm gần đây, có khoảng trên dưới 7.000 vụ tai nạn lao động/năm, làm khoảng 700 người chết/năm và hàng nghìn người khác bị thương. Có thể nói, tai nạn lao động để lại không ít hậu quả đau lòng. Pháp luật về an toàn vệ sinh lao động có rất nhiều quy định chặt chẽ, vấn đề an toàn vệ sinh lao động cũng được tuyên truyền thường xuyên vậy tại sao vẫn có những vụ việc thương tâm xảy ra, chúng ta cần thêm những giải pháp gì để bảo vệ sức khoẻ, an toàn cho người lao động? Xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi cùng TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động.     

Sáng 28/4, Công an huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cho biết, vừa phối hợp lực lượng Công an xã, Dân quân, Xã đội xã Phước Thành, huyện Phước Sơn và cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng kiểm tra, truy quét tình trạng khai thác vàng trái phép tại bãi 5A, xã Phước Thành.

Sáng 28/4, Thượng tá Võ Văn Thái - Phó Trưởng Công an TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau thời gian củng cố tài liệu, chứng cứ, Cơ quan CSĐT Công an thành phố, đã khởi tố 11 đối tượng về tội “Gây rối trật tự công cộng” và tội “Cố ý gây thương tích”.

Sáng 28/4, trên đường dẫn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đoạn qua xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, xảy ra ùn ứ ở nhiều hướng, do gần trăm két bia trên xe đầu kéo rơi xuống đường.

Chỉ ít ngày nữa, chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” sẽ chính thức diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Với gần 300 nghệ sĩ tham gia biểu diễn, chương trình được kỳ vọng sẽ tái hiện Chiến thắng Điện Biên Phủ đầy sống động qua ngôn ngữ âm nhạc, đồng thời tiếp tục khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử, tri ân, tôn vinh những cống hiến, đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong chiến thắng này.

Tối 27/4, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) triển khai tổ công tác lập chốt đảm bảo TTATGT, kiểm soát các phương tiện lưu thông trên đường mà người điều khiển phương tiện có sử dụng bia rượu tại khu vực đường Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) theo hướng đi Nguyễn Khoái.

Giữa những ngày tháng tư lịch sử, về vùng căn cứ U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang - "chiếc nôi" cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nơi ra đời chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang, chúng tôi cảm thấy tự hào về những đổi thay, phát triển của vùng đất anh hùng. Trong kháng chiến, lực lượng cách mạng đã cùng nhân dân kiên trì bám đất, đấu tranh diệt ác, phá kìm, phá cơ sở của địch, xây dựng lực lượng cách mạng và xây dựng chính quyền cơ sở, bảo vệ Khu ủy, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Trong thời bình, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân vùng căn cứ U Minh Thượng đã và đang thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Tính đến hết tháng 12/2023, hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam là đối tượng của 242 vụ việc điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại (PVTM). Riêng trong năm 2023 đã phát sinh 15 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc đang trong quá trình điều tra, hoặc thuộc diện rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文