Phế phẩm thành bột ngọt, cà phê, bánh kẹo…

12:37 11/02/2015
Càng gần Tết Nguyên đán Ất Mùi, các cơ quan chức năng tại TP Hồ Chí Minh càng phanh phui nhiều vụ sản xuất, buôn bán hàng hóa trái phép, không bảo đảm an toàn thực phẩm quy mô lớn. Việc làm này góp phần hạn chế các loại thực phẩm, bánh kẹo… kém chất lượng được lưu thông trên thị trường. Tuy vậy, tình hình thực tế có vẻ vẫn chưa được như mong muốn của các cơ quan chức năng, các nhà quản lý…

Theo Thượng tá Nguyễn Duy Linh - Phó Trưởng phòng Phòng 5, Cục Cảnh sát môi trường - Bộ Công an (phía Nam - C49B) cho biết, khoảng 8h45 sáng 3/2, tổ công tác của Phòng 5 phối hợp với Đội Quản lý thị trường (QLTT) quận Thủ Đức, đại diện Công an phường Tam Bình, quận Thủ Đức, đã trinh sát và phát hiện xe ôtô tải biển số 54S-7849 do tài xế Nguyễn Minh Cảnh điều khiển vận chuyển 3 tấn bột ngọt phế phẩm từ Công ty TNHH Sài Gòn Ve Wong (địa chỉ số 1707 quốc lộ 1A, phường An Phú Đông, quận 12, TP Hồ Chí Minh) về đến cửa hàng của cơ sở Lệ Hằng tại địa chỉ 662 Tô Ngọc Vân, phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.

Tổ công tác đã ngay lập tức bắt quả tang và tiến hành lập biên bản ghi nhận vụ việc. Theo hợp đồng mua bán phế phẩm ngày 30/1 giữa cơ sở Lệ Hằng và Công ty TNHH Sài Gòn Ve Wong thì cơ sở này mua tổng số lượng gần 69 tấn bột ngọt phế phẩm (gồm 3 loại) với tổng giá trị hợp đồng là hơn 517 triệu đồng.

Ghi nhận thực tế tại cơ sở 662 Tô Ngọc Vân, có thể thấy cơ sở này đang lưu giữ tổng cộng 365 bao bột ngọt (trong đó có 253 bao có đóng dấu hàng phế phẩm, số còn lại không đóng dấu). Tại đây, lúc tổ công tác ập vào thì một máy xay để xay nhuyễn bột ngọt đóng cục vẫn đang hoạt động. Theo bà Lê Thị Lệ Hằng (32 tuổi, chủ hộ kinh doanh) cho biết, bột ngọt sau khi đưa về đây được đổ ra, xay nhỏ và cho vào các bao chứa loại lớn.

Lực lượng chức năng làm việc với chủ cơ sở Lệ Hằng.

Hằng ngày, cơ sở xay được khoảng 40 bao bột ngọt, mỗi bao khoảng 25kg. Tuy nhiên, chủ cơ sở cũng cho biết, toàn bộ số bột ngọt đưa về đây trong thời gian qua chỉ bán cho những cơ sở chế biến thức ăn gia súc, chứ không phải bán cho những cơ sở chế biến thức ăn cho người. Song người này lại không đưa được hóa đơn, chứng từ chứng minh việc này.

Theo tổ công tác khẳng định, đối chiếu với Giấy phép đăng ký kinh doanh số 4108027415 thì cửa hàng của bà Lệ Hằng chỉ được phép mua bán bách hóa tổng hợp, chứ hoàn toàn không được phép mua bán xử lý, tái chế thực phẩm quá hạn sử dụng. Vì thế, tổ công tác sẽ xác minh làm rõ nội dung vụ việc có liên quan đến hoạt động mua bán, chuyển mục đích sử dụng bột ngọt hết hạn. Đội Quản lý thị trường quận Thủ Đức sẽ ra quyết định kiểm tra về hàng hóa và hóa đơn chứng từ có liên quan đến hàng hóa vi phạm hoạt động kinh doanh nói trên để xử lý theo qui định pháp luật.

Sản phẩm cà phê "nổi tiếng" của cơ sở Trần Văn Vĩnh chủ yếu là hạt bắp và đậu nành được tẩm ướp hóa chất, phụ gia.

Trước đó, khoảng 13h30 ngày 29/1, Phòng 4 - Cục C49B phối hợp với các đơn vị chức năng đã bất ngờ ập vào kiểm tra cơ sở rang xay cà phê tại ấp 3, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, do ông Trần Văn Vĩnh làm chủ, phát hiện nhiều sai phạm về sản xuất kinh doanh chế biến thực phẩm.

Tại thời điểm kiểm tra, ba lò rang cà phê với sáu công nhân vẫn còn đang hoạt động. Tuy nhiên, sản phẩm từ các lò sau khi rang không phải là hạt cà phê, mà chủ yếu là hạt bắp và đậu nành được tẩm ướp nhiều loại hóa chất, phụ gia. Đúng theo khai nhận của chủ lò Trần Văn Vĩnh, cà phê thành phẩm được chế biến từ 8 loại phụ gia và hóa chất. Trong đó, cà phê chỉ chiếm một lượng nhỏ, còn lại chủ yếu là bắp, đậu nành rang cháy và phụ gia, hóa chất.

Các loại hóa chất, phụ gia để chế biến cà phê của cơ sở Trần Văn Vĩnh.

Trong khu vực nhà xưởng có hàng trăm bao đậu nành và các loại hóa chất không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ cùng với các loại dụng cụ sản xuất bẩn thỉu. Kiểm tra khu vực làm việc, các trinh sát còn phát hiện ba thùng bao bì với nhiều thương hiệu và địa chỉ khác nhau.

Tại thời điểm lực lượng chức năng đang kiểm tra thì có hai xe ôtô tải nhỏ chở các loại hóa chất đến giao hàng. Theo lái xe cho biết, số hàng trên được một chủ cửa hàng tại chợ Kim Biên, quận 5 cung cấp thường xuyên. Theo chủ cơ sở và các công nhân làm việc tại đây, trung bình một ngày cơ sở này cung ứng ra thị trường trên dưới 2 tấn cà phê đã qua chế biến.

Các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ về cơ sở pháp lý, nguồn gốc và các loại nguyên liệu, phụ liệu, nhất là tính chất nguy hại của các loại cà phê bẩn này. Đặc biệt làm rõ việc cơ sở này không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cũng trong ngày 29/1, Phòng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP Hồ Chí Minh và Công an quận 6 đã phát hiện Huỳnh Ngọc Oai, ngụ đường Bà Hom, quận 6 đang bốc 5 bao bột ngọt nghi là hàng giả lên xe máy để đi tiêu thụ. Kiểm tra nhà Oai, lực lượng kiểm tra thu giữ 1.072 bao bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto, trọng lượng 1.052,5kg  và 580,5kg (402 gói) hạt nêm giả nhãn hiệu Knorr.

Kiên quyết xử lý, đảm bảo cho người dân đón một cái Tết an toàn, tiết kiệm

Ngày 28/1, Phòng 4, Cục Cảnh sát môi trường C49B kết hợp với Đội QLTT huyện Bình Chánh kiểm tra Công ty TNHH Thương mại Ngọc Long (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) và phát hiện cơ sở này đã dùng chocolate hết hạn sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất bánh kẹo trái phép, nhái các thương hiệu nổi tiếng. 

Ghi nhận vào thời điểm kiểm tra tại xưởng sản xuất của Công ty Ngọc Long, tổ công tác phát hiện có trên 10 công nhân đang vận hành dây chuyền sản xuất bánh kẹo với đầy đủ hệ thống máy móc từ khâu in bao bì, sản xuất, đóng gói...

Kiểm tra xưởng sản xuất của Công ty Ngọc Long, tổ công tác phát hiện một kho chứa nhiều loại bao bì nhái thương hiệu của các loại bánh kẹo nổi tiếng. Bên cạnh đó là hàng trăm thùng bánh kẹo thành phẩm không nhãn mác, không ghi xuất xứ, hạn sử dụng và một khối lượng lớn bánh kẹo đang trong quá trình sản xuất, đóng gói. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện tại xưởng đang lưu trữ một lượng lớn bột ca cao phế phẩm được xác định dùng để sản xuất bánh kẹo…

Trước đó, trinh sát Phòng 4 đã bí mật theo dõi, đeo bám chiếc ôtô 7 chỗ của Công ty TNHH quốc tế Sông Hồng (quận Gò Vấp) đang vận chuyển 18 thùng bột ca cao không có nhãn mác (có trọng lượng 500kg) giao cho Công ty Ngọc Long. Người giao hàng thừa nhận lô hàng bột ca cao là dạng phế phẩm được Công ty, Sông Hồng mua từ các cơ sở phế liệu ở Bến Cát (Bình Dương) để bán cho nhiều cơ sở sản xuất bánh kẹo, trong đó có Công ty Ngọc Long.

Một cán bộ điều tra C49B cho hay: "Ngoài các sai phạm về sản xuất bánh kẹo từ hương liệu phế phẩm, sản phẩm không rõ nhãn mác, không có xuất xứ, không hạn sử dụng thì giấy chứng nhận vệ sinh thực phẩm của sản phẩm được sản xuất của Công ty Ngọc Long cũng hết hạn ba năm"…

Về thực phẩm tươi sống, ngày 27/1, Đội QLTT 1A Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh phát hiện lượng lớn trái cây nhập khẩu, nước ép không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ khi kiểm tra kho chứa hàng của Công ty TNHH Vườn Hạnh Phúc Đà Lạt (Happy Farm Dalat) tại khu vực chợ đầu mối Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Cụ thể, tại kho hàng lạnh chứa trữ gần 600 thùng trái lê, nho có dấu hiệu hư hỏng, biến đổi màu, mốc. Số lượng lê, nho không đảm bảo chất lượng ước tính gần 5 tấn.

Tương tự, tại đây có khoảng 1.000 bao tải chứa 20 tấn củ hành bắt đầu lên mầm. Toàn bộ số hàng này được đại diện công ty khai nhận nhập khẩu từ Hàn Quốc, do tiêu thụ không hết nhưng công ty chưa kịp tiêu hủy. Theo quan sát, phần lớn lượng hàng hóa bị phát hiện không đảm bảo an toàn. Những chùm nho, lê đựng trong thùng carton có dấu hiệu bốc mùi. Lượng hàng hư hại này được để chung kho với hàng loạt sản phẩm củ quả khác.

Đặc biệt, kho hàng tại đây chứa trữ thêm gần 25.000 gói (tương đương 2,8 tấn) nước ép trái lê loại 110ml/gói, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trên bao bì mỗi gói được in bằng tiếng Hàn Quốc khá bắt mắt nhưng không có thông tin chất lượng hàng hóa, ngày sản xuất, hạn sử dụng. Khi mở ra, những gói nước ép bốc mùi hôi, vị lạ... Tại thời điểm kiểm tra, phía Công ty Happy Farm Dalat không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số hàng trên.

Đại diện QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết, số nước ép này được nhân viên công ty khai nhận sản xuất trong nước chứ không phải nhập khẩu từ Hàn Quốc, sản phẩm chỉ đem tặng chứ không bán. Sự việc vẫn đang được xác minh làm rõ, tuy nhiên, nếu các loại sản phẩm này được đem ra thị trường tiêu thụ sẽ có thể gây nguy hại cho người sử dụng…

Theo một thống kê thì chỉ tính riêng tuần cuối của tháng 1/2015, Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra 37 vụ sản xuất, buôn bán 82.519 đơn vị sản phẩm và 61.935kg thực phẩm các loại, trong đó 45 chai rượu ngoại không dán tem nhập khẩu, 1.797 chai sữa nước Ensure, 2.862 lon nước tăng lực Redbull, 24.984 gói nước ép trái lê, 105kg kẹo Trung Quốc, 200kg hạt hướng dương sấy khô, 17kg mứt trái cây không rõ nguồn gốc, kém chất lượng  và 61 tấn mứt, trà sâm, giò chả, chả chiên, chạo thịt, táo, cam, quýt, nho là hàng Trung Quốc, không nhãn mác và hết hạn sử dụng…

Có thể thấy, những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Mùi, liên tiếp hàng loạt vụ vi phạm về hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm được các cơ quan chức năng phát hiện đã cho thấy tình trạng này vẫn đang ở mức báo động. Vì thế, việc các ngành chức năng, lực lượng liên ngành đồng loạt ra quân, kiên quyết đấu tranh với việc gian lận thương mại, kinh doanh, gia công các mặt hàng giả, hàng kém chất lượng đã thể hiện rõ quyết tâm, nỗ lực trong việc đảm bảo cho người dân, người tiêu dùng đón một cái Tết an toàn, tiết kiệm.

Phú Lữ

Sau một thời gian Ngân hàng Nhà nước (NHNN) "ghìm cương" được giá vàng, đưa chênh lệch giá nội - ngoại về 3 - 5 triệu đồng, thị trường tài chính lại chứng kiến cảnh giá vàng trong nước tăng nhanh hơn giá vàng thế giới, giống như con ngựa bất kham trở lại. Hiện, giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới hơn 16 triệu đồng/lượng.

Thủ tướng Romania Marcel Ciolacu hôm 5/5 (giờ địa phương) đã từ chức và giải tán liên minh cầm quyền ủng hộ EU, sau khi lãnh đạo phe đối lập cực hữu giành chiến thắng trong vòng đầu tiên cuộc bầu cử Tổng thống nước này.

Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền rầm rộ trào lưu sử dụng nước cốt chanh như một “thần dược” có khả năng chữa bách bệnh  - từ cảm cúm, viêm họng, đau dạ dày đến cả... ung thư. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo, việc lạm dụng nước cốt chanh một cách thiếu khoa học không những không mang lại lợi ích sức khỏe như lời đồn mà còn có thể gây hại nghiêm trọng cho cơ thể.

Hôm 4/5 (giờ địa phương), New Delhi đã bắt đầu chuyển hướng dòng sông Ấn ở thượng nguồn, ngăn nước chảy sang Pakistan. Đáp lại, phía Islamabad đã phóng thử tên lửa đất đối đất với tầm bắn 120km, đánh dấu vụ thử tên lửa thứ 2 trong bối cảnh căng thẳng giữa nước này với Ấn Độ tăng cao. Những bước đi trên đang đẩy căng thẳng hai bên vào một vòng xoáy mới, kéo theo sự quan ngại đặc biệt từ cộng đồng quốc tế, trong đó có cả những lời kêu gọi hòa giải từ các cường quốc và tổ chức toàn cầu.

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa có báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội về kểt quả triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, các vấn đề đã hứa tại kỳ họp trước liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Qua khảo sát của Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp TP Huế về nhu cầu nhà ở đối với công nhân lao động tại 4 doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp Phong Điền cho thấy, 47% công nhân lao động có nhu cầu mua nhà ở giá thấp, 20% có nhu cầu thuê nhà trọ. Với khối Công an, Quân đội, cán bộ, công chức dưới 35 tuổi nhu cầu này cũng khá cao…

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 5/5 (giờ địa phương) tuyên bố sẽ thực hiện một cuộc tấn công mở rộng "mạnh mẽ" nhằm chống lại Hamas, sau khi nội các an ninh chấp thuận các kế hoạch có thể bao gồm việc chiếm Dải Gaza và kiểm soát viện trợ.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hôm qua (5/5), khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ, từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt. Nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 39 độ như: Phù Yên (Sơn La) 39.5 độ, Mai Châu (Hòa Bình) 39.1 độ, Quỳ Hợp (Nghệ An) 39.2 độ… Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-60%.

Tối 5/5, theo nguồn tin riêng của phóng viên, các đơn vị nghiệp vụ Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp Công an xã Đông Thạnh và các đơn vị liên quan đã bắt giữ được hai đối tượng gây ra vụ cướp tiệm vàng trên đường Đặng Thúc Vịnh, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn.

Thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hà Nội cho biết, đêm 28/4, Đội QLTT 17, Chi cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội, phối hợp Đội 7 - Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP. Hà Nội, tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh do ông Nguyễn Đình Chiểu làm chủ có địa chỉ tại đường Hòa Bình, thôn Bái Đô, xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.