Bắt tội phạm truy nã ở “thành phố công nghiệp”
Đội Cảnh sát truy nã tội phạm Công an TP. Biên Hòa được thành lập từ tháng 12 năm 2011. Những ngày đầu thành lập, tuy quân số của đội còn thiếu, nhưng đặc thù địa bàn có nhiều khu công nghiệp, nhà máy, công xưởng, dân nhập cư không ngừng gia tăng mỗi năm nên TP. Biên Hòa có số lượng đối tượng truy nã nhiều, phần lớn là đối tượng lẩn trốn lâu năm ở các vùng sâu vùng xa, các tỉnh miền núi, Tây Nguyên.
Một số đối tượng trốn ra nước ngoài để tạo được vỏ bọc kỹ, luôn tìm cách trốn tránh sự truy tìm của cơ quan công an. Nhưng với quyết tâm cao nhất, từ năm 2013 đến nay, Đội Cảnh sát truy nã tội phạm Công an TP. Biên Hòa đã truy bắt, vận động đầu thú 242 đối tượng có lệnh truy nã.
Bản thân Trung tá Nguyễn Xuân Trường đã trực tiếp bắt, chỉ huy truy bắt và phối hợp bắt 202 đối tượng truy nã, trong đó có nhiều đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.
CBCS Đội Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an TP Biên Hòa trong một lần tham gia thi nấu ăn. |
Điển hình là vào tháng 3 năm 2013, Trung tá Trường đã tham gia truy bắt đối tượng đặc biệt nguy hiểm Tống Văn Dư trong một chuyên án của Tổng cục Cảnh sát và được Bộ Công an khen thưởng đột xuất. Vụ thứ 2 vào tháng 6 năm 2014 trong một ngày đã “hốt một mẻ” 4 đối tượng truy nã.
Theo đó, ngày 2/6/2014, Công an TP. Biên Hòa phối hợp với Công an huyện Phù Ninh (Phú Thọ) tổ chức truy bắt đối tượng Nguyễn Văn Cường (29 tuổi tại Phù Ninh, Phú Thọ) với tội trộm cắp tài sản.
Trong quá trình xác minh về Cường, cơ quan điều tra còn phát hiện Nguyễn Văn Việt (27 tuổi, Phù Ninh, Phú Thọ) là em trai của Cường đang bị cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội truy nã đặc biệt về tội giết người.
Nhận định khả năng 2 đối tượng có thể đang cùng cư ngụ tại TP. Biên Hòa, Công an TP. Biên Hòa đã chỉ đạo Đội Cảnh sát truy nã tội phạm vào cuộc. Toàn bộ anh em trong đội truy nã đã tổ chức rà soát, xác minh, khoanh vùng.
Trời Biên Hòa tháng 6 có những trận mưa rất to, anh em trinh sát không quản khó nhọc, truy tìm tất cả các ngõ ngách, con đường, khu nhà trọ lần ra manh mối.
Đến 16h45 phút ngày 3/6/2014, trinh sát phát hiện Nguyễn Văn Cường đang có mặt tại một phòng trọ thuộc KP. 6, phường Trung Dũng (TP. Biên Hòa) cùng với 3 thanh niên khác. Nhận định rất có thể 3 thanh niên trên sẽ có cả đối tượng Việt nên tổ công tác hết sức cẩn trọng, tránh “bứt dây động rừng”.
Mặt khác, việc tiếp cận phải bí mật, bất ngờ có yếu tố nghi binh để đối tượng không kịp trở tay. Khi ập vào khống chế Nguyễn Văn Cường, tổ công tác đã rất khéo léo kiểm tra hành chính 3 thanh niên, lần lượt là Hoàng Mạnh Dũng, Trần Hữu Nghĩa và Thi. Cả ba đều có hộ khẩu thường trú tại huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
Qua đấu tranh khai thác, buộc đối tượng Thi phải thừa nhận mình chính là Nguyễn Văn Việt, đang mang lệnh truy nã của Công an TP. Hà Nội. Dũng, Nghĩa thì đang có lệnh bắt khẩn cấp của Công an huyện Phù Ninh.
Đối tượng truy nã Nguyễn Trung Hiếu dù thay hình đổi dạng vẫn “sa lưới”. |
Thông tin ban đầu cho thấy, các đối tượng Cường, Nghĩa, Dũng và một số đối tượng khác đã gây ra hàng loạt vụ trộm cắp xe máy, tiêu thụ xe gian tại tỉnh Phú Thọ.
Sau khi biết đang bị Công an Phú Thọ truy tìm, 3 đối tượng đã bỏ trốn vào các tỉnh phía Nam ẩn náu. Riêng Việt bị Công an TP. Hà Nội truy nã từ năm 2013, đã lẩn trốn sang Trung Quốc rồi quay về Lào Cai, sau đó chạy vào TP. Hồ Chí Minh móc nối với anh trai Nguyễn Văn Cường đến TP. Biên Hòa được 7 ngày thì bị phát hiện.
Trung tá Nguyễn Xuân Trường kể, để tóm gọn cả 4 đối tượng truy nã và lệnh bắt khẩn cấp trong vòng một ngày, anh em đã mai phục nhiều giờ dưới trời mưa, thậm chí quên cả việc ăn uống. Khi phía trước mặt là tội phạm và khoảng cách “cất lưới” rất gần thì cái đói và sự mệt mỏi dường như không tồn tại.
Xuất thân từ lính hình sự, được rèn luyện qua nhiều trận tuyến, khi chuyển sang lĩnh vực công tác truy nã, Trung tá Nguyễn Xuân Trường đã hòa vào guồng quay một cách thuận lợi.
Theo anh, để có được những thành tích đáng tự hào như hiện nay là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, tạo điều kiện hết sức của lãnh đạo Công an Thành phố.
Ngoài ra, mỗi người lính truy nã phải có tình yêu và niềm đam mê vô điều kiện với nghề nghiệp. Họ dấn thân và cam chịu tất cả hiểm nguy, rủi ro, những bất an từ gia đình, người thân. Trung tá Nguyễn Xuân Trường chia sẻ: “Nhiệm vụ không phải lúc nào cũng kể với vợ con. Nhiều khi đi đêm về hôm, bất thường lắm nhưng không thể giải thích được”.
Với tội phạm, người lính làm công tác truy nã cần sự tỉnh táo, bản lĩnh, trong đó có cả linh cảm nghề nghiệp. Trung tá Nguyễn Xuân Trường kể, có lần anh đang ngồi uống cà phê thì thấy một người đàn ông cao lớn, tóc dài, trên mình xăm trổ vằn vện.
Anh đoán có thể người này nằm trong một băng nhóm giang hồ nào đó. Anh liền lấy điện thoại chụp một tấm hình. Ít ngày sau, Công an tỉnh Đắk Nông đã tới Biên Hòa đề nghị phối hợp giúp đỡ truy bắt Nguyễn Trung Hiếu (trú tại thôn Tân Bình, xã Đắk RMoan, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông), bị truy nã về tội giết người.
Theo hồ sơ, Hiếu là đối tượng đặc biệt nguy hiểm đã từng có hai tiền án về tội trộm cắp. Trong quá trình trốn truy nã, đối tượng có hành tung bí ẩn, thường xuyên có sự thay đổi về chỗ ở, cũng như hình dáng bên ngoài. Ngoài những hình xăm trên hai bả vai, cánh tay và ngực, Hiếu còn có hình xăm con rồng rất lớn vắt ngang giữa đỉnh đầu.
Hiếu có nhiều mối quan hệ với giới giang hồ, bảo kê, đòi nợ thuê ở Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh... nên quá trình truy bắt gặp nhiều khó khăn. Sau khi nghe thông tin về đối tượng truy nã, Trung tá Nguyễn Xuân Trường nghĩ ngay đến người mà anh đã gặp tại quán nước hôm trước và có chụp hình lại.
Anh đưa hình ra cho các cán bộ truy nã của tỉnh Đắk Nông xem thì họ nói không phải, vì người trong ảnh tóc dài chấm vai, râu ria xồm xoàm và rất mập, hoàn toàn không giống đối tượng truy nã Nguyễn Trung Hiếu.
Việc xác minh, truy tìm Nguyễn Trung Hiếu rất khó khăn. 3 tuần sau, Công an Đắk Nông cung cấp thông tin Nguyễn Trung Hiếu hiện đang trốn tại khu vực chợ Cá.
Trung tá Trường lần nữa nghĩ đến người anh chụp ảnh. Có thể qua hai năm, đối tượng đã tăng cân và để râu tóc dài nên khó nhận dạng. Tổ truy bắt mai phục tại chợ Cá một ngày không thấy Hiếu xuất hiện.
Ngày hôm sau, Hiếu lững thững đi ra ngoài mua đồ. Soi tấm ảnh Trung tá Trường chụp và nhận ra con người hiện tại của Hiếu không có gì thay đổi, tổ công tác lao vào quật ngã khiến Hiếu bất ngờ không thể trở tay.
Dấu hiệu đầu tiên xác định Nguyễn Trung Hiếu chính là hình xăm con rồng phủ ngang đầu đã được y nuôi tóc dài che giấu suốt 2 năm lẩn trốn.
Các đối tượng truy nã bị bắt. |
Trong hàng trăm lần bắt tội phạm truy nã là hàng trăm đối tượng với những tình huống khác nhau đòi hỏi người lính trinh sát phải khéo léo, tỉnh táo xử lý. Vụ bắt đối tượng truy nã Đặng Công Tâm đã thể hiện điều đó.
Đặng Công Tâm (63 tuổi tại Quảng Ngãi) vào Biên Hòa sinh sống rồi tổ chức đánh bạc. Sau khi bị bắt, tòa tuyên án 9 tháng tù nhưng Tâm đã trốn thi hành án buộc cơ quan CSĐT Công an TP. Biên Hòa ra quyết định truy nã.
Đội Cảnh sát truy nã phối hợp với các phòng nghiệp vụ của công an tỉnh mở nhiều đợt xác minh, truy bắt nhưng chưa có kết quả. Với quyết tâm phải bắt bằng được Đặng Công Tâm, không để đối tượng tung hoành ngoài xã hội, Đội truy nã đã kiên trì điều tra, dò hỏi thông tin khắp nơi.
Cuối cùng, phát hiện Đặng Công Tâm đang ẩn mình tại một tịnh xá ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai). Sau 6 năm lẩn trốn, Đặng Công Tâm đã có thời gian để thay tên đổi họ, xây dựng cho mình một vỏ bọc an toàn trong vai người tu hành.
Việc bắt đối tượng Tâm không hề phức tạp, nhưng lại rất khó khăn bởi y đang lấy danh nhà tu. Tổ công tác đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng về lịch sinh hoạt của Đặng Công Tâm, đồng thời phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ để việc bắt đối tượng truy nã đảm bảo yêu cầu nghiệp vụ, chính trị và pháp luật.
Với áp lực khối lượng công việc phải đảm bảo ở địa bàn trọng điểm, giải quyết hạn chế đến mức thấp nhất “đầu vào” và tích cực bắt, vận động đầu thú để nâng cao hiệu quả “đầu ra”, giảm số đối tượng truy nã, trong năm 2017 và những tháng đầu 2018, Đội Cảnh sát truy nã tội phạm Công an TP. Biên Hòa đã kéo giảm số đối tượng truy nã lẩn trốn đến mức thấp nhất.
Từ lâu, họ đã trở hành “khắc tinh” của tội phạm truy nã, vùng đất Biên Hòa không còn là nơi ẩn mình an toàn của đối tượng truy nã.