Báo động tình trạng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em
Theo các chuyên gia tâm lý, việc phát hiện và khắc phục rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em càng sớm càng tốt.
Phát hiện trẻ bị rối loạn ngôn ngữ
Biểu hiện rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em thường do thầy, cô giáo hoặc phụ huynh phát hiện khi so sánh trẻ với sự phát triển ngôn ngữ của các bạn cùng trang lứa. Hiện nay, có rất nhiều trẻ em gặp khó khăn khi tiếp thu ngôn ngữ, diễn đạt ngôn ngữ, đặc biệt có những em còn nói xen lẫn tiếng Việt và tiếng Anh trong cùng một hội thoại.
Anh Nguyễn Thế Hùng ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, con anh hiện nay đã gần 4 tuổi nhưng khả năng ngôn ngữ kém hơn so với các bạn cùng lứa. Con anh hiểu tất cả những gì bố mẹ nói, nhưng những câu của con thường lẫn lộn từ ngữ, có những từ con phát âm rất khó khăn. Đây cũng là biểu hiện thường gặp của rất nhiều cháu khi đến khám và điều trị tại Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học Tâm lý – Giáo dục.
Cô Ngô Thị Hiên hướng dẫn các bé phát âm chữ cái. |
Cô Ngô Thị Hiên, cán bộ của Trung tâm đang điều trị cho bé Phúc Khang (6 tuổi) chia sẻ: “Bé Khang đến Trung tâm điều trị từ 9-10-2018 do nói ngọng âm “s”, “đ”, “c”. Hiện chúng tôi đang chỉnh ngọng qua từ, rồi sau đó sẽ chỉnh ngọng qua câu. Trong quá trình chỉnh phải sử dụng ngôn ngữ liên tục, có khi chỉnh được từ rồi nhưng đưa vào câu, bé lại nói ngọng từ đó”.
Bình thường trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên sẽ nói được 2 từ ghép, còn không nói hoặc chỉ nói được 1 từ là chậm nói. Trong khi đó, rối loạn ngôn ngữ bao gồm chậm nói, nói không đúng từ hoặc nói ê a mãi mà không thành câu.
Để điều trị sớm, bố mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế kiểm tra xem trẻ có bị bệnh thực thể do câm, điếc hoặc bị tổn thương bẩm sinh, rối loạn dây chức năng hay không. Tùy theo mức độ bệnh tật mà có thời gian điều trị dài hay ngắn.
Trung bình mỗi trẻ điều trị khoảng 8 tháng là có thể trở lại bình thường. Đối với trẻ bị rối loạn ngôn ngữ thì dạy trẻ thông qua các hoạt động vui chơi sẽ giúp trẻ tập trung hơn, rồi mới bắt chước được. Dạy trẻ biết tương tác với các đồ vật, từ việc hiểu các đồ vật thì những từ trẻ nói ra mới có ý nghĩa.
Bố mẹ luôn là người thầy quan trọng nhất của trẻ nhỏ. |
Cô Trần Thị Diễm, giáo viên lớp Kỹ năng, người đã gắn bó 6 năm với Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học Tâm lý – Giáo dục chia sẻ: “Trong lớp có nhiều đối tượng khác nhau nên dạy các em rất khó khăn và vất vả. Điều này đòi hỏi chúng tôi phải kiên trì, chịu khó thì mới giúp các em tiến bộ được. Với những trẻ có rắc rối tiềm ẩn về ngôn ngữ, việc chưa thạo tiếng mẹ đẻ đã sớm tiếp xúc ngoại ngữ sẽ khiến vấn đề của các em phức tạp hơn”.
Cô Diễm cho biết thêm: Có gia đình đầu tư hơn 50 triệu đồng/năm cho con học tiếng Anh tại trung tâm ngoại ngữ. Thấy không hiệu quả, bố mẹ liền đưa con đến trung tâm của chúng tôi xin tư vấn về ngôn ngữ. Qua thăm khám, các chuyên viên cho biết bé cần trị liệu bởi chậm nhận thức cả tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ.
Do phụ huynh kỳ vọng quá lớn, ép trẻ học tiếng Anh từ sớm và không đúng cách. Khó khăn lớn nhất khi điều trị là bé chỉ thích nói tiếng Anh, với các từ rời rạc, câu tự phát. Nhưng khi hỏi bằng tiếng Anh thì bé không đối đáp được. Đó chỉ là một trong số rất nhiều trẻ có vấn đề về ngôn ngữ khi tìm đến trung tâm.
Theo cô Diễm, nhiều phụ huynh ép con học tiếng Anh hơn cả tiếng Việt ngay từ lúc chưa đến trường hoặc để trẻ sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng lên mạng học ngoại ngữ cả ngày mà không có sự hướng dẫn, tương tác, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của các bé. Với nhiều bé khả năng ngoại ngữ chỉ là “chụp hình” chứ không hiểu được vấn đề, sự vật và hiện tượng. Học và nói tiếng Anh tự phát kiểu "cây nhà lá vườn"… Vì thế, bé cũng không có khả năng giao tiếp.
Từng tư vấn cho gia đình có mẹ là người Việt, bố người Nhật, gia đình họ sử dụng cả tiếng Anh trong giao tiếp thường ngày. Khi đứa con của họ đã gần 3 tuổi mà vẫn chưa biết nói khiến cặp vợ chồng trẻ lo lắng. Cô Ngô Thị Hiên khuyên nên để trẻ giao tiếp được bằng tiếng Việt trước khi tiếp cận ngôn ngữ khác, trong đó có ngôn ngữ của bố là tiếng Nhật.
Nên sớm khắc phục rối loạn ngôn ngữ
Nhiều bậc phụ huynh chủ quan và quan niệm trẻ lên 3 ắt biết nói nên coi nhẹ việc rối loạn ngôn ngữ của trẻ.
Theo Thạc sỹ Lã Linh Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học – Giáo dục thì quan niệm trên là hết sức sai lầm.
Học kết hợp với chơi là một giải pháp tốt cho trẻ bị rối loạn ngôn ngữ. |
Thạc sỹ Nga chia sẻ: “Khả năng phục hồi chức năng đối với trẻ can thiệp sớm dưới 6 tuổi bị rối loạn ngữ âm sẽ đơn giản hơn các trẻ bị các khuyết tật khác ảnh hưởng đến ngôn ngữ. Hầu hết, các trẻ bị rối loạn ngôn ngữ, sau khi được luyện tập tại trung tâm từ 8 tháng đến 2 năm thì các em có thể trở về học tại các trường mầm non bình thường.
Tuy nhiên, bên cạnh một số phụ huynh luôn theo sát con, ngồi và học cùng con thì vẫn còn không ít phụ huynh không chấp nhận con mình có những khó khăn liên quan đến ngôn ngữ và từ chối tham gia một số dự án cho trẻ khuyết tật, thậm chí giấu không cho mọi người biết về những khiếm khuyết của con mình.
Một số phụ huynh khác vẫn chưa nhận thức đúng những khó khăn của trẻ về diễn đạt ngôn ngữ, ảnh hưởng đến sự phát triển của con mình sau này. Vì thế, trung tâm luôn giới thiệu cho phụ huynh tham gia các Hội Cha mẹ tự kỷ, Hội Khuyết tật, những trang website tin cậy hoặc tìm nguồn hỗ trợ kinh phí tổ chức tập huấn để nâng cao nhận thức cho phụ huynh.
Đồng thời tuyên truyền vận động các bà mẹ nên đi khám sàng lọc sau sinh ở bệnh viện để được phát hiện và có biện pháp can thiệp sớm. Để phòng bệnh rối loạn ngôn ngữ ở trẻ, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng giúp bố mẹ hiểu rõ bệnh này không nên mặc cảm, tự ti và đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị sớm”.
Trẻ có vấn đề về ngôn ngữ nên để giáo viên hướng dẫn làm các bài trắc nghiệm. |
Thạc sỹ Nga cho biết thêm: Trẻ vẫn có thể tiếp xúc ngoại ngữ từ sớm nhưng nên khống chế thời lượng, có giao tiếp và kiểm soát của người lớn. Trẻ có vấn đề về ngôn ngữ nên để giáo viên hướng dẫn làm các bài trắc nghiệm để kiểm tra vốn từ, phản xạ. Nếu bị loạn ngữ mà không được điều trị, trẻ khó hòa đồng khi đi học, sau đó kéo theo các hệ lụy tâm lý như cáu gắt, bạo lực.
Từ năm 2005, khi việc học tiếng Anh còn chưa thịnh hành như hiện nay, Thạc sỹ Nga đã tiếp nhận trường hợp trẻ loạn ngữ do sinh ra trong môi trường có cha mẹ sử dụng hai thứ tiếng khác nhau. Trong giai đoạn 2010-2014, số lượng học sinh khám tại trung tâm tăng gấp đôi.
Từ năm 2014 đến nay, nhiều trung tâm, bệnh viện mở dịch vụ khám tâm lý, ngôn ngữ, vì nhu cầu của phụ huynh tăng. Điều này được lý giải là khoảng 5 năm nay, smartphone, iPad trở nên thông dụng.
Nhiều cha mẹ muốn con học ngoại ngữ sớm nhưng lại sai cách, trong đó có việc tự xem video trên mạng. Khi trẻ nói tiếng Anh nhờ xem từ các công cụ này, cha mẹ cứ tưởng con mình là “thần đồng”, nhưng đó chỉ là "vỏ ngôn ngữ". Như vậy, bố mẹ vô tình làm cho trẻ “trượt” qua các ô rối loạn mà không hay biết.
Sau 15 tháng tuổi, cha mẹ có thể theo dõi việc con phản xạ với lời nói. Đến 2 tuổi, nếu thấy con tiếp xúc mắt với mắt, tương tác ngôn ngữ, cử chỉ chậm, phụ huynh có thể đưa đi khám ngay. Trẻ có thể bị rối loạn đơn thuần hoặc rối loạn lẫn tự kỷ… Bố mẹ chứ không phải điện thoại, máy tính hay Youtube mới là người thầy tốt nhất của trẻ.
Dù biết hay không biết ngoại ngữ, bố mẹ nên là người thầy đầu tiên và tốt nhất để cho trẻ tiếp xúc với ngôn ngữ cũng như dạy trẻ mọi kiến thức và kỹ năng khác trong cuộc sống. Bố mẹ là người chọn ra phương pháp và công cụ cho trẻ. Quan trọng hơn, sự đồng hành, kiểm soát, hỗ trợ và động viên từ cha mẹ mới đem lại hiệu quả cao nhất cho con.